Antôn Nguyễn Văn TiếngChưa được phân loạiSuy niệm

Thiên Chúa là Cha Nhân Hậu | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN C
(Lc.15,1-32)
***

 THIÊN CHÚA LÀ CHA NHÂN HẬU

1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” 3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:

4 “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?

5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. 6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó. 7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.

8 “Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? 9 Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói:  “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất. 10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”

11 Rồi Đức Giê-su nói tiếp: “Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. 13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. 14 “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! 18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người:  “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy. 20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

21 Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa… 22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! 24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.

25 “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. 27 Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ. 28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29 Cậu trả lời cha:  “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!

31 “Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”
________________

SUY NIỆM

THIÊN CHÚA LÀ CHA NHÂN HẬU

“Đã mất mà nay lại tìm thấy…” (Lc.15,24).  

1. Mất vật chất.

Ai trong chúng ta ít nhiều gì cũng có những món đồ vật chất mà ta không bao giờ muốn đánh mất vì  nó có giá trị – là hàng đắt tiền, hoặc là thứ kỷ vật mà ta nâng niu quý trọng có thể nói  là vô giá. Nếu lỡ mất đi, buồn biết bao nhiêu, còn may mắn tìm lại được, niềm vui thật khôn tả, hơn cả khi được người khác ban tặng thay thế.

Có một bé gái mới chừng 8 tuổi, khi tắm trong phòng tắm, nó làm tuột mất chiếc nhẫn mà cậu nó trong một chuyến đi làm ăn ở phương trời xa xứ lạ đã mua tặng cho nó. Cả ngày trời nó tìm kiếm khắp nơi, những chỗ mà nó nghĩ là dòng nước khi tắm có thể cuốn trôi đi đến đó, nhưng không gặp. Nó khóc hoài. Mẹ nó an ủi nó và hứa mua cho nó chiếc nhẫn khác, nhưng nó không thích điều đó.

Cuối cùng, nó bắt ghế leo lên bàn thờ, nơi có đặt tượng thánh An-tôn Pa-đua, vị thánh mà nó thường nghe người lớn nói rằng “ngài sẽ cho gặp những gì đang tìm kiếm”, nó ôm thánh An-tôn vào phòng nó, đặt thánh An-tôn trên giường, và nó quỳ lạy thánh An-tôn xin cho nó tìm lại được chiếc nhẫn. Có lẽ ơn trên xót thương tấm lòng đơn sơ của nó, quả nhiên, nó tìm lại được chiếc nhẫn ở một xó kẹt trong nhà. Nó reo mừng, và thật khó mà tả được niềm vui của nó: “Đã mất mà nay lại tìm thấy”.

2. Mất người thân

Mất một món đồ vật chất đã buồn nhiều rồi huống chi mất một người thân. Món đồ vật chất ngay khi không thể tìm lại được, dù sao, nó vẫn là một thứ vô tri vô giác, còn người thân, tiếng nói, tiếng cười, bao kỷ niệm ăn sâu trong tim óc, làm sao quên được.

Có hai câu chuyện thời chiến, mà tôi chứng kiến ở quê tôi.

Câu chuyện thứ nhất.

Dượng năm tôi đi lính miền Nam trước 1975, trong một cuộc giao tranh ác liệt, ông được ghi nhận là mất tích. Một tháng, hai tháng, rồi ba tháng trôi qua… Ông không quay về. Chiến trường đẫm máu đầy những thây người, nhưng vùng chiến còn đang khói lửa nên không lấy thây được. Người nhà coi như ông đã chết.

Ông là người Công Giáo, nên gia đình tổ chức “cầu lễ” tại gia. Tấm di ảnh được đặt trên bàn thờ cùng khói hương nghi ngút… Ở quê tôi lúc ấy có quan niệm “nam thất nữ cửu”, nên cầu lễ cho người nam 7 đêm liên tiếp, còn người nữ thì 9 đêm.

Đến đêm thứ ba, đang cầu lễ thì dượng năm tôi về. Ông từ sau hè bước vào cửa sau và đi luôn ra phía trước. Mọi người đang cầu lễ hết hồn, bọn nhỏ hét lên, còn dì năm tôi, sau phút bàng hoàng, đã ôm chầm lấy chồng mình mình khóc nức nở…

Câu chuyện thứ hai.

Người ta báo tin anh Sang, người lính trẻ, tử trận. Đã mấy ngày rồi, nên người nhà chỉ đến đơn vị lãnh xác đã được đặt trong quan tài về chôn, không còn thấy mặt.

Quan tài được lưu lại một đêm để cầu lễ và sáng hôm sau là Thánh Lễ an táng.

