Lời ChúaPanô Chúa Nhật

Panô Chúa Nhật 30 Thường Niên C | Suy niệm Phêrô Lê Văn Chính

NguoiAnGiang | Panô Chúa Nhật

cn-xxx-cCHÚA NHẬT XXX MÙA THƯỜNG NIÊN
Lc 18, 9-14

9 Đức Giêsu còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: 10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. 11 Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. 13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. 14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

pharisee-and-tax-collectorPhuc Am


Phuc Am

cn30tn-cCẦU NGUYỆN KHIÊM TỐN CHÂN THẬT

Lm. Phêrô Lê Văn Chính

Bài đọc Chúa nhật tuần này vẫn trở lại với chủ đề cầu nguyện và thái độ cần thiết khi cầu nguyện. Không những Chúa Giêsu nhắc nhở cần kiên trì cầu nguyện, người còn nhắc nhở thái độ cần thiết là phải khiêm nhường và chân thành, tránh thái độ kiêu căng khoe khoang bởi vì Thiên Chúa thấu suốt lòng dạ con người và yêu thương những ai chân thành khiêm tốn. Kiêu căng khoe mình là tật xấu làm cho người ta không nhìn biết rõ thực trạng của mình mà chỉ thấy điều tốt đẹp của mình và coi thường người khác. Thái độ của người Pharisiêu trong câu chuyện Tin mừng hôm nay là một thái độ tiêu biểu của những người kiêu căng mà Chúa Giêsu cảnh giác. Người Pharisiêu này là người đã thực hành những việc đạo đức và khi ra trước mặt Chúa để cầu nguyện, ông cảm thấy tự hào để kể ra  những việc mình đã làm và từ đó phê phán những người thu thuế là người tội lỗi.

Câu chuyện Tin mừng cho thấy cách cụ thể tại sao có những người cầu nguyện không được nhậm lời và có những người cầu nguyện được nhậm lời. Không phải vì Thiên Chúa khó khăn hà khắc yêu sách, không muốn nhậm lời cầu nguyện của người xin, nhưng vì Thiên Chúa là Đấng rất chân thật, nhìn thấy tận thâm sâu trong tâm hồn và muốn nhậm lời cầu xin của người thực sự khiêm nhường. Người Pharisiêu trong câu chuyện có thể rất chủ quan, chúng ta có thể hình dung ông như một người “hassiđim” mà người ta thường gặp đang đứng cầu nguyện quay mặt vào bức tường gọi là “tường than khóc”. Họ thường làm việc vừa đủ để nuôi sống mình và gia đình, còn lại dành thời gian để học hành lề luật. Câu chuyện nói người Pharisiêu đứng cầu nguyện và ca tụng Chúa, ông giữ luật rất cẩn thận và tuân giữ ngay cả những điều cấm của lề luật, ngay cả ông đã thực hành điều mà ít người có thể làm được: ăn chay một tuần hai lần, dâng cúng một phần mười hoa lợi, làm phúc bố thí nhiều. Thế nhưng, có điều này làm cho lời cầu nguyện của ông không được nhậm lời là thái độ tư cao cho mình là người công chính trước mặt Chúa và khinh dễ phê phán người khác. Ông đứng thẳng và thưa với Chúa “con cảm tạ Chúa vì con không như những người khác, gian tham, ngoại tình, bất công”. Trong khi đó, người thu thuế có thể là người giàu có, làm việc cộng tác cho người rôma đang chiếm đóng xứ do thái, gian lận tiền thuế của dân chúng để lấy làm của riêng. Thường người thu thuế bỏ nhiều tiền để mua chức vụ, và sau đó ông lấy lại bằng cách áp thuế cao cho người khác. Ông bị mọi người khinh ghét vì thói tham lam của mình. Thế nhưng, ông lại có điều gì đó khiến Thiên Chúa nhậm lời cầu nguyện của ông: ông đứng đằng xa, không dám ngước nhìn lên Chúa, đấm ngực sám hối và van xin thành thật xin Chúa thương xót. Sự khác biệt giữa hai thái độ cầu nguyện của hai con người tiêu biểu này là thế. Một người Pharisiêu đạo đức, làm nhiều việc đạo đức và việc lành lại không được nhậm lời vì ông đã quá tự cao, tự cho mình là công chính và khinh dễ người khác; trong khi đó người thu thuế tội lỗi lại được nhậm lời vì tấm lòng sám hối chân thành của ông.

