Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Khi Tình Yêu Xét Xử | NVT

       SUY NIỆM TIN MỪNG      
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY C 13
(Ga.8,1-11)
****

KHI TÌNH YÊU XÉT XỬ

1 Khi ấy Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu. 2 Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. 3 Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, 4 rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. 5 Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? ” 6 Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất.7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” 8 Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. 9 Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. 10 Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? ” 11 Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,1-11).

____________

SUY NIỆM

KHI TÌNH YÊU XÉT XỬ

1. Sự ồn ào khi lên án

Sự lên án bao giờ cũng ồn ào, bởi phần lớn nó đến từ sự bực tức, bức xúc, nóng giận… nhắm vào ai đó đã “phạm luật”. Hành vi được cho là sai ấy được nhiều nhân chứng “thấy tận mắt” rõ ràng, vì đã phạm vào thứ luật lệ nào đó đã được quy định mà mọi người dù có đồng ý hay không cũng phải chấp hành khi nó đã thành luật, có văn bản rõ ràng. 
 
Trường hợp người phụ nữ ngoại tình ở đây đã quá rõ ràng, chiếu theo luật hiện hành, thì chị ta phải chết !

“Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó.”(Ga.8,5).

“Tội” và “luật” đã quá rõ ràng, sao không giết kẻ phạm tội này đi, còn phải mang người này lại Chúa Giê-su để hỏi làm gì ?

“Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”(Ga.8,5).

Câu trả lời có thể tìm thấy ngay trong bài Tin Mừng này: “Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.” (Ga.8,6).

Ở đời, có biết bao cuộc lên án không phải nhằm mục đích đi tìm chân lý, mà nhằm thỏa mãn ý riêng, lòng ganh tỵ hẹp hòi, ích kỷ, sự lợi lộc cá nhân, vây cánh, phe phái của riêng mình…

Trong trường hợp Tin Mừng hôm nay, có thể thấy quá rõ lòng thâm độc của những người đóng vai trò lên án, họ hy sinh danh dự, và ngay cả tính mạng người phụ nữ ngoại tình, nếu cần, nhằm để loại trừ Chúa Giê-su.

Sự ồn ào khi lên án là thời gian người ta thường chỉ biết nói, la lối, gào thét… Trong khi sự xét xử cần những phút tĩnh lặng nội tâm để nhìn lại chính mình, để đối diện với lương tâmkhát vọng tìm ra chân lý.

Con đường đi đến khám phá chân lý đòi hỏi sự trong sáng, không thể để những thứ mây mù bên ngoài che khuất, càng không thể để bóng tối ngay ở trong lòng người che đậy.

Muốn được như thế, sự tĩnh lặng là rất cần thiết khi tố cáo, lên án, xét xử ai.

2. Sự tĩnh lặng khi xét xử

“Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất.”(Ga.8,6b).

Tại sao Chúa Giê-su không nói gì ? Có phải Ngài không biết nói gì ?

– Không ! Ngài chưa muốn nói. Ngài muốn mọi người có những giây phút tĩnh lặng nội tâm, đặc biệt là những người tố cáo người nữ ngoại tình này.

Khi người lấy ngón tay viết trên đất sau câu hỏi của những người tố cáo, chắc chắn hàng trăm con mắt đã đổ dồn về Ngài. Ngài im lặng, đó là khoảng lặng “đáng sợ” không phải cho người phụ nữ ngoại tình, mà cho những kẻ tố cáo chị ta.

Khoảng lặng ấy để cho các kinh sư và những người Pha-ri-sêu “nhìn lại chính mình”, nhưng họ không quen điều đó, họ chỉ quen nhìn người khác, nên phút giây im lặng của Chúa Giê-su thật là ngột ngạt đối với họ. Chính vì thế mà họ cứ hỏi dồn dập, họ cứ hỏi mãi (Ga.8,7), vì khi trong lòng gian ác mà phải đối diện với chính mình thì khó có thể thanh thản bình an, họ muốn phá tan sự im lặng ấy.

Nếu sự im lặng của Chúa Giê-su không đưa được các kinh sư và những người Pha-ri-sêu về với thế giới nội tâm của họ, thì Chúa Giê-su phải dùng lời nói nói vậy.

Lời của Chúa Giê-su hôm nay đặc biệt thật nhẹ nhàng, êm ái, nhưng xoáy vào tâm can, không chỉ đối với các kinh sư và những người Pha-ri-sêu, mà tất cả mọi người đang nghe, và sẽ nghe Ngài. Lời ấy đánh động vào cái tâm của con người qua mọi thời đại.

Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” (Ga.8,7).

Trong tình cảnh này, thật khó mà tìm được một lời răn dạy nào hay hơn thế !

Lời Ngài là lời biện hộ cho người phụ nữ ngoại tình tội nghiệp đang đứng chơ vơ giữa cộng đoàn lạnh lùng vô cảm hay quá sợ hãi trước luật lệ và quyền lực, nên không còn ai dám nghĩ đến chuyện bênh vực.

Lời Ngài là tiếng chuông giác ngộ đưa họ – những người tố cáo – tìm về khoảng lặng nội tâm của mình, nơi đó, họ lắng nghe được tiếng lòng trung thực của họ, mà đã từ lâu, sự ồn ào của cuộc sống bon chen danh vọng và tiền của đã làm cho tiếng nói thiêng liêng ấy tắt lịm tự bao giờ.