Buổi sáng, khi mọi người chuẩn bị đưa quan tài đến Nhà thờ thì anh Sang “thật” về. Có sự trùng tên và lầm lẫn địa chỉ. Anh Sang “xa lạ” kia  tạm thời được chôn ở phần đất gần đó.

Có thể thấy hình ảnh vô cùng cảm động niềm vui của người vợ trẻ, đứa con nhỏ, đặc biệt là bà mẹ già, giành nhau ôm lấy “người chết trở về”. Những gì xảy ra tưởng chỉ có trong chuyện cổ tích.

Trong Kinh Thánh, ta thấy niềm vui  của bà mẹ thành Na-im khi “lại tìm thấy” đứa con.

Như Matta và Maria “lại tìm thấy” đứa em là La-da-rô…

Mất người thân  là vì họ chết.

Mất người thân có khi còn là vì họ đã sai đường, lầm lỗi.

Một người thân đã  xa Chúa, đã mất Đức Tin. Họ – những người thân yêu ấy – còn sống nhưng kể như đã chết.

Một người đàn ông kia có đứa con đi theo bọn xã hội đen. Ông buồn lắm. Sau đó nó cướp của giết người, phải lãnh án tử hình. Án chưa thi hành, ông buồn vô hạn rồi lâm trọng bệnh. Ai đến thăm ông, hỏi ông về nó, ông đều bảo: – “Nó đã chết !”. Rồi bệnh ông ngày càng trầm trọng hơn, trước khi chết, ông nhắc đến  tên đứa con trai mình, hai giòng lệ trào ra  khi đôi mắt ông vĩnh viễn khép lại.

Tình cha vẫn âm ỉ cháy trong lòng ông. Chắc hẳn ông sẽ vui biết bao khi con ông được trở về làm lại từ đầu với cuộc sống hoàn lương. Nhưng “đã mất và không còn cơ hội tìm thấy” !

3. Lại tìm thấy

Từ những đau buồn khi “đã mất”, ta hiểu được nhiều hơn thế nào là niềm vui “lại tìm thấy”. Ta suy ra niềm vui của bao người “bị mất mát mà nay lại tìm thấy”, trong đó có Tình Cha.

Tình Cha được Chúa Giê-su nhắc đến và diễn tả sống động trong câu chuyện dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu”. Tình Cha bao dung ấy là chính Tình Yêu Thiên Chúa – Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót – “Lạy Cha chúng con ở trên trời”.

4. Thiên Chúa là Cha Nhân Hậu.

Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người?”. (Lc.11.13).

Sự trở về của con người thường dừng lại ở giới hạn trần gian. Như đứa con đi hoang trở về chỉ mong được làm một tên đầy tớ, bao nhiêu đó thôi đủ để no lòng, không dám mơ cao xa hơn.

Nhưng, lòng Thương Xót của Thiên Chúa thì không bờ không bến, hơn cả những gì ta chờ đợi. Đứa con đi hoang vẫn là đứa con yêu dấu đã mất mà nay tìm lại được. Đứa con ấy được trang điểm lại, – “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu,” –  để không có sự khác biệt nào giữa hình ảnh đứa con ngày xưa khi còn ở nhà và đứa con bây giờ sau khi đi hoang trở về. Đứa con ấy được xóa mọi thương tích và mạnh lành trong vòng tay Cha mình. Đứa con ấy tìm lại được niềm tin yêu và vui sống. Vẫn là đứa con yêu dấu.

Thôi giã từ dĩ vãng đắng cay, với mãnh hình hài đầy thương tích…

 

Không ai có thể cho ta cuộc đời mới bằng Thiên Chúa, Đấng Giàu Lòng Thương Xót, là Người Cha Nhân Hậu tuyệt đối của chúng ta.

Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Ðức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha. (Ga,14.8-9)

Và, Ta nhận ra Thiên Chúa – Người Cha Giàu Lòng Thương Xót –  ở đỉnh cao Thập Giá.

Lạy Cha, xin hãy tha cho họ, họ lầm chẳng biết(Lc 23,34).

Lạy Chúa,

Đã muộn màng rồi sau thuở đi hoang…
Tìm lại bình an địa đường ngày cũ,
Đời tơi tả ngày sầu thương ủ rũ,
Còn lại gì ngoài những vết thương tâm.

Con gục xuống trong vực tối âm thầm
Những bước chân người đi qua hờ hững.
Thân rã rời sức tàn con gượng đứng…
Tim nhói đau rỉ máu những giọt sầu.

Con chấp tay khờ dại phút nguyện cầu
Cho con gọi: “Cha ơi…Cha thương xót !”
Ôi, ấm áp lòng con hương dịu ngọt !
Con đổi thay Tình Cha vẫn như xưa…

Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

 

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button