“Lẻ bóng” | Chuyện phiếm Đạo/Đời
Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 23 thường niên năm A 10/9/2017
“Có người hỏi tôi tại sao”
Ưa ca bài ca sầu nhớ
Ưa ngắm trăng mờ hoàng hôn
Ưa đi lặng lẽ trong những đêm gió mưa u buồn
Mà nghe cô đơn.”
(Anh Bằng – Lẻ Bóng)
(Mt 5: 8)
Nhạc bản “Lẻ Bóng” của nhạc sĩ Anh Bằng, vẫn cứ hỏi mình/hỏi người khá nhiều thứ. Có những thứ và những sự nghe xong, cũng khó mà trả lời cho ra nhẽ. Khó nhất hạng, là cứ phải đọc báo lá cải hoặc rau diếp rau dền sao đó, rồi lại hỏi chuyện đó có thật hay không, thì có ma nào biết được sự thật, mà giải-đáp.
Trước khi giải-mã câu hỏi về sự việc này, nay mời bạn và tôi, ta thử đọc một tin khá “lạ kỳ” trên tuần báo “Văn Nghệ” ở Úc hôm 03/8/2017, có những điều rất ư là kỳ khú, như sau:
“Kỳ quái ở Sàigòn, nghề ngủ thuê trong quan tài lấy may.
Có lẽ bất cứ ai khi nhìn thấy những cỗ quan tài sơn màu đỏ đều cảm thấy lạnh sống lưng, không muốn đến gần chứ đừng nói là chui vào đó…nằm ngủ. Thế nhưng, ở những trại hòm Sài gòn lại có cái nghề kỳ quái: Vào nằm trong quan tài.
Công việc này khá đơn giản, chỉ cần nằm im trong quan tài gỗ đã đóng kín, sau một tuần nhang sẽ được các chủ trại hòm trả từ 400.000-500.000đồng. Anh Vạn (44 tuổi, quê gốc Chợ Gạo, Tiền Giang) làm nghề ngủ trong quan tài, cho biết, khoảng 4-5 năm trở lại đây, nghề này khá phát triển…
Cũng theo anh Vạn, các chủ trại hòm cho rằng, nếu buôn bán ế ẩm, các quan tài không có “chủ nhân” chỉ cần có người chịu vào đó nằm, giả chết sau một tuần nhang thì sẽ có chủ nhân thật sự. Nói nôm na, ngủ trong quan tài để mang lại may mắn làm ăn, buôn bán cho họ. Chẳng biết thực/hư thế nào, nhưng cái nghề ngủ quan tài là có thật 100%” (X. Văn Nghệ Tuần Báo ngày 3 tháng 8 năm 2017, tr. 44)
Thế nhưng, bỏ qua một bên những chuyện tưởng-như-là dị-đoan/mê-tín thần-thoại này, nay ta cũng nên để mắt đọc thử một bài viết khác có câu hỏi, rằng: “tại sao có người lại cứ tin vào chuyện Đức Mẹ hiện ra ở đây đó, có mê-tín/dị-đoan hay không, như bài viết phổ biến trên Tuần Báo Công Giáo Sydney hôm 26/3/2017, như sau:
“Hoa trái tốt tươi cũng có thể xuất từ sự-kiện Medjogorje. Thiên-Chúa sẽ tỏ-bày thân mình Ngài ở bất cứ nơi nào Ngài được đón tiếp, ngay cả khi khách hành hương cảm thấy thất vọng, vì nhiều lẽ…” (Xem thêm lập trường của tác-giả Simcha Fisher qua nhận-định này ở bài: The low-down on Medjugorje, trên tuần báo The Catholic Weekly 26/3/2017 tr. 13)
Hỏi và đáp thế rồi, nay mời bạn và mời tôi ta quay về nhạc bản trích-dẫn ở trên mà nghêu ngao đôi ca-từ để rồi lại sẽ bàn những chuyện đáng bàn mãi về sau. Nghêu-ngao hát, là hát những ca-từ được viết như sau:
“Đừng chắt tình riêng tôi
Đời mấy người chẳng
Ưa nhìn tơ liểu rũ
Ưa chìm trong giấc ngủ
Ngày còn ấu thơ lòng chưa biết chi mộng mơ.