3. Sự tuyên án

Lời tuyên án thật bất ngờ:

Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” (Ga.8,7).

Sự hăng hái cuồng nhiệt lúc ban đầu của các kinh sư và những người Pha-ri-sêu khi tố cáo người nữ ngoại tình rõ ràng bị chùn lại ! Ta có thể hình dung được bầu khí im lặng, ngẩn ngơ vì ngỡ ngàng, đối với những người hiện diện lúc ấy, đặc biệt là những người tố cáo.

Sau câu nói đầy bất ngờ, Chúa Giê-su lại tiếp tục viết trên đất… Thật thong thả và thanh thản. Không có gì vội vàng, và căng thẳng. Ngài lại tiếp tục kéo dài khoảng lặng cần thiết trong tòa án bất đắc dĩ nơi đây, để tất cả mọi người chìm vào khoảng lặng nội tâm, để có đủ thời gian nghe tiếng lòng xét xử chính mình trước khi xét xử người phụ nữ ngoại tình đang đứng như pho tượng vô hồn kia !

Ở đây thật đông đảo, “toàn dân” nghĩa là rất đông. “Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ” (Ga.8,2). Hàng trăm con mắt bây giờ đang đổ dồn về, không phải nơi Chúa Giê-su, mà nơi những người tố cáo – các kinh sư và những người Pha-ri-sêu ! Họ chờ đợi xem ai sẽ là người đầu tiên ném viên đá vào người phụ nữ ngoại tình này, hay viên đá đầu tiên ném vào người phụ nữ ngoại tình này là thuộc về ai ? [“Let the one among you who is without sin be the first to throw a stone at her.” (Jn.8,7) – “Que celui de vous qui est sans péché lui jette la première pierre !” (Jn.8,7]

– Không có ai !

Chỉ có những người đầu tiên rời “hiện trường” ở Đền Thờ, bắt đầu từ những người lớn tuổi, rồi tất cả lần lượt bỏ đi. “Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi.” (Ga.8,9).

Có phải những người lớn tuổi là những người khôn ngoan, dễ nhận ra gần một đời đã trải qua có biết bao sai sót lầm lỡ ? “Mái đầu bạc là triều thiên vinh hiển được tặng ban cho kẻ sống công chính.” (Cn.16,31). Người già đáng kính thường có kinh nghiệm “cầm cân nẩy mực” mà còn bỏ đi thì người trẻ ở lại làm gì ?

Có một khoảng lặng nội tâm đã đánh thức lòng khiêm nhườngtình yêu đồng loại nơi những con người hiện diện nơi đây, ít nhất trong giờ phút này.

4. Khi Tình Yêu xét xử

Thiên Chúa là Tình Yêu. Thiên Chúa xét xử con người với lòng nhân hậu.

Thiên Chúa không xét xử “đứa con trai hoang đàng” như kiểu chính anh ta toan tính. Thiên Chúa không xét xử “đứa con trai hoang đàng” theo như cách “người anh cả” đối với đứa em lầm lỗi trở về. Thiên Chúa không xét xử người phụ nữ ngoại tình theo bài bản của các kinh sư và những người Pha-ri-sêu. 

Một lần nữa, Chúa Giê-su đưa ra một hình ảnh Thiên Chúa là người Cha Nhân Hậu dào dạt tình yêu cao cả và bao dung khôn lường.

“Không ai lên án chị sao? ”  – “Thưa ông, không có ai cả.” (Ga.8,10-11). Thiên Chúa muốn như vậy, mọi người sống yêu thương, cảm thông, nâng đỡ, tha thứ, chấp nhận nhau.

Tất cả từ suối nguồn tình yêu bất tận: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu !” (Ga 8,1-11).

Điều mà Thiên Chúa muốn, là mọi người trở về với một tâm hồn mới.

“Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !” (Ga 8,11).

Cuộc trở về với cố gắng vươn lêntừ nay đừng phạm tội nữa”, đó không chỉ là lời khuyên đầy ắp yêu thương của Chúa dành cho người phụ nữ tội lỗi, mà cho cả các kinh sư, những người pha-ri-sêu, và cho mọi người chúng ta.

Để tình yêu tồn tại, trái tim ta cần sự hiền lành và khiêm nhượng như Tấm Lòng Thiên Chúa, như Thánh Tâm Chúa Giê-su.

“Hãy học cùng Thầy, Thầy hiền lành khiêm nhường trong lòng” (Mt.11,25-30).

Lạy Chúa,

Tim tôi chưa một lần tìm thấy đường đi
dẫn đến nơi Người đang bước
cùng những kẻ lạc loài
trong đám người tay trắng, khốn cùng, hèn mọn.
(R.Tagore ).

Cho con trong tĩnh lặng
nhận ra hồn cay đắng
trong đớn đau lạc loài
đời lạnh nhạt bỏ rơi

Là lúc con hạnh phúc
nhận ra Ngài  bên con,
Tình Ngài là có thật !
Đời ảo ảnh khói mây !

Bàn tay Ngài đỡ dậy…
con tiếp tục bước đi…
dù con chẳng còn gì…
Con luôn còn có Chúa… Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button