Đức Thánh Cha phản ánh về tác động gấp 3 lần của nghệ thuật tại thời điểm quan trọng trong lịch sử
Người đăng: Giáo hội Công giáo News vào tháng 12 18, 2020
Đức Thánh Cha Phanxico trao đổi với các nhạc sĩ của buổi Hòa nhạc Giáng sinh tại Vatican
12 tháng Mười Hai, 2020 17:42
JIM FAIR
Đức Thánh Cha Phanxicô nêu lên ba đặc điểm của nghệ thuật có thể đóng một vai trò quan trọng trong mùa Giáng sinh đầy thử thách này, trong đó “ánh đèn Giáng sinh hơi mờ tối mời gọi chúng ta luôn khắc ghi và cầu nguyện cho tất cả những người đang chịu đau khổ vì đại dịch”.
Những suy nghĩ của ngài được đưa ra khi ngài tiếp các nhạc sĩ đã tham gia Buổi hòa nhạc Giáng sinh ở Vatican năm nay, tập trung trong một phòng họp liền kề với Khán phòng Phaolô VI của Vatican. Các nghệ sĩ chắc chắn sẽ rất cảm kích với phần trình bày của ngài về ba tác động của nghệ thuật:
- “Tác động đầu tiên liên quan đến các giác quan, chúng bị mê hoặc bởi sự ngạc nhiên và kinh ngạc. Tác động ban đầu thuộc bên ngoài này sau đó dẫn đến những tác động khác, sâu sắc hơn.
- “Tác động thứ hai chạm đến sâu thẳm trái tim và linh hồn chúng ta. Một sự tổng phổ của màu sắc, từ ngữ, hoặc âm thanh có sức mạnh để làm trào dâng lên trong chúng ta những ký ức, hình ảnh và cảm xúc…
- “Có một tác động thứ ba, trong đó sự nhận thức và chiêm ngưỡng vẻ đẹp tạo ra ý thức hy vọng có thể thắp sáng thế giới của chúng ta.”
Trước tình hình đại dịch, Đức Thánh Cha ca ngợi niềm hy vọng mà nghệ thuật mang đến và cảm ơn các nhạc sĩ đã tham gia trong buổi hòa nhạc.
Dưới đây là toàn văn phát biểu của Đức Thánh Cha, văn bản của Vatican
(ND: bản tiếng Anh):
Thưa các nghệ sĩ và các bạn thân mến,
Tôi thân ái chào tất cả các bạn và tôi cảm ơn sự hiện diện của các bạn. Năm nay, ánh đèn Giáng sinh hơi mờ tối mời gọi chúng ta luôn khắc ghi và cầu nguyện cho tất cả những người đang chịu đau khổ vì đại dịch. Trong hoàn cảnh này, chúng ta đã nhận ra một cách mạnh mẽ hơn rằng chúng ta phụ thuộc vào nhau như thế nào. Buổi họp mặt của chúng ta hôm nay cho tôi cơ hội để chia sẻ với các bạn một vài suy nghĩ về nghệ thuật và vai trò của nó vào thời điểm quan trọng này trong lịch sử của chúng ta.
Tác động đầu tiên liên quan đến các giác quan, chúng bị mê hoặc bởi sự ngạc nhiên và kinh ngạc. Tác động ban đầu thuộc bên ngoài này sau đó dẫn đến những tác động khác, sâu sắc hơn.
Tác động thứ hai chạm đến sâu thẳm trái tim và linh hồn chúng ta. Một sự tổng phổ của màu sắc, từ ngữ, hoặc âm thanh có sức mạnh để làm trào dâng lên trong chúng ta những ký ức, hình ảnh và cảm xúc…
Tuy nhiên, sáng tạo nghệ thuật không dừng lại ở đây. Có một tác động thứ ba, trong đó sự nhận thức và chiêm ngưỡng vẻ đẹp tạo ra ý thức hy vọng có thể thắp sáng thế giới của chúng ta. Các chuyển động bên ngoài và bên trong hợp nhất và lần lượt ảnh hưởng đến cách chúng ta liên hệ với những người xung quanh. Chúng tạo ra sự thấu cảm, khả năng hiểu người khác, những người mà chúng ta có rất nhiều điểm chung. Chúng tôi cảm thấy có một mối dây ràng buộc với họ, một mối ràng buộc không mơ hồ, nhưng là thật và được chia sẻ.
