Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Phúc và Khốn | NVT

Chúa Nhật VI Thường Niên C

PHÚC VÀ KHỐN

Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật. Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.

“Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”. (Lc 6, 17. 20-26)

__________________

SUY NIỆM

PHÚC VÀ KHỐN

+ 1. PHÚC

“Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.

Có tinh thần nghèo khó mới có thể “cho đi” được. Chỉ lo thu vén, tom góp, tích trữ… chỉ lo làm giàu… thì làm sao cho đi được.

“Cho đi” đâu chỉ là vật chất, còn phải biết cho đi nhiều thứ trong lãnh vực tinh thần nữa… “vui với người vui, khóc với kẻ u sầu”… Biết cảm thông sự “nghèo nàn tinh thần”  của anh em, sự lầm lỗi, sự thiếu sót của người khác, thì mới tha thứ, yêu thương tha nhân được.

Đó là sự “giàu có tinh thần” của chúng ta, sự giàu có theo tinh thần Tin Mừng, sự giàu có theo Tinh Thần của Thiên Chúa. Đó là “Phúc” chân chính và là sự giàu có Nước Trời ngay khi chúng ta còn đang tại thế.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán thì các con khỏi bị xét đoán; đừng kết án thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho thì sẽ cho lại các con: Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong bằng đấu nào, thì cũng được đong trả lại bằng đấu ấy!” (Lc 6, 36-38)

Đó là “Phúc” của con người mới từ sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô. “Phúc nhờ mặc lấy con người mới” với phẩm giá nguyên tuyền được phục hồi nhờ cùng Sống Lại với Đức Đức Ki-tô.

+ 2. KHỐN

“Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”.

Chủ nghĩa “hưởng thụ” tràn lan. Sống với cách sống đó thì chỉ biết thỏa mãn cái vui nhất thời cho riêng mình ngay trước mắt, bất cần biết tới ai và cũng bất cần ngày mai.

Bài học về “Nhà phú hộ và người hành khất La-da-rô là một minh chứng.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các Thiên Thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng:

‘Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này’. Abraham nói lại: ‘Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được’. (Lc 16, 19-31).

Cái “Khốn” ấy đến từ cái “ngốc”, “ngốc” vì không hiểu được “giá trị đích thực” của cuộc đời.

16 Ngài nói cùng họ một ví dụ, rằng: “Có ngươì phú hộ, ruộng nương được mùa, 17 nên suy tính với mình rằng: Ta phải làm gì? vì ta không còn chỗ nào mà tích trữ hoa màu nữa. 18 Ðoạn người ầy nói: Ta sẽ làm thế này: Phá quách các lẫm đi, mà xây dựng lẫm lớn hơn, rồi chất cả lúa má, và của cải vào đó, 19 rồi ta sẽ nhủ hồn ta: Hồn ơi! mầy có chán của cải, sẵn đó cho nhiều năm; nghỉ đi! ăn uống đi! hưởng đi! 20 Nhưng Thiên Chúa bảo nó: Ðồ ngốc! ngay đêm nay, người ta sẽ đòi ngươi trả lại hồn ngươi, mọi điều ngươi đã soạn kia sẽ về tay ai? 21 Như thế đó, kẻ lo chất kho cho mình, mà không biết làm giàu nơi Thiên Chúa”.  (Lc.12,16-21 – Bản dịch Lm. Nguyễn Thế Thuấn)

+ 3. PHÚC và KHỐN trong Thế Giới Hôm nay

– PHÚC

Nhìn vào chữ “Phúc” ta đọc thấy được bao nhiêu niềm vui :

Phúc Lộc, Phúc Hạnh, Phúc Đức, Phúc Ân, Phúc Hậu…

Thế Giới ngày này có bao điều “Phúc” ! Thế Giới ngày nay giàu có hơn, sang trọng hơn, tiện nghi hơn, sống Thọ hơn, y khoa tiến bộ hơn, người xinh đẹp hơn, tin tức nhanh hơn, phương tiện di chuyển nhanh hơn, con người liên lạc mau chóng gần gũi nhau hơn, thực phẩm sức khỏe tốt hơn, nhiều thứ giải trí thư giãn độc đáo hơn…

Nói chung xem như rất nhiều thứ “Phúc” theo ước muốn con người.

– KHỐN

Nhìn vào chữ “Khốn” ta đọc thấy bao nhiêu đau khổ :

Khốn Nạn, Khốn Cùng, Khốn Nguy, Khốn Đốn, Khốn Khó, Khốn Khổ, Khốn Quẫn, Khốn Kiếp…

Thế Giới ngày nay có bao điều “Khốn” ! Thế Giới ngày nay ích kỷ hơn, phô trương hơn, lòe loẹt bề ngoài hơn, nông cạn hơn, nhiều thứ bệnh hơn, thức ăn rườm rà và sinh bệnh nhiều hơn, vẻ đẹp dao kéo nhiều hơn, giả tạo hơn, chửi bới nhau nhanh hơn. Lên án nhau rầm rộ hơn, nhiều thứ giải trí nhãm nhí hơn, đạo đức suy đồi hơn, nghệ thuật tuột dốc hơn, bơm đạn nhiều hơn, vũ khí giết người hàng loạt chính xác hơn, nhanh hơn, bao trùm tang tóc rộng hơn, hủy diệt môi trường nhiều hơn, thiên tai có điều kiện xuất hiện thuận lợi hơn, con người quen với tội ác hơn. Lòng người lạnh lùng hơn. Thế giới nát vụn hơn. Cá lớn nuốt cá bé thoải mái mơn. Chiến tranh lan rộng hơn, tinh vi hơn. Những thế lực đen tối hùng mạnh hơn. Những thủ đoạn ma quỷ tràn ngập hơn…

Nói chung, xem ra chữ “Khốn” bành trướng hơn, ưu thế hơn, tương lai khó lường trước được ! Chúng cũng đến từ ý riêng con người !

Thuốc men, kỷ thuật y khoa công phu chạy chữa cứu được 1 người. Bom đạn trong nháy mắt giết chết con người hàng trăm hàng vạn…

– THẾ GIỚI THIẾU TÌNH THƯƠNG

Cán cân giữa PHÚC và KHỐN độ chênh lệch xem ra rất rõ !

Vì có những tư tưởng tin rằng con người có thể thay thế Thiên Chúa, cũng có nghĩa là muốn loại trừ Thiên Chúa.

Nhưng con ngưởi Chết chính vì Miếng Ăn. Trong khi đề cao Miếng Ăn, đi tìm Miếng Ăn, con người cấu xé, tranh giành miếng ăn, con người tự đi tìm Cái Chết !

Quyền lợi. Thụ hưởng. Ích kỷ…

Chiến tranh là gì ? Mầm móng độc ác trong thế giới là gì ?

– Vì con người mất dần Tình Thương. Một Thế Giới Thiếu Tình Thương.

“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49)

Tình thương giống như lửa, điều quan trọng là nó phải cháy. Và để được như vậy, nó cần phải thiêu đốt cái gì. Trước hết nó thiêu đốt cái tôi ích kỷ của ta; và nó thiêu đốt bởi vì, khi  mến yêu, ta hoàn toàn hướng về người khác: hoặc về Thiên Chúa, bằng cách chu toàn ý Người, hoặc về người bên cạnh, bằng cách giúp đỡ người đó. Một ngọn lửa cháy lên, cho dầu nhỏ bé, nếu được nuôi dưỡng, nó có thể trở thành một đám cháy lớn. Đó là đám cháy tình thương, hòa bình, là tình huynh đệ đại đồng mà Đức Giêsu đã đưa đến trần gian. (Chiara Lubich)

Lạy Chúa,
Xin thương xót chúng con là kẻ có tội !

“Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội” (Lc 18,13).

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button