Năm chìa khóa để hiểu chuyến đi Budapest và Slovakia của Đức Phanxicô
By phanxicovn – 12/09/2021
Đức Phanxicô sắp lên đường đi Budapest và Slovakia từ ngày 12 đến 15-9. Hãng tin I. Media giải thích chuyến tông du này.
cath.ch, I. Media, 2021-09-09
Sự giao tiếp tốt đẹp giữa Đức Phanxicô và Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova sẽ là một trong những lý do của chuyến tông du đến đất nước này. Đức Phanxicô trong lần tiếp bà Zuzana Caputova ngày 14 tháng 12-2020 Vatican | © NATO / Flickr / CC BY-NC-ND 2.0
1- Budapest, không phải Hungary
Trên chuyến bay từ Iraq về Rôma ngày 8 tháng 3 năm 2021, lần đầu tiên Đức Phanxicô cho biết ngài sẽ đi Budapest dự Đại hội Thánh Thể tổ chức ở đây chứ không phải chuyến đi cấp quốc gia như trường hợp ngài đi Slovakia. Cũng như chuyến ngài đến Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg năm 2014 và vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hội đồng Giáo hội Thế giới ở Geneva năm 2018.
Vì thế ngài sẽ chỉ ở lại một buổi sáng tại thủ đô Hungary, đủ thì giờ cử hành thánh lễ kết thúc Đại hội Thánh Thể Quốc tế, sau khi gặp các giám mục, đại diện các giáo phái Kitô giáo và Do Thái giáo cũng như các nhà cầm quyền.
Trong những ngày gần đây, việc ngài sẽ gặp Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã gây nhiều bàn tán, trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh COPE của Tây Ban Nha, ngài nói không biết ngài có gặp Thủ tướng không. Với sự hiện diện chính thức của Thủ tướng Hungary trong chương trình, dĩ nhiên vấn đề đối lập chính trị giữa hai người sẽ nảy sinh.
Đức Phanxicô sẽ đến Budapest ngày 12 tháng 9 năm 2021 | © David Mark / Pixabay
Sự chống đối này chưa bao giờ bộc lộ một cách công khai. Nhưng cách mà Đức Phanxicô và Thủ tướng Hungary phản ứng trước cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 đã bộc lộ hai quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau. Khi hàng ngàn người di cư vượt Balkan vào châu Âu, đặc biệt là chạy trốn khỏi tổ chức Nhà nước Hồi giáo, Thủ tướng Hungary quyết định dựng hàng rào thép gai ở biên giới Hungary với Serbia để ngăn họ vượt qua.
Năm nay, trong một thông điệp gởi đến Cộng đoàn Sant’Egidio – Hiệp hội Công giáo đặc biệt đón nhận người di cư – Đức Phanxicô đã kịch liệt chỉ trích bạo lực của người Hồi giáo, đã buộc nhiều người Syria và Iraq phải lưu vong. Nhưng ngài cũng tố cáo bạo lực của việc “dựng lên những bức tường và rào cản để chặn những người tìm kiếm một nơi bình yên. Bạo lực đang đẩy lui những người chạy trốn khỏi những điều kiện vô nhân đạo với hy vọng có một tương lai tốt đẹp hơn.” Tất cả các nhà bình luận vào thời điểm đó đều xem lời tuyên bố nhắm đến Hungary.
Sự chống đối trên nhiều vấn đề – đặc biệt là vấn đề châu Âu hoặc chủ nghĩa dân túy – đã tạo nhiều suy đoán, liệu hai người có gặp nhau không. Và việc chọn đến thăm nước láng giềng Slovakia ở cấp nhà nước được xem là quyết định chính trị nhằm đề cao Slovakia. Hơn thế nữa khi nguồn tin ngoại giao Slovakia xác nhận với hãng tin I. Media, mối quan hệ tốt đẹp với bà Zuzana Caputova, tổng thống Slovakia láng giềng, một chính trị gia cánh tả thân châu Âu, được Đức Phanxicô gặp cách đây chưa đầy một năm, là một yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn của giáo hoàng.
