Tin Giáo Hội hoàn vũTin tức

Lễ Phong Chân Phước cho 17 vị tử đạo nước Lào 11.12.2016

Peter Tuyen Tran

Nhà Thờ Chánh Toà Thánh Tâm – Thủ đô Vientiane – Lào

image001

image004NƯỚC LÀO

1. Khái quát:
Lào là một quốc gia nằm giữa Đông nam Á giáp ranh với năm quốc gia khác: Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Capuchia và Việt Nam – Người Lào, ngày xưa được gọi là Mường Luông là tên một bộ tộc ở Nam Trung Hoa, di tản đến sinh sống ở Lảo. Lào phải trải qua một lịch sử dài 6 thế kỷ, trải qua những tranh chấp giữa các bộ tộc cho mãi đến thế kỷ thứ 14 mới thành hình quốc gia Lào… Tuy nhiên, Lào không có một thể chế chính trị độc lập nào, nhưng trực thuộc vào sự đô hộ của Siamese – Người Xiêm tức Thái Lan bây giờ… Nằm trong việc thực hiện mơ ước thuộc địa Đông Nam Á, Pháp đặt Lào dưới chế độ bảo hộ Pháp năm 1893: Năm image0061946 đặt Luang Prabang làm vua Lào (Pháp áp dụng chính sách bảo hộ giống như dựng lện các vua địa phương: Thành Thái, Bảo Đại ở Việt Nam hay Shihanook của Campuchia sau nầy) và năm 1950 Lào chính thức là thành viên trong Liên hiệp Pháp cũng như các quốc gia nhược tiểu chung quanh.

image007
Chùa Phật Giáo đồ sộ nguy nga và có khối vàng trên chót đỉnh.

2. Thể chế chính trị:
Năm 1951 hoàng tử Souphanouvong lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp lấy tên Pathet Lao. Quân kháng chiến miền Bắc Việt Nam và cả Liên Xô đều tham gia trong cuộc chiến chống thực dân Pháp nầy để thiết lập chế độ Cộng Sản ở Lào. Năm 1960 thực dân Pháp kể như không còn ở Lào, nhưng để lại một tranh chấp đổ máu giữa 3 hoàng tử coi như 3 lãnh tụ lúc đó: Souphanouvong – Souvanna Pouma và Boun Oum…. Những hoàng tử lãnh tụ nầy đều nhận sự hỗ trợ quân sự từ bên ngoài để thanh toán nhau. Đặc biệt lãnh tụ Pathet Lao, hoàng tử Shouphanouvong, đã liên kết với Cộng sản Miền Bắc Việt Nam cho thiết lập đường mòn Hồ Chí Minh cũng như cho di chuyển vũ khí, quân đội qua biên giới Lào vào Campuchia. Ngày 17.3.1975 Cộng sản Pathet Lao chiến thắng. Ngày 2.12.1975 chế độ quân chủ bị tuyên bố huỷ bỏ và thay thế là chế độ độc đảng Cộng Sản Lào. Từ nay, quốc gia Lào được gọi: Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Lào (Lao People’s Democratic public). Đảng Cộng Sản Lào lãnh đạo Cộng Hoà Nhân Dân Lào bằng sức mạnh quân sự và dùng guồng máy công an để kiểm soát sinh hoạt người dân. Cách chung: Đất nước chậm phát triển và tôn giáo nhất là Công giáo rất bị hạn chế.

image008
Một tượng Đức Phật nằm dài chiếm cả một khu vực rộng lớn ở thủ đô Vientiane.

