Lời ChúaPanô Chúa Nhật

Panô Chúa Nhật 26 Thường Niên C

NguoiAnGiang | Panô Chúa Nhật

cn-xxvi-tn-cCHÚA NHẬT XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN
Lc 16, 19-31

19 “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. 20 Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, 21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. 22Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.
23 “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Ápraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. 24 Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm! 25 Ông Ápraham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. 26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.
27 “Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, 28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này! 29 Ông Ápraham đáp: “Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó. 30Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối. 31 Ông Ápraham đáp: “Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.”


Chúa nhật XXVI thường niên năm C

cn26tn-cTHIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG THƯỞNG PHẠT CÔNG BẰNG

Lm. Phêrô Lê Văn Chính

Câu chuyện của bài dụ ngôn Tin Mừng lại tiếp tục chủ đề sử dụng của cải tài sản trong cuộc đời hiện tại. Có một sự thay đổi triệt để và chung cuộc ở cuộc đời sau cái chết. Người phú hộ giàu có sung sướng rồi sẽ phải đau khổ trầm luân sau cái chết, trái lại người nghèo khổ Lazarô rồi sẽ được hưởng hạnh phúc viên mãn mai này.

Truyền thống Kitô giáo, tiếp nối truyền thống Do Thái giáo, đã có những hiểu biết rất mạch lạc và lý luận chặt chẽ về chủ đề sử dụng tiền của trong cuộc đời hiện tại. Trong cái nhìn đức tin, các tiên tri luôn có những cái nhìn sắc bén về thời đại mà các ngài đang sống. Trong khi mọi người bằng lòng với những sự giàu có hưởng thụ vật chất, nào là “nằm ngủ trên giường ngà, mê đắm trên trường kỷ, xức dầu thơm hảo hạng…. và chẳng thương hại gì tới nổi băn khoăn của Giuse”, thì  tiên tri Amos đã thoáng  thấy ở chân trời những thảm họa của một cuộc tận diệt do đế quốc Assyria mà sức mạnh và sự trừng phạt của nó sẽ rất ghê gớm: “Giờ đây họ phải đi lưu đày, và đi đầu những kẻ lưu đày… Những yến tiệc của kẻ buông tuồng sẽ không còn nữa”. Nhưng giải thích cho cùng thì chính Thiên Chúa mới là Đấng chủ tể tối cao và người để cho  đế quốc Assyria trừng phạt Dân của người. Vào thời tiên tri Amos, vương quốc phía Bắc được hưởng một thời kỳ phồn thịnh kinh tế kéo dài. Triều đại của nhà vua Giêrôbôam II kéo dài tới 40 năm, từ năm 783 tới 743, vương quốc mở rộng và càng lúc càng giàu có phồn thịnh với triều đại kéo dài cho thấy sự bình an thịnh vượng của vương quốc, lúc mà nhiều người giàu cảm thấy bình an và bằng lòng với những gì họ đang thụ hưởng. Trong hoàn cảnh như thế, với sứ điệp của tiên tri Amos, lần đầu tiên người ta thấy xuất hiện thành ngữ “ngày của Giavê”, ám chỉ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đối với dân của người vì những bất công xã hội mà những người giàu có trong xã hội chà đạp trên hạng người nghèo khổ. Giavê là Đấng chủ tể hoàn vũ và chủ tể mọi dân tộc sẽ trừng phạt nặng nề đối với Israel vì đời sống xa hoa và những thực hành mất công bằng của họ.

Câu chuyện dụ ngôn của bài Tin mừng là giải thích rất thẳng thắn của Chúa Giêsu đối với các môn đệ và mở rộng cả với những người biệt phái vốn quen với quan niệm thông thường trong xã hội do thái là sự giàu có đầy đủ ở đời này là dấu chỉ sự chúc lành của Thiên Chúa và là dấu chỉ đời sống luân lý ngay thẳng. Chúa Giêsu cho thấy một cái nhìn sắc bén về một sự đảo lộn mọi hoàn cảnh trong dự định cứu độ của Thiên Chúa, và những sự giàu có bề ngoài không làm chứng điều gì như người ta vẫn nghĩ, nó chỉ có tính cách giai đoạn hạn hẹp của đời sống con người mau qua sánh với cuộc đời vĩnh cửu sau này. Lề luật và các tiên tri vốn là những bản lề quan trọng quyết định trong tư duy của người do thái, giờ đây phải được cập nhật bởi một sự đánh giá mới quyết định bởi Chúa Giêsu, vị tiên tri cao cả của Thiên Chúa có thẩm quyền giải thích lề luật và khai mạc triều đại mới mẽ của Nước Thiên Chúa. Lời rao giảng này mời gọi mọi người phải có một cung cách mới mẽ quyết định trong thái độ của mình đối với việc sử dụng của cải vật chất.  Câu chuyện dụ ngôn về người phú hộ  và Lazarô nghèo khổ trình bày hình ảnh của một con người giàu có, được đánh giá cao đối với cái nhìn thông thường của người do thái, ăn mặc lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình, lại trở nên rất lạc hậu so với thời cuộc mới mẽ mà Chúa Giêsu đang thiết lập. Trong khi ông vẫn bình an hưởng thụ mọi tiện nghi vật chất, vẫn an nhàn trong tư duy cố hữu của mình như sự giàu có nhiều của cải là sự chúc lành của Thiên Chúa, thì ngoài kia, mọi sự đang bắt đầu thay đổi nhanh chóng, sứ điệp những người nghèo khổ, bị khinh miệt sẽ là những người được thừa hưởng hạnh phúc Nước Thiên Chúa đang được công bố với vị tiên tri cao cả  là Chúa Giêsu, Đấng đang thực hiện và hoàn tất những gì đã được Lề luật và các tiên tri loan báo.

Người phú hộ này là hình ảnh của một con người lạc hậu so với thời cuộc, sử dụng của cải một cách tưởng là thời thượng nhưng lại rất sai lầm: ngày ngày yến tiệc linh đình, mặc toàn lụa là gấm vóc. Trong khi đó người nghèo Lazarô trong mô tả của câu chuyện dụ ngôn thì không thấy có nhân đức nào ngoài thân phận nghèo khổ bất hạnh bi đát. Câu chuyện như làm vọng lại sứ điệp đã được công bố về Hiến chương Nước Trời với những mối phúc dành cho những người nghèo khổ, đói khát, khóc lóc và những lời đe dọa đối với những người giàu có, no đủ, sung sướng. Một sự thay đổi đảo lộn sẽ diễn ra bởi vì chính Thiên Chúa là Đấng sẽ trả lại sự công bằng ngay thẳng cho những người đã phải chịu những đau khổ thiếu thốn trong cuộc đời hiện tại. Thánh vịnh 145 trong bài đáp ca làm vang vọng sứ điệp cứu độ giải thoát của Thiên Chúa dành cho những người nghèo khổ : “Chúa là Ðấng trả lại quyền lợi cho người bị ức, và ban cho những người đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội.” Sứ điệp của bài dụ ngôn chỉ là khẳng định lại giá trị của nền luân lý tinh tuyền của sách Lề luật và các tiên tri mà không ai có thể cho phép mình bỏ qua hay không biết. Sách đệ nhị luật (15,7-11)  đã viết: “Nếu ở nhà ngươi có người nghèo khó… ngươi không được cứng lòng và không được khép kín bàn tay không giúp đỡ người nghèo khó này. Ta truyền cho ngươi: ngươi phải mở rộng bàn tay cho người anh em nghèo khổ ở trong xứ sở của ngươi”. Câu chuyện mang nhiều nét được hình dung theo văn hóa do thái, như sau khi chết thì người phú hộ phải ở trong hỏa ngục đau khổ bị lửa thiêu đốt và Lazarô thì được hạnh phúc ở trong lòng tổ phụ Abraham.  Điều được khẳng định mạnh mẽ qua câu chuyện là giờ đây số phận đã thay đổi quyết định, và dù người phú hộ có là con cháu Abraham đi nữa, thì quan hệ ruột thịt này cũng không thay đổi gì được tình thế đã được an bài và mỗi người phải chấp nhận định mệnh mà mình đã tự quyết định trong cuộc đời tại thế. Câu chuyện còn nêu lên một khẳng định nhắc nhở khác khi gợi ra lời cầu xin của người phú hộ, xin phép tổ phụ Abraham cho Lazarô trở về nhắc nhở năm người em còn sống vì ông nghĩ rằng nếu có người chết trở về nhắc nhở thì họ sẽ tin. Nhưng lời thỉnh cầu này cũng bị từ chối dứt khoát vì nếu những người này không nghe lời Lề luật và các tiên tri, họ cũng không bao giờ nghe lời người chết trở về nhắc nhở.

Lời khuyên của thánh Phaolô đối với Timôthêu trong bài đọc thứ hai cũng là lời nhắc nhở cho mọi người: Hãy luôn giữ vững đức tin của mình trong mọi giao động của cuộc đời. Có lẽ vào lúc bấy giờ, Phaolô hình dung Chúa Giêsu sẽ trở lại trong một thời gian gần, vì thế điều quan trọng là phải sẵn sàng trong đời sống của người tín hữu, cố gắng thực hành những nhân đức nền tảng của người tín hữu là đức tin, đức ái, đức nhẫn nại và hiền lành; và đời sống đức tin của người tín hữu là một cuộc chiến đấu với chính nghĩa là đức tin để đạt được cuộc sống đời đời. Phaolô nhắc lại gương mẫu sống động là hình ảnh Chúa Giêsu đứng trước toà án Philatô. Người đã vững vàng trong cuộc chiến đấu của đức tin đến hơi thở cuối cùng và trở nên gương mẫu cho mọi người chúng ta, Người sẽ trở lại tràn đầy vinh quang mà chúng ta sẽ dự phần với người.  

Bài liên quan

Back to top button