Panô Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ | Suy niệm Lm Phêrô Lê Văn Chính
CHÚA KITÔ VUA
Lc 23, 35-43
Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!” Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!” Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do Thái.”
Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”
Suy niệm
Chúa Nhật XXXIV TN C – Lễ Chúa Kitô Vua
VUA TÌNH YÊU HY SINH MẠNG SỐNG CỦA MÌNH
Lm. Phêrô Lê văn Chính
Lễ Chúa Giêsu Vua được đặt vào cuối năm phụng vụ mang nặng ý nghĩa thần học. Người là điểm đến của thời gian và cùng đích của mọi người, cùng đích của lịch sử nhân loại. Rồi thì mọi người sẽ phải đón nhận vương quyền của Chúa Giêsu Vua vì mọi cuộc đời đều phải chịu phán xét và dựa vào tiêu chuẩn có chọn lựa Chúa Giêsu trong cuộc đời của mình không. Những bài đọc của Chúa nhật tuần này giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của vương quyền của Người trong cuộc đời chúng ta. Bài đọc I trích từ sách 2 Samuel 5, 1-5 tường thuật việc các chi tộc Israel phía Bắc hợp nhất với vương triều của Đavít. Họ không thể đứng chơ vơ một mình giữa những liên minh thù địch khác mạnh hơn, nhất là sự đe dọa của quân Philitinh. Vào khoảng những năm 1010, sau khi Saolê mất và vương quốc sụp đổ, nền thống nhất quốc gia bị lâm nguy. Lúc đó, vương triều Đavít được thiết lập ở Hêbron do bởi chi tộc Giuđa trong khi đó các chi tộc phương Bắc lại chọn Ishbaal là hậu duệ của Saolê. Nhưng sau đó Ishbaal bị ám sát, và các chi tộc phương Bắc hiểu rằng liên minh với nhà Đavít sẽ đem lại cho họ một tương lai ổn định và thống nhất và những dân tộc khác không thể coi thường và quấy phá họ được bởi vì nhà vua trẻ Đavít là một minh quân và được Thiên Chúa ủng hộ. Thánh kinh nhìn nhận Đavít được Thiên Chúa ưu ái bởi vì ông là người biết kính thờ và trung tín với Thiên Chúa cũng như biết nhìn nhận mình là tội nhân trước mặt người và đã biết chọn lựa Thiên Chúa hơn là những điều khác.
Tường thuật Tin mừng được chọn cho ngày lễ là lúc Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá, giữa bao lời sỉ nhục của dân chúng, và giữa hai tên trộm cướp. Việc chọn lựa bài Tin mừng này mang nhiều ý nghĩa thần học quan trọng quyết định về vương quyền của Chúa Giêsu. Thập giá là nơi diễn ra cuộc giao tranh quyết định của Vương quyền Chúa Giêsu, vương quốc Thiên Chúa mà người thiết lập và ma quỉ đang cố gắng để phá hoại mọi kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Do bởi chọn lựa và hành động của Người mà vương quốc này được thiết lập hay thất bại. Tin mừng theo Luca tường thuật là người bị treo giữa hai tên trộm cướp và bị liệt vào số quân gian ác và hạng người không lề luật. Tin mừng muốn nhấn mạnh, dù bên ngoài trước mắt người đời là như thế, nhưng người chính là người tôi tớ đau khổ mà sách Isaia (Is 53,7) cũng như Thánh vịnh (22,19) đã nói tới. Người tôi tớ đau khổ này thực hiện đường lối cứu thế của Thiên Chúa, như đã được các tiên tri loan báo. Trong những hoàn cảnh đau khổ tột cùng giữa bao sỉ nhục, người vẫn một lòng tin tưởng vào tình yêu của Chúa Cha và xác tín vào chiến thắng của Nước Thiên Chúa. Người hứa cho kẻ trộm cướp có lòng ăn năn được hưởng hạnh phúc trong Nước vinh quang của người. Trong khi đó dân chúng và thủ lãnh người do thái cũng như quân lính, vì không hiểu biết nên diễu cợt, khinh thường lời rao giảng và sứ điệp cứu độ của người, cho rằng đó là những lời nói vô nghĩa và nhất là việc người bị kết án và treo thập giá như một tên gian phi là bằng chứng hùng hồn. Những lý luận của họ ngạo mạn đồng thời cũng là những lý luận thiếu hiểu biết, thách thức vương quyền của Đức Giêsu, lặp lại những cám dỗ của ma quỉ lúc khởi đầu công trình rao giảng: “Nếu ông là Đức Kitô, thì ông hãy tự cứu mình và cứu chúng tôi; nếu ông là vua dân do thái, ông hãy tự cứu mình đi”. Nhưng trước tất cả những lời thách thức ngạo mạn, Chúa Giêsu vẫn giữ thinh lặng, người cầu nguyện với Chúa Cha và lắng nghe lời cầu chân thành của người trộm có lòng ăn năn.