3. Địa lý, nhân dân, Phật Giáo và xã hội:
Nước Lào rộng 236.000.000 km2, nhỏ hơn Việt Nam gần 100.000.000 km2.
Toàn lãnh thổ có chừng 7 triệu người. Thủ đô Vientiane có 700 ngàn dân cư. Đại đa số, phải đến 85% dân chúng theo đạo Phật. Chúng ta có thể thấy những tượng Phật lớn và những chùa Phật Giáo đồ sộ nằm rải rác khắp nơi trong thành phố thủ đô Vientiane. Nói thật khi nhìn thấy những đền chùa đồ sộ ở Vientiane bao quanh bởi những ngôi nhà rất sập xệ của quần chúng, tôi nghĩ ngày đến Giáo Hội Công Giáo Miền Bắc Việt Nam: Những đấng bậc chủ chăn say mê, thi đua nhau lập công và gây ấn tượng nhớ đời bằng việc xây dựng những ngôi nhà thờ nguy nga, lớn lao và thừa thải… bao quanh bởi những nhà cửa đơn sơ và nếp sống kham khổ của giáo dân? Cho ai? Cho vinh quang Thiên Chúa! Các Đấng quyền uy trong Giáo Hội cố làm “cho danh Cha cả sáng!” và quên đi đi đời sống thực tế quá nhiều hy sinh “vì Chúa” của bà con đạo đức đơn sơ. Cũng nên hỏi xem: Chúa có vinh quang thực sự không? Có Cha Mẹ nào vui và lấy làm vinh dự vô cùng khi mình ngồi ăn mâm cơm đầy món ngon mà chung quanh con cái mình đang ăn mắm húp dòi? Chúa nào mà bất nhân như vậy?

image012
Quí Cha Việt Nam phục vụ bên Lào

Xin trở lại chuyện của Lào: Những linh mục truyền giáo ở đây đều nhìn nhận một thực tế rất đúng nầy là: Ảnh hưởng Phật giáo rất sâu đậm trong tâm hồn, trong cách sống và phong tục của người dân Lào. Họ sống rất từ tâm, bình an và hiếu hoà…. không bon chen, chụp giật như người mình. Các thanh niên Lào đại đa số phải vô chùa tu có khi một hay ba năm trước khi chọn bậc sống tu trì hay lập gia đình. Trên đường phố, có nhiều nhà sư còn rất trẻ mặc áo cà sa, đi chậm chậm với tư thái thoát tục bình an. Để diễn tả cái tốt của ảnh hưởng Phật Giáo nơi người dân, có một Cha đã nói: Người Lào rất thành thật, có sao họ nói vậy, không gian tham hay trộm cắp… Bây giờ họ có nhiều tật xấu hơn là do ảnh hưởng lối sống của người Việt Nam mình mang sang. Không chỉ linh mục nầy nhìn nhận mà cả những người Việt Nam ở Vientiane đều nói vậy. Cha nầy cũng nói: Chúng ta đi truyền giáo là mang Chúa đến cho người khác, nhưng ở đây, người ta có Chúa rồi… có Đấng Chân Thật trong tâm hồn… chỉ có cái là họ có Chùa, chứ không có nhà thờ… Họ không có một đố kỵ nào giữa đạo Phật và đạo Thiên Chúa. Họ theo đạo Công giáo đi lễ ban sáng… ban chiều họ đi cúng Chùa… Không có gì là sai trái với họ cả.

Có 120.000 người Việt Nam di dân đến sinh sống ở Lào từ khoảng năm 1950 và đông nhất là năm 1954. Hiện tại, người Việt Nam đến làm ăn sinh sống nhiều ở những thành phố lớn như Vientiane dưới chiếu khán du lịch (Tourist Visa). Sau một thời gian, họ có thể thành công dân Lào, nhưng trước đó phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Bà con Việt Nam ở Lào, phần nhiều rất khá giả, nhờ biết làm ăn mua bán và nhất là làm nghề xây dựng… đặc biệt có nhiều nhà hàng Việt Nam được bà con người Lào chiếu cố. Người Việt Nam ở đây phần nhiều là người Vinh, Hà Tĩnh, Nghệ An… Họ chỉ cần đi xe đò chừng 12 tiếng đồng hồ là về lại nhà bên Việt Nam hay trở sang nhà bên Vietiane. Ai cũng thích lối sống thoải mái và hiền hoà ở Lào.

