Panô Chúa Nhật 4 Mùa Vọng Năm A | Suy niệm Lm Phêrô Lê Văn Chính
Truyền tin cho ông Giu-se (Lc 2:1-7)
18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.
ĐẤNG CỨU THẾ ĐƯỢC BAN TẶNG
Lm. Phêrô Lê Văn Chính
Chúa nhật thứ 4 mùa Vọng dẫn chúng ta tới ngưỡng cửa của ơn cứu độ, mầu nhiệm Thiên Chúa Giáng sinh làm người, Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta đã được hứa trong sách Isaia. Lời hứa ban tặng Đấng cứu độ sẽ được thực hiện như thế nào và khi nào. Qua những lịch sử thăng trầm của dân Chúa, Thiên Chúa bao giờ cũng có sáng kiến đi trước để đến với con người và lôi kéo họ đi vào chương trình cứu độ mà Thiên Chúa sẽ ban tặng cho họ Đấng cứu thế, là Đấng Emmanuel được sinh hạ bởi một trinh nữ. Trong khi nhà vua trẻ Achaz còn rất lưỡng lự, không biết chọn lựa điều gì trước câu hỏi của Chúa thì tiên tri Isaia đã nói nhân danh Thiên Chúa, hứa ban tặng cho loài người Đấng cứu thế: “chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Và bài Tin mừng theo thánh Matthêu tường thuật cho chúng ta câu chuyện truyền tin cho Giuse. Đây là cách đọc sự kiện dưới ánh sáng đức tin và soi chiếu lại những lời hứa năm xưa qua các tiên tri. Khi Tin mừng được viết ra thì Cộng đoàn Giáo hội đã sống và rao giảng mầu nhiệm cứu độ bởi thập giá và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Từ ánh sáng của mầu nhiệm này, các tông đồ bắt đầu nhìn lại ý nghĩa của những gì mà Thiên Chúa đã làm cho dân người: Thiên Chúa đã hoàn tất những lời hứa cứu độ với các tổ phụ qua các tiên tri, nhất là lời hứa đã được báo trước bởi tiên tri Isaia 7,14, một trinh nữ sẽ sinh hạ một con trai và được gọi là Emmanuel. Đấng cứu thế đã được ban tặng, tình yêu của Thiên Chúa đã biểu lộ một cách lạ lùng nhưng rất khiêm tốn, vượt quá tầm nhìn hạn hẹp của con người. Người là Thiên Chúa thành tín, giữ nghĩa ngàn đời đối với dân người. Giuse là người thuộc dòng tộc Đavít, đã đón nhận Đấng cứu thế vào trong nhà của mình và làm cho lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện. Maria là một trinh nữ đã cưu mang con Thiên Chúa bởi tác động của Thánh Thần, Người con này là quà tặng của Thiên Chúa cho con người, là khởi đầu của một cuộc tạo dựng mới đầy tràn sức mạnh của Thánh Thần. Khi đọc lại tường thuật của Tin mừng Matthêu, chúng ta cần thấy điều được nhấn mạnh ở đây, diễn tả đức tin của cộng đoàn Giáo hội nguyên thủy. Thông thường, Thiên Chúa vẫn can thiệp cách lạ lùng nơi những cặp vợ chồng lớn tuổi và đạo đức nhưng mang tiếng là son sẻ, không có con trong dân Chúa để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Nhờ sự can thiệp đặc biệt này của Thiên Chúa, những cặp vợ chồng này đã sinh con cách lạ lùng nhưng theo tiến trình thụ thai bình thường tự nhiên của những cặp vợ chồng. Lần này thì khác, Thiên Chúa can thiệp một cách phi thường trên Đức Maria, hạ sinh con bởi tác động của Thánh Thần. Giuse và Maria đã đính hôn với nhau nhưng chưa về chung sống thì bà Maria đã mang thai. Matthêu muốn nhấn mạnh ở đây, thánh Giuse khi biết Maria mang thai, đã suy nghĩ đắn đo rất nhiều và sau cùng ông đã muốn lìa bỏ bà cách kín đáo, vì ông không muốn tố cáo bà. Bởi vì theo luật do thái, người vợ mang thai trước khi về chung sống với chồng là vi phạm lề luật và có thể bị tố cáo và ném đá. Nhưng Giuse là một người công chính, ông muốn bảo vệ Maria và hài nhi trong lòng mẹ nên đã có ý định âm thầm lìa bỏ bà. Chính lúc đó sứ thần hiện ra trong mộng và báo cho ông biết Maria mang thai bởi tác động của Chúa Thánh Thần, và hài nhi là người sẽ cứu dân mình và ông sẽ là người đặt tên cho con là Giêsu. Khi đã được thiên thần báo mộng, ông đã mau mắn đón nhận Maria về nhà mình và vì thế, đón nhận Chúa Giêsu vào gia đình của mình và làm cho Lời Chúa hứa được hoàn tất, Đấng cứu thế thuộc dòng tộc Đavít. Giuse là hình ảnh của những người công chính mà Thiên Chúa mong muốn, gương mẫu của những người do thái cũng như những người trở lại từ ngoại giáo, được mời gọi đón nhận Đấng cứu thế, Người là hồng ân cứu độ của Thiên Chúa ban tặng, là công trình Thiên Chúa thực hiện cho con người, hoàn tất những lời hứa cứu độ của Thiên Chúa qua các tiên tri và là khởi đầu của một nhân loại mới, đầy tràn sức mạnh của Thánh Thần.
