Chút suy tưVăn - Nghệ

Thật đáng đồng tiền! | Câu chuyện cuối tuần

THẬT ĐÁNG ĐỒNG TIỀN !

Ảnh minh họa

Ngày xưa có một tên phú hộ kia rất keo kiệt và bủn xỉn lại thêm cái thói ích kỷ vô cảm không biết thương người. Trong số những người giúp việc trong nhà ông có một anh chàng được giao cho một con ngựa và chiếc xe thồ, anh này có bổn phận hằng ngày chuyên chở mọi thứ hàng hóa chuyến đi chuyến về trong việc mua bán cho ông.

Tên phú hộ tuy không phải là độc ác, nhưng cũng có thể nói là có phần ngược lại với hiền lành. Ông không thể chịu nổi cái cảnh người làm việc cho ông được hưởng tiền một cách dễ dàng mà không thấy họ phải chịu đổ mồ hôi xót con mắt cân xứng với đồng tiền ông bỏ ra. Nói một cách khác, ông rất hụt hẫng khi thấy họ làm công việc xem ra quá nhẹ nhàng mà lấy được đồng tiền của ông một cách quá dễ dàng như thế! Ông thường càu nhàu và lẩm bẩm: “Sao mà dễ ăn thế?”. Nói chung, lòng ông… không được bình an khi thấy người làm công cho ông sống quá… an bình!

Thế nên, mới có câu chuyện này.

Người đầy tớ điều khiển con ngựa kéo chiếc xe thồ chở hàng khứ hồi từ quê ra phố trên con đường cả chục cây số, ngày nào cũng như ngày nào, qua con đường tương đối bằng phẳng và công việc xem ra quá nhẹ nhàng trong tầm mắt ông. Ông ngẫm nghĩ mãi mà lòng không yên:

“Hắn ta nhà có sẵn ở, tủ giường bàn ghế có sẵn xài, hư hao không mất tiền sửa, lại thỉnh thoảng còn được vợ con mình thưởng tiền thêm, đau yếu mình phải lo, cái ăn cái mặc hắn khỏi bận tâm, việc làm không mấy nặng nhọc, tới tháng ung dung lãnh tiền lương, tính ra các thứ cộng lại gần như chia đôi 50-50 với  mình rồi, vậy có công bằng không, có xứng với đồng tiền mình bỏ ra cho hắn không chứ! Hắn phải làm việc thế nào để “thật đáng đồng tiền” mình bỏ ra chứ!”

Nghĩ vậy, tối hôm ấy, ông phú hộ gọi anh giúp việc đến và bảo:

– Lên phố có hai con đường, từ ngày mai, anh đi con đường phía Đông đấy.

– Nhưng, thưa ông chủ, con đường phía Đông gập ghềnh lầy lội lắm, không mấy ai đi. Con đường phía Nam tốt hơn nhiều. – Người giúp việc rất ngạc nhiên đáp lại.

– Tôi biết, nhưng anh phải tập  cho con ngựa quen làm việc trong những tình huống khó khăn, đường bằng phẳng con ngựa nào mà chẳng là con ngựa hay?

– Nhưng thưa ông chủ, sẽ mất nhiều thời gian và công sức khi đi con đường đó…

– Nhưng công việc của chúng ta đâu cần nhanh. Tôi muốn con ngựa quen với công việc gian khó. Bản thân của anh cũng thế, ví phỏng đường đời đều bằng phẳng cả thì ai hơn ai, nó rèn luyện anh đấy, anh phải học lấy điều này.

– Nhưng, thưa ông chủ…

– Nếu anh ngại khó anh có thể xin nghỉ việc. Ông phú hộ lạnh lùng kết luận.

Ngày hôm sau, người giúp việc cùng với ngựa xe lên đường. Khi đến ngã rẽ con ngựa vòng qua con đường bằng phẳng như mọi khi. Anh giúp việc giật giây cương ra hiệu cho nó đi qua con đường gập ghềnh lầy lội. Con ngựa không chịu nghe theo, nó ghì đầu lôi xe về con đường tốt phía Nam như nó đã từng đi. “Ngựa quen đường cũ” mà! Anh giúp việc giật mạnh giây cương và bắt đầu hò hét. Có lẽ con ngựa cũng ngạc nhiên, vì chưa bao giờ người chủ điều khiển nó tỏ ra hung hăng một cách vô lý đối với nó như thế. Anh giúp việc rất hiền hòa, và sau mỗi chuyến đi, anh thường vuốt ve chăm sóc nó. Có thể con ngựa đang thắc mắc “ông chủ mình hôm nay sao thế?”. Nó bường mạnh lên hướng con đường tốt mà nó đã quá quen thuộc. Người ngựa dằn co hồi lâu, anh giúp việc rút roi ra, và đây là lần đầu tiên anh dùng roi đánh ngựa thẳng tay, anh đánh tới tấp. Con ngựa chứng thêm một lúc, rồi vì roi vọt quá đau đớn, nó đành chịu thua vòng qua con đường gập ghềnh lầy lội.