image0144. Tiền tệ:
Người Lào xử dụng Lào tệ gọi là KIP. Giấy bạc lớn nhất là 100.000 rồi đến 50.000… cho đến giấy bạc nhỏ nhất là 1000. Hối xuất: 100USD bằng 870.000 Kip, tức có giá gần 3 lần VietNam đồng. Có điều lạ là người ta rất thoải mái trong việc lưu hành tiền tệ. Người ta có thể mua bán hay trao đổi bằng đôla Mỹ, tiền KIP và VN đồng và cả tiền Thái. Có một đặc điểm chung trong các nước Cộng sản là tệ nạn hối lộ rất phổ thông đến nỗi thành bình thường trong sinh hoạt. Nên có nhiều luật lệ rất khe khắt, nhưng “đồng tiền” thành khí giới vượt qua hàng rào luật pháp. Người Việt Nam học được điều nầy từ đất nước mình và đem áp dụng rất hiệu quả ở các nước lân bang, nơi mà hối lộ là chuyện “biết điều” hay chuyện “xã giao!”

image018
4 Đại diện tông toà

5. Giáo Hội Công Giáo Lào:
Hơn 100 năm trước có các Cha Thừa Sai dòng Tên từ Việt Nam sang truyền giáo ở Lào. Nhưng họ không thành công. Năm 1878 các Cha Thừa Sai Paris (MEP = Missionnaires Étrangères de Paris) đến Lào truyền đạo. Rất thành công: Năm 1885 nhà thờ đầu tiên được thiết lập và năm 1899, đại diện tông toà đầu tiên được thiết lập. Đại diện tông toà (Apostolic Vicariate – Viacariatus Apostolicus) có tầm vóc cấp địa phận và có Giám Mục, nhưng ngài không là Giám Mục chánh toà, chỉ là đại diện tông toà, tức vị Giám Mục làm việc trực thuộc toà thánh. Rõ nhất là họ không có Hội Đồng Giám Mục chính thức.

Hiện tại cả nước Lào chỉ có 50.000 giáo dân và chia thành 4 đại diện tông toà:

Đại diện tông toà Luang Prabang – Vicariate Apostolic of Luang Prabang: Ở miền Bắc Lào – Có lẽ ngang vĩ độ với miền Bắc Việt Nam – Dân số gần 1.5 triệu người, nhưng chỉ có 2500 giáo dân với 6 giáo xứ và 1 hay 2 linh mục. Đức Cha Tito Banching Thobanhong được bổ nhiệm làm đại diện tông toà từ năm 1999, nhưng chính quyền ở đây không cho Ngài cư trú trong địa phận, Ngài ở Vientiane và khi có phép chính quyền, ngài đi thăm mục vụ ở Luang Prabang.

image023
Nhà thờ Chánh Toà Thánh Tâm, thủ đô Vientiane Lào

Đại diện tông toà Paksé – Vicariate Apostolic of Paksé: Do Đức Cha Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun cai quản từ năm 2000. Ngài là nhân chứng sống trong vụ Cộng sản thảm sát các vị tử đạo Lào. Có 15,000 giáo dân với 26 giáo xứ và không hơn 10 linh mục. Vì tình trạng giáo hội được gọi là bán hầm trú, nên số linh mục thường không được công khai, có vị hợp pháp, có vị làm việc “chui” âm thầm bất hợp pháp.

Đại diện tông toà Savannakhet: Dân số cao nhất gần 3 triệu dân, nhưng người Công giáo chỉ được chừng 13.000, Đức Giám Mục, đại diện tông toà là Đức Cha Jean Marie Vianney Prida Inthirath được bổ nhiệm năm 2010. Có 54 giáo xứ và 5 linh mục trong địa hạt tông toà nầy.