Nói nhiều để cho sầu vơi
Tôi ưa tìm lên đồi vắng
Ưa lắng chuông chùa vọng khơi
Trông chim bạt gió
Nghe tiếng tiêu thiết tha xa vời lòng thêm chơi vơi
Thường viết dòng tâm tư
Vào những chiều úa
Thương cành khô lá đổ
Thương mùa đông nức nở
Thương cung ve rền trong nắng hè gọi bơ vơ.
Còn thương còn nhớ
Đường xa ai gian khổ phong trần
Tạm quên vui khi tuổi thanh xuân
Năm tháng giữa non ngàn
Mộng lòng ra đi là giữ yên bờ cõi
Một đời nguyền hy sinh hạnh phúc riêng người ơi
Biết bao giờ nguôi (thôi).
Nói sao cạn lời
Tình tôi mến người.
Vẫn là niềm thương đầy vơi
Khi ca bài ca sầu nhớ
Khi ngắm trăng mờ hoàng hôn
Khi đi lặng lẽ trong những đêm gió mưa u buồn
Mà nghe cô đơn
Hẹn ước về tương lai
Chờ đón ngày tới
Đôi lòng không cắt trở
Như bày chim ấm tổ
Tôi xin dâng người ca khúc trọn một niềm vui … !!!
(Anh Bằng – Lẻ Bóng)
Hát cho qua nỗi buồn hỏi han xong, nay mời bạn và mời tôi, ta quá bộ đi vào vườn hoa truyện kể có những lời bàn về “nhân sinh vô thường”, nó thế này:
“Nhân sinh vốn vô thường, đời người tựa đóa hoa, sớm nở tối tàn, mấy ai có thể sống một cách nhẹ nhàng thoải mái cho được. Hãy biết trân quý, cảm thông cho bản thân và người khác, để mỗi ngày trôi qua là một ngày ý nghĩa.
Nhân sinh khó hay không là dựa vào nỗ lực của chính mình, ngày qua ngày có khổ hay không là do tâm tình của mình, không cần đánh mất niềm tin, không cần oán hận ghen tị, con đường phía trước không phải lúc nào cũng gập ghềnh, người bên cạnh tất cả đều cố gắng nỗ lực, mệt mỏi cũng không buông bỏ bản thân, đừng tùy hứng trước mặt người khác, khiến cho người khác đối với mình có thành kiến.
Nên hiểu biết một chút, đừng quá coi trọng bản thân, ở trên đời này không ai cần phải theo ý mình, nước mắt, khổ sở nên để trong lòng, đừng vì tính tình của mình mà làm hỏng tâm tình của người khác. Ai cũng đều sống không dễ dàng, hãy cảm thông thấu hiểu lẫn nhau mới có thể có được bạn bè, mới có thể làm cho chân tình bền vững.
Thời gian sẽ vạch trần những lời dối trá, sẽ làm xa cách nhau, sẽ thấy được tâm của bao người. Không thể không thừa nhận rằng, thời gian là một loại thần dược nhiệm màu, đồng thời cũng là một loại độc dược.
Quan hệ giữa người với người, không nên dùng sự thông minh để lợi dụng sự thiện lương của người khác, thời gian sẽ cho chúng ta thấy rõ, đơn giản chính là sự quen biết lâu dài nhất, bình thường là tình bạn yên tâm nhất.
Có một ngày ta sẽ hiểu được, thiện lương so với thông minh thật khó khăn, thông minh là một loại khả năng do trời ban cho, còn thiện lương là một loại lựa chọn, cảm kích khi có được, chờ mong vào tương lai. Cái gọi là cuộc sống chính là ta cần phải quen với những thay đổi của người đời, cũng cần phải có thái độ xem nhẹ với những người dần dần xa cách.