Ảnh minh họa

Cứ thế, một, rồi hai, rồi ba… và nhiều nhiều nữa… những chuyến đi. Con ngựa ăn đòn không biết bao nhiêu trước khi nó phải chấp nhận con đường gian khó một cách… khó hiểu! Anh giúp việc rất thương nó còn nó thì chắc thương hết nỗi ông chủ “kỳ lạ” của nó. Sau mỗi chuyến đi, cả người lẫn ngựa đều trông xơ xác sầu não, nhất là vào những ngày mưa gió, chỉ có ông phú hộ là tươi tỉnh.

Nhìn cảnh người ngựa tơi tả, anh giúp việc phải rửa xe, tắm ngựa… phải làm thêm nhiều việc hơn trước đây, mặc dù cũng với cùng một công việc như trước đây, ông rất thỏa mãn. Phải thế chứ. Thế mới “thật đáng đồng tiền”!

Thời gian trôi qua, người và ngựa đều quen với “cách sống mới”, cho đến một ngày kia, xóm làng yên tĩnh bỗng bị bùng cháy vì giặc cướp đến, chúng bắt đầu đốt phá và vơ vét thôn xóm lân cận. Nghe tin kinh hoàng, ông phú hộ gom góp những đồ quí nhất chất lên xe và gấp rút trốn chạy.

Xe ra khỏi thôn làng, đến ngã rẽ, nó thẳng tiến về con đường gập ghềnh lầy lội. Ông phú hộ hét.

– Cho xe chạy vòng qua con đường tốt. Nhanh lên!

Anh giúp việc điều khiển cho ngựa chạy qua con đường bằng phẳng, nhưng nó không chịu. Có lẽ con ngựa nhớ lại những trận đòn chí tử mà nó phải chịu để từ bỏ con đường này, giờ nó không dám đi vòng qua con đường roi vọt này. Ông chủ càng gào thét:

– Giặc cướp đến kề sau lưng rồi, ngươi hiểu chưa, bằng mọi cách phải làm cho nó chạy nhanh lên con đường phía Nam đấy!

Anh giúp việc dùng roi, anh không đánh nó mạnh như anh từng làm khi bắt nó từ bỏ con đường tốt ngày trước. Anh chỉ giơ cao đánh khẻ, chủ yếu anh hò hét dữ dội. Con ngựa bất kham nó hí vang và lao vào con đường xấu như nó đã từng đi thời gian gần đây.

– Thưa ông chủ – người giúp việc nói –  “ngựa quen đường cũ” rồi ạ, chúng ta mạnh tay quá nó có thể chứng nằm luôn nơi đây đấy ông chủ, vì không lâu trước đây, nó đã phải ăn đòn nhiều để từ bỏ con đường tốt đi vào con đường xấu theo ý ông chủ muốn.

Nghe thế, ông lo lắng, ông nói như hét.

– Thôi, cứ giục nó chạy nhanh đi, đường nào cũng được.

Anh giúp việc buông lỏng giây cương, và con ngựa lao vào con đường gập ghềnh lầy lội…

Không lâu sau, bọn giặc cướp reo hò đuổi theo sau lưng…

Con ngựa gần đây làm việc đuối sức, bây giờ phải kéo chiếc xe nặng, chạy trên con đường xấu, nó không thể tiến nhanh được.

Bọn giặc cướp đuổi kịp, chiếm đoạt hết những gì quý giá trên xe. Chúng răn đe một lúc, rồi bỏ đi.

Ông phú hộ chỉ còn tay trắng với chiếc xe trống rỗng.

Về sau, những người biết được câu chuyện này, đã thở dài ngao ngán:

“Ông phú hộ ở đời biết cách hành xử “thật đáng… đồng tiền”, và cũng “thật đáng… đời ”!

MAI NHẬT THI
Biên tập

Bài liên quan

Back to top button