Người biệt phái ra về không được nhậm lời vì cách cầu nguyện của ông không phù hợp. Thực ra ông không cầu nguyện mà đây là dịp để ông khoe khoang, kể công trước mặt Chúa và phê phán người khác, như thể là ông không hề phạm tội gì cả. Ông tự cho mình là người công chính và tin tưởng mình đã sống cuộc đời hoàn hảo không có gì đáng chê trách được. Trong khi đó người thu thuế tội lỗi lại biết chân thành nhìn nhận những tội lỗi của mình, nhận thấy mình đã hành động xấu xa tội lỗi và van xin lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa để giúp ông biết sám hối và thay đổi đời sống. Ông không hề dám khoe mình và phê phán ai, chỉ biết chân thành nhìn nhận tội lỗi và đặt lòng tin tưởng vào ơn Chúa tha thứ và đổi mới.

Câu chuyện cũng soi sáng về cung cách sống và cách suy nghĩ. Chúng ta dễ có quan niệm của những người Pharisiêu, nghĩ rằng công chính là chu toàn đầy đủ lề luật, đọc kinh cầu nguyện đầy đủ, chu toàn mọi việc bổn phận đạo đức. Nhưng theo quan niệm Thánh Kinh, công chính là người biết sống theo thánh ý Thiên Chúa, biết cư xử theo Lời Chúa soi sáng hướng dẫn và trong đời sống cầu nguyện, người công chính luôn biết cầu nguyện để điều chỉnh cuộc đời và cách sống của mình theo thánh ý Thiên Chúa. Điều trọng tâm trong câu chuyện này là tấm lòng khiêm nhường chân thật, nhìn thấy những thiếu sót của mình và xin Chúa ban ơn để sửa đổi đời sống cho phù hợp theo thánh ý Thiên Chúa. Người thu thuế không tự lừa dối mình để rồi chìm ngập trong tội lỗi gian tham, thu vén của cải nhưng ông đã biết sáng suốt tự xét mình cách chân thật. Có thể hoàn cảnh bị những người khác xa tránh và khinh ghét làm cho ông nhận thấy được bộ mặt xấu xa của mình rồi cố gắng sửa đổi. Còn người Pharisiêu được mọi người kính trọng do bởi những việc đạo đức của mình làm ông hài lòng với đời sống đạo đức và do đó không còn cần đến lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa. Người thu thuế nhận thấy rằng mình đã tham lam thu vén, nghĩ nhiều quá cho bản thân và gia đình mình đến độ gây thiệt hại cho người khác, nên ông thành thật sám hối để rồi cố gắng sửa đổi: cầu nguyện cũng là biết nhìn nhận những tội lỗi của mình, chưa cố gắng để hy sinh bản thân mà nghĩ đến tha nhân.

Trong truyền thống khôn ngoan của người do thái qua sách Huấn ca, dân Chúa đã được huấn luyện cho biết kiên nhẫn cầu nguyện với thái độ đúng đắn. Thiên Chúa của họ là Thiên Chúa sẵn lòng nghe lời cầu nguyện của những người nghèo, những người bị áp bức bất công trong xã hội. Những người bị áp bức bất công không biết cậy dựa vào ai, nhưng chính Thiên Chúa là Đấng nghe lời cầu nguyện của họ, và trong những hoàn cảnh đau khổ, họ hãy tin tưởng và trình bày với Chúa, Chúa sẽ lắng nghe lời họ và sẽ mau mắn đến cứu giúp họ. Trong bức thư gửi Timôthêu, thánh Phaolô đã gửi gấm những lời tâm sự và xác tín cuối cuộc đời rao giảng của mình. Người luôn xác tín vào Thiên Chúa là Đấng sẽ ban thưởng cho người vì người đã trung tín phục vụ cho công việc rao giảng Tin mừng suốt cuộc đời của mình, bất chấp mọi gian lao khốn khó. Người xác tín rằng  qua cuộc đời phục vụ việc rao giảng Tin mừng, dù cho có bị người đời bỏ rơi hay bách hại, thì Thiên Chúa luôn là Đấng bênh vực người và nhất là ban tặng cho người triều thiên chíến thắng vinh quang. Phaolô là hình ảnh của người cầu nguyện chân thực, đã đạt được hiệu quả của lời cầu nguyện nhờ luôn sống chân thành với Thiên Chúa dù cho mọi hoàn cảnh khó khăn và bị mọi người bỏ rơi. Thiên Chúa là Đấng nhận lời cầu nguyện của những người chân thành tin tưởng.

Lm. Phêrô Lê văn Chính

Bài liên quan

Back to top button