Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Ơn Hiệp Nhất | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
(Ga.20,19-23)
****

 ƠN HIỆP NHẤT

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

_______________

SUY NIỆM

ƠN HIỆP NHẤT

+ I – QUY TỤ

          Sau khi các môn đệ nhận lãnh Thánh Thần, các ngài không còn sợ hãi, nhưng trở nên can đảm, và bài giảng đầu tiên của các ngài đã đem lại cho tất cả những người đến nghe các ngài một sự gần gũi thân mật, dù họ là những người đang khác biệt màu da, tiếng nói, nhưng họ đã cùng hiểu được một tiếng nói chung. Và như vậy là họ có thể hiểu nhau. Hiểu nhau là quy tụ lại với nhau.

         “Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do Thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai Cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây; nào là người Do Thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả Rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa !”

          Chúa Thánh Thần là mối giây hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi. Không có Thánh Thần không thể có sự hiệp nhất. Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình yêu Thiên Chúa không thể tồn tại nếu không có Thánh Thần. Sự tồn tại Tình Yêu Thiên Chúa chính là sự hiệp nhất của Ba Ngôi.

           Và, Chúa Giê-su muốn con người được hiệp nhất nên một, như Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, bắt đầu từ Hội Thánh của Người, bắt đầu từ các môn đệ. “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (Ga.17,11).

           Nên, khi còn ở trần gian, Người luôn quan tâm đến tình yêu của cộng đoàn môn đệ. Những bài học về tình yêu đặc biệt cho các môn đệ thật rất cảm động và chân tình. “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga.13,14)

           Nhưng, Chúa Giê-su hiểu rõ nỗi lòng của con người, sự yếu đuối cùng với những giới hạn đáng trách và đáng thương của thân phận, mà chỉ với sức lực con người,  không ai có thể vượt qua được ! Do đó, khi Chúa Giê-su về trời, trong vinh quang Thiên Chúa, Người đã ban cho các môn đệ Thánh Thần để các ngài có đủ sức mạnh đè bẹp sự yếu đuối của bản thân mình, chống lại sự khai thác và quyến rũ cách quỷ quyệt của Sa-tan, các ngài đem đến cho mọi người tình yêu nguyên tuyền của Thiên Chúa, tình yêu hiệp nhất trong Thánh Thần.

           Chính vì thế, trong bài giảng đầu tiên, các ngài được ơn nói tiếng lạ. Các ngài mang ơn Hiệp Nhất của Thánh Thần đến với mọi người. Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi,  bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp.  Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho”.

            Đó là khởi đầu cho sứ mạng truyền giáo, sứ mạng ấy không gì khác hơn, là đem tất cả mọi người về với Thiên Chúa, Hiệp Nhất mọi người trong Chúa Ki-tô, chung hưởng vinh quang Thiên Chúa. “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy Tình Thương của Thiên Chúa, và ơn Hiệp Thông của Thánh Thần (2Cr.13,13).

+ II – PHÂN TÁN

          Con người không hiểu nhau, trước tiên vì con người đã không còn ở trong Tình Yêu Thiên Chúa. Không hiểu nhau thì không thể sống với nhau, không thể sống với nhau thì phân tán. Ngay khi con người sa ngã, tức thì mầm móng ly tán đã có trong lòng người. Tội lỗi làm con người ích kỷ và ích kỷ thì không thể đồng hànhchia sẻ nhau được.

          Sau khi phạm tội, A-đam quy trách nhiệm cho E-va, E-va quy trách nhiệm cho con rắn, ta nhận ra sự lẻ loi và cô độc của hai nguyên tổ con người ngay khi đang còn ở bên nhau. Một người quy trách nhiệm cho người khác, còn một người không tìm được sự che chở. Nói một cách khác: “mạnh ai nấy sống”, “chìm xuồng mạnh ai nấy lội !”. “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn… Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn”  (St. 3,12-14)

          Tiếp theo là trang sử đẩm máu của Ca-in giết em ruột mình là A-bê-lê ! Tội lỗi làm tâm hồn con người ra đen tối, nên Ca-in không thể hiểu được vì sao Chúa thương nhận của lễ của A-bê-lê mà khướt từ của lễ của mình. Ca-in không hiểu được chính mình thì không thể hiểu được A-bê-lê. Khi ta không hiểu được chính mình thì khó lòng ta hiểu được người khác! “Đức Chúa phán với Ca-in: “Tại sao ngươi giận dữ? Tại sao ngươi lại sa sầm nét mặt? Nếu ngươi hành động tốt, có phải là ngươi sẽ ngẩng mặt lên không? nếu ngươi hành động tốt, thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó” (St.4,6-7).

          Rồi tội lỗi đẻ sinh thói kiêu căng và tham vọng, con người tiến đến đỉnh điểm của chia rẽ, vì lúc ấy, mỗi người là một thế giới riêng lẻ, không còn ai hiểu ai. Tháp Ba-ben mở đầu cho sự phân tán của nhân loại ! “Nào ! Ta hãy xây dựng cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. ta hãy làm cho danh ta lẫy lừng, để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất” (St.11.4).

+ III – TÌNH YÊU VÀ HIỆP NHẤT

          Thiên Chúa là Tình Yêu. Deus Caritas est. Giới luật của Chúa Giê-su là “Giới Luật Yêu Thương”. Tình yêu luôn luôn đòi hỏi hiệp nhất. Điều đó cộng đoàn Ki-tô hữu ngày nay còn đang rất thiếu.

          Giáo Hội là chứng nhân Chúa Ki-tô. Là chứng nhân cho Tình Yêu Thiên Chúa, sự hiệp nhất của Giáo Hội là sự sống còn của sức mạnh truyền giáo. Giáo Hội còn đang gặp rất nhiều thử thách vì những cuộc phân ly. Chúng ta xác tín rằng Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi chúng ta trong việc kiếm tìm sự hiệp nhất, vì Thần Khí của Người hoạt động không mệt mỏi để nâng đỡ các cố gắng của chúng ta hướng tới việc thắng vượt mọi chia rẽ và khâu lại mọi vết rách trong cơ phận sống động của Giáo Hội”
(ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI, buổi tiếp kiến Đức Thượng Phụ Ka-re-kin II, giáo chủ giáo hội Ar-me-ni 7.5.2008)

          Nhờ những tiến bộ khoa học, thế giới ngày nay rất gần nhau, nhưng việc hiểu nhau còn rất xa ! Nhân loại vẫn còn phân tán, thứ phân tán ở trong tâm hồn, trong lòng người.

           Thứ phân tán vì không có một điểm chung là Tình Yêu Thiên Chúa. Bóng đen của nghi kỵ, tranh chấp, hận thù, vẫn còn phủ kín nhiều nơi. Máu xương vẫn đổ. Tội ác và những điều phi nghĩa vẫn hoàn hành khắp nơi.

          Nhân loại vẫn đang khát khao về một thế giới chan hòa tình yêu. Niềm khát khao ấy vẫn còn  ở trong mơ, với tiếng nguyện cầu vẫn còn đang vang vọng trên nhiều miền đất còn đang ngập đầy những đau thương nức nở ! Làm sao có một thế giới an lành nếu thế giới vẫn thiếu tình thương ? Chỉ có Thánh Thần, nguồn Tình Yêu, mới có thể ban cho nhân loại nguồn sống yêu thương chan hòa từ Thiên Chúa. Thánh Thần là tình bác ái yêu thương, là mối dây sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi, kết hiệp các người tản mác với sức mạnh của mình trong tình bác ái của Thiên Chúa, và như thế tạo ra cộng đoàn Giáo Hội to lớn và đa dạng trên toàn thế giới này” (ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI, buổi tiếp kiến Đức Thượng Phụ Ka-re-kin II, giáo chủ giáo hội Ar-me-ni 7.5.2008).

         Tất cả là vì Thiên Chúa yêu thương nhân loại, và Ngài muốn nhân loại đón nhận tình yêu ấy để được cứu rỗi . Sứ mệnh được sai đi là loan báo Tình Thương của Thiên Chúa đến tận cùng thế giới. “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”(Ga.20,21).

         Tuy dù còn đó rất nhiều thử thách trong thế giới phân tán và tăm tối hôm nay, nhưng người Ki-tô vững tin vào sức mạnh Thánh Thần, suối nguồn tình yêu êm ái của Thánh Thần sẽ tuôn đổ tràn đầy mật ngọt và hương thơm của Tin Mừng, làm biến đổi thế giới này thành một thế giới an hòa và hạnh phúc trong Đức Tin, Cậy, Mến vào Thiên Chúa Tình Thương. “hoa trái của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23).

         Chúng ta hãy tin tưởng hướng nhìn lên Đức MariaĐền thánh của Thánh Thần – và qua Mẹ, chúng ta cầu xin: “Lạy Thánh Thần xin hãy đến tràn đầy con tim của tín hữu và đốt lên ngọn lửa tình yêu của Chúa” (ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI).   

          Amen.

                                                                              Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

 

Bài liên quan

Back to top button