Khi tâm tình không tốt cần phải học cách thay đổi, khi có việc khiến ta không thoải mái, thì không cần hết sức chạy theo sau để hỏi vì sao. Con người khi còn sống thì sẽ càng gặp những việc phiền lòng, để nhìn xem đối diện với những sự việc đó bạn sẽ thay đổi ra sao.
Xem nhẹ một chút thì tâm sẽ nhẹ một chút. Có một số việc chính là không có kết quả, nếu tính toán thì ngược lại sẽ tăng thêm phiền não, cho nên thà không tính toán. Danh – lợi, được – mất, tính toán nhiều tâm can tất sẽ mệt mỏi.
Chúng ta vốn là khách trọ qua đường, tựa hạt bụi phiêu lạc nơi trần thế. Không oán trời oán người, cũng không oán trách mình, cứ tích cực vui vẻ, vận số có thế mới canh tân, đường đi như vậy mới thông suốt, tâm mới vui vẻ, thanh nhàn, sảng khoái.
Giữ vững tiêu chuẩn làm người, bảo vệ cho ranh giới thiện lương. Nhân sinh có mức độ, quá mức sẽ gặp tai vạ, làm người không nên quá để ý, làm việc không cầu hoàn mỹ. Lòng người quý ở chỗ khoáng đạt, khoan dung, hòa nhã. Không giận không vội, mới đủ rộng lượng; không nóng vội, mới đủ thong dong; không lo lắng ưu sầu mới đủ kiên cường.
Không buồn bã sầu lo mới đủ xán lạn; không ghen ghét đố kị mới đủ ưu tú, không bám víu so đo mới đủ hạnh phúc; không tính không toán mới đủ vui vẻ. Làm người ở trên đời cần một chữ “Cười”.
Cười đối với danh dự, không tranh giành; cười đối với của cải bất nghĩa, không nhận; cười đối với đời, không cầu; cười đối với khó khăn, không buồn phiền; cười đối với quyền quý, không cúi đầu; cười đối với nhân sinh, không gò bó, cười đối với được mất, không lo buồn.
Trên khán đài cuộc sống, chúng ta gặp được càng nhiều người thì sẽ gặp được càng nhiều sự tình. Bất luận có vui vẻ hay không, chúng ta cũng phải hiểu được có tụ họp có ly tán; bất kể có thâm tình hay không chúng ta đều phải tươi cười mà đón chào. Con người khi còn sống, ai cũng không nhất định là sẽ vững vàng, phồn hoa như gấm lụa.
Khi đắc ý nên lưu tình với người khác, khi thất ý còn có người giúp đỡ. Làm người sống ở đời phải hiểu được khoan dung thỏa mãn, chân tình mới có thể đổi lấy chân tình. Cho dù là đắc ý hay không như ý, chúng ta đều phải cảm tạ cuộc sống. Chính cuộc sống làm cho chúng ta hiểu được rất nhiều, càng biết rõ ràng hơn nhiều.” (Đức Hạnh biên dịch)
Thắc mắc trên, từng là câu hỏi đặt ra cho nhiều người, trong đó có bầy tôi đây. Thật cũng may, là: đang trong lúc kiếm tìm câu trả lời cho thoả-đáng, thì bần đạo bầy tôi đây lại “chộp” được ý tưởng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô như sau:
“Trên chuyến bay trở về từ Fatima, nước Bồ Đào Nha, phóng-viên Joshua McElwee của tờ The National Catholic Reporter có hỏi Đức Giáo Hoàng Phanxicô về tính-chất rất thực nơi sự việc Đức Maria hiện ra ở Medjugorje, nước Bosnia-Herzegovia, Đức Giáo Hoàng trả lời:
“Bản Tường Trình, cũng đã có chút ngờ vực rồi; nhưng cá nhân tôi còn nghi-ngờ tệ hơn thế. Tôi thích chọn Đức Bà của ta như con người chứ không là Đức Bà Thủ Trưởng ngành Bưu điện chuyên gửi tin nhắn vào thời điểm nào đó, rất nhất-định.
