Rony, một tân linh mục, một dấu hiệu hy vọng cho tín hữu Kitô ở Irak
fraternite-en-irak.org, 2010-08-31
Thành phố Qaraqosh nơi tân linh mục lớn lên đang ở trong tay Nhà nước Hồi giáo Tự xưng. Rony được phong chức ngày 5 tháng 8-2016 cùng với hai linh mục khác của địa phận công giáo Syria của Mossoul và Qaraqosh, đúng hai năm sau ngày 120 000 tín hữu kitô của vùng đồng bằng Ninive phải lưu vong. Từ khi thành lập tổ chức Huynh đệ Irak năm 2011, Rony giúp các thiện nguyện viên của tổ chức Huynh đệ ở Qaraqosh, rồi ở Erbil và từ đó anh là bạn của họ.
Câu chuyện của Rony
Ở Qaraqosh, thành phố lớn ở vùng đồng bằng Ninive, cách Mossoul ba mươi cây số, Rony, 27 tuổi lớn lên trong một gia đình rất mộ đạo. Hàng ngày cả nhà lần hạt và đọc một đoạn Phúc Âm chung với nhau. Rony cho biết, «gia đình chúng tôi đặt cầu nguyện vào trọng tâm cuộc sống». Tân linh mục đã nghe tiếng Chúa gọi từ nhỏ. «Khi tôi còn nhỏ, làm linh mục là giấc mơ của tôi, có một cái gì sâu thẳm trong lòng tôi khi tôi đi lễ». Linh mục dạy giáo lý cho trẻ em thời đó tiên đoán Rony sẽ là linh mục khi anh học xong. Trong tâm hồn mình, Rony đã mong điều đó.
Sau đó anh học toán ở Mossoul để thành giáo sư. Mỗi ngày anh đi 30 cây số từ Qaraqosh đến Mossoul để đến trường đại học. Từ khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ, thủ đô của bang Ninive là thành phố bất ổn, các sinh viên kitô giáo đến học với tâm trạng lo sợ. Năm 2010, một biến cố kinh khủng giáng xuống thành phố. Các chuyến xe buýt đi Mossoul là mục tiêu của cuộc tấn công, có 2 người chết và 180 người bị thương. Còn Rony, anh bị thương ở mặt, anh thấy chị mình chết trước mặt, và đó là bước ngoặc cho cuộc đời của anh. Anh vào chủng viện. Giám mục nhận anh vào chủng viện nhưng bắt anh phải học xong chương trình học của mình.
Gia đình Rony khó chấp nhận tin này. «Khi tôi vào chủng viện, trong nhà chỉ còn một em trai ở nhà. Mẹ tôi nói, tôi vẫn cứ là giáo lý viên, tiếp tục phục vụ Giáo hội và vẫn làm giáo sư, nhưng tôi muốn nhìn sự thật, muốn nhìn nhan thánh Chúa và phục vụ người anh em mình. Mẹ tôi nói bà sẽ khóc cho đến ngày tôi trở về…».
Hai năm đầu tiên ở chủng viện không phải là không khó. «Từ năm giờ sáng, tôi đã phải lên đường đi Mossoul để tiếp tục chương trình học toán, rồi chiều tôi về chủng viện. Giáo hội nâng đỡ tôi rất nhiều trong giai đoạn này».
Chính thời gian này tổ chức Huynh đệ Irak biết đến Rony. Từ năm 2011 đến 2013, mỗi mùa hè Rony làm hướng dẫn thông dịch cho nhóm người Pháp đến Qaraqosh hai tuần để lo cho các em ở một khu vực nghèo và để làm dự án cho những chương trình khác nhau.
Xuất hành
Đêm ngày 6 rạng ngày 7 tháng 8 – 2014, đời sống của Rony và hàng ngàn người dân ở Qaraqosh bị đảo lộn. Nhà nước Hồi giáo Tự xưng tiến đến ngoài thành phố. «Các linh mục nói chúng tôi sẽ không đi. Khi quân đội Kurde rút đi trưa hôm đó, giám mục nói chúng tôi phải lần hạt, chúng tôi có thể ở lại đây. Tôi khóc và tôi bắt đầu cầu nguyện mong tìm được hy vọng để ở lại».
