Tin Giáo Hội hoàn vũTin tức

Tòa Thánh đồng tổ chức sự kiện bên lề LHQ tôn vinh Ngày Cha Mẹ Toàn cầu

https://lh5.googleusercontent.com/_paLX-uVBFprMowMRa_bA6lmgvIp9db-zkRewxKGvC78NIUth5Dmt1kkqv9gyIV9ie872ENG6ZMqef_Qw-K3cwV--7Y0mqVACve_jYgDv8J015KF7glvYOyMxwypX21FJkGnb6Af
Copyright © 2019 Permanent Observer Mission Of The Holy See To The United Nations, All Rights Reserved.

‘Nuôi dạy con cái tốt là xây dựng xã hội: tầm quan trọng của vai trò làm mẹ và làm cha’

19 tháng Sáu, 2019 20:00 – ZENIT STAFF

Ngày 10 tháng Sáu, cùng với các Phái bộ Thường trực của Djibouti và Belarus và Liên đoàn Hòa bình Toàn cầu, Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại LHQ đồng tổ chức một sự kiện bên lề với chủ đề: “Nuôi dạy con cái tốt là xây dựng xã hội: tầm quan trọng của vai trò làm mẹ và làm cha” để tôn vinh Ngày Cha Mẹ Toàn cầu.

Trong phát biểu khai mạc, Đại sứ Mohamed Siad Doualeh, Phái bộ Thường trực của Cộng hòa Djibouti tại LHQ, phân tích rằng gia đình là đơn vị tự nhiên của xã hội và đóng một vai trò quan trọng trong việc xóa bỏ đói nghèo, trong việc xây dựng tình huynh đệ liên thế hệ và trong việc giảm bớt những sự bất bình đẳng. Ông đề cập rằng mọi xã hội đều đòi hỏi các gia đình phải bao gồm một người mẹ, một người cha, và các con cái và việc nuôi dạy tốt là nền tảng để xây dựng lòng tự tin và cởi mở của một đứa trẻ đối với người khác.

Đại sứ Valentin Rybakov thuộc Phái bộ Thường trực của Cộng hòa Belarus tại LHQ nhấn mạnh rằng việc tổ chức Ngày Cha Mẹ Toàn cầu, thường được kỷ niệm vào ngày 1 tháng Sáu, là một sự nhắc nhở vô cùng quan trọng về vai trò của những người mẹ và cha. Bảo vệ và hỗ trợ cho vai trò làm mẹ là một ưu tiên đối với Belarus, một quốc gia là một thành viên của Nhóm Bạn bè của Gia đình, ông nói. Ông kết thúc bài phát biểu bằng việc nhắc lại rằng gia đình là nhân tố quan trọng để làm cho xã hội thịnh vượng và tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn.

Thay mặt Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại LHQ, Đức ông Tomasz Grysa trình bày rằng gia đình không những vô cùng quan trọng đối với những đứa trẻ khỏe mạnh, nhưng còn cho các xã hội mạnh khỏe.

Ngài nói, “Lớn lên trong một gia đình có mẹ có cha giúp các đứa con đạt được sự trưởng thành về tình cảm và học biết cách chân nhận vẻ đẹp của hai phái tính.”

Ngài nói, một số thành phần xã hội “không thể nhận thức thấu đáo ý nghĩa thật sự của món quà của các bản vị trong hôn nhân, tình yêu có trách nhiệm đối với việc phục vụ của vai trò làm cha và làm mẹ, và sự cao cả đích thực của việc sinh sản và giáo dục.”

Ngài cũng lưu ý rằng bậc cha mẹ có quyền như là những nhà giáo dục đầu tiên cho con cái của họ và có “trách nhiệm vô cùng quan trọng đối với trách nhiệm giáo dục toàn diện và giáo dục xã hội cho con cái của họ.” Mối quan hệ yêu thương giữa cha mẹ và con cái là không thể thay thế và “do đó không thể trao phó toàn bộ cho người khác hoặc bị chiếm trọn bởi người khác.”

Trẻ em cũng có “quyền được lớn lên trong một gia đình có cha và mẹ có khả năng tạo ra một môi trường phù hợp cho sự phát triển trọn vẹn và hài hòa và sự trưởng thành về cảm xúc.”

