Bản tin Phanxicô.vnTin tức

Một cung điện núp bóng trong căn nhà của Chúa

by phanxico.vn

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2019/06/52478569_614161265690822_8888427792505503744_n-696x696.jpg
Trích sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua, Françoise Bouchard, nxb. Salvator

Vị thánh không nghỉ ngơi

Thánh Antôn Pađua, xin cho con tìm ra chìa khóa, mắt kiếng, điện thoại, cây dù, con mèo con đi lạc…  Xin dành cho con một chỗ ở bãi đậu xe ngay khi con mới đến… Xin cho con đức tin, sức khỏe, bình an, niềm vui, hy vọng, công ăn việc làm … cho tất cả những người con thương, cho những người mất việc… Thánh Antôn Pađua tội nghiệp, chẳng có giây phút nào Thánh Antôn Pađua được nghỉ ngơi yên lành bên cạnh Chúa sau một đời phục vụ! Mỗi ngày, mỗi phút, mỗi giây, không biết bao nhiêu là lời từ khắp nơi trên thế giới xin ngài cầu bàu.

Vì ngài quá nổi tiếng và được mọi nơi kính mến, cứ nhìn các tượng của ngài trong nhà nguyện, nhà thờ, nhà thờ chính tòa của chúng ta là biết… Không phải lúc nào các tượng này cũng có tính cách nghệ thuật, các tượng thường được trang hoàng sặc sỡ với hoa nến, biểu lộ lòng sốt mến của tín hữu kitô. Và không biết bao nhiêu là bức khảm tạ ơn treo kín các bức tường…

Nhưng Thánh Antôn Pađua là ai mà chúng ta cảm thấy gần gũi như thế? Trên thực tế ai là Antôn Pađua, tên ngài không phải là Antôn và cũng không ở Pađua?

Dưới dấu hiệu của Đức Mẹ Lên Trời

Chúng ta hãy để cho các sử gia cãi nhau về ngày sinh của ngài. Dù sao chẳng  quan trọng gì nếu ngài sinh năm 1188, năm 1190 hay năm 1195. Qua các tìm tòi  cho đến bây giờ, nên theo ngày tháng từ nhiều thế kỷ nay Giáo hội ấn định: ngài sinh năm 1195. Còn ngày sinh, thì không ai tranh luận, ngày 15 tháng 8, ngày Đức Mẹ Lên Trời!

Ông Martin de Bouillon, thân sinh của ngài thuộc dòng dõi quý tộc của thành phố. Ông được hưởng danh tiếng của cha ruột mình, ông Vincent de Bouillon được vua Alphonse Đệ Nhất ban thưởng vì có công trong cuộc tái chinh phục người hồi giáo. Thân mẫu của ngài là bà Marie-Thérèse Tavera xuất thân từ một gia đình trị vì ở Asturies .

Gia đình sống trong cung điện gần nhà thờ chính tòa dâng hiến Đức Mẹ Lên Trời. Tại đây ngài được người chú là linh mục Fernand de Bouillon rửa tội và ngài được đặt tên Fernand, theo tên của người chú. Theo phong tục của thời đó, ngài được rửa tội tám ngày sau. Ngài có hai em trái, một hoặc hai em gái.

Đức tin được nuôi dưỡng trong thánh đường

Nhà thờ chính tòa gần cung điện của gia đình là nơi đánh động sâu đậm tâm tình mộ đạo của cậu bé Fernand. Khi biết đi, cậu bé thường theo mẹ đến thánh đường và người mẹ hướng dẫn con đến các tượng:

– Chúa Giêsu trên thập giá, chết để cứu nhân loại và sự hiện diện sống thực sự của Ngài trong nhà tạm;

– Bức tranh Đức Mẹ Lên Trời, người mẹ dắt con mình đến trước tượng Đức Mẹ cầu nguyện, luôn nhắc cho con mình biết, Đức Mẹ sẽ không từ chối gì với Fernand vì cậu bé sinh vào ngày Đức Mẹ Lên Trời. Đôi khi cậu bé Fernand trốn cung điện qua thánh đường quỳ gối trước tượng Đức Mẹ và nói chuyện “với Đức Mẹ như nói chuyện với mẹ của mình”.

