Chưa được phân loại

Đức Thánh Cha thúc đẩy việc xúc tiến sự phát triển bền vững

Đức Thánh Cha thúc đẩy việc xúc tiến sự phát triển bền vững
© Vatican Media

Hội nghị Quốc tế 2019 của Quỹ Giáo hoàng Centesimus Annus Pro Pontifice

09 tháng Sáu, 2019 16:51
JIM FAIR

Ngày 8 tháng Sáu năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxico thúc giục việc xúc tiến hơn nữa về những mục tiêu phát triển bền vững trong một diễn từ tại Hội nghị Quốc tế 2019 của Quỹ Giáo hoàng Centesimus Annus Pro Pontifice.

“Hội nghị năm nay của các bạn đã chọn phản ánh về Tông huấn Laudato Si’ (Chúc tụng Chúa) và lời kêu gọi một sự hoán cải tâm trí và tâm hồn để sự phát triển một sinh thái học toàn diện có thể trở thành sự ưu tiên cao hơn bao giờ hết trên phạm vi quốc tế, quốc gia và cá nhân,” Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh. “Trong bốn năm kể từ khi công bố Tông huấn, đã có những dấu hiệu rõ ràng của ý thức ngày càng nhiều về tính cần thiết của việc chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta.

“Tuy nhiên, cùng với nó thì một số những thách thức và vấn đề vẫn còn tồn tại. Việc xúc tiến để đạt được Những Mục tiêu Phát triển Bền vững trong một số trường hợp vẫn còn chậm và thậm chí không hề tồn tại. Cách sử dụng không đúng những nguồn tài nguyên tự nhiên và các mô hình phát triển không bao gồm và không bền vững tiếp tục tạo ra những kết quả xấu đối với sự đói nghèo, sự phát triển xã hội và bình đẳng xã hội (x. Tông huấn Laudato Si’, 43, 48); và ích chung đang rơi vào vòng nguy hiểm bởi những thái độ của chủ nghĩa cá nhân, hưởng thụ, và lãng phí mất kiểm soát.”

***

Toàn văn phát biểu của Đức Thánh Cha

Các bạn thân mến,

Tôi vui mừng được gửi lời chào nồng ấm đến tất cả các bạn tham dự Hội nghị Quốc tế của Quỹ Giáo hoàng Centesimus Annus Pro Pontifice. Tôi xin cảm ơn những người tổ chức và những người đã tham gia trong các buổi thảo luận mà các bạn tổ chức để thúc đẩy một sinh thái học toàn diện.

Hội nghị năm nay của các bạn đã chọn phản ánh về Tông huấn Laudato Si’ (Chúc tụng Chúa) và lời kêu gọi một sự hoán cải tâm trí và tâm hồn để sự phát triển một sinh thái học toàn diện có thể trở thành sự ưu tiên cao hơn bao giờ hết trên phạm vi quốc tế, quốc gia và cá nhân,” Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh. “Trong bốn năm kể từ khi công bố Tông huấn, đã có những dấu hiệu rõ ràng của ý thức ngày càng nhiều về sự cần thiết của việc chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta. Tôi đang nghĩ đến việc thông qua Những Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp quốc bởi nhiều quốc gia; một sự đầu tư ngày càng nhiều vào những nguồn năng lượng tái sinh và bền vững; những phương pháp mới về tính hiệu quả của năng lượng; và một sự nhạy cảm nhiều hơn đối với những vấn đề môi sinh, đặc biệt nơi người trẻ.

Tuy nhiên, cùng với nó thì một số những thách thức và vấn đề vẫn còn tồn tại. Việc xúc tiến để đạt được Những Mục tiêu Phát triển Bền vững trong một số trường hợp vẫn còn chậm và thậm chí không hề tồn tại. Cách sử dụng không đúng những nguồn tài nguyên tự nhiên và các mô hình phát triển không bao gồm và không bền vững tiếp tục tạo ra những kết quả xấu với sự đói nghèo, sự phát triển xã hội và bình đẳng xã hội (x. Tông huấn Laudato Si, 43, 48); và ích chung đang rơi vào vòng nguy hiểm bởi những thái độ của chủ nghĩa cá nhân, hưởng thụ, và lãng phí mất kiểm soát. Tất cả những điều này tạo sự khó khăn để thúc đẩy tình đoàn kết về kinh tế, môi trường và xã hội, và tính bền vững trong một nền kinh tế nhân văn hơn cân nhắc không những việc làm thỏa mãn những khát khao hiện tại nhưng còn là sự thịnh vượng cho các thế hệ tương lai. Đối mặt với sự tàn nhẫn của những thách thức như vậy, nó rất dễ làm nản lòng, đầu hàng trước những bấp bênh và lo lắng. Tuy nhiên, “con người, trong khi có thể có những điều xấu nhất, có khả năng tự mình đứng dậy, lựa chọn lại cái tốt, và làm lại một khởi đầu mới” (nt, 205).

Vì lý do này, chữ “hoán cải” mang một tầm quan trọng đặc biệt trong tình hình hiện tại của chúng ta. Những phản ứng thích đáng cho các vấn đề hiện tại không thể hời hợt. Quả thật, điều vô cùng cần thiết chính là một sự hoán cải, một “bước quay trở lại”, nghĩa là một sự biến đổi tâm hồn và tâm trí. Phấn đấu vượt qua những vấn đề chẳng hạn như nạn đói và an ninh lương thực, sự khốn cùng dai dẳng về xã hội và kinh tế, sự suy giảm hệ sinh thái, và một “văn hóa lãng phí” kêu gọi một tầm nhìn đạo đức đổi mới, một tầm nhìn đặt con người vào trung tâm, mong muốn không để ai ngồi bên lề cuộc sống. Một tầm nhìn hiệp nhất hơn là chia rẽ, bao gồm hơn là loại bỏ. Nó là một tầm nhìn được biến đổi bởi sự suy xét đến mục tiêu và mục đích cuối cùng của những công việc, những nỗ lực, sự sống và cuộc lữ hành trên dương thế (x. nt, 160).

Sự phát triển của sinh thái học toàn diện vừa là một tiếng gọi và một trách nhiệm. Nó là một tiếng gọi để tái khám phá giá trị của chúng ta là những người con trai và con gái của Cha trên trời, là những người được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa và chịu trách nhiệm là những người quản lý trái đất (x. St 1:27,28; 2:15); được tái tạo qua cái chết và sự phục sinh cứu chuộc của Chúa Giê-su Ki-tô (x. 2 Cr 5:17); và được thánh hóa bởi đặc sủng của Chúa Thánh Thần (x. 2 Tx 2:13). Giá trị như vậy là món quà của Chúa cho mọi người và thậm chí cho chính tạo vật, được làm mới trở lại bởi ơn sủng trao ban sự sống của cái chết và sự phục sinh của Chúa. Dưới ánh sáng này, tiếng gọi của chúng ta là đoàn kết như những người anh chị em và có trách nhiệm chung đối với ngôi nhà chung của chúng ta trở nên ngày càng cấp bách.

Trách nhiệm đặt phía trước chúng ta là thay đổi “những mô hình phát triển toàn cầu” (nt., 194), mở ra một cuộc đối thoại mới về tương lai của hành tinh chúng ta (x. nt., 14). Ước mong rằng những thảo luận và công cuộc đang diễn ra của các bạn sẽ trổ sinh hoa trái giúp mang đến một sự thay đổi sâu sắc ở tất cả các cấp độ trong các xã hội hiện tại của chúng ta; những cá nhân, các tập đoàn, các học viện, và nền chính trị. Cho dù trách vụ này dễ làm nản chí, tôi động viên các bạn đừng mất hy vọng, vì niềm hy vọng đó dựa trên tình yêu thương xót của Cha chúng ta trên trời. Người, “Đấng kêu gọi chúng ta cam kết quảng đại và dâng lên cho Người tất cả, trao cho chúng ta ánh sáng và sức mạnh cần thiết để tiếp tục trên con đường của mình. Trái tim của thế giới này là Thiên Chúa hằng sống, Đấng quá yêu thương chúng ta, luôn luôn hiện hữu. Người không bỏ rơi chúng ta, Người không bỏ chúng ta một mình, vì Người đã hoàn toàn hiệp nhất chính mình với trái đất, và tình yêu của Người mãi mãi thúc bách chúng ta tìm ra những con đường mới để tiến bước. Ngợi khen Người!” (nt., 245).

Các bạn thân mến, với những tình cảm này, tôi xin dâng các bạn, cùng với gia đình của các bạn, cho sự can thiệp đầy tình yêu thương của Mẹ Maria, Mẹ Giáo hội, và tôi ban Phép Lành Tòa Thánh và chúc niềm vui và sự bình an của Đức Ki-tô Đấng Cứu chuộc Phục sinh của chúng ta.

© Libreria Editrice Vatican

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/6/2019]

 

Bài liên quan

Back to top button