Đức Phanxicô thực sự không muốn một Giáo hội nghèo
by Phanxicovn
international.la-croix.com, Robert Mickens, 2021-11-13
Đức Phanxicô trong một buổi tiếp kiến
“Tôi mong muốn một Giáo hội nghèo cho người nghèo!”
Ai có thể quên khi Đức Phanxicô nói lên câu kinh ngạc này vào tháng 3 năm 2013, chỉ ba ngày sau khi ngài được bầu chọn làm giáo hoàng?”
Và không nghi ngờ gì, trong suốt 8 năm rưỡi vừa qua, người đã chọn đặt tên mình theo tên người nghèo Poverello – người nghèo Assisi – đã làm được nhiều điều hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào gần đây của ngài trên ghế Thánh Phêrô, để bảo vệ phẩm giá, quyền lợi và nhu cầu cho người nghèo trên thế giới và để họ có tiếng nói trong Giáo hội.
Ngài đã làm điều này một cách mẫu mực qua lời nói nhưng quan trọng hơn là qua việc làm của ngài.
Thứ sáu tuần này, ngài đã đến Assisi, quê hương danh tiếng của Thánh Phanxicô ở Umbria để khai mạc Ngày Thế giới Người nghèo thứ Năm, ngày kỷ niệm hàng năm mà ngài đã thiết lập cho Giáo hội hoàn vũ năm 2016, vào cuối Năm Lòng Thương Xót.
Từ đó, người Công giáo toàn cầu có ngày Chúa nhật thứ 3 thường niên dành cho người nghèo. Đây là một sáng kiến quan trọng cần được bén rễ sâu trong các cộng đoàn thờ phượng và tông đồ của chúng ta.
Lựa chọn tiên quyết cho người nghèo
Cố linh mục Pedro Arrupe, bề trên Tổng quyền Dòng Tên là người đầu tiên thúc giục Giáo hội có một “lựa chọn ưu tiên cho người nghèo.”
Đó là năm 1968, cả trước khi Đức Phanxicô chịu chức linh mục. Trong khi Giáo hội nói chung, kể cả Vatican đều chấp nhận điều này như một khẩu hiệu, thì Đức Phanxicô lại không chấp nhận đây chỉ là khẩu hiệu, ngài thực hiện nó.
Đó là dấu ấn cho trọn sứ vụ linh mục và giám mục của ngài, kể cả bây giờ là giám mục giáo phận Rôma.
Nhưng còn niềm khao khát một Giáo hội nghèo, một thể chế, một cộng đoàn đức tin cũng trở nên nghèo của ngài thì sao?
Cho đến nay, mong muốn này mới chỉ là khẩu hiệu. Đức Phanxicô đã chưa làm gì để biến thành hiện thực. Và hầu hết người Công giáo sẽ chống nếu ngài muốn thử làm.
Sách Thánh dùng từ anawim trong tiếng do thái để mô tả người nghèo, người khiêm nhường, người bị áp bức. Học giả Đa Minh người Anh Simon Tugwell (The Beatitudes, London Năm 1980) viết: “Những người anawim là những người ngoài lề, không có quyền lực xã hội, chính trị, kinh tế, những người không thể làm chủ hoàn cảnh của mình, những người không thể giật dây.”
Đó hầu như không phải đặc điểm của triều giáo hoàng, của Vatican hay của Giáo hội Công giáo La-mã nói chung.
Giáo hội – ở nhiều cấp độ khác nhau và ở trong mọi cấu trúc – đều có ảnh hưởng. Có khả năng tiếp xúc, có quyền lực. Đó là yếu tố thiết yếu cho sự phong phú của Giáo hội trên thế giới.
Người nghèo và cộng đồng đức tin nghèo không làm được.
Một “Giáo hội nghèo” sẽ như thế nào?
Một Giáo hội thiếu quyền lực xã hội
Quyền lực xã hội là “khả năng thiết lập các tiêu chuẩn, tạo ra các chuẩn mực và các giá trị được xem là hợp pháp và đáng mong muốn, mà không cần dùng đến sự ép buộc hoặc thanh toán”, theo nhà khoa học chính trị người Hà Lan Peter van Ham (Quyền lực xã hội trong Chính trị Quốc tế, New York 2010).
Nhưng Tòa thánh đã sử dụng biện pháp cưỡng chế (đe dọa trừng phạt đời đời) và chi tiền (nhiều vụ bê bối khác nhau của Ngân hàng Vatican được biết đến và chưa được biết đến) để tăng cường quyền lực xã hội của mình.
Chúng ta có thể tranh luận – như các sách Phúc âm đã làm! – trên thực tế, Giáo hội sẽ tăng quyền lực xã hội của mình theo cách đáng tin cậy và trung thực hơn nhiều nếu Giáo hội quyết định từ bỏ nó.
Như kinh cầu nguyện của Thánh Phanxicô đã tóm tắt một trong những nghịch lý lớn của kitô giáo (và tất cả các tôn giáo chân chính), “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.” Người thanh niên giàu có trong Tin Mừng buồn bã ra đi và đau khổ sâu lắng khi Chúa Giêsu nói, trước khi làm môn đệ của Ngài thì phải bán tất cả những gì anh có và chia cho người nghèo.
Chúa Giêsu cũng đồng ý rằng đây là lời huấn dạy khó khăn và ít người chấp nhận. Chính vì thế mà Thánh Phanxicô Assisi và Mẹ Têrêxa Calcutta mới là những người trong số ít đã làm một cách đáng tin cậy nhất.
Nhưng, Vatican (và Giáo hội thể chế nói chung), đã không cố gắng làm.
Thay vào đó, Vatican thấy quá dễ dàng và có lợi rất nhiều khi dựa vào quyền lực đã củng cố qua nhiều thế kỷ.
Một Giáo hội thiếu quyền lực chính trị
Tòa thánh tỏ ra không quan tâm chút nào đến việc từ bỏ quyền tiếp cận với các cường quốc trên thế giới.
Ngay cả Đức Phanxicô cũng lập luận, việc tiếp cận với những người có thể làm thay đổi sự việc giúp cho Giáo hội có cơ hội tuyệt vời để bênh vực người nghèo, những người bị loại ra khỏi một quyền lực như vậy.
Điều đó có thể đúng, nhưng không theo bước chân Chúa Giêsu, Đấng nói với chúng ta, người đầu tiên sẽ là người cuối cùng. Tuy nhiên, chúng ta lại không thực sự tin vào điều này.
Tin Mừng thách thức chúng ta quá sức về mặt này, ngay cả với một giáo hoàng cố gắng nắm bắt và truyền đạt Tin Mừng một cách thuần khiết nhất.
Trong một Giáo hội không có quyền lực chính trị, sẽ không có Tòa thánh – ít nhất là không có Tòa thánh có địa vị như một pháp nhân quốc tế phi Nhà nước (về mặt kỹ thuật).
Một Giáo hội nghèo về chính trị sẽ không có các sứ quán giáo hoàng ở tất cả các thủ đô lớn và các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như ở Liên hợp quốc. Và, tương tự như vậy, không có quốc gia nào trên thế giới cử đại sứ đến một tổ chức phi chính phủ, đó là điều mà Tòa thánh sẽ trở thành.
Hồng y Dòng Tên Carlo Maria Martini đã từng lưu ý, bộ máy ngoại giao của Vatican đã trở nên “cồng kềnh” và đang “chiếm quá nhiều năng lực của Giáo hội”.
Trong một phỏng vấn năm 2009 với nhật báo Rôma La Repubblica, ngài nói: “Nhiệm vụ của Giáo hội là làm chứng cho Lời Chúa. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu.”
Một Giáo hội thiếu quyền lực kinh tế
Đánh giá về những gì ngài đã nói và làm cho đến nay, Đức Phanxicô sẽ có thể vui vì ngài đã có thể giúp Giáo hội – đặc biệt là Vatican – cai nghiện cho sự khao khát sức mạnh kinh tế, thậm chí là còn mong muốn đơn giản về mặt kinh tế.
Trong năm đầu tiên triều giáo hoàng, ngài đã lặp lại nhiều lần, Thánh Phêrô chưa bao giờ có tài khoản ngân hàng.
Và giáo hoàng sẽ có thể đóng cửa Ngân hàng Vatican (Viện nghiên cứu các hoạt động của tôn giáo-IOR) nếu ngài có thể làm được mà không sợ phải hy sinh mạng sống mình và những cải cách lớn hơn nữa mà ngài đang cố gắng mang lại trong Giáo hội.
Chủ quyền lãnh thổ Quốc gia Thành phố Vatican hiện đang hưởng, vốn là một thành phần thiết yếu để bảo vệ quyền lực kinh tế của giáo hoàng, cũng sẽ bị khó khăn.
Đơn giản và nghèo không phải là cùng một chuyện
Đức Phanxicô đã làm nhiều người vui, nhưng cũng làm nhiều người giận, khi ngài chọn lối sống giản dị đến mức gần như chế giễu lối sống và các căn hộ hoàng gia của các vị tiền nhiệm gần đây của ngài.
Nhưng lối sống của ngài không thể nghèo. Nó được đánh dấu bằng sự đơn giản, đó không phải là một điều xấu. Thật ra là đầy cảm hứng.
Nhưng giáo hoàng có một quyền lực thể chế mà ngài không dám từ bỏ. Từ chối một quyền lực như vậy cho người nghèo, và có lẽ đó là một Giáo hội nghèo.
Nhiều nhà lãnh đạo tinh thần rất tốt và thánh thiện – kể cả giáo hoàng hiện nay của chúng ta – rao giảng người tín hữu kitô phải sống buông bỏ, nhưng họ không buông bỏ. Nhưng giống như hầu hết chúng ta, họ cũng sợ phải buông bỏ.
Điều này không quan trọng. Vì đến một lúc nào đó, và không phải do ý riêng của mình, Giáo hội sẽ có thể thấy quyền lực xã hội, chính trị và kinh tế của mình mất đi. Trên thực tế, nó đã bắt đầu xảy ra.
Dù giáo hoàng Phanxicô có quyết định làm gì, đây là điểm mấu chốt: cho đến cuối cùng khi Giáo hội la mã từ bỏ – hoặc bị tước bỏ – những gì còn lại cho sự tiếp cận vào của cải và quyền lực, thì đó sẽ không phải là một Giáo hội nghèo.
Và sẽ không phải là một Giáo hội ngôn sứ. Cũng sẽ không là Giáo hội Tin Mừng. Và cuối cùng, sẽ không là một Giáo hội đáng tin cậy.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch