Sẵn sàng cho Giáng Sinh
Ronald Rolheiser
Nhiều người bước vào lễ Giáng Sinh một cách mệt mỏi, bận rộn, xao lãng, và bị vắt kiệt với đủ mọi ánh đèn, ca nhạc, và ăn mừng Giáng sinh. Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị cho Giáng Sinh, nhưng với nhiều người trong chúng ta, đây không phải là thời gian chuẩn bị để Chúa Kitô có thể sinh ra lần nữa một cách sâu đậm trong đời sống mình. Thay vào đó, việc chuẩn bị cho Giáng Sinh, hầu như là để chuẩn bị cho các buổi ăn mừng với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Những ngày hướng đến Giáng Sinh hiếm khi được yên bình. Thay vào đó, chúng ta cứ hối hả vội vã lo trang trí, mua quà, gởi thiệp, chuẩn bị đồ ăn, và dự các liên hoan Giáng Sinh. Hơn nữa, khi Giáng Sinh về, chúng ta đã chán ngấy các bài hát Giáng Sinh, đã nghe chúng cả trong các điệu nhạc giật gân trong các trung tâm mua sắm, trong nhà hàng, quảng trường, và trên đài phát thanh.
Và rồi Giáng Sinh đến với chúng ta trong một không gian chật chội và mệt mỏi, chứ không thư thái và yên bình. Thật vậy, đôi khi mùa Giáng Sinh như bài kiểm tra sức chịu đựng hơn là thời gian vui vẻ thực sự. Hơn nữa, và còn nghiêm trọng hơn, nếu chúng ta thành thật với bản thân, chúng ta phải công nhận, trong khi chuẩn bị chúng ta ít chừa chỗ cho việc thiêng liêng, cho Chúa Kitô sinh ra một cách sâu đậm trong lòng mình. Thời gian chuẩn bị thường dành để chuẩn bị nhà cửa hơn là chuẩn bị tâm hồn, mua sắm hơn là cầu nguyện, tiệc tùng hơn là chay tịnh chuẩn bị cho đại lễ. Mùa Vọng thời nay có lẽ là để ăn mừng trước hơn là chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh.
Và kết quả là, như các chủ trọ đã không còn phòng cho Đức Mẹ và thánh Giuse trong mùa Giáng Sinh, chúng ta cũng thường “không còn phòng” không còn chỗ trong đời mình cho sự tái giáng sinh thiêng liêng. Lòng chúng ta thì tốt, chúng ta muốn Giáng Sinh tái sinh chúng ta về đường thiêng liêng, nhưng cuộc sống của chúng ta quá nhiều áp lực, quá nhiều hoạt động và quá mệt mỏi, đến nỗi chúng ta không còn sinh lực thực sự để làm cho Giáng Sinh trở nên thời gian đặc biệt để canh tân tâm hồn mình. Tinh thần Giáng Sinh vẫn ở trong chúng ta, vẫn thật, nhưng như đứa trẻ trong nôi bị bỏ bê đang chờ được bồng ẵm. Và chúng ta muốn bồng đứa trẻ lên, nhưng lại không bao giờ đến gần cái nôi cả.
Vậy thì chúng ta thật tệ biết bao?
Điều này thách thức chúng ta hãy nhìn vào chính mình, nhưng không đến nỗi xấu như nhiều chỉ trích lòng đạo thường hay nói đâu. Dự lễ Giáng Sinh với một cuộc sống quá bận rộn và quá lơ là việc dành chỗ cho Chúa Kitô, không biến chúng ta thành người xấu. Như thế không có nghĩa chúng ta là những kẻ ngoại đạo vô tâm. Và cũng không có nghĩa là Chúa Kitô đã chết trong lòng chúng ta. Chúng ta không xấu xa, mất đức tin và ngoại đạo chỉ vì chúng ta hướng đến Giáng Sinh theo thói quen một cách quá lơ là, quá bận rộn, quá áp lực và quá mệt mỏi đến nỗi không thể có một nỗ lực ý thức để làm cho đại lễ này trở thành dịp để canh tân linh hồn thực sự trong đời mình. Tình trạng thờ ơ đường thiêng liêng của chúng ta định rõ chúng ta là con người hơn là thiên thần, trần tục hơn là thuần khiết, và duy cảm hơn là duy thiêng. Tôi cho rằng Chúa hoàn toàn hiểu tình trạng này của chúng ta.
Thực sự, tất cả mọi người đều đấu tranh với điều này theo nhiều cách. Không ai hoàn hảo, không ai dành trọn không gian của đời mình cho Chúa Kitô, ngay cả trong thời gian Giáng Sinh. Điều này sẽ cho chúng ta đôi chút an ủi. Nhưng cũng cho chúng ta một thách thức cấp thiết. Trong cuộc sống bận rộn và lơ đãng của chúng ta, có quá ít chỗ cho Chúa Kitô! Chúng ta phải hành động dọn đôi chỗ cho Chúa Kitô, khi làm cho Giáng Sinh thành một thời gian phục hồi linh hồn và canh tân đời sống.
Làm sao chúng ta làm được chuyện này?
Trong những ngày cận kề Giáng Sinh, chúng ta cố gắng làm đủ mọi chuyện cần thiết để sẵn sàng cho tất cả những gì cần có trong nhà, trong nhà thờ, và nơi làm việc. Chúng ta đi mua quà, gởi thiệp, treo đèn và trang trí, soạn thực đơn, mua đồ ăn, dự đủ tiệc liên hoan Giáng Sinh ở nơi làm việc, nhà thờ và nhà bạn bè. Điều này, cộng thêm vào áp lực sẵn có trong cuộc sống, thường làm cho chúng ta nghĩ: Tôi sẽ không làm được! Tôi sẽ không sẵn sàng! Tôi sẽ không sẵn sàng cho Giáng Sinh! Đây là cảm giác chung của mọi người.
Nhưng, sẵn sàng cho Giáng Sinh, làm mọi việc cần làm, không phải là hoàn tất các việc chúng ta đã lên danh sách như mua quà, gởi thiệp, thức ăn, các bổn phận xã hội. Ngay cả khi danh sách những việc cần làm chỉ mới xong được một nửa, nhưng nếu bạn đi lễ nhà thờ ngày Giáng Sinh, nếu bạn ngồi được trong bàn ăn với gia đình vào ngày Giáng Sinh, và nếu bạn thăm hỏi hàng xóm và đồng bạn với đôi chút nồng hậu hơn, thì điều này không có nghĩa là bạn lơ là, mệt mỏi, quá tải, và không suy nghĩ rõ về Chúa Giêsu, và có nghĩa là bạn đã làm trọn những việc để đón Giáng Sinh rồi đó.
J.B.Thái Hòa dịch