Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Gương Thánh Gia | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
LỄ THÁNH GIA

(Lc.2,22-40)
****

GƯƠNG THÁNH GIA

 22 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”,   24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. 25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. 27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, 28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

29 “Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân :
32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”

33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người. 34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; 35 và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”

36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. 38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

___________

GƯƠNG THÁNH GIA                

1. Một gia đình nề nếp

Hình ảnh đẹp của một người cha trong gia đình luôn là một người mạnh mẽ, bản lĩnh, đôi khi có sự cứng rắn cần thiết, đương đầu với mọi hoàn cảnh cuộc sống để che chở, bảo vệ, đùm bọc gia đình với tình yêu cao cả nhưng thường là thầm lặng, sâu lắng. Ta vẫn thường nghe những câu nói về tình cha, như “Còn cha gót đỏ như son. Đến khi cha mất gót con đen xì”. “Con không cha như nhà không nóc”. “Công cha như núi Thái Sơn”…  

Hình ảnh đẹp của một người mẹ trong gia đình luôn là một người dịu dàng, mềm mỏng, quán xuyến, luôn trực tiếp bên con vỗ về, chăm sóc, lúc nào cũng biểu lộ một tình yêu ngọt ngào rất dễ nhận ra. Văn thơ nói về người mẹ rất nhiều, nhưng có lẽ phổ biến nhất vẫn là bản nhạc Lòng Mẹ của Y vân với những ca từ và âm điệu nhẹ nhàng như dòng suối êm đềm trôi, khiến người nghe nhớ đến câu ca dao đã khắc sâu vào tâm khảm mọi người: “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.” 

Hình ảnh đẹp của những người con luôn là những đứa con hiếu thảo, luôn biết vâng lời vàgiúp đỡ cha mẹ phù hợp với lứa tuổi của mình. Ngày xưa “đạo hiếu” được đề cao và dành nhiều thời gian trong trường học, đặc biệt ngay từ những lớp tiểu học. Cho đến bây giờ, những người lớn tuổi vẫn không quên những bài học trong một quyển sách rất phổ biến về gương hiếu thảo, đó là cuốn “Nhị Thập Tứ Hiếu”. Bên cạnh đó có rất nhiều tục ngữ ca dao nhắc nhở mọi người sống sao cho tròn đạo làm con trong gia đình, như: “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”. “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha cúng mẹ hơn là đi tu”…

2. Từ mái ấm gia đình ta được nên người

Người ta thích thú khi nhìn chim làm tổ, và những cánh chim non được cha mẹ chúng chăm sóc trong cái tổ an toàn, lớn lên, đủ lông đủ cánh rồi bay đi vào khung trời bao la với mưa nắng cuộc đời.

Hình ảnh ấy cho ta nhiều suy nghĩ về thời tuổi thơ và người ta thường thích dùng từ “tổ ấm” để nói về những ngày đáng yêu với nhiều kỷ niệm khi còn sống trong gia đình với cha mẹ anh em.

Ta sinh ra, lớn lên, trưởng thành từ đó. Đời không luôn luôn bình yên, ta càng nhớ biết bao những ngày êm đềm trong “tổ ấm” gia đình.

Ngày tháng êm đềm ở “tổ ấm” gia đình tích lũy cho ta hành trang vào đời muôn màu muôn màu muôn sắc và cũng lắm nụ cười nước mắt.

Có một số danh ngôn về gia đình đáng chúng ta suy ngẫm:

Gia đình có nghĩa là không có ai bị bỏ lại phía sau hoặc bị lãng quên. (Family means no one gets left behind or forgotten.) David Ogden Stiers.

Khi gặp khó khăn, chính gia đình là nơi hỗ trợ bạn. (When trouble comes, it’s your family that supports you.) Guy Lafleur.

Mọi thứ khác đều có thể thay đổi chúng ta, nhưng chúng ta bắt đầu và kết thúc với gia đình. (Other things may change us, but we start and end with the family.) Anthony Brandt.

