Truyền thống lưu truyền của đội vệ binh Thụy sĩ Giáo hoàng ở Vatican
Những người lính của Giáo hoàng: Truyền thống lưu truyền của đội vệ binh Thụy sĩ Giáo hoàng ở Vatican
Truyền thống rất đẹp và giá trị lâu đời và niềm tin được thể hiện ngày 6 tháng Năm. Khi tuyên thệ, ba ngón tay của những vệ binh tượng trưng cho Chúa Ba Ngôi, như được thể hiện ở dưới. Đức Thánh Cha gặp gỡ những vệ binh và gia đình của họ ngày 4 tháng Năm (Ceremony photos, Daniel Ibanez/CNA; papal guard photos, Vatican Media/National Catholic Register)
10 tháng Năm, 2019
Một số tân vệ binh chia sẻ kinh nghiệm đặc biệt với Register bên lề của những nghi thức ngày 6 tháng Năm.
Solène Tadié
THÀNH VATICAN — Vệ binh Thụy sĩ Giáo hoàng, có nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn cho Đấng Kế nhiệm Thánh Phê-rô và Điện Tông Tòa hơn 5 thế kỷ, đã chào đón 23 tân binh nhận nhiệm vụ trong một nghi thức thường niên tại Vatican.
Chiều ngày 6 tháng Năm, 23 Vệ binh Thụy sĩ — rất dễ thấy do đồng phục sặc sỡ kiểu Trung cổ của họ — tuyên thệ trong một nghi thức diễn ra tại Sân Thánh Damasus của Vatican trước sự hiện diện của Đức ông Paolo Borgia, cố vấn của ngài quốc vụ khanh, Đức Tổng Giám mục Georg Gänswein, Tổng trưởng Nội chính Giáo hoàng, là những vị đại diện cho Đức Thánh Cha Phanxico.
Ngày diễn ra sự kiện thường niên kỷ niệm 147 Vệ binh Thụy sĩ đã hy sinh để bảo vệ Đức Thánh Cha Clementê VII trong cuộc tấn công của vua Charles V năm 1527. Đội vệ binh là một trong những đơn vị quân đội hoạt động liên tục lâu đời nhất.
“Thật là một vinh dự lớn được phục vụ Giáo hoàng, luôn ghi nhớ những điều trọng đại mà những người tiền nhiệm đã thực hiện trước chúng tôi,” Samuele Menghini, một tân binh từ Ticino, nói với Register trước buổi tuyên thệ.
Nghi thức tuyên thệ là đỉnh điểm của lễ mừng kéo dài ba ngày dành cho các tân binh và gia đình của họ, bắt đầu bằng một buổi tiếp kiến của các tân binh với Đức Thánh Cha Phanxico sáng 4 tháng Năm. Trong nghi thức đặt vòng hoa ngày 5 tháng Năm tôn vinh những người đã hy sinh năm 1527, trong Quảng trường Proto-Martyrs của Roma, nhiều vệ binh xứng đáng được tặng huân chương vinh danh sự phục vụ của họ dành cho Đức Giáo hoàng.
“Thực tại của doanh trại dạy cho những nguyên tắc về đạo đức và tinh thần phản ánh nhiều giá trị mà chúng ta cần có trong cuộc sống: đối thoại, lòng trung thành, sự ổn định trong những mối quan hệ, sự hiểu biết lẫn nhau,” Đức Thánh Cha nói trong huấn từ của ngài trước Đội Vệ binh ngày 4 tháng Năm. “Anh em có cơ hội trải nghiệm những thời gian của niềm vui, và chắc chắn có những thời gian khó khăn điển hình của kinh nghiệm tập thể.”
Lời của Đức Giáo hoàng dường như phản ánh những thách đố mà Đội Vệ binh Giáo hoàng gần đây đang trải qua do vấn đề gia tăng nhân sự, vì khối lượng công việc nhiều hơn.