Hai giờ sau, tình trạng nặng hơn, quân đội Kurde có nhiệm vụ bảo vệ thành phố rút lui, nguy hiểm đã cận kề. «Tôi là những người cuối cùng ra đi. Trên đường đi tôi khóc rất nhiều. Tôi thấy nhiều người ra đi không mang theo gì, không xe cộ, nhiều người ngồi xe lăn, người dân vừa đi vừa khóc». Rony tin chắc chẳng còn gì ngoài lời cầu nguyện. «Tôi hỏi Chúa Giêsu và Mẹ Maria: «Chúa Giêsu và Mẹ Maria ơi, các Ngài ở đâu? Chúng con yêu Ngài và cầu nguyện lên Ngài». Chúng tôi đi qua Karamless và ngừng ở đó vì có hàng ngàn xe». Một tiếng nói thì thầm trong lòng Rony «con đừng lo». «Nhiều người khác cần đến con, con phải mạnh. Tôi bắt đầu cười và tôi thấy tiếng nói này cho tôi sức mạnh để tiếp tục. Khi chúng tôi đến trạm kiểm soát Kalak phân chia giới hạn với người Kurde Irak, họ nói chúng tôi không được đi xe qua đây. Cuối cùng chúng tôi đi bộ đến Erbil, người trẻ cõng người già và trẻ em, gần như chẳng ai còn đồ đạc gì, không có nước, không có gì để ăn.»
Sau đó Rony phục vụ ở trạm y tế dã chiến được thành lập trong các lều của trại gần nhà thờ Mart Schmouniở Erbil, trong khu vực Ankawa. Tại đây, anh cảm nhận thêm một lần nữa sức mạnh của cầu nguyện: «Tôi sẽ đi thăm các bệnh nhân bị bệnh nhiễm trùng, tôi sẽ không đề phòng gì, chẳng khi nào có chuyện gì xảy ra với tôi».
Sứ vụ linh mục trẻ
Rony sẵn sàng phục vụ ở tất cả giáo xứ thuộc Mart Schmouni. «Ba chúng tôi được chịu chức sẽ mang sức mạnh đến cho giáo dân vì họ thấy những người trẻ đã bỏ tất cả để ra đi mà vẫn giữ bình an tâm hồn. Giáo hội chúng ta vẫn còn sống! Chúng tôi được thúc đẩy bằng một lực chẳng dính gì với lực của con người».
Một lời kêu gọi
Trước khi từ giã chúng tôi, Rony xin chúng tôi gởi một tin nhắn ra ngoài. «Như quý vị đã biết, sau khi Thánh Tôma rao giảng Tin Mừng, các tín hữu kitô Irak là những người đầu tiên đến Irak. Để chúng tôi có thể ở lại Irak, thì phải kêu gọi các chính quyền cho chúng tôi một vùng hòa bình. Họ thật sự đã đóng góp rất nhiều. Họ nhận được nhiều, họ có rất nhiều tài năng, nhiều người là giáo sư, bác sĩ, họ thành lập nhiều trường học. Ở Irak, chúng tôi có một đức tin rất mạnh. Các nhà thờ đông nghẹt người.»
Linh mục Rony có một sợi dây liên hệ đặc biệt với nước Pháp. «Tôi thích người Pháp vì họ đến thăm chúng tôi. Rất nhiều người cầu nguyện cho chúng tôi và chúng tôi cầu nguyện cho họ. Một cộng đoàn đức tin đã được thành lập. Quý vị đã từ bỏ an ninh của mình, bình an của mình để đến đất nước chiến tranh này. Cha vừa cười vừa nói, quý vị điên rồi, nhưng quý vị đã khuyến khích chúng tôi ở lại dù một số lớn gia đình muốn ra đi, vì 2 năm thì cũng đã quá lâu…».