Đức Giáo Hoàng nói tiếp: “Truyện ở đây, không biểu-tỏ đó là Thân-mẫu Đức Giêsu và các sự việc gọi là “hiện ra” như thế không có giá-trị là bao nhiêu. Tôi nói, đây là ý-kiến cá nhân của tôi, nhưng ý-kiến này thật rõ nét. Những ai nghĩ rằng: Đức Bà của chúng ta vẫn bảo rằng: Con hãy đến, vào ngày mai cũng giờ này Ta sẽ gửi tin nhắn cho người nào nhìn thấy, như vậy ư? Không đâu! Không phải thế.
Ba trong số 6 trẻ nhỏ lúc đầu bảo: đã nhìn thấy Đức Bà ở Medjugorje vào tháng 6/1981 có nói: Bà sẽ tiếp-tục hiện ra như thế cho chúng nhìn thấy mỗi ngày; còn 3 cháu kia, lại nói: Đức Bà hiện ra với chúng có một lần một, cách nay một năm…
Một uỷ-ban thuộc giáo-phận đã nghiên-cứu học hỏi về các sự việc gọi là “hiện ra” từ năm 1982-1984; và một lần khác vào các năm từ 1984-1986 với nhiều thành-viên hơn; và lúc ấy, Hội đồng Giám mục ở Nam tư đã điều-tra các sự việc ấy từ năm 1987 đến 1990, cả 3 uỷ-ban này đều kết-luận rằng: họ không thể khẳng-định được là có sự-kiện siêu-nhiên xảy ra ở thị-trấn này, trong thời-gian ấy hay không…
Đức Giáo Hoàng Phanxicô còn thêm: Ta không thể chối bỏ các yếu-tố linh-đạo và mục-vụ ở đây, bởi dân chúng đã tới đó và đã hồi hướng trở lại, họ là những người gặp thấy Chúa là Đấng hoán-cải cuộc sống của họ. Đó, không có gì là xảo-thuật hết.” (Xem Junno Arocho Esteves, Pope Francis: I personally doubt authenticity of current alleged Medjugorje visions, Catholic Herald 14/5/2017)
Hỏi han nhiều, tìm kiếm câu trả lời cho siêu, cũng là kiếm tìm một cung-cách sống trong đời. Sống phúc hạnh, lành thánh dù đơn sơ nhưng có chủ-đích như truyện kể nhẹ về “Hạnh phúc đơn sơ” ở bên dưới:
“Có một tỷ-phú sống trong căn biệt thư xa-hoa. Nhưng một ngày kia mắc bệnh hiểm nghèo, ông chợt nhận ra rằng tất cả những gì là danh-vọng, tiền tài, vật chất, thật ra đều hư-vô như mấy khói. Vì lo sợ sẽ không sống được bao lâu nữa, ông bèn tìm đến một danh-y để xin lời khuyên nhủ. Sau khi bắt mạch, danh-ý nói với ông rằng:
-Bệnh của ông, ngoài cách này ra thì không thuốc nào có thể chữa khỏi. Tôi sẽ kê cho ông ba đơn thuốc, ông cứ theo đó mà làm, hết đơn thứ nhất thì chuyển sang đơn tiếp theo.
Nhà tỷ-phú đi về, trong lòng phấp-phỏng hy-vọng. Ông lấy đơn đầu tiên ra và đọc:
- Hãy đến một bãi biển và nằm đó khoảng 30 phú, làm liên-tục như vậy trong 21 ngày.