– Thánh tích của Thánh Vinh Sơn, cậu bé Fernand ngưỡng mộ tình yêu của Thánh Vinh Sơn dành cho Chúa đến mức tử đạo vì Chúa.

Một số điểm nổi bật trong thời thơ ấu của Thánh Antôn Pađua

Các nhà viết tiểu sử không viết nhiều chi tiết về thời thơ ấu của ngài. Chỉ có một vài chi tiết sau:

Những kẻ cướp bóc bị vô hiệu hóa

Một ngày nọ, người cha sai cậu bé Fernand canh ruộng lúa mì vừa gieo. Cậu bé chạy quanh cánh đồng la hét để đuổi đàn chim sẻ đang mon men muốn ăn hạt giống… Đột nhiên Fernand cảm thấy có một thôi thúc không cưỡng lại được phải vào nhà thờ cầu nguyện… Cậu đến vựa thóc mở cửa và kêu lên: “Những con chim nhỏ bé, những con chim nhỏ bé, đến đây nè!”

Nghe những lời này, đàn chim bay đến vựa lúa đầy thóc và ở trong đó.

Khi người cha đi về, ngạc nhiên không thấy con mình ngoài ruộng, ông vào nhà thờ vì biết chắc con mình ở đó. Không bối rối, Fernand cho ông biết các con chim sẻ đã bị cậu nhốt trong vựa và xin cha đến vựa sẽ biết. Không muốn con mình bị chia trí, người cha đến mở cửa vựa và đàn chim đập cánh bay ùa ra, hót líu lo, chúng không bay về cánh đồng mà bay lên trời…

Cái bình vỡ

Fernand là cậu bé khá trầm tính, nhưng khi lớn lên, đôi khi cậu chơi đùa với nhóm bạn hàng xóm. Trong khi vui đùa, các chú bé vô tình làm vỡ bình nước của cô người làm trẻ vừa múc nước từ giếng về. Cô bật khóc vì sợ quá. Fernand áy náy cho cô. Anh chạy đến lượm từng mảnh và cố gắng ghép chúng lại. Rồi anh cầu nguyện Đức Mẹ, xin Mẹ ráp lại. Trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, bình nước lành lặn lại và anh đưa cho cô gái, cô hết lòng cám ơn vì sẽ không bị bà chủ la.

Nhu cầu phải cho

Cũng chính lòng trắc ẩn này mà Fernand đối xử với người nghèo: “Niềm vui lớn nhất có thể mang đến cho anh, là khi anh thấy một người đau khổ, anh để một đồng tiền trong tay họ. Khi anh cho người nghèo, dường như Chúa đang rưới ơn thiêng liêng xuống cho anh, để anh luôn cảm thấy có nhu cầu phải cho.”

Người học sinh mẫu mực

Lên lớp mười, thân sinh cậu bé Fernand cho con vào trường nhà thờ chính tòa do các đan sĩ điều hành, chú ruột của Fernand là hiệu trưởng trường này. Vì đã học ở cung điện các môn căn bản, cậu bé Fernand học ở trường nhà thờ chính tòa các môn la-tinh, hy-lạp, khoa hùng hiện, khoa học, lịch sử thánh. Về mặt phụng vụ, cùng với các bạn, cậu bé Fernand quen thuộc với âm nhạc, nhạc đạo, cậu phục vụ trong các thánh lễ như “tu sĩ” trong các buổi lễ ở nhà thờ chính tòa. Fernand có đầu óc thông minh ngoại hạng, một trí nhớ phi thường, một năng khiếu hùng biện tự nhiên, một khả năng làm việc mạnh mẽ, trong năm đầu tiên học ở trường này, Fernand là đã là học sinh giỏi nhất, cậu bé học ở đây năm năm.

Ngoài các khả năng trí tuệ trên, Fernad là đứa bé ngoan đạo, có lòng trắc ẩn, quảng đại “không thích nói dối, không thích những lời nói vô ích, những phán xét bốc đồng và các kiểu oán ghét báo thù. Fernand được mọi người xem là học sinh chăm chỉ, vâng lời, hay giúp đỡ và là người hòa giải, tạo tình cảm và tin tưởng nơi mọi người.”

