Ánh Sáng Cho Tâm Hồn | NVT
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY A 14
(Ga.4,5-42)
****
ÁNH SÁNG CHO TÂM HỒN
5 Khi ấy, Đức Giê-su đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se. 6 Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.
7 Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giê-su nói với người ấy: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” 8 Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. 9 Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói: “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao?” Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri. 10 Đức Giê-su trả lời: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: “Cho tôi chút nước uống”, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.” 11 Chị ấy nói: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? 12 Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.” 13 Đức Giê-su trả lời: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. 14 Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” 15 Người phụ nữ nói với Đức Giê-su: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” 16 Người bảo chị ấy: “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây.” 17 Người phụ nữ đáp: “Tôi không có chồng.” Đức Giê-su bảo: “Chị nói: “Tôi không có chồng” là phải, 18 vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng.” 19 Người phụ nữ nói với Người: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ. 20 Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.” 21 Đức Giê-su phán: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. 22 Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái. 23 Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. 24 Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” 25 Người phụ nữ thưa: “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” 26 Đức Giê-su nói: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.” 27 Vừa lúc đó, các môn đệ trở về. Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ. Tuy thế, không ai dám hỏi: “Thầy cần gì vậy?” Hoặc “Thầy nói gì với chị ấy?” 28 Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: 29 “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?” 30 Họ ra khỏi thành và đến gặp Người. 31 Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng: “Ráp-bi, xin mời Thầy dùng bữa.” 32 Người nói với các ông: “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết.” 33 Các môn đệ mới hỏi nhau: “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?” 34 Đức Giê-su nói với các ông: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. 35 Nào anh em chẳng nói: Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt? Nhưng này, Thầy bảo anh em: Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái! 36 Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng. 37 Thật vậy, câu tục ngữ “kẻ này gieo, người kia gặt” quả là đúng! 38 Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ.” 39 Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. 40 Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. 41 Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa. 42 Họ bảo người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”
______________
SUY NIỆM
ÁNH SÁNG CHO TÂM HỒN
1. Bạn nghĩ bạn là ai ?
Biết bao người, có khi trong đó có ta, ít khi hoặc chưa lần nào, vô tình hay cố ý, lơ là hay tránh né, suy nghĩ về chính mình: “tôi là ai ?”.
Và, cứ thế, sống cứ sống, dòng đời trôi cứ trôi… thì tôi cũng là tôi.
Steve Goodier trong Prescription For Peace đã kể lại:
Một hài kịch đã nói: “Tôi đến gặp bác sĩ và trả cho ông này 75 đô-la một giờ. Những gì ông ta làm là chỉ hỏi tôi mỗi một câu giống y như cha tôi lúc nào cũng hỏi tôi: “Dù sao đi nữa thì anh nghĩ anh là ai ?”
Tôi nghĩ tôi đã dùng 20 hoặc có thể 30 năm đầu tiên trong cuộc đời để quanh quẩn với câu hỏi thật sự mình là ai. Tôi nghĩ rằng mình không bao giờ biết phải học gì ở trường và tôi chắc chắn rằng sẽ chẳng bao giờ tôi hình dung ra được người phụ nữ mà tôi có thể chung sống hạnh phúc là người như thế nào. Và rồi đúng vào lúc tôi nghĩ là đã hiểu bản thân mình khá rõ, tôi lại thay đổi. Và vài năm sau tôi lại thay đổi nữa. Và một lần nữa ! Có vẻ như tôi luôn luôn gặp phải câu hỏi “Anh nghĩ anh là ai ?”.
Nếu ta “không hề nghĩ ta là ai”, ta làm sao sống đúng bổn phận và trách nhiệm ta, biết định hướng đời ta, biết sống một đời có ý nghĩa.
Thế là ta có nguy cơ sống trong “bóng tối”. Cứ thế, tâm hồn ta mải lò mò sống trong tăm tối. Ngày tháng quen dần với bóng đêm và ta đâm ra sợ ánh sáng. Ta tụt dần trên thang giá trị đời mình xuống đến mức vong thân. Ta lạnh lùng với điều thiện, ta bình thản trước điều ác. Ta không màng gì đến thật giả trắng đen… miễn là ta sống bình an, dù rằng sự bình an trong bóng tối.
Trong Khổng Tử Gia Ngữ có viết:
“Cho nên nói rằng “cùng người hay cùng ở”, khác nào vào cái nhà chứa giống chi lan (hai thứ cỏ thơm), giờ lâu sẽ không thấy mùi thơm nữa, tức là đã hóa theo mùi đó rồi. Bằng ở cùng những người bất thiện thì như khác nào vào trong hàng tôm hàng cá, giờ lâu cũng không thấy mùi tanh nữa, tức là cũng hóa theo mùi tanh đó rồi”.
Vậy, ta nghĩ ta là ai ? Ta không còn muốn biết nữa. Ta biết mình đang sống, thế thôi. Ta chối bỏ chính mình, ta cũng không muốn ai biết đến ta.
Trong Prescription For Peace, Steve Goodier kể:
Tờ Houston Post đã đưa tin về một người đàn ông bị cảnh sát Hà Lan bắt ở Rosendaal. Họ tìm thấy trong người anh ta 186 giấy tờ giả gồm 29 hộ chiếu của Nigerian, 30 hộ chiếu Anh, 74 giấy cho phép làm việc ở Hà Lan, 12 giấy phép lái xe ở Anh, 18 giấy khai sinh và báo tử, hai thẻ sinh viên ở Anh, một giấy phép lái xe trên toàn thế giới và 20 chi phiếu giả. Cảnh sát nói rằng vẫn chưa xác định được thân nhân của anh ta !
2. Sự thật về đời bạn.
Trong tăm tối không ai tìm ra được chân lý. Người ta che dấu sự thật nhờ bóng tối. Mảng tối tâm hồn thường không ai dám phơi bày ra ánh sáng. Đó là nơi riêng tư bất khả xâm phạm.
Người Pharisêu, những kinh sư Do Thái, đã lồng lộn lên thù hận Chúa Giê-su khi Ngài soi rọi ánh sáng vào tâm hồn họ.
Ngược lại, cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và người phụ nữ Samari lại bừng lên chân lý và hy vọng trong lòng người phụ nữ “ngoại đạo” này. Rõ ràng, sự tích cực của cuộc gặp gỡ này đến được từ cả hai phía.
Phần người phụ nữ Samari là thái độ “lắng nghe lời Chúa”.
Sự lắng nghe ấy không phải từ sự sợ hãi, vì người phụ nữ Samari luôn có những lý lẽ bảo vệ quan điểm của mình, mà rõ ràng từ sự thành tâm kiếm tìm chân lý. Đó là cuộc hành trình Đức Tin đầy thiện chí.
Chị ấy nói: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.” (Ga.4,11-12).
Không như những người Pharisêu, chị khiêm nhường đón nhận ánh sáng lời Chúa soi rọi vào mọi ngõ ngách tâm hồn mình. Không mặc cảm, hỗ thẹn, tự ti, nhưng can đảm đón nhận sự thật đời mình được phơi bày trong ánh sáng lời Chúa.
Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?” (Ga.4,28-19).
Phần Chúa Giê-su là thái độ bao dung.
Hẳn nhiên, Chúa Giê-su đã thấu suốt lòng người phụ nữ Samari ngay từ giây phút đầu tiên gặp gỡ, nhưng cách Ngài lèo lái câu chuyện để đưa người phụ nữ Samari đến Đức Tin thật nhẹ nhàng và đầy yêu thương. Không có một lời trách móc nào ngay cả khi chị ta nói dối mà Ngài cũng uốn nắn lời lẽ để cho là chị ta nói đúng.
Người bảo chị ấy: “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây.”Người phụ nữ đáp: “Tôi không có chồng.” Đức Giê-su bảo: “Chị nói: “Tôi không có chồng” là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng.” (Ga.4,16-18).
Và, chị không thể sống bình an giả tạo trong bóng tối được nữa. Đã đến lúc người phụ nữ Samari phải nhìn lại mình. Chị là ai ? Đang sống thế nào ? Niềm vui thật sự là gì ?
Chúa không khơi dậy quá khứ của đời chị để lên án, vì Lòng Chúa rất bao dung.
Ánh sáng Lời Chúa cho tâm hồn chị tìm lại những giá trị đích thực của đời người.
“Sự tha thứ không thể thay đổi được quá khứ, nhưng có thể mở rộng tương lai”. (Paul Boese).
3. Ánh sáng cho tâm hồn
Ánh sáng cho mọi tâm hồn chính là Lời Chúa – Lời Yêu Thương – “mở rộng tương lai” cho con người cơ hội trở về bên Chúa.
Với Thiên Chúa, không có cuộc trở về nào bị từ chối. Tình yêu Thiên Chúa không có sự loại trừ đối với mọi tâm hồn sẵn sàng đón nhận ánh sáng Lời Ngài.
Cũng trong Prescription For Peace, Steve Goodier đã ghi lại câu chuyện này:
Có một truyền thuyết đẹp kể về một bộ tộc ở Châu Phi có một nghi lễ rất đặc biệt dành cho lòng khoan dung.
Khi một thành viên trong bộ tộc hành động vô trách nhiệm hoặc bất chính, người này sẽ bị đưa ra giữa làng. Tất cả mọi người từ đàn ông đến phụ nữ và trẻ con sẽ dừng tất cả những việc đang làm, tập trung thành một vòng tròn lớn xung quanh người phạm lỗi. Và rồi cả bộ tộc “dội bom” vào người bị tẩy chay bằng những lời thẳng thắn và quyết liệt. Bạn bè và gia đình sẽ kể lại tất cả những điều tốt mà con người lầm lạc kia đã làm được. Mỗi sự kiện, mỗi kinh nghiệm theo trí nhớ được kể lại rất tỉ mỉ và chính xác. Tất cả những điểm tích cực, những ưu điểm và lòng tốt của người kia được nhắc lại chi tiết và cụ thể. Cuối cùng, vòng tròn tan ra, một buổi lễ vui vẻ được tổ chức và người bị ruồng bỏ được dân làng đón nhận trở lại.
Ở đây, ta nhớ lại câu chuyện về “người nữ ngoại tình” trong Kinh Thánh.
Ký lục và Biệt phái dẫn đến một phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang, và bắt đứng giữa đám. Họ nói với với Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, phụ nữ ngoại tình này bị bắt tại trận. Trong Lề luật, Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà như thế. Vậy Thầy dạy sao?” Họ nói thế với chủ ý cho Ngài mắc bẫy, để làm sao có cớ mà cáo tội Ngài. Còn Ðức Yêsu, thì Ngài cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Bởi họ cố riết hỏi Ngài, thì Ngài ngẫng lên và bảo họ: “Trong các ông, ai vô tội thì hãy ném đá trước hết người này đi!” Rồi Ngài lại cúi xuống viết trên đất. Họ nghe thế rồi, thì kẻ trước người sau họ rút lui hết, các kẻ cao niên dẫn đầu, mà để lại một mình Ngài, và phụ nữ kia đứng ở giữa. Ngẩng lên, Ðức Yêsu nói với người ấy: “Chị kia, họ đâu rồi? Không ai xử tội chị sao?” Người ấy đáp: “Thưa Ngài, không ai cả!” Ðức Yêsu lại nói: “Tôi cũng không xử tội chị đâu! Ði đi! Và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga. 8,3-11).
Trong câu chuyện người phụ nữ ngoại tình, đám đông chỉ có sự kết án, không có lời bênh vực dù dưới hình thức nào. Ở đây Lời Chúa soi rọi vào tâm hồn không phải là tâm hồn của kẻ tội lỗi – là người nữ ngoại tình, mà là tâm hồn của những kẻ tự thấy mình thánh thiện – là những ông Ký lục và Biệt phái.
Người phụ nữ ngoại tình được hòa nhập vào cộng đoàn, không phải vì chứng minh được bất cứ điều tốt đẹp nào trong quá khứ, mà vì Lòng Chúa Thương Xót, và vì con người – như Chúa Giê-su muốn dạy cho Ký lục và Biệt phái ở đây – phải biết cảm thông tha thứ cho nhau khi tất cả đều mang thân phận yếu hèn tội lỗi.
Lời Chúa là ánh sáng cho tâm hồn, không phải để soi tìm tội lỗi của con người, mà để con người nhận ra con đường tiến về tương lai, tiến về sự sống vĩnh cửu.
Quá khứ để lại phía sau, niềm hạnh phúc là nhận ra Đấng Cứu Thế.
“Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?” (Ga.4,28-19).
Nhận ra và tin Ngài, đó là tất cả ý nghĩa và là lẽ sống đời ta.
“Sự sáng thế gian, chính là Ta! Ai theo Ta sẽ không phải đi trong tối tăm, nhưng nó sẽ có ánh sáng sự sống”. (Ga.8,12).
LỜI NGUYỆN
Ngày lại ngày trời buông muôn tia nắng
Chiếu sáng đời đâu sáng được lòng ta
Tâm hồn chìm trong bóng tối bao la
Đâu lẽ sống trong bóng đêm thờ thẫn
Tiếng ai hỏi lòng ta trong hoang vắng ?
Chợt nhận ra một đời trắng đôi tay…
Tiếng lòng khơi bao nỗi niềm cay đắng
Niềm vui qua còn đây lệ đong đầy
Ngày lại ngày Lời Ngài như tia nắng
Chiếu soi lòng cho con bước reo vui
Chính là Ngài… Nếu đời con thiếu vắng
Bao cuộc vui chỉ còn lại ngậm ngùi.
Amen
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
______________
Nếu bạn muốn xem bài suy niệm năm 2011, xin mời bạn vào Địa Chỉ:
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/435-chua-nhat-3-mua-chay-nuoc-hang-song