Đấng cứu thế đã được đón nhận vào dòng tộc Đavít, đó là nhờ sự khôn ngoan và công chính của Giuse. Matthêu muốn nhấn mạnh cho những người do thái Lời hứa của Thiên Chúa đã thực hiện. Cũng vì thế, tác giả đã nhấn mạnh gia phả của Đấng cứu thế khởi đi từ Abraham, tới Đavít, và sau cùng Giuse là người thuộc dòng tộc Đavít, đón nhận Maria về nhà mình để Đức Giêsu trở nên con của Giuse theo pháp lý và thuộc dòng tộc Đavít. Ngay từ khởi đầu của Kitô giáo, tông đồ Phaolô đã mạnh mẽ tuyên xưng rằng Đấng cứu thế đã chấp nhận sinh ra dưới quyền lề luật, bởi một người đàn bà để cho chúng ta được ơn nghĩa tử, Người được sinh ra thuộc dòng dõi Đavít theo huyết nhục và cũng là người Con Thiên Chúa đầy quyền năng theo Thánh Thần. Với Matthêu, cộng đoàn Kitô giáo đã nhìn nhận rằng Người chính là Đấng cứu thế mà muôn dân mong đợi, được sinh ra bởi một trinh nữ như đã được hứa bởi tiên tri Isaia (7,14), và người cũng chính là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng với con người, và đồng hành với con người trên những chặng đường lịch sử của họ. Đây cũng chính là điều mà Chúa Giêsu đã tự khẳng định lại trong lời từ biệt các môn đệ trước khi về trời: “Này thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Hai yếu tố chân lý luôn gắn liền và sóng đôi với nhau và có thể tóm tắt, Người là Thiên Chúa nhập thể làm người, đầy quyền năng Thiên Chúa và hoàn toàn là một con người trọn vẹn, chia sẻ kiếp người hoàn toàn cho đến tự hạ vâng phục chết trên thập giá.
Tin mừng Matthêu cũng nêu lên gương mẫu của hai con người đã biết đón nhận Đấng cứu thế, một cặp vợ chồng đã biết đón nhận kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, và vì thế được Thiên Chúa mời gọi vào trong chương trình cứu độ. Giuse là một người công chính. Người công chính này không khư khư giữ luật cách cứng ngắt nhưng biết đắn đo suy nghĩ, tìm giải pháp nào không gây thiệt hại cho Maria, và điều chỉnh mình theo thánh ý Thiên Chúa ngay, biết tỉnh thức và sẵn sàng nên đã hội nhập vào chương trình cứu độ và đảm nhận vai trò của mình cách mau mắn và hiệu quả. Phần Maria, người mẹ của Đấng cứu thế, bà đón nhận tác động của Thánh Thần và khiêm tốn cộng tác với tác động này theo phận vụ của mình, vừa là người mẹ của Chúa cứu thế, vừa là người vợ thuộc gia đình của Giuse để cho con trẻ Giêsu thuộc dòng tộc Đavít, để cho lời Chúa hứa được thành tựu. Bà đã trải qua những giờ phút nguy hiểm, cực khổ với lòng tin tưởng phó thác vào hoạt động đầy quyền năng của Thiên Chúa.
Niềm vui của mùa vọng lớn lao tràn đầy. Đó là điều mà thánh Phaolô cảm nghiệm thực sự và người không ngừng nhắc nhở. Thánh Phaolô nhận thức vinh dự được mời gọi làm tông đồ và rao giảng Tin mừng, đó là nhờ vào việc Thiên Chúa thành tín đã thực hiện lời hứa qua các tiên tri. Người Con Thiên Chúa hứa ban tặng giờ đây thực sự được sinh hạ thuộc dòng dõi Đavít theo huyết nhục, Người cũng là người Con Thiên Chúa, đầy tràn Thánh Thần. Nhờ người Con này mà tất cả chúng ta nhận lãnh được muôn vàn ân sủng và được ơn gọi cao cả làm con Thiên Chúa và vì thế cũng được mời gọi cố gắng để sống xứng đáng và cộng tác với ơn Chúa ban như Giuse và Maria. Các ngài đã cộng tác hiệu quả vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa và là hình ảnh gương mẫu của mỗi người trên hành trình đáp trả tình yêu Thiên Chúa.
Lm. Phêrô Lê Văn Chính