Theo Đại tá Christoph Graf, chỉ huy trưởng vệ binh, năm nay con số tân binh thấp hơn 30% so với năm 2018, mặc dù gần đây Đức Giáo hoàng đã đồng ý tăng quân số từ 110 lên 135. Với 23 tân binh vừa gia nhập năm nay, cần thêm 40 người nữa để đủ số tăng, vì hầu hết vệ binh đều xuất ngũ sau hai năm phục vụ.
Yêu cầu của Vatican
Một trong các tiêu chuẩn thì những cấp bậc của Vệ binh Thụy sĩ phải đáp ứng những yêu cầu của Vatican: Mỗi ứng viên phải là một người đàn ông Thụy sĩ Công giáo nhiệt thành tuổi từ 19 đến 30.
Cho dù đây là một đội quân theo truyền thống, nhưng các phương pháp mới đang được áp dụng để động viên các tân binh.
Các chương trình truyền thông được khởi động trong các trường học và truyền thông đại chúng tiếp cận trực tiếp hơn với các ứng viên tiềm năng của tương lai.
“Chúng tôi sẵn sàng thay đổi niềm tin rằng trở thành một Vệ binh Thụy sĩ chỉ có nghĩa là đứng im giữ một ngọn kích,” Đại tá Graf nói.
Trong khi nhiệm vụ đó có thể là điều quen thuộc nhất đối với mọi người, nhưng ông cho thấy tại một cuộc họp báo ngày 4 tháng Năm rằng có rất nhiều nhiệm vụ an ninh quan trọng được trao phó cho các vệ binh, họ là những người đi theo Đức Thánh Cha khắp nơi, kể cả những chuyến đi nước ngoài. Sự phục vụ như vậy có thể đưa đến những cơ hội khác. Chẳng hạn, phó hạ sĩ Didier Grandjean, người là một thành viên của Đội Vệ binh Thụy sĩ trong bảy năm, được thăng cấp lên hạ sĩ sau ba năm phục vụ.
“Càng ở lâu trong Đội Vệ binh thì sứ mạng càng thú vị,” Grandjean nói với Register.
Chiến lược tuyển dụng mới gồm có các tiêu chuẩn khác, chẳng hạn khả năng cho phép các vệ binh được kết hôn và có con trong khi đang phục vụ Giáo hoàng — được cho phép lần đầu tiên cách đây ba năm.
Một trong những nét đặc trưng chính trong các nỗ lực tuyển dụng mới, năm 2017 Vệ binh công bố những kế hoạch nâng cấp khu doanh trại, là một tòa nhà từ thế kỷ 19 không còn phù hợp cho những nhu cầu hiện tại của vệ binh, đặc biệt cho những người có gia đình.
Một chiến dịch gây quỹ sẽ được khởi động trong những năm sắp tới qua một quỹ đặc biệt để có được 50 triệu euro cần thiết để sắp xếp lại những không gian sinh sống.
Lời kêu gọi đóng góp sẽ mở rộng đến với người Công giáo trên khắp thế giới và đặc biệt là người Công giáo và không Công giáo ở Thụy sĩ là những người muốn duy trì truyền thống lưu truyền của Đội Vệ binh Thụy sĩ.
“Những bạn trẻ còn do dự chưa gia nhập với chúng tôi nên xem lại quan điểm, vì là người Thụy sĩ và có thể đến được Vatican là một vinh dự mà rất nhiều người muốn có,” phó hạ sĩ Théophane Gaillard, người đã gia nhập hai năm trước, nói với Register. “Nhiều người bạn trong quân đội mang những quốc tịch khác muốn trở thành một thành viên của Đội Vệ binh Giáo hoàng nhưng họ không thể. Cần phải khuyến khích nhiều người hơn ở Thụy sĩ tham gia với chúng tôi.”
Giữa Đức tin và Truyền thống
Đội Vệ binh Thụy sĩ được thành lập năm 1506 bởi Đức Giáo hoàng Julius II và luôn giữ vững danh tiếng xuất sắc. Quả thật, những người lính Thụy sĩ từng được xem là những chiến binh thiện chiến và trung thành nhất trên thế giới. Di sản của lòng tin tưởng của giáo hoàng đối với người Thụy sĩ vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
“Chúng tôi vẫn không thay đổi,” Robi Curkovic, một tân binh, nói với Register. “Người Thụy sĩ chúng tôi có thể giữ bí mật nghiệp vụ tốt hơn bất kỳ ai. Sự thận trọng, cùng với tính chính xác và hiệu quả, cho phép chúng tôi giữ được sự tin tưởng của các giáo hoàng suốt nhiều thế kỷ.”
Truyền thống ái quốc và gia đình là những động cơ bền bỉ cho các thanh niên Thụy sĩ ghi danh vào đội quân tinh nhuệ của giáo hoàng. Thật vậy, nhiều người thanh niên này quyết định đến Vatican để noi theo những bước chân của cha ông tiền nhân. Chẳng hạn hai anh em Théophane và Timothée Gaillard quyết định phục vụ Đức Thánh Cha suốt hơn 20 năm sau người cha của hai anh.
“Ngày nay, gắn kết với Đức Giáo hoàng không chỉ có nghĩa là bảo vệ sự an toàn của ngài về thể xác, nhưng còn bảo vệ những điều ngài trình bày và niềm tin của ngài, Timothée Gaillard nói, người tuyên thệ ngày 6 tháng Năm, hai năm sau người anh trai của anh. Anh nói với Register rằng cam kết đó cũng là một cách để trả lại cho Giáo hội mọi điều anh đã đón nhận từ Giáo hội, đặc biệt việc học hành của anh ở Morges. Theo Théophane Gaillard, sứ mạng đặc biệt của Vệ binh Thụy sĩ khó có thể thi hành nếu không có kiến thức vững chắc về niềm tin Công giáo.
“Tôi ở đây như một người lính của Đức Ki-tô, vì Đức Giáo hoàng đại diện cho Đức Ki-tô trên trần gian, và nó cho tôi sức mạnh để không bao giờ đầu hàng,” anh nói.
Cũng nhờ niềm tin đã đưa Grandjean đến Vatican bảy năm trước. Trong giáo phận Fribourg của mình, anh đã từng là một lễ sinh và là người đọc sách trong Thánh Lễ, và niềm tin của anh được củng cố mạnh mẽ ở Vatican.
“Đức tin của tôi lớn lên ở đây theo một cách rất riêng tư, đến mức cuối năm nay, tôi sẽ vào chủng viện,” anh nói, và giải thích rằng nhiều khoảng thời gian thinh lặng trong thanh bình mà anh trải nghiệm khi đứng gác tại Điện Tông tòa đã cho anh cơ hội quý báu để suy ngẫm về cuộc đời và nơi Chúa dẫn dắt anh đi.
“Người ta đến đây với nhiều động cơ khác nhau, và một số người có thể không có đức tin vững mạnh,” anh nói. “Nhưng họ sẽ tìm được nó ở đây — tôi nhìn thấy điều đó xảy ra nhiều lần.”
Tất cả những Vệ binh Thụy sĩ được Register phỏng vấn dường như đều đồng ý rằng trải nghiệm phục vụ Giáo hoàng của họ sẽ có một ảnh hưởng lâu dài đối với họ.
Vệ binh Robi Curkovic, người dự định không ở lại lâu hơn thời gian hai năm quy định, tin rằng kinh nghiệm này sẽ luôn là một nguồn mạch tạo cảm hứng lớn cho cuộc sống của anh khi trở về Thụy sĩ.
Anh nói: “Nó sẽ ghi dấu ấn trong ký ức của tôi mãi mãi. Nó đã củng cố đức tin của tôi vượt ra ngoài sự mong chờ, và tôi chắc chắn rằng nó sẽ có ích lớn cho nghề nghiệp tương lai của tôi.”
[Nguồn: ncregister]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/5/2019]