Trào lưu hội họa ấn tượng là gì?
Trường phái ấn tượng là trào lưu đầu tiên trong nghệ thuật hiện đại và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nghệ thuật thế kỷ 20. Như là phong cách mang tính cách mạng nhất, trường phái ấn tượng đã dần dần thâm nhập vào dòng chảy nghệ thuật của Pháp nói riêng và thế giới nói chung.
Trường phái ấn tượng là gì?
Ấn tượng (tiếng Pháp: Impressionnisme; tiếng Anh: Impressionism) là một trào lưu nghệ thuật bắt đầu tại Paris (Pháp) vào cuối thế kỉ 19. Các họa sĩ ấn tượng không phải là một nhóm nghệ sĩ chính thức, mà là một tập thể các họa sĩ tìm kiếm sự công nhận cho các kỹ thuật sáng tạo và cách tiếp cận của họ trong việc sử dụng màu sắc trong nghệ thuật.
Trường phái ấn tượng đánh dấu một bước tiến quan trọng của hội họa. Cái tên “ấn tượng” do các nhà phê bình gọi theo một bức tranh nổi tiếng của Claude Monet – Impression, soleil levant (Ấn tượng mặt trời mọc).
Bức tranh Ấn tượng mặt trời mọc – Claude Monet
Sự ra đời của trường phái hội họa ấn tượng
Khoảng năm 1862, có những họa sĩ trẻ cho rằng nghệ thuật đã xơ cứng do các quy tắc quá cứng nhắc được giảng dạy ở trường Mỹ thuật và họ kết hợp với nhau ở Paris cùng với Claude Monet. Trên con đường được Eugène Boudin và Johan Barthold Jongkind vạch ra trong những năm 1850-1860, họ vẽ tranh ngoài trời, theo mẫu sống, và tìm cách thu tóm những biểu hiện thoáng qua của bầu khí quyển. Bằng cách tránh xưởng vẽ và những giá trị giả tạo của nó, họ thu nhận những cảm giác thị giác từ phong cảnh, vẽ ánh sáng và những tác động của nó.
Các họa sĩ được đào tạo trong các xưởng vẽ tư nhân và tự do (xưởng vẽ Gleyre, trường Mỹ thuật Thụy sĩ) và trao đổi ý tưởng ở quán cà phê Guerbois. Mỹ học ấn tượng, do William Turner bố cáo, tiếp nhận ảnh hưởng của Gustave Courbet và trường phái hiện thực. Các “môn đồ” tôn sùng Delacroix là người thử nghiệm trước họ sự phân chia sắc độ, các màu bổ túc và các tương phản màu sắc. Họ cũng thăm dò những nguồn cảm hứng mới, tranh thủ ấn họa Nhật Bản và nhiếp ảnh mới được phát minh năm 1839.
Mùa Xuân – Claude Monet
Chiếc thuyền trong trận lũ tại cảng Marly – Alfred Sisley
Đường vào làng Voisins – Camile Pissarro
Trong suốt thế kỷ 19, Học viện Mỹ thuật là trụ cột của tổ chức nghệ thuật Pháp và là đơn vị tổ chức triển lãm hàng năm tại Salon de Paris. Bất kỳ tác phẩm mới nào thách thức những tiêu chuẩn này sẽ bị loại bỏ và nhiều người trong số các hoạ sĩ trẻ sáng tạo của trường phái ấn tượng đã bị loại ra khỏi triển lãm này. Các nghệ sĩ bị các Phòng trưng bày từ chối và bị coi là những kẻ “bôi bác”, họ sống trong cảnh khốn cùng nên tìm cách làm cho người ta biết đến mình bằng những cuộc triển lãm riêng.
Sự biểu lộ đầu tiên diễn ra ở Paris vào năm 1874 trong xưởng làm việc của nhà nhiếp ảnh Félix Nadar, đường Capucines. Dịp này nhà báo Louis Leroy của tờ Charivari đã khai sinh từ “chủ nghĩa ấn tượng” bằng cách mỉa mai nhan đề bức tranh nổi tiếng “Ấn tượng, mặt trời mọc” của Claude Monet.
Bảy cuộc triển lãm khác nối tiếp nhau cho tới năm 1886. Từ thời điểm này nhóm bắt đầu chia nhỏ rồi tan rã. Từ những năm 1880-1890, phong trào liên lạc với các nghệ sĩ nước ngoài, nhưng chủ yếu là mở đường cho những phản ứng mỹ học phóng khoáng. Bất chấp sự thù nghịch của nhiều người, Émile Zola và nhà buôn tranh Paul Durand-Ruel ủng hộ hội họa ấn tượng nay đã chuyển qua một thế giới êm ả trong đó không xuất hiện các khó khăn xã hội, chính trị và kinh tế của thời đại. Nhà báo và phê bình nghệ thuật Thédore Duret mua tranh và xuất bản quyển Lịch sử Ấn tượng vào năm 1904.
Mùa thu ở Argenteuil – Claude Monet
Hai vũ công trên sân khấu – Egar Degas
Claude Monet vẽ trong vườn – Pierre Auguste Renoir
La Toilette – Henri Marie Raymond de Toulouse-Lautrec
Các họa sĩ tiêu biểu
Những họa sĩ trường phái Ấn tượng có thể kể tới như: Mary Cassatt, Edgar Degas, Max Liebermann, Édouard Maney (Tuy Manet không xem mình thuộc phong trào), Claude Monet, Berthe Moríot, Camile Pissarro, Pierre Auguste Renoir, Alfred Sisley, Henri Marie Raymond de Toulouse-Lautrec,…
Các họa sĩ Vincent Van Gogh, Paul Cézanne, Paul Gauguin và Georges Seurat, mặc dù chìm ngập trong những truyền thống của trường phái ấn tượng, nhưng họ đã đẩy ranh giới của phong cách theo các hướng sáng tạo khác nhau, đặt nền móng cho nghệ thuật thế kỷ 20.
Để thuận tiện cho lịch sử, những họa sĩ này được mệnh danh là họa sĩ “hậu ấn tượng”, nhưng ngoài ảnh hưởng của trường phái ấn tượng, họ không có nhiều điểm chung. Van Gogh đưa nghệ thuật theo hướng chủ nghĩa biểu hiện, Cézanne theo hướng trường phái lập thể, Gauguin và Seurat hướng tới trường phái dã thú và phong cách phân điểm.
Đặc điểm của trường phái ấn tượng
Những bức tranh thuộc trường phái ấn tượng được vẽ bằng những nét cọ có thể nhìn thấy được, sự pha trộn không hạn chế giữa các màu với nhau và nhấn mạnh đến sự thay đổi và chất lượng của độ sáng trong tranh.
Bên hồ nước – Pierre Auguste Renoir
Boulevard Montmartre vào ban đêm – Camile Pissarro
Ý tưởng đáng chú ý trong trường phái này là: bức tranh được vẽ rất nhanh với mục đích là ghi lại một cách chính xác tổng quan của khung cảnh. Tiếp theo sau là thể hiện một cái nhìn mới, nhanh và không định kiến, khác với trường phái hiện thực, tự nhiên.
Vũ công và bó hoa – Edgar Degas – 1878
Hai chị em bên ban công – Pierre Auguste Renoir
Kỹ thuật vẽ tranh ấn tượng
Các họa sĩ ấn tượng thích thú bởi sự phát triển đương đại trong lý thuyết màu sắc – đã giúp cho các nghiên cứu của họ trong việc hướng đến một phân tích chính xác hơn những ảnh hưởng của màu sắc và ánh sáng trong tự nhiên. Họ từ bỏ ý tưởng thông thường – bóng của một đối tượng được vẽ từ màu sắc của đối tượng đó kết hợp thêm với một số màu nâu hoặc đen. Thay vào đó, họ làm giàu bảng màu với ý tưởng rằng bóng của một đối tượng được chia thành những nét màu bổ sung. Ví dụ, trong một bức tranh ấn tượng, bóng của một quả cam có thể có một số nét màu xanh được vẽ vào để làm tăng sức sống.
Các họa sĩ tìm kiếm cách nắm bắt bầu không khí của một thời gian cụ thể trong ngày hay là tác động của những điều kiện thời tiết khác nhau đến phong cảnh. Để nắm bắt được những ảnh hưởng thoáng qua này, các họa sĩ phải vẽ một cách nhanh chóng.
Đường vào Versailes ở Louveciennes – Camile Pissarro – 1869
Bên bờ biển Langland – Alfred Sisley – 1887
Kỹ thuật ấn tượng này khiến họ mâu thuẫn với những người bảo thủ ở Viện cơ sở nghệ thuật Pháp – những người coi trọng màu sắc mờ ảo và chi tiết chính xác. Học viện đã không đánh giá cao sự tươi mát của những màu sắc trường phái ấn tượng và năng lượng của phong cách riêng được thể hiện một cách tự nhiên. Tuy nhiên, công chúng dần yêu thích sức sống của những kỹ thuật ấn tượng và trường phái ấn tượng đã phát triển thành phong trào phổ biến nhất trong lịch sử nghệ thuật.
Ảnh hưởng từ nhiếp ảnh
Thời điểm này, nhiếp ảnh đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển. Vì thường có sự khác biệt giữa những gì nhiếp ảnh gia nhìn thấy trong ống ngắm máy ảnh và những gì thực sự xuất hiện trên âm bản, các nhiếp ảnh gia sẽ cắt xén hình ảnh để cải thiện bố cục. Điều này dẫn đến một số cách sắp xếp không bình thường, nhấn mạnh hình dáng ở rìa của bức ảnh. Một số nhà ấn tượng, như Degas trong tác phẩm Four Dancers (Bốn vũ công) đã chấp nhận các tác động không đối xứng của việc cắt xén và biến nó thành một đặc điểm nổi bật trong tác phẩm.
Bốn vũ công – Edgar Degas – 1900
Theo truyền thống, các họa sĩ thực hiện tác phẩm với đường nét, hình dáng, sắc thái, màu sắc được sắp xếp theo cách dẫn dắt người xem hướng đến tâm điểm của bức tranh. Đây là khu vực quan trọng nhất của bức tranh và thường nằm ở vị trí trung tâm. Một tác phẩm sẽ bị xem là tồi tệ nếu nền hoặc cạnh của bức tranh làm giảm giá trị của tiêu điểm. Đúng như hình thức, những nhà ấn tượng đã phá vỡ quy tắc này.
Đua thuyền ở Molesey – Alfred Sisley – 1874
Đồi Jalais – Camile Pissarro
Người phụ nữ và chiếc ô – Claude Monet
Germain Hilaire – Edgar Degas
Điểm chung dễ nhận thấy trong tranh các họa sĩ ấn tượng là ánh sáng dàn trải khắp không gian chứ không tập trung vào trọng tâm của bức tranh.
Ảnh hưởng từ tranh khắc gỗ Nhật Bản
Các mẫu thiết kế táo bạo của tranh khắc gỗ Nhật Bản phổ biến ở Pháp thời điểm đó cũng là một ảnh hưởng đến các họa sĩ ấn tượng. Cách sắp xếp không đối xứng, tương phản giữa những vùng màu phẳng và các mảng hoa văn phức tạp – một cấu trúc bố cục mà các họa sĩ ấn tượng có thể sử dụng để phát triển những ý tưởng của mình về màu sắc. Có thể thấy điều này rất rõ qua tranh của Van Gogh – danh họa nổi tiếng của hội họa hậu ấn tượng.
Chân dung Pere Tanguy – Vicent Van Gogh – 1887
Hoa hạnh nhân – Vincent Van Gogh – 1890
Các họa sĩ trường phái ấn tượng là nhóm họa sĩ đầu tiên nắm lấy không khí tranh ngoài trời. Điều này một phần là do sự ra đời của sơn ống – lần đầu tiên cho phép các họa sĩ tìm thấy tất cả các thiết bị quanh phòng vẽ của mình chỉ trong một chiếc hộp. Họ thấy cũng cần phải vẽ ngoài trời vì họ quan tâm đến tác động của ánh sáng đối với màu sắc trong tự nhiên. Do đó cảnh quan, cả trong thị trấn và vùng nông thôn đã trở thành đối tượng tự nhiên và có ảnh hưởng nhất đối với họa sĩ ấn tượng.
Bữa trưa trên bãi cỏ – Claude Monet
Hai phụ nữ nói chuyện bên bờ biển – Camile Pissarro
Bữa ăn trưa trên thuyền – Pierre Auguste Renoir
Trường phái ấn tượng và tranh tĩnh vật
Tranh tĩnh vật không mấy phổ biến với các họa sĩ ấn tượng, chủ yếu vì nó không phải là một đối tượng “plein air” (ngoài trời) phù hợp để nắm bắt chất lượng ánh sáng và màu sắc. Tuy nhiên có một vài ví dụ nổi bật như tác phẩm Fruit of the Midi của Renoir – trái cây và rau quả được chọn lựa cẩn thận để tạo ra một loạt các màu sắc rực rỡ trải dài trên quang phổ ấn tượng.
Fruit of the Midi – Pierre Auguste Renoir
Dưới đây là những tác phẩm nổi tiếng của bốn hoa sĩ hậu ấn tượng mà chúng ta không thể không nhắc tới: Vincent Van Gogh, Paul Cézanne, Paul Gauguin và Georges Seurat.
Bức tranh Hoa diên vĩ – Van Gogh – 1889
Lọ hoa hướng dương – Van gogh – 1888
Đêm đầy sao – Van Gogh – 1888
Đêm đầy sao – Van Gogh – 1889
Chân dung bác sĩ Gachet – Van Gogh – 1890
Hạt giống của Areois – Paul Gauguin
Phụ nữ Tahitian trên bờ biển – Paul Gauguin
Chúng ta từ đâu đến – Chúng ta là ai – Chúng ta đi về đâu, 1897 – Paul Gauguin
Tĩnh vật với bức màn – Paul Cézanne
Tắm tiên – Paul Cezanne
Mont Sainte Victoire – Paul Cezanne
Một buổi chiều chủ nhật trên đảo La Grande Jatte – Georges Seurat
Tháp Eiffel – Georges Seurat