Đại diện tông toà Vientiane: Do Đức Cha Jean Khamsé Vithavong, dòng O.M.I cai quản. Có 12.000 giáo dân qui tụ trong 17 giáo xứ dưới sự chăm sóc của một số linh mục. Nhờ mang danh nghĩa là thủ đô và có văn phòng đại diện Liên Hiệp Quốc, nên sinh hoạt tôn giáo có vẻ thoải mái hơn. Tôi thấy có ít nhất là 3 linh mục Việt Nam (vì lý do an ninh mục vụ xin được giấu tên) đang sinh hoạt ở đây. Các Ngài chăm sóc cho người Việt Nam Công Giáo cũng như âm thầm đi xa lo cho giáo dân người Lào. Rất đáng khâm phục. Vientiane, thủ đô, nhiều tự do hơn và dễ sống hơn, nên linh mục Việt Nam từ Vinh hay sang thăm viếng nhiều bà con giáo dân cùng làng và cùng địa phận ở đây. Nhiều quán ăn Việt Nam sẵn sàng đón tiếp quí linh mục đồng hương.

image019
Đức Cha người Lào: Đức Cha Prida Inthirath
image029
Cây tiền dâng cúng nhà thờ

Vientiane có một nhà thờ Công giáo duy nhất: Nhà thờ Thánh Tâm. Đây cũng là nhà thờ chánh toà của địa phận Vientiane, có sức chứa chừng 300 người. Ở đây vào cuối tuần có thánh lễ Việt Nam. Được biết giáo dân Việt Nam ở Vientiane rất đạo đức, tình nghĩa và rộng rãi với việc của Giáo Hội. Cụ thể là trong đại lễ phong Chân Phước cho 17 vị tử đạo nước Lào, nhưng bà con Việt Nam đã đóng góp được $4000 USD và đã dọn bữa ăn rất thịnh soạn cho quí Đức Cha, quí Cha và bà con… Tất cả có đến 3000 người tham dự và được ăn no miễn phí. Tinh thần đạo đức được cụ thể hoá qua việc dâng cúng cho nhà thờ. Họ dâng cúng tiền cho nhà thờ như thế nầy: Họ làm những “cây tiền”, có nhiều cành… Trên các cành “cây tiền” nầy, người ta treo vô số giấy bạc mà họ mang lên bàn thờ lúc dâng của lễ.

Lễ Phong Chân Phước cho 17 vị từ đạo nước Lào 11.12.2016
Nhà thờ Chánh Toà Thánh Tâm – Thủ đô Vientiane – Lào

1. Danh sách 17 chân phước tử đạo:

image026
Sáu Chân Phước ở Lào thuộc dòng Hiến Sĩ, OMI.

Giáo Hội gọi: Cha Giuse Tiên và các bạn tử đạo ở nước Lào cũng như Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo. Đây là danh sách:

Cha Giuse Tiên,người Lào – linh mục địa phận Lào – hy sinh: 2.7.1954 tại tỉnh Houaphanh.
Cha Jean-Baptiste Malo – Người Pháp – Hội Thừa Sai Paris M.E.P. – Hy sinh 1954
Cha René Dubroux – Người Pháp – Hội thừa sai Paris M.E.P. – Hy sinh 1959
Cha Mario Borzaga, Người Ý – Dòng Hiến Sĩ O.M.I. – hy sinh 1960
Giáo Lý Viên Paul Thoj Xyooj – người Lào – hy sinh 1960
Cha Louis Leroy, – Người Pháp – Dòng Hiến Sĩ O.M.I. Hy sinh 1961
Cha Michel Coquelet, – Người Pháp – Dòng Hiến Sĩ O.M.I. – Hy sinh 1957
Cha Noël Tenaud – Người Pháp – Hội Thừa Sai Paris M.E.P. – Hy sinh 1961
Giáo Lý Viên Joseph Outhay – Lào – Hy sinh 1961
Cha Vincent L’Hénoret – Người Pháp – Dòng Hiến Sĩ O.M.I. – Hy sinh 1961
Cha Marcel Denis – Người Pháp – Hội Thừa Sai Paris M.E.P. – Hy sinh 1961
Cha Jean Wauthier – Người Pháp – Dòng Hiến Sĩ O.M.I. – Hy sinh 1967
Cha Lucien Galan – Người Pháp – Hội Thừa Sai Paris M.E.P. – Hy sinh 1968
Giáo lý viên Thomas Khampheuane – người Lào – 1968
Cha Joseph Boissel – Người Pháp – Dòng Hiến Sĩ O.M.I. – Hy sinh 1969
Giáo lý viên Luc Sỹ – người Lào – hy sinh 1970
Giáo lý viên Layman Phô Inpèng – người Lào – Hy sinh 1970