Tương tự như vậy, ngài nói rằng việc giáo dục giới tính ban đầu thuộc vai trò của cha mẹ, vì trẻ em phải đối mặt “với một văn hóa rất thường khi hạ thấp tình dục của con người xuống mức độ để tiêu khiển.” Ngài thúc giục bậc cha mẹ “nắm chắc mục tiêu huấn luyện trong lĩnh vực giới tính đích thực và thuộc nhân vị trọn vẹn: vì tình dục là một sự phong phú của nhân vị trọn vẹn – thân xác, cảm xúc, và linh hồn – và nó thể hiện ý nghĩa sâu thẳm nhất trong việc dẫn đưa con người trở thành món quà cho đi trong tình yêu.”

Có một “nhu cầu cấp bách,” ngài kết luận, thúc đẩy một sự liên kết mới giữa cha mẹ, học đường và xã hội để có thể đưa ra một nền giáo dục tốt đẹp và “tôn trọng trách nhiệm căn bản của cha mẹ trong việc cộng tác với công cuộc giáo dục của các nhà giáo.”

Ban chuyên gia bao gồm Erica Komisar, một nhân viên xã hội chuyên môn, một người huấn luyện việc nuôi dạy con cái, một nhà phân tâm học, và tác giả của quyển Tại sao ưu tiên vai trò làm mẹ trong ba năm đầu đời là tuyệt đối cần thiết. Bà trình bày về những bằng chứng khoa học và khoa thần kinh làm nổi bật lên những hậu quả có hại cho những trẻ em phải trải qua đời sống gia đình khó khăn. Trong số trẻ em ở Mỹ hiện nay, ngày càng có những trường hợp bị rối loạn tâm thần nhiều hơn bao giờ hết do sự thiếu vắng của cha mẹ trong những năm đầu đời của đứa trẻ.

Nghiên cứu của bà Komisar cho thấy rằng sự chăm sóc và vỗ về trực tiếp của người mẹ là vô cùng quan trọng để “bảo vệ cho các trẻ nhỏ khỏi những cảm giác căng thẳng và bảo đảm cho sự phát triển tự nhiên của chúng. Những trẻ em luôn có người mẹ hiện diện trong đời sống của chúng, đặc biệt trong ba năm đầu, phát triển được những mối quan hệ gắn kết chắc chắn, trong khi những trẻ bị chia cách khỏi mẹ của chúng từ tuổi thơ thường trải qua những căng thẳng và những khó khăn về cảm xúc đặc biệt đối với sự gắn kết.”

Bà nói, vai trò của người cha cũng đặc biệt quan trọng như người mẹ trong đời sống của con cái của họ trong việc cung cấp cho chúng những không gian an toàn để phát triển về tinh thần và cảm xúc.

Bà Komisar trình bày bằng chứng từ những nghiên cứu xã hội ở Mỹ cho thấy trong 5 trẻ em thì có 1 em đang sống trong nước Mỹ hiện nay được chẩn đoán bị rối loạn về tâm thần hoặc cảm xúc, tức là có mức tăng 400 phần trăm những trẻ nhỏ phải sử dụng thuốc chống trầm cảm và tăng 119 phần trăm số trẻ em dưới 12 tuổi bị rối loạn về ăn uống.

Trong thực tế không luôn luôn dễ dàng cho phụ nữ hiện diện liên tục bên con của họ trong suốt tuổi thơ, bà động viên những phụ nữ trẻ trong khán phòng và hy vọng họ cân bằng được giữa công việc và gia đình, nói rằng cuộc sống có các mùa của nó và phụ nữ chẳng cần phải cảm thấy áp lực chọn giữa gia đình hay công việc. “Công việc vẫn luôn còn đó, nhưng con cái thì không.”

Bà Grace Melton thuộc Trung tâm Tôn giáo và Xã hội Dân sự DeVos tại Heritage Foundation nói về những ích lợi của hôn nhân đối với trẻ em và xã hội. Bà nói, “Trẻ em xứng đáng phải có cả mẹ và cha. Đàn ông và phụ nữ đều bình đẳng về phẩm giá và giá trị, nhưng họ không giống nhau.”

