Khi mạng xã hội tạo ra một làn sóng tương thân tương ái chưa từng có
by Phanxicovn
Bức hình của một cặp vợ chồng vô gia cư đăng trên các trang mạng xã hội đã giúp cho họ thoát khỏi cuộc sống hè phố.
fr.aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2017-11-06
Đây là một “ứng dụng tích cực, chứ không phải là một ứng dụng ảo” của các trang mạng xã hội, một việc làm thường được Đức Phanxicô và trước ngài là Đức Bênêđictô XVI ca ngợi.
Đức Phanxicô và Đức Bênêđictô XVI đã nhanh chóng thấy đây là một “dịp rất tốt để củng cố mối dây quan hệ giữa con người và nuôi dưỡng tình tương trợ”.
Ngày 28 tháng 10 vừa qua, khi nữ ký giả Chloé Safra đăng bức hình của một cặp vợ chồng vô gia cư lên Twitter để xin cư dân mạng giúp đỡ, bà không ngờ mình đã tạo nên phong trào “hành vi nhỏ” lớn mạnh như thế. Trong hai ngày, lời kêu gọi của bà đã được chia sẻ hơn 22000 lần, được like hơn 7000 lần. Nhưng nhất là có rất nhiều người cụ thể giúp đỡ họ từ chăn mền, đến các công việc làm nhỏ và cả một căn hộ tươm tất, báo Huffpost tường trình.
Nữ ký giả Safra giải thích: “Tôi không biết ai đã chụp hình”. Người chị dâu của nữ ký giả thấy bức hình này trên nhóm Facebook Wanted Community Paris, một nhóm tương trợ đầu tiên trên Facebook ở Pháp. Bà đăng lại trên tài khoản Twitter của mình và bà ngạc nhiên thấy: “Tôi quá ngạc nhiên trước phản ứng dây chuyền rầm rộ này”. Cặp vợ chồng vô gia cư này sống ở một túp lều bên bờ sông Seine, vùng Val-de-Marne. Rất nhiều người đến cho họ chăn mền, đề nghị với họ những việc làm nhỏ và ngay cả cho họ một căn hộ tươm tất mà bây giờ họ đang ở. “Đó là toàn bộ tất cả những hành vi nhỏ này đã góp lại giúp họ”, về phần mình, bà cho biết sẵn sàng lập một quỹ chung để gây quỹ giúp họ.. Chloé Safra tin chắc, rất nhiều cư dân mạng đơn giản nhìn hai người này như “cha mẹ hay ông bà” của họ.
Một tình tương thân tương ái được làm mới
Tháng 6 vừa qua, trong một sứ điệp nhân ngày người nghèo thế giới đầu tiên, Đức Phanxicô đã kêu gọi: “Anh chị em đừng yêu bằng lời, nhưng bằng hành động”. Một lời kêu gọi đi vào trọng tâm trong ý nghĩa này và qua đó đã được đáp ứng qua hành động tương trợ, mỗi khi có dịp, ngài thường khuyến khích: “Đi ra khỏi tình trạng dửng dưng, các xác định, các tiện nghi thường có trong các môi trường sống sung túc, được ưu đãi để đưa bàn tay ra cho người nghèo, người yếu đuối, cho những người đàn ông, đàn bà mà phẩm giá thường bị chà đạp”.
Để cổ động cho một tầm nhìn mới về đời sống, về xã hội, nhận biết khó nghèo cũng là một giá trị, một “ơn gọi đi theo Chúa Kitô khó nghèo”, đó là điều Giáo hội của tân niên kỷ này mong muốn. Trong thánh lễ kết thúc năm thánh cho người nghèo và người bị loại trừ được cử hành tại Rôma cuối tháng 11 – 2016, Đức Phanxicô đã nhắc lại điều trên, ngài không che giấu niềm hy vọng của mình, được thấy lương tâm bừng thức trước thảm kịch mà theo ngài, đó là “thảm kịch nghịch lý nhất” của thời buổi này: “Tiến bộ và các khả năng càng gia tăng thì càng có nhiều người không thể tiếp cận đến được với nó” và họ phải ra đường sống.
Nữ ký giả hy vọng, qua câu chuyện cặp vợ chồng vô gia cư này được “các hành vi nhỏ” trên các trang mạng xã hội giúp đỡ, sẽ là tấm gương cho nhiều hành vi khác, vì có “rất nhiều người xứng đáng được hưởng một sự giúp đỡ như vậy”.
Marta An Nguyễn dịch