Như vậy có 6 Chân Phước người Lào và 11 thừa sai ngoại quốc trong đó có 6 Cha dòng Hiến sĩ O.M.I và 5 Cha thuộc hội Thừa Sai Paris.

image031

2. Cáo thỉnh Viên Cha Roland Jacques (Dòng Hiến Sĩ) – Tên Việt Nam: Dương Hữu Nhân

image036
Cha Roland Jacques tức Dương Hữu Nhân, Cáo thỉnh Viên

Cha Roland Jacques không bao giờ kể ra những việc mình làm. Tôi biết chút ít về Cha. Xin nói ra những gì mình biết. Xin Chúa trả công cho Cha.

Cha Roland Jacques sinh ngày 4.8.1943, năm con Dê. Nên Ngài lấy tên Việt Nam là Dương Hữu Nhân. Ngài là linh mục dòng Hiến sĩ Truyền giáo. Có nhiều bằng tiến sĩ, tiến sĩ Giáo Luật và dân luật. Ngài từng là khoa trưởng Giáo Luật của Đại Học Saint Paul, Ottawa, Canada. Hiện tại, Ngài là đại diện bề trên dòng O.M.I. ở Việt Nam. Ngài có thể nói thông thạo tiếng Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Lào, tiếng Latin… Ngài thật sự có khả năng ngôn ngữ, có trí nhớ rất đặc biệt về địa danh và có nhiệt tâm lo việc tuyên phong thánh cho các Giáo Hội truyền giáo.

Ngài là người đã giúp rất tích cực tuyên phong chân phước cho Anrê Phú Yên ngày 5.3.2000 ở Rôma; Ngài đã là cáo thỉnh viên cho án tuyên thánh của 17 vị tử đạo Lào. Như tôi được biết: Công việc nầy đã bắt đầu từ năm 2001, tức đã qua gần 11 năm, với vô số công việc. Để hoàn tất công việc nầy, Cha Roland đã điều tra và đã lập gần 800 hồ sơ liên quan đến án tuyên thánh 17 vị tử đạo Lào.

Là học trò giáo luật của Cha Roland và là cáo thỉnh viên án tuyên thánh Cha Diệp… tôi đã nghĩ ngay đến việc chọn Cha Roland Jacques làm phó Cáo thỉnh Viên và chuyên viên hướng dẫn trong việc thực hiện tiến trình phong thánh cho Cha Diệp từ năm 2011. Ngài đã giúp ích rất nhiều cho tiến trình nầy, một phần vì Ngài biết phải làm gì và Ngài khá quen với Bộ Tuyên Thánh ở Rôma… Nên Ngài đã giúp tôi chuẩn bị nhân sự và cả tài chánh cho án tuyên thánh Cha Diệp ở Rôma.

Cám ơn Chúa có Cha Roland Jacques.
Xin có lời cám ơn Cha Roland Jacques.

image039
Hồng Y, Giám Mục Việt Nam

3. Lễ Phong Chân Phước: Nhà thờ Chánh Toà Thánh Tâm 10 giờ sáng 11.12.2016

image033
Đức Hồng Y Orlando Quevedo, dòng OMI

Chủ lễ: Đức Hồng Y Orlando Quevedo, dòng OMI, người Phi Luật Tân là Hồng Y Tổng giám Mục Cotobato. Phi Luật Tân…  được Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ định thay thế ngài cử hành thánh lễ tuyên phong Chân Phước cho 17 vị tử đạo ở nước Lào hôm ngày 11.12.2016 ở Vientiane, Lào.