Mặc dù thấy khó hiểu, nhưng ông vẫn quyết định đi ra bờ biển. Ông lang thang một vòng rồi ngả lưng nằm dài trên bãi cát. Bất chợt một cảm-giác nhẹ-nhàng và khoan-khoái bao trùm cơ thể ông. Vì trước đây, công việc bận rộn nên ông không có cơ-hội nghỉ ngơi. Nay, ông có thể bình tâm lại để lắng nghe gió thổi vi vu, song biển rì-rào hoà lẫn với tiếng kêu thánh thót của đàn hải âu gọi bầy… Trái tim ông bỗng thổn-thức, chưa bao giờ ông có được cảm-giác thoải-mái như bây giờ.
Ngày thứ 22, ông mở đơn thuốc thứ hai, trong đó viết:
- Hãy tìm 5 con cá hoặc tôm rồi thả chúng xuống biển, liên-tục như vậy trong 21 ngày.
Lòng ông đầy rẫy những băn-khoăn, nhưng ông vẫn căm-cụi đi mua tôm cá, rồi thả chúng ra biển. Ngắm nhìn từng con vật bé nhỏ được trở về với biển khơi, trong lòng ông không nén nổi xúc-động. Ngày thứ 43, ông đọc đơn thuốc thứ ba:
- Tìm một cành cây và viết những điều khiến ông cảm thấy hài lòng lên bãi cát.
Nhưng khi ông vừa viết xong, thuỷ-triều lại cuốn tất cả xuống biển. Ông lại viết, sóng lại cuốn đi, rồi lại viết, lại cuốn đi rồi lại viết và lại cuốn đi… ông bật khóc nức-nở vì chợt hiểu ra tất cả. Về nhà, ông cảm thấy toàn thân nhẹ-nhàng, tinh-thần chưa bao giờ thoải-mái và tự-tại đến thế, thậm chí ông cũng không còn sợ cái chết nữa.
Thì ra, con người ta chỉ cần học được 3 điều ở trên, ắt sẽ vui vẻ, hạnh-phúc: thứ nhất: Nghỉ ngơi; thứ hai: Cho đi; và thứ ba: buông xuống.” (Truyện kể trích từ trên mạng)
Truyện kể rồi, nay bần đạo bầy tôi đây lại cũng đề-nghị bạn/đề-nghị tôi, ta đi vào vùng trời Lời của Chúa, với những khẳng-định như sau:
“Phúc thay ai có lòng ngay,
vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa.”
(Mt 5: 8)
Thế mới biết, người có lòng ngay sẽ thấy hạnh-phúc biết mấy, vì “sẽ được thấy Thiên-Chúa”. Nay, ở chốn Nước Trời Hội thánh ta đang sống, vẫn tràn đầy nhiều hạnh-phúc. Vấn-đề, còn tuỳ ta có nhận ra được nó hay không, mà thôi.
Nhắc bạn và nhắc tôi những điều như thế, nay lại mời bạn và mời tôi, ta cất tiếng hát lại những ca-từ đầy hỏi han, mà rằng:
“Nói nhiều để cho sầu vơi
Tôi ưa tìm lên đồi vắng
Ưa lắng chuông chùa vọng khơi
Trông chim bạt gió
Nghe tiếng tiêu thiết tha xa vời lòng thêm chơi vơi
Thường viết dòng tâm tư
Vào những chiều úa
Thương cành khô lá đổ
Thương mùa đông nức nở
Thương cung ve rền trong nắng hè gọi bơ vơ.
Còn thương còn nhớ
Đường xa ai gian khổ phong trần
Tạm quên vui khi tuổi thanh xuân
Năm tháng giữa non ngàn
Mộng lòng ra đi là giữ yên bờ cõi
Một đời nguyền hy sinh hạnh phúc riêng người ơi
Biết bao giờ nguôi (thôi)
Nói sao cạn lời
Tình tôi mến người.
Vẫn là niềm thương đầy vơi…”
(Anh Bằng – bđd)
Cuối cùng thì, tất cả là “Tình tôi mến người, vẫn là niềm thương đầy vơi”, trong đời; và ở Nước Trời Hội thánh, rất thân và rất thương ở đây, hôm nay.
Trần Ngọc Mười Hai
Và những lời lẽ
đầy thương yêu
rất như thế.