2- Vinh danh Đại hội Thánh Thể
Chuyến đi Budapest dù ngắn nhưng đây sẽ là một trong những điểm nổi bật của chuyến tông du đến Trung Âu. Chính từ sự kiện này mà phần còn lại của chuyến đi đến Slovakia đã được xây dựng như ngài đã giải thích với các nhà báo trên chuyến bay từ Iraq về Rôma.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban | © EPP / Flickr / CC BY 2.0
Với sự tham dự này, Đức Phanxicô đi theo bước chân của các vị tiền nhiệm, những người từ rất sớm đã muốn tôn vinh Bí tích Thánh Thể. Tuy không đến đó, nhưng Đức Lêô XIII đã khuyến khích Đại hội Thánh Thể lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Lille vào cuối thế kỷ 19 để đào sâu kiến thức và tôn thờ Thánh Thể. Giáo hoàng đầu tiên tham dự là Đức Piô X tại Đại hội đầu tiên ở Rôma năm 1905, ngài được một số người đặt biệt danh là “Giáo hoàng của Bí tích Thánh Thể”.
Nhiều năm sau, Đức Phaolô VI đích thân chủ tọa các cuộc tranh luận tại hai đại hội: Đại hội Bombay (1961) và Đại hội Bogota (1968). Đức Gioan Phaolô II tiếp nối, ngài tham dự các Đại hội ở Nairobi (1985), Seoul (1989) và Seville (1993). Sau đó ngài tổ chức ở Ba Lan (1997), và cuối cùng là ở Rôma năm 2000. Đức Bênêđictô XVI chưa bao giờ tham dự các sự kiện này.
Còn với Đức Phanxicô, ngài mong chuyến đi này được “đánh dấu bằng thờ phượng và cầu nguyện” – đây là lần đầu tiên ngài tham dự; ngài cũng thông báo ngài sẽ dự Đại hội Thánh Thể tổ chức tại Ecuador năm 2024.
3- Chuyến đi vào “trọng tâm Âu châu”
Trong giờ Kinh Truyền Tin Chúa Nhật 5 tháng 9, một tuần trước khi đi Budapest và Slovakia, ngài đã nói đến chuyến đi “đến trọng tâm Âu châu”. Ông Marek Lisánsky đại sứ Slovakia tại Tòa thánh giải thích với hãng tin I. Media, đó là một thực tế địa lý nhưng Slovakia cũng là một quả tim thiêng liêng: là quốc gia đầu tiên được Kitô giáo hóa ở Trung Âu. Năm 828, hoàng tử Pribina của Nitra đã xây ngôi nhà thờ đầu tiên trong cả vùng. Gần 1.200 năm sau, cội nguồn cổ xưa này đã làm cho Slovakia thành quốc gia theo Thiên Chúa giáo vững chắc: 65% dân số theo đạo Công giáo và khoảng 85% là tín hữu Kitô.
Slovakia vào Liên hiệp Âu châu năm 2009; một bước ngoặt 20 năm sau khi chế độ Cộng sản kết thúc. Đại sứ Marek Lisánsky nhấn mạnh việc gia nhập Cộng đồng Âu châu đóng một vai trò rất tích cực trong việc phát triển đất nước.
Đức Phanxicô thăm Slovakia từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 9 năm 2021 | ảnh: Lâu đài Bratislava © Dzoko Stach / Pixabay
Ba gốc rễ địa lý, thiêng liêng và chính trị của Slovakia, một thành viên kín đáo nhưng tích cực của bộ máy đa phương châu Âu đã làm cho Slovakia thành nơi lý tưởng để Đức Giáo hoàng đưa ra lời kêu gọi mới về việc tái-xây dựng lại cộng đồng Châu Âu.
Thêm nữa, vấn đề Âu châu là một trong những vấn đề Đức Phanxicô lặp đi lặp lại trong triều giáo hoàng và chính sách ngoại giao của ngài. Có thể, như trong các bài phát biểu trước đây của ngài về Âu châu, ngài sẽ đề cập đến sứ mạng thiết yếu mà châu Âu phải thực hiện trên thế giới và nhắc lại giấc mơ của ông Robert Schuman, một trong các tổ phụ của Âu châu mà Giáo hội vừa công nhận là bậc đáng kính.
Và ngược lại, ở đất nước bị đánh dấu bằng sắt nóng của chủ nghĩa độc tài trong thế kỷ 20 – bị Đức Quốc xã chiếm đóng, sau đó bị gia nhập vào khối Liên Xô – Đức Phanxicô có thể cảnh báo về nguy cơ lui về chủ nghĩa dân tộc và những cám dỗ của chủ nghĩa dân túy, như ngài đã nhắc lại nhiều lần.