Cũng như cha mẹ kết hôn là quan trọng đối với trẻ em, thì hôn nhân là quan trọng đối với xã hội.

“Gia đình vững mạnh là tài nguyên tốt nhất mà mọi xã hội có được để chăm sóc và nuôi dạy trẻ em trở thành những người trưởng thành khỏe mạnh và có trách nhiệm.” Bà Melton nói, hôn nhân khuyến khích người nam và nữ “cam kết trọn đời và dành riêng cho nhau và cùng có trách nhiệm đối với con cái của họ,” để xây dựng một xã hội hài hòa hơn.

Bà Melton chia sẻ những khám phá của các nhà khoa học xã hội hàng đầu ở Hoa Kỳ và từ các cuộc khảo sát trong nước và trình bày rằng tất cả dữ liệu hiện có cho thấy rằng những đứa trẻ sống trong một gia đình ổn định với cha mẹ kết hôn có sức khỏe về thể chất, cảm xúc và tinh thần tốt hơn.

“Rất dễ nhìn thấy những tổn thất về xã hội và kinh tế mà các cộng đồng phải gánh trên vai do hậu quả của sự tan vỡ gia đình,” bà Melton nói: 77,9 phần trăm số trẻ em chịu đựng cảnh đói khổ lâu dài đều xuất thân từ những gia đình bị tan vỡ hoặc cha mẹ không kết hôn, trong khi đến 82 phần trăm những đứa trẻ sống trong một gia đình có cả mẹ và cha ít có khả năng phải sống trong cảnh đói khổ.

Dữ liệu cũng cho thấy một mối tương quan giữa đời sống gia đình và tình trạng bạo lực, “những phụ nữ và trẻ em trong các gia đình kết hôn theo đúng chuẩn mực ít có khả năng gặp cảnh bạo lực gia đình hơn so với những hình thức gia đình khác.”

Bà Melton bày tỏ hy vọng rằng LHQ và Tòa án Châu Âu về Nhân quyền tìm ra giải pháp bảo vệ trẻ em và gia đình: “Bằng cách bảo vệ và khai thác được nhiều lợi ích xã hội mà gia đình mang lại, chúng ta sẽ thúc đẩy được sự thành tựu của những mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, và để lại cho con cái chúng ta một thế giới tốt đẹp hơn.”

Ông Jonathan Schweppe, Giám đốc Chính sách và Lãnh đạo tại Dự án American Principles, mô tả gia đình như là “thể chế tự nhiên quan trọng nhất trong lịch sử của thế giới,” nhưng ông lưu ý rằng gia đình hiện nay đã bước đến tình trạng khủng hoảng do sự thiếu vắng những người cha trong nhà. Trẻ em đang phải trả giá cho sự thất bại xã hội này ở mức độ ¼, hay 19,7 triệu trẻ em Mỹ đang sống ở nhà mà không có cha, ông nói. Những đứa trẻ này đối mặt với những trở ngại khủng khiếp và dễ có nguy cơ rơi vào những hành vị phá hoại hơn.

Với những phụ nữ bị bỏ rơi phải nuôi con một mình thì việc nuôi dạy rõ ràng rơi vào sự khủng hoảng, Hoa Kỳ phải ngừng khuyến khích những sự tan vỡ gia đình, ông nói. Thời gian nghỉ thai sản cho cha và mẹ nên được xây dựng thành một lựa chọn phù hợp.

Ông nói, “Chúng ta phải làm tốt hơn, và tôi chắc chắn là chúng ta có thể.”

Theo sau phần trình bày của ban chuyên gia, thời gian được mở rộng cho phần đặt câu hỏi và bình luận. Phái đoàn từ Nga lưu ý rằng Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân quyền chân nhận gia đình là đơn vị tự nhiên của xã hội và kêu gọi các cơ quan LHQ và các Chính phủ hãy sử dụng tiềm năng của gia đình cho sự phát triển và hòa hợp trong xã hội. Phái đoàn từ Comoros nói rằng điều vô cùng quan trọng là phải giúp người trẻ nhận biết tầm quan trọng của gia đình.

Copyright © 2019 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/6/2019]

 

Bài liên quan

Back to top button