Cách thức Chúa Giêsu thiết lập vương quyền của người không giống những cách thức vua chúa trần gian mà người ta tưởng tượng. Vương quyền của người là vương quyền của tình yêu tha thứ và hy sinh cho đến chết trên thập giá. Người không dùng sức mạnh của mình để chế ngự người khác, để biểu dương quyền lực trên mọi người hay dùng quyền lực để tự cứu lấy chính mình. Nhưng vương quyền của người biểu lộ trong sự yếu đuối thấp hèn trước mắt người đời, khi mà ai cũng nghĩ rằng người là kẻ tội lỗi đáng phải chết, khi mọi người cho rằng người là kẻ ngông cuồng ảo tưởng và lừa gạt. Thế nhưng vương quyền của Người là vương quyền của tình yêu tha thứ, làm cho mọi người phải sững sờ kinh ngạc. Không ai trong những người chứng kiến cái chết của người trên thập giá đã hiểu, duy có người trộm lành có lòng ăn năn đã hiểu điều này, vì ảnh cảm nghiệm thân phận tội lỗi của mình. Anh chân thành nhìn nhận anh đáng phải chết vì tội lỗi của mình, nhưng Đức Giêsu không có tội gì cả, Người là người công chính, người vô tội bị kết án bất công. Người trộm lành là hình ảnh của thế hệ những người tín hữu bước theo Chúa Giêsu, trước hết là các tông đồ, các môn đệ và các tín hữu đầu tiên. Họ đã bắt đầu hiểu được ý nghĩa của vương quyền Chúa Giêsu. Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, người vô tội nhưng đã chết cho chúng ta là tội nhân.
Bức thư của thánh Phaolô tồng đồ gửi tín hữu Côlôsê là bài ca tuyên xưng vương quyền của Chúa Giêsu, làm vang vọng lại những thánh thi mà các kitô hữu đã tuyên xưng trong phụng vụ của Giáo hội, diễn tả sự hiểu biết sâu sắc của các tông đồ về mầu nhiệm Chúa Giêsu. Nhờ Vương quyền của Người mà chúng ta được xứng đáng lãnh phần gia nghiệp của các thánh, cứu chúng ta khỏi quyền lực tội lỗi và sự chết. Đây là ơn cứu độ đẫm máu mà Chúa Giêsu đã đánh đổi bằng cái chết của người trên thập giá. Bài thánh thi ca ngợi này đạt đến cao điểm khi tuyên xưng thần tính của Chúa Giêsu: “Người là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi loài thụ tạo, vì trong người mọi vật được tạo thành trên trời và dưới đất”. Thời gian, lịch sử và cuộc đời mỗi người có điểm đến và điểm qui chiếu nơi Chúa Giêsu là Vua vũ trụ. Tuyên xưng vương quyền của người không phải chỉ để chúng ta ca ngợi một vương quyền đầy tràn vinh quang và sức mạnh theo hình ảnh những triều đình vua chúa thời trung cổ, nhưng tuyên xưng vương quyền này để mỗi người hiểu rằng mình được mời gọi tham dự vào vương quyền này bằng cách đón nhận mầu nhiệm thập giá trong cuộc sống hằng ngày, yêu thương tha thứ cho anh chị em của mình. Như Chúa Giêsu đã không bước xuống khỏi thập giá, thì người tín hữu cũng vững vàng trong cuộc sống hằng ngày qua những thăng trầm thử thách. Như Chúa Giêsu không ngự trên ngai vàng nhung lụa mà ngự trên thập giá đẩm máu để cứu chữa mọi anh chị em mình, người hy sinh chính mạng sống mình để cứu chuộc muôn người thì người tín hữu cũng được mời gọi bước theo bằng cách hy sinh chính mình cho anh em.
Lm. Phêrô Lê văn Chính