4- Slovakia, bức khảm và biên giới
Một đặc điểm ít được biết đến của Slovakia là sự đa dạng về sắc tộc. Đất nước nhỏ bé với chưa đầy 6 triệu dân này là nơi sinh sống của 13 dân tộc thiểu số, gồm cộng đồng Magyar lớn (đại diện cho gần 1/10 người Slovakia), và còn cả người Rom (người du cư), Séc, Ba Lan, Ruthenian, Ukraine và Đức. Sự đa dạng này được thể hiện trong đa dạng về ngôn ngữ, nhắc lại Slovakia là thành viên cũ trong Đế chế Áo-Hung.
Chiều kích này còn tăng qua sự đa dạng tôn giáo, mặc dù Công giáo Rôma chiếm ưu thế (65%). Slovakia đáng chú ý là nơi tập trung của Do Thái giáo ở Trung Âu, đặc biệt là của vùng ngoại vi Chính Thống giáo: giáo đường Do Thái đầu tiên là giáo đường Bratislava, có từ thế kỷ 14. Đức Phanxicô sẽ gặp các thành viên của cộng đồng này cùng với Hiệp hội Bêlem ngày 13 tháng 9.
Các gia đình Kitô giáo khác nhau đều có mặt ở Slovakia: ngoài Giáo hội La Mã ở phía đông của đất nước, còn có Giáo hội Công giáo Hy Lạp-Slovakia, gắn liền với Rôma. Ngày 14 tháng 9, Đức Phanxicô sẽ đến Presov để cử hành thánh lễ theo nghi thức này, thừa kế từ Thánh Gioan Chrysostom.
Hiện nay có sự hiện diện đáng kể của đạo Tin Lành xuất hiện ngay sau cuộc cải cách và vào Slovakia nhờ những người nói tiếng Đức. Là một lãnh thổ đối đầu với Giáo hội Công giáo trong thời kỳ Phục Hưng, bây giờ Slovakia là nơi có tín hữu theo phái Calvin và Luther cùng tồn tại một cách hòa bình với những kẻ thù trước đây của họ.
Người Rom thường bị ở bên lề ở Âu châu | © Marjan Lazarevski / Flickr / CC BY-ND 2.0)
Chắc chắn Đức Phanxicô sẽ nhạy cảm với sự đa dạng sắc tộc này, đặc biệt về địa lý, vì Slovakia bị chia giữa hai miền tây và đông của đất nước, làm cho Slovakia trở thành một quốc gia trọng yếu giữa phương Tây và phương Đông. Tại vùng đất tử đạo và bách hại này, ngài sẽ nêu lên truyền thống Công giáo về “những người giải tội anh hùng”, cũng như đức tính “hiếu khách” mà ngài nêu lên trong giờ Kinh Truyền Tin vừa qua ở Rôma.
5- Một cuộc gặp quan trọng với người “Rom”
Một trong những buổi gặp cuối cùng của Đức Phanxicô trên đất Slovakia đến khu phố Lunik IX, ở Kosie. Đây là một trong những căn nhà dành cho người Rom lớn nhất ở Trung Âu, họ có mức sống rất thấp. Không như một số người Rom ở Tây Âu, người Rom ở Slovakia là những người được định cư hóa và có mặt trên khắp đất nước.
Đây là một thực tế có từ xưa: Hoàng hậu Marie-Thérèse đã thiết lập các chương trình đồng hóa từ thế kỷ 17. Những ngôi làng Rom này đã có từ lâu và dân số của họ ngày nay được đại diện bởi các thị trưởng và thành viên của Quốc hội Slovakia. Tuy nhiên, sự hội nhập của nhóm thiểu số vẫn chưa thành hiện thực ở Slovakia, như trường hợp ở khắp nơi ở châu Âu.
Đây không phải là lần đầu tiên Đức Phanxicô gặp các người Rom. Năm 2019, trong chuyến đi Romania, ngài đã đến Blaj để xin lỗi người dân địa phương vì gánh nặng “phân biệt đối xử, cắt chia và đối xử tệ bạc” với người Rom trong nhiều thế kỷ. Ngài đã kêu gọi tiếp nhận và công kích sự thờ ơ trước cảnh khốn cùng mà người dân Rom phải chịu.
Ngài cũng khuyến khích người Rom xây dựng một thế giới nhân văn hơn, nhấn mạnh đến tầm quan trọng tình anh em giữa các dân tộc. Ở Kosie, chúng ta có thể mong đợi ngài sẽ quay về với cuộc chiến này.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch