Jer. Nguyễn Văn NộiSuy niệm

Từ “lắng nghe” đến “vâng nghe” Lời Chúa | Jer. Nguyễn Văn Nội

CHÚA NHẬT II  MÙA CHAY NĂM A (12/03/2017)
[St 12, 1-4a; 2 Tm 1,8b-10; Mt 17,1-9] 

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Tiếng Việt của chúng ta quả là rất phong phú. Bằng chứng là 2 từ “lắng nghe” và “vâng nghe” tuy cùng có từ NGHE nên nội dung rất gần nhau, nhưng lại rất khác nhau. Trong lãnh vực tôn giáo và tâm linh, nếu “vâng nghe” Lời Đức Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa, là việc quan trọng nhất đối với các Ki-tô hữu thì trong Mùa Chay việc ấy càng quan trọng hơn gấp triệu triệu lần, vì Mùa Chay là thời gian thuận lợi nhất cho việc “vâng nghe” Lời Chúa. Nhưng việc “vâng nghe” giả thiết việc “lắng nghe”, vì có “lằng nghe” Lời Chúa, các Ki-tô hữu mới biết Thiên Chúa muốn gì, chờ đợi gì, đòi hỏi gì ở mỗi người, mỗi cộng đoàn. Và có “lắng nghe” Lời Chúa, các Ki-tô hữu mới khám phá ra những cái được và cái chưa được trong cách sống đức tin của mình mà sửa đổi.

Có nhiều giáo dân không biết “lắng nghe” Lời Chúa, vì chẳng bao giờ họ mở Sách thánh ra đọc, thậm chí khi họ tham dự thánh lễ, họ cũng chẳng chú tâm đến việc “lắng nghe” các bài Thánh Kinh và bài giảng của linh mục chủ tế. Vì thế, thật khó cho những người này “vâng nghe” Lời Chúa.

Hôm nay Giáo Hội mời chúng ta hãy mở lòng, mở trí và mở tai để “lắng nghe” Lời Chúa trong ba bài Thánh Kinh và đáp lại bằng việc “vâng nghe” Lời Người. II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (St 12, 1-4a):
Thiên Chúa gọi ông Áp-ram, tổ phụ dân người.

1 Hồi ấy Đức Chúa phán với ông Áp-ram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất ta sẽ chỉ cho ngươi. 2 Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. 3 Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.” 4 Ông Ápram ra đi, như Đức Chúa đã phán với ông.

2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (2 Tm 1,8b-10):
Thiên Chúa kêu gọi và soi sáng chúng ta.

8 Anh yêu quý, dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo tin mừng. 9 Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của người. Ân sủng đó, người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Kitô Giêsu, 10 nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Kitô Giêsu đã xuất hiện. Chính đức Kitô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng tin mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử.

2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Mt 17,1-9):
Dung nhan Đức Chúa chói lọi như mặt trời.

transfiguration

1 Khi ấy Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. 2 Rồi người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan người chói lọi như mặt trời, và y phục người trở nên trắng tinh như ánh sáng. 3 Và bỗng các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người. 4 Bấy giờ ông Phêrô thưa với đức Giêsu rằng: “Lạy ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” 5 Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là con yêu dấu của ta, ta hài lòng về người. Các ngươi hãy vâng nghe lời người!” 6 Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. 7 Bấy giờ đức Giêsu lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ!” 8 Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giêsu mà thôi. 9 Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, đức Giêsu truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi con người từ cõi chết trỗi dậy.”

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Chúa là ai?)

Trong ba bài sách thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:

* Là Đức Chúa, Đấng đã chọn Áp-ram, một người dân du mục miền trung cận đông, làm tổ phụ dân riêng Chúa là Ít-ra-en. Áp-ram phải từ bỏ quê cha đất tổ mà tiến về một miền đất vô định. Có nghĩa là Áp-ram phải trở thành một con người bé mọn, nghèo hèn trước mặt Thiên Chúa, chỉ biết trông cậy và phó thác vào một mình Thiên Chúa mà thôi. Chỉ lúc ấy, một tương lai huy hoàng mới mở ra cho ông và dòng dõi ông: Chúa Cứu Thế sẽ xuất thân từ miêu duệ ông và Áp-ram được gọi là Cha các kẻ tin!

Chính Thiên Chúa Cha đã long trọng công bố từ đám mây về Chúa Giê-su: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”

* Là Đức Giê-su Na-da-rét, Con Thiên Chúa làm người, Đấng đã tỏ cho ba môn đệ thân tín nhất là Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê, thấy “dung nhan chói lọi như mặt trời” của Người. Người còn cho ba ông được chứng kiến sự xuất hiện của ông Mô-sê và ông Ê-li-a là hai nhân vật tượng trưng cho lề luật và ngôn sứ của cựu ước. Có nghĩa là cả cựu ước quy chiếu và dẫn đến Đức Giê-su.

3.2 Sứ điệp hay giáo huấn của lời Chúa (Chúa dậy gì hay Chúa muốn chúng ta làm gì?)

Qua ba bài sách thánh hôm nay, giáo huấn hay sứ điệp của lời Chúa gồm hai phần:

* Phần thứ nhất là chúng ta được Thiên Chúa mời gọi hãy nhìn nhận Đức Giê-su là “Con yêu dấu của Cha, là đấng làm đẹp lòng Cha mọi đàng.” Là con yêu dấu của Cha có nghĩa là từ Cha mà ra “được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha” như trong kinh tin kính. Là đấng làm đẹp lòng Cha mọi đàng có nghĩa là mọi chọn lựa (nhất là chọn lựa trở nên nghèo), cũng như mọi lời nói và việc làm của Đức Giêsu đều làm vui lòng Chúa Cha.

* Phần thứ hai là chúng ta được Thiên Chúa mời gọi hãy vâng nghe lời Đức Giê-su, tức chẳng những lắng nghe và đón nhận những giáo huấn, chỉ thị, mạc khải của Đức Giê-su mà còn có nghĩa là chúng ta noi gương bắt chước người trong mọi chọn lựa (nhất là chọn lựa trở nên nghèo) của Người, cũng như trong mọi lời nói và việc làm của Người. Nói cách khác là chúng ta được mời gọi nên giống Đức Giê-su Ki-tô.

III. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng quan phòng quyền năng và yêu thương đã chọn lựa Áp-ram làm tổ phụ dân người, làm cha kẻ tin, làm cội rễ của dòng dõi Đa-vít là dòng dõi  từ đó xuất hiện đấng Mê-si-a của muôn dân.

Sống với Thiên Chúa là Chúa Giê-su Ki-tô, đấng đã làm hài lòng Chúa Cha mọi đàng, nhất là bằng con đường thập giá cứu chuộc chúng sinh và mạc khải tình yêu của cha.

Sống với Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần, đấng luôn hiện diện và tác thành trong kế hoạch quan phòng kỳ diệu của Chúa Cha cũng như trong lời nói và việc làm của Đức Giê-su Na-da-rét, Con Một Thiên Chúa.

4.2 Thực thi  ý Chúa hay giáo huấn của Chúa

 * là nhìn nhận thiên tính của Đức Giê-su Ki-tô: Người là Con Một Thiên Chúa và là Thiên Chúa.

* là năng đọc Thánh kinh, nhất là Phúc âm, để nghe chính lời của Người mà đem áp dụng vào cuộc sống vì “không biết Thánh kinh là không biết Chúa Ki-tô”.

* là noi gương bắt chước Đức Giê-su Kit-ô, là nên giống Người qua chọn lựa một nếp sống thanh bần, siêu thoát, bé nhỏ và vị tha như chính Chúa đã chọn.

 (Xin mỗi người tự kiểm điểm xem mình đã thực thi những điều cốt yếu trên như thế nào?)

IV. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

5.1 “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi.” Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các dân tộc trên thế giới, nhất là cho những người chưa nhận biết Chúa và lịch sử cứu độ của Người, để họ sớm nhận biết và gia nhập dân Thiên Chúa là con cháu Áp-ram, I-xa-ác và Gia-cóp.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.2 “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi.” Chúng ta hãy cầu xin Chúa cách đặc biệt cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Hồng y, Giám mục, Linh mục, Phó tế và Tu sĩ nam nữ để các ngài sống hy sinh, từ bỏ, vâng phục và tìm kiếm nước Thiên Chúa và các giá trị siêu nhiên cho mình và cho những người xung quanh.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.3 “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành.” Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho giáo xứ chúng ta, để cộng đoàn này càng ngày càng đông và chất lượng, xứng danh là cộng đoàn được Thiên Chúa chúc phúc.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.4 “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người khao khát đời sống trọn lành, để họ kiên trì trong việc noi gương, bắt chước và nên giống Đức Giê-su Ki-tô là Con yêu dấu của Cha trên trời.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
Sàigòn ngày 03/03/2017

Bài liên quan

Back to top button