Thánh giá khắc trên đá

Trong thời gian đi học đã xảy ra một hiện tượng mà nhiều nhà viết tiểu sử đã ghi lại. Một ngày nọ, Fernand đang cầu nguyện với Đức Mẹ thì bỗng Fernand cảm nhận có một bình an chiếm toàn cơ thể, sau đó là một cảm xúc thật mạnh: cách đó vài bước, anh thấy một “hình dáng gớm ghiếc” làm anh hoảng sợ.

Anh phản ứng ngay lập tức. Tin chắc duy chỉ có thánh giá Chúa Kitô mới có thể làm cho mình không thấy hình ảnh này, anh dùng ngón tay vạch thánh giá trên đá cẩm thạch, đá bắt đầu tan chảy như sáp. Thánh giá được khắc trên đá. Lúc đó, nhân vật khủng khiếp kia biến mất trong một đám mây để lại một mùi hôi khó chịu, như thế là xác nhận nguồn gốc ma quỷ của hiện tượng này. Tấm đá cẩm thạch có khắc thánh giá được gỡ ra và được trưng bày trên một bức tường.

Hướng tới một tương lai xuất sắc

Khi học xong ở trường nhà thờ, Fernand mới 15 tuổi. Vào thời đó, 15 tuổi là tuổi nghĩ tới tương lai. Một tương lai hứa hẹn xuất sắc vì đã được đảm bảo từ khi mới sinh. Là con cả trong gia đình, Fernand sẽ thay cha quản trị của cải và nhà cửa. Đặc biệt là Fernand có khả năng và kỹ năng: trung thực, thực tiễn, tiếp xúc dễ dàng, năng động…

Fernand có sắc vóc bình thường, hơi cao hơn trung bình một chút. Tóc đen, trán rộng, da nâu, nét thanh lịch, mũi cao. Theo các sử gia thì ngài không có một vẻ đẹp đặc biệt! Nhưng tất cả đều nhấn mạnh, ngài có đôi mắt đen với ánh mắt rực lửa được làm dịu đi qua nụ cười nhẹ, nói lên nét linh hoạt của trí thông minh và tấm lòng cởi mở với tất cả những ai đến với ngài.

Điều gì đã làm nên cuộc đời cậu bé đáng yêu, xuất sắc và thiện cảm này?… 

Hay từ bỏ tất cả để theo Chúa

Thân sinh Fernand hẳn muốn anh quản trị gia sản hay sống đời sống thế tục mà mọi cánh cửa đều mở ra trước mặt cho anh. Nhưng với anh, địa vị cá nhân hay được dân chúng trọng vọng chỉ là ảo tưởng vô ích. Anh chỉ mong muốn một chuyện: sống kết hiệp của Chúa Giêsu nhất có thể, người mà trong tuổi thơ của mình, anh đã thường hay đến thăm, cùng với sự hỗ trợ của Đức Mẹ. Nguyện ngắm huyền nhiệm Đức Mẹ Lên Trời ở nhà thờ lâu ngày, anh xem Mẹ Maria là người mẹ thứ nhì của mình và anh không quên, sinh nhật của mình là ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời.

Anh quyết định: Anh vào đan viện Thánh Âugutinô: Đan viện của Thánh Vinh Sơn Fora nằm trên đỉnh cao thành phố mà dưới mắt anh có một số lợi thế:

– Đan viện dâng hiến cho Thánh Vinh Sơn tử đạo mà Fernand thường hay viếng thánh tích;

– Địa điểm xa thành phố tạo được bầu khí thinh lặng và bình an giúp cho việc tập trung cầu nguyện mà anh hằng mong ước;

– Các công việc hàng ngày của đan sĩ phù hợp với anh, có thì giờ cầu nguyện, học hỏi và làm việc chân tay… Có các giây phút xen kẻ tập hát, ở thư viện, ngoài vườn, trong phòng… giúp cho anh được thăng bằng trên nhiều mặt.

Fernand chỉ còn thuyết phục cha mẹ. Nhờ sự can thiệp của người chú linh mục, anh được cha mẹ đồng ý dễ dàng.

Marta An Nguyễn dịch

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2019/06/st-antoine-f-bouchard.jpg

 

Bài liên quan

Back to top button