Khi bạn nhìn vào cuộc sống của bạn, hạnh phúc lớn nhất là hạnh phúc gia đình. (When you look at your life, the greatest happinesss are family happiness. (Joyce Brothers).

Các gia đình hạnh phúc đều giống nhau; mỗi gia đình không hạnh phúc thì đều theo cách riêng của nó. (Happy families are all alike, every unhappy familly is in its way.)  Leo Tolstoy.

3. Gương Thánh Gia

Nhìn vào Hang Đá, chúng ta thấy hình ảnh gợi lên cho chúng ta về “tổ ấm” Thánh Gia. Tất cả đều nhìn về Hài Nhi Giêsu, tất cả quy về Đấng Cứu Thế.

Từ Hang Đá Bê lem hôm nay, cho đến đồi Cal-vê tất cả mọi thành viên trong gia đình đều hướng về Thánh Ý Thiên Chúa.

Thánh Giuse vâng theo thánh ý Chúa, đón Maria về nhà mình. “Giuse, con Ðavít, đừng ngại lấy Maria làm vợ, thai trong bụng bà ấy là do Thánh Thần. (Mt.1,18). Đưa Hài Nhi Giêsu trốn qua Ai Cập đề thoát khỏi tay kẻ thù, rồi quay trở về quê hương, âm thầm làm việc dưỡng nuôi Đấng Cứu Thế.

“Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” Ông Giu-se liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, (20) báo mộng cho ông, ông liền chỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en. Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: “Người sẽ dược gọi là người Na-da-rét.”. (Mt.3,12-15.19-23) 

Mẹ Maria vâng theo thánh ý Chúa đón nhận Tin Mừng Ngôi Hai nhập thể. Cuộc đời Mẹ hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa mà cao điểm là nỗi đau thương khi đứng dưới chân Thập Giá vẫn vững một niềm tin.Vâng, nầy tôi là nữ tì của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc.1,27-38).

Chúa Giêsu vâng theo thánh ý Chúa Cha tuyệt đối, dù Ngài phải trải qua những giây phút thật đau khổ khi phải chống lại cơn cám dỗ mà Satan muốn phá hủy Chương Trình Cứu Độ của Thiên Chúa. “Lạy Cha, nếu có thể được, thì xin cho Con khỏi uống chén nầy. Nhưng xin đừng theo ý riêng Con, một xin vâng theo Thánh Ý Cha mà thôi” (Luca 22,41).

Cùng với bản tính Thiên Chúa, Chúa Giê su còn có bản tính con người nữa. “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn chút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế’ (Pl 2,6-7), nên Chúa Giêsu sống trọn đạo làm con, đối với cha mẹ mình trong thời gian Ngài còn ở trần thế. “Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nagiarét, và Người vâng phục hai ông bà” (Lc.2, 51). Ngài còn nghĩ xa hơn – xét theo ý nghĩa đời thường – khi “mọi sự đã hoàn tất” ở trần gian, còn có mẹ hiền ở lại, Ngài đã giao phó nhiệm vụ phụng dưỡng mẹ mình lại cho Gioan ngay khi đang đau đớn trên thập giá. “Này là Mẹ con!” (Jn 19:26-27).  Thế nên, Chúa Giêsu sống trọn đạo hiếu  với Cha trên trời và cả cha mẹ ở trần thế. “Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?” (Lc.2,41-52).    

Để hoàn tất Chương Trình Cứu Độ của Thiên Chúa, Thánh Gia đã sống với cuộc đời thường mẫu mực để hoàn thành sứ mạng thiêng liêng theo Thánh Ý Thiên Chúa. 

Lạy Chúa,

Xin cho mọi gia đình biết yêu thương và hiệp nhất,
theo ý muốn của Thiên Chúa. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Bài liên quan

Back to top button