Hiện diện và đồng tế trong thánh lễ long trọng nầy có: Đức Hồng Y Francis Xavier Kriengsak Kovithavanti, Hồng Y Tổng Giám Mục Bangkok, Thái Lan; Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Hà Nội, Việt Nam; Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Sàigòn; Đức Tổng Giám Mục Lê Văn Hồng, Huế; Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, Vinh và Đức Cha Nguyễn Chí Linh – Thanh Hoá, Việt Nam. Ngoài  ra còn có sứ thần toà thánh ở Bangkok, hai Đức Cha ở Campuchia… và 4 giám mục đại diện tông toà của Lào… Số linh mục ước hừng 150 Cha. Ở Lào chỉ có 17 linh mục, số còn lại hơn 100 Cha đến từ Việt Nam.

Thánh lễ diễn ra long trọng, trang nghiêm và sốt sắng. Bà con ở đây cho rằng chưa bao giờ có người tham dự thánh lễ đông như thế. Phải có tới 3000 người tham dự. Có đại diện của sứ quán Đức, đại diện cố vấn kinh tế của Mỹ và đại diện Ban Tôn Giáo của Lào… Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng Anh, vì Đức Hồng Y chủ lễ không biết tiếng Lào… nhưng những phần còn lại phần nhiều là tiếng Lào và tiếng Anh. Có một lời nguyện giáo dân bằng tiếng Việt Nam và bài hát Đây Bài Ca Ngàn Trùng…Dù sao, đây cũng là cơ hội để nước Lào được biết đến và các Chân Phước Lào được ngưỡng mộ… nên tất cả dành ưu tiên cho tiếng lào và nước Lào.

Phần phụ thêm: Người Việt Nam ở Vientiane

image043
Y phục truyền thống Lào

Người ta ước chừng phải có đến 30.000 người Việt Nam ở Vientiane, thủ đô Lào. Tôi có dò hỏi người Việt Nam ở đây, nhưng dường như không ai quan tâm xem có bao nhiêu người hay sinh sống như thế nào? Từ đó, tôi có chia sẻ với họ về nếp sống người Bắc Mỹ Châu hay Âu Châu: Sống không chỉ để làm, không thể “born to work but born to live!” Vì nếu sinh ra để làm thì đúng chúng ta là số con trâu như bà con thường nói. Nhưng Chúa sinh ra con người trong vườn địa đàng…. Nên cần phải bắt chước người Châu Âu: Đừng làm quá 40 tiếng một tuần và một năm phải có ít là một tháng nghỉ.

image045
Tiệm quần áo, quán phở, quán nhậu do người Việt làm chủ
image048
Tiệm quần áo, quán phở, quán nhậu do người Việt làm chủ
image050
Tiệm quần áo, quán phở, quán nhậu do người Việt làm chủ

Chia sẻ vậy thôi, chứ tôi biết chắc người Việt Nam mình, nhất là người Vinh, Hà Tĩnh hay Quảng Trị đang sinh sống ở đây đã quen với truyền thống lam lũ và kham khổ. Nên họ nghe tôi cho vui vậy thôi, chứ trong thực tế, họ rất bận bịu với công việc mua bán và lãnh thầu xây dựng ở đây. Có nhà hàng Việt Nam, có ngày chiêu đãi 1000 khách đến ăn thì không có cách gì có giờ để sống hay hưởng thụ.

image054
Một ngày, chiêu đãi 1000 khách!
image052
Chị Hoa, rất đạo đức sinh ra ở Lào, bán bún, bánh xèo… rộng rãi giúp đỡ quí Cha, quí Sơ…