Tác động mang ba chiều kích này là sự kinh ngạc, khám phá cá nhân, và chia sẻ tạo ra cảm giác bình an – như mẫu gương của Thánh Phanxicô cho thấy – giải phóng chúng ta thoát khỏi mong muốn thống trị người khác, khiến chúng ta trở nên nhạy cảm với những khó khăn của họ, và thúc đẩy chúng ta sống hòa hợp với tất cả.[1] Một sự hài hòa gắn liền với sự đẹp và sự thiện.
Sự liên kết đó là một phần của truyền thống Do Thái giáo và Kitô giáo. Sách Sáng Thế Ký – khi nói về công trình sáng tạo của Thiên Chúa – nhấn mạnh rằng Người đã chiêm ngưỡng về sự sáng tạo của Người và “thấy thế là tốt đẹp” (St 1: 12.18.25). Trong tiếng Do Thái, từ “tốt” có nhiều nghĩa, và cũng có thể được dịch là “hòa hợp”.[2] Công trình sáng tạo khiến chúng ta kinh ngạc bởi sự hùng vĩ và đa dạng của nó, đồng thời khiến chúng ta nhận ra vị trí của chính chúng ta trên thế giới, khi đứng trước sự hùng vĩ đó.
Các nghệ sĩ biết điều này. Như Thánh Gioan Phao lô II đã viết, họ “tự nhận thức được một tia sáng trời ban, đó là ơn gọi nghệ thuật”, và được kêu gọi “không lãng phí tài năng này nhưng hãy phát triển nó, để phục vụ tha nhân và toàn thể nhân loại”.[3]
Trong Thông điệp nổi tiếng gửi các nghệ sĩ ngày 8 tháng Mười Hai năm 1965, khi bế mạc Công đồng Vatican II, Thánh Phaolô VI đã mô tả họ là những người “yêu cái đẹp”.[4] Ngài cũng lưu ý rằng thế giới của chúng ta “cần vẻ đẹp để không chìm trong tuyệt vọng”.[5] Giữa sự lo lắng do đại dịch gây ra, sự sáng tạo của các bạn có thể trở thành nguồn ánh sáng. Cuộc khủng hoảng thậm chí còn làm cho “những đám mây đen dày đặc hơn phủ trên một thế giới khép kín” (xem Fratelli Tutti, 9-55), và nó dường như che khuất ánh sáng từ trời, cõi vĩnh hằng. Chúng ta không khuất phục trước ảo tưởng đó, nhưng hãy tìm kiếm ánh sáng của Giáng sinh, nó xua tan bóng tối của những buồn phiền và đau đớn.
Thưa anh chị em nghệ sĩ, theo một cách đặc biệt, các bạn là “người bảo vệ cái đẹp trong thế giới của chúng ta”.[6] Tôi cảm ơn vì tinh thần đoàn kết của các bạn, điều đó càng thể hiện rõ trong những ngày qua. Tiếng gọi của các bạn là một tiếng gọi cao cả và đòi hỏi nhiều năng lực, một lời kêu gọi đòi hỏi “đôi bàn tay thanh khiết và vô tư”[7] có khả năng truyền tải sự thật và cái đẹp. Vì những điều này sẽ gieo niềm vui trong tâm hồn con người, và thực tế “một loại hoa trái quý giá trường tồn theo thời gian, liên kết các thế hệ và khiến họ chia sẻ khả năng biết kinh ngạc”.[8] Hôm nay, vẫn như mọi khi, vẻ đẹp đó xuất hiện với chúng ta trong sự khiêm nhường của cảnh Giáng sinh nghèo khó. Hôm nay, vẫn như mọi khi, chúng ta mừng vẻ đẹp đó với tâm hồn tràn đầy hy vọng.
Tôi xin chân thành cảm ơn Dòng Salêdiêng và Tổ chức Scholas Occurrentes vì cam kết và tinh thần phục vụ mà họ đang ứng phó với tình trạng khẩn cấp về giáo dục và y tế thông qua các dự án của họ lấy cảm hứng từ Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục.
Một lần nữa xin cảm ơn các bạn, xin chúc các bạn những điều tốt đẹp nhất và thưởng thức buổi hòa nhạc!
_______________________________________
[1] X. Tông huấn Fratelli Tutti (3 tháng Mười 2020), 4.
[2] X. Diễn từ trước các tham dự viên Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu Thiếu nhi, 30 tháng Mười Một 2019.
[3] Thư gửi các Nghệ sĩ (4 tháng Tư 1999), 3.
[4] Thông điệp gửi các nghệ sĩ (8 tháng Mười Hai 1965), 1.
[6] THÁNG PHAOLÔ VI, Thông điệp gửi các nghệ sĩ (8 tháng Mười Hai 1965), 5.
© Libreria Editrice Vatican
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/12/2020]