Đọc báo dùm bạnLướt web

5 điều cần biết về chuyến đi của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq

Người đăng: Giáo hội Công giáo News vào tháng 3 07, 2021

TIZIANA FABI/AFP/East News

I.Media for Aleteia | 04/03/21

Đây sẽ là chuyến đi thứ 33 của Đức Phanxicô ra ngoài nước Ý.

Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn bị bắt đầu chuyến tông du lần thứ 33 của ngài ra ngoài nước Ý, với chuyến đi đến Iraq từ ngày 5 đến 8 tháng Ba. Ngài sẽ là vị Kế nhiệm Thánh Phêrô đầu tiên đặt chân lên miền đất của Iraq.

Dưới đây là 5 điểm cần nhìn lại trong chuyến đi lịch sử này.

1. Iraq: chuyến đi được mong đợi từ lâu của Đức Gioan Phaolô II

Đức Thánh Cha Phanxicô đang trên bước đường làm hiện thực một ước mơ mà Đức Gioan Phaolô II đã không thể thực hiện được. Trong Năm Thánh 2000, Đức Giáo hoàng người Ba Lan đã lên kế hoạch đi đến Ur, cách khoảng 220 dặm về phía nam Baghdad, đến thăm viếng nơi Abraham, tổ phụ của những người tin, đã sinh sống. Vì những lý do an ninh và chính trị, ước mơ của ngài đã không thể thực hiện được.

Đây là một điều đau lòng mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nghĩ đến. Vào đầu tháng Hai, ngài nói với các nhà báo Mỹ rằng đấng tiền nhiệm của ngài đã “khóc” vì không thể đặt chân lên vùng đất Lưỡng Hà. Ngài nói thêm rằng ngài không muốn người dân Iraq phải thất vọng lần thứ hai, đó thông điệp được ngài nhắc lại tại buổi tiếp kiến chung vào ngày 3 tháng Ba.

Đức ông Pascal Gollnisch, giám đốc của hội bác ái Oeuvre d’Orient vui mừng: “Thật là một dấu hiệu tuyệt vời khi ngài có thể đi đến quê hương của tổ phụ Abraham hai mươi năm sau mong ước của Đức Gioan Phaolô II. Vị trí của Ur là một điểm quan trọng trong lịch sử cứu độ, một địa điểm mà ba tôn giáo độc thần có thể nhận ra những gì hợp nhất giữa họ, nghĩa là con cháu và tinh thần của tổ phụ Abraham. Đó sẽ là một trong những điểm nhấn của hành trình này”, vị Tổng đại diện của người Công giáo Đông phương tại Pháp nhấn mạnh.

2. Chuyến đi đầu tiên của giáo hoàng trong thời COVID-19

Ngày 26 tháng Mười Một năm 2019, khi đức giáo hoàng xuống máy bay đưa ngài trở về từ Nhật Bản và Thái Lan, không ai có thể ngờ rằng vị giáo hoàng người Argentina sẽ không thể đi tông du nước ngoài trong quãng thời gian hơn một năm. Thật vậy, cuộc khủng hoảng COVID-19, bắt đầu vài tuần sau đó, đã đặt nghi vấn về tất cả các chương trình cho những chuyến tông du của Giáo hoàng — chẳng hạn các chuyến đi đến Papua Tân Guinea và Indonesia đã phải hủy bỏ.

Đối với vị đứng đầu Giáo hội Công giáo, sự e sợ đó là sự hiện diện của ngài có thể dẫn đến các cuộc di chuyển của những đám đông lớn sẽ tạo điều kiện cho sự lây lan của dịch bệnh. “Thật lòng, tôi không thể tạo nên những cuộc tập trung đông người,” ngài nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tháng Giêng năm ngoái. Ngài thậm chí còn đề cập đến khả năng hoãn chuyến thăm Iraq, nếu tình hình sức khỏe đòi hỏi điều đó.

3. Mười lăm giờ trên máy bay, chín chuyến bay trong chương trình

Ở tuổi 84, Đức Giáo hoàