Lời ChúaPanô Chúa Nhật

Panô Chúa Nhật 32 Thường Niên C | Suy niệm Lm Phêrô Lê Văn Chính

NguoiAnGiang | Panô Chúa Nhật

cn-32-tn-cCHÚA NHẬT XXXII MÙA THƯỜNG NIÊN
Lc 20, 27-38

27 Có mấy người thuộc nhóm Xađốc đến gặp Đức Giêsu. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. 28 Mấy người ấy hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. 29 Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. 30 Người thứ hai, 31 rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. 32 Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. 33 Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?”
34 Đức Giêsu đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, 35 chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. 36 Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. 37 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Môsê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Ápraham, Thiên Chúa của tổ phụ Ixaác, và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. 38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”

Suy niệm


cn32tn-c

MẦU NHIỆM SỰ SỐNG LẠI

Lm. Phêrô Lê Văn Chính

Niềm tin vào sự Phục sinh thân xác là điều mới mẻ và được lần hồi tin tưởng và khẳng định trong lịch sử dân Israel, nhất là vào giai đoạn muộn thời của thế kỷ II vào những năm 165 trước Chúa giáng sinh, trong cuộc chiến của anh em nhà Macabê chống lại những cuộc xâm lăng của nhà vua Hy lạp Antiôkhô Êpiphane. Bận tâm của những người do thái là Đền thờ và Lề luật, họ luôn nhắc nhở mọi người trung thành với Đền thờ và Lề luật là những yếu tố cốt lõi của đời sống tôn giáo của dân tộc của họ. Cuộc chiến đấu của anh em nhà Macabê là một cuộc chiến tranh dành độc lập cho dân tộc chống lại những người Hy lạp đến làm ô uế đền thờ và thay đổi phong tục thiêng liêng của người do thái. Họ quan niệm rằng cuộc chiến của họ vì đức tin và vì lề luật sẽ là hoàn cảnh giúp cho dân Chúa được ý thức nhiều hơn về lòng trung tín của mình đối với Thiên Chúa là Đấng trung tín, luôn có sự sống sung mãn sẽ ban tặng lại sự sống đời đời cho những ai tuyên xưng lòng tin vào Thiên Chúa qua việc trung tín với lề luật và dám hy sinh mạng sống mình. Câu chuyện trích đoạn hôm nay nhắc lại cái chết tử đạo cao cả đẩm máu của người mẹ và bảy con trai của bà. Tất cả họ đều can đảm tuyên xưng niềm tin và lòng trung tín đối với lề luật chống lại quân vô đạo, bắt ép họ bỏ lề luật cha ông bằng cái chết của mình. Họ thà chết chứ không chấp nhận vâng theo lệnh vua mà từ bỏ lề luật. Họ đều tuyên xưng rằng dù có chết, nhưng Thiên Chúa là Đấng hằng sống sẽ ban lại cho họ sự sống đời sau bất diệt cao quí hơn nhiều sự sống đời này.

Vào thời Chúa Giêsu, những người thuộc phái Sađuxê là những người rất bảo thủ. Họ luôn bám vào sách Ngũ thư, vẫn được gọi là sách Luật, để từ chối niềm tin vào sự sống lại đã được hình thành lần hồi qua trào lưu các tiên tri, nhất là vào thời cuộc chiến tranh của nhà Macabê vào khoảng những năm 165 trước Chúa giáng sinh. Những người Sađuxê biết rằng Chúa Giêsu, những người Pharisiêu và phần đông dân chúng tin vào sự phục sinh nên họ đặt ra một tình huống nan giải để chứng minh không thể có sự phục sinh. Có bảy anh em lần lượt cùng cưới một người đàn bà làm vợ, vậy nếu có sự sống lại thì bà sẽ là vợ của ai. Theo luật levirat vốn đã lỗi thời lúc đó, cho phép người em có thể cưới chị dâu khi người anh ruột qua đời mà không có con. Người con đầu lòng mà người chị dâu này sinh ra sẽ mang tên người anh đã quá cố và sẽ được xem như là con của người anh theo luật pháp. Theo quan niệm bình dân lúc bấy giờ, người ta vốn tin rằng những người chết sẽ sống lại vài giai đoạn trước thời kỳ của Đấng cứu thế, diễn ra trước phán xét chung. Những người chết sống lại sẽ sống một cuộc đời tiếp nối cuộc đời trần thế này, và họ sẽ tham dự vào cuộc phán xét chung. Chúa Giêsu giải thích chống lại những lối hiểu chật hẹp này, người điều chỉnh lại quan niệm này. Sự sống lại không phải chỉ là tiếp nối sự sống trần thế. Đây sẽ là sự sống giống như của các thiên thần, người ta sẽ không cưới vợ lấy chồng nữa. Đây sẽ là một sự tạo dựng mới, một sự biến đổi tận căn triệt để, được tham dự vào ánh sáng mới huy hoàng của Thiên Chúa, được tham dự vào vinh quang chói lòa, được gọi là con Thiên Chúa, và sự sống này chỉ dành cho những người công chính là những người được xét xứng đáng tham dự vào vinh quang  đời đời, trong khi đó những người tội lỗi thì không được tham dự vào sự sống này, nhưng họ sẽ phải bị chết tủi nhục muôn đời. Chúa Giêsu nhắc lại câu chuyện hiện ra với Môisen trong bụi gai bốc cháy: Thiên Chúa của Abraham, Isaác, Giacóp. Tương quan mà người ta có được với Thiên Chúa là một tương quan bền vững, không hề bị gián đoạn và Thiên Chúa luôn là Đấng thành tín với giao ước mà người đã thiết lập. Sự chết không làm đổ vỡ giao ước của Thiên Chúa với những người mà Thiên Chúa yêu thương và hằng đặt lòng tin tưởng cậy trông vào người.

Mầu nhiệm phục sinh thân xác là điều mới mẻ mà Chúa Giêsu chỉ mới hé lộ phần nào. Người ta dễ có quan niệm hoặc là phủ nhận như người Sađuxêô, hoặc quan niệm đó sẽ là một sự tiếp nối của đời sống trần gian, với đời sống phái tính, vợ chồng và sinh con đẻ cái. Thật ra, khi khẳng định có sự sống lại, Chúa Giêsu không bảo đảm rằng những gì mà chúng ta đã xây dựng, đã có trên trần gian này sẽ được bảo đảm mãi mãi ở đời sống mai sau. Rồi thì chúng ta sẽ quay trở lại cuộc sống xinh đẹp khoẻ mạnh giống như chúng ta đang sống, gặp gỡ lại những người thân quen đầy đủ không thiếu một ai và sự sống lại chỉ đơn giản là hành động của Thiên Chúa bảo đảm cho mọi sự lại tiếp nối và những gì mà chúng ta đã biết như hiện nay vẫn cứ tiếp tục mãi như thế. Điều Chúa Giêsu hé mở phần nào cho chúng ta, đó là sự sống lại là một thế giới mới, hoàn toàn khác với những gì chúng ta hình dung. Chúng ta không cần phải có con cái để tiếp tục duy trì nòi giống, nhưng chúng ta sẽ cảm nghiệm sự sống chân thật  vĩnh cửu đầy vinh quang của Thiên Chúa, khi đó những tương quan giữa con người không còn chỉ là những tương quan thân xác như chúng ta vốn có trong đời sống con người mà sẽ là những tương quan tinh thần như là tương quan giữa các thiên thần. Nói chung, chúng ta được mời gọi chuẩn bị cho một thế giới mới, hoàn toàn khác với thế giới chúng ta đang sống. Sâu xa hơn nữa, chúng ta được mời gọi đón nhận và trải nghiệm điều này, đó là sự sống mới này bắt đầu từ bây giờ, trong đời sống hiện tại từ khi chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội  là đã bắt đầu đi vào tương quan với Chúa Giêsu, được đón nhận sự sống mới thần linh, và được không ngừng nuôi dưỡng trong đời sống này ngay từ cuộc đời hiện tại như chút men người đàn bà đã trộn vào đấu bột, như hạt cải bé nhỏ không ngừng lớn lên để trở thành một cây lớn mà chim trời đến đậu.

Khẳng định mầu nhiệm Phục sinh dẫn chúng ta đến việc suy nghĩ về việc Chúa Giêsu sẽ trở lại lần thứ hai. Việc Chúa trở lại không phải để làm cho chúng ta lo sợ mà để chuẩn bị chúng ta. Người đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết, sự phán xét này sẽ xác định xem chúng ta có được phúc tham dự sự sống đời đời hay phải chịu tủi nhục muôn đời. Phúc cho chúng ta đó là được nhắc nhở để rồi biết chuẩn bị xứng đáng và những chọn lựa trong đời sống hằng ngày mà chúng ta bắt đầu thực hiện sẽ quyết định cho sự phán xét sau này khi Chúa trở lại.

Lm. Phêrô Lê Văn Chính

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button