Cái hay mà tôi nhận thấy ở đây là bà con Việt Nam mình nói tiếng Lào rất sỏi và thành thạo. Họ nói: Tiếng Lào không khó lắm, nghe và nói nhái theo rất dễ! Tôi nghe cung giọng thì nó cũng “nọt-nẹt” na ná như tiếng Campuchia hay tiếng Thái vậy.  Người Việt Nam ở đây còn cố gắng giữ lề lối ăn mặc của Việt Nam như phụ nữ mặc áo dài, nhưng cũng có người Việt Nam sinh sống ở Lào lâu năm… họ ăn vận theo kiểu Lào, trông sang và đẹp lắm. Ngày xưa, tôi lớn lên ở vùng Đồng Tháp, gần Campuchia, thường thấy người Campuchia vận sà-rông, trông không văn minh cho lắm. Tuy nhiên ở đây, phụ nữ vận sà-rông theo kiểu Lào, hàng vải đắt tiền và trông đẹp mắt “hơn cả tuyệt vời!”

Không biết có phải tại xuất xứ hay hoàn cảnh sinh sống hay không, nhưng xem chừng bà con mình ở đây quan tâm số một của họ là chuyện làm ăn sao cho có nhiều tiền và sống xa hoa: Tất cả đều xài xe sang trọng và đắt tiền: Toyota Fortuner, Toyota Land Cruiser – giá một chiếc không dưới 100 ngàn đô la Mỹ… Nhưng có rất nhiều người xử dụng. Thêm vào đó có một cái khác với người Việt ở các nước là đeo vàng và quí kim. Thấy nhiều bà không còn một ngón tay nào tự do… tất cả đều có nhẫn hột xoàn hay vàng khâu. Đàn ông cũng vậy: Đeo xuyến lắc vàng to sợi, dây đồng hồ vàng và nhẫn vàng… Dường như sự sang trọng và nét đẹp ở đây ít nhiều phản ánh văn minh của Ấn Độ: Chùa chiền màu vàng và ở chóp bu của tháp cao có vàng thật nặng cả 5 kí lô. Người ta thích màu sáng và đeo quí kim.

tbdĐể kết thúc, tôi xin chia sẻ suy nghĩ của mình liên quan tới án tuyên thánh cho Cha PX. Trương Bửu Diệp:

Tất cả 17 Chân Phước tử đạo ở Lào đều bị giết chết từ năm 1954 – 1970 do Cộng Sản Pathet Lào. Tuy nhiên Cáo thỉnh Viên, Cha Roland Jacques đã theo sát huấn thị của toà Thánh Sanctorum Mater, không nói đến người chủ mưu giết chết mà chỉ đề cao gương chứng nhân đức tin của các Chân Phước. Nên thực hiện án tuyên thánh không là chuyện khơi dậy căm thù, tìm ra thủ phạm… nhưng là chuyện vinh danh Chúa qua các anh hùng tử đạo. Chính quyền Cộng sản Lào đã nhìn ra cái vô hại trong chuyện tuyên thánh tử đạo Lào. Nên họ đã cho phép tổ chức lễ long trọng.

tbd-01Cha PX. Trương Bửu Diệp cũng thế. Lý do tử đạo của Cha là vì ở lại với đàn chiên. Cha là nhân chứng của một mục tử tốt lành: Sống chết vì đàn chiên. Nên việc điều tra, tuyên phong Chân Phước cho Cha Diệp không là chuyện tìm ra manh mối xem ai giết chết Cha, nhưng là tìm ra sự thật là: Cha Diệp chết vì hy sinh cho đàn chiên.

Nói thế để biết rằng: Tất cả chúng ta, Giám Mục, linh mục và giáo dân… cần biết rõ: Chúng ta làm việc phục vụ cho ai và phải làm gì để đạt mục đích mình đang theo? Chúng ta được kêu gọi phục vụ cho Chúa và phần rỗi các linh hồn…. Vậy thì không nên sợ kẻ “chỉ có thể giết chết thân xác!”

image063
Gia đình anh chị Hương Hiền và 4 con ở Vientiane, một gia đình sẵn sàng hy sinh giúp đỡ cho nhà thờ, cho quí Cha và quí Sơ… Rất đáng khâm phục!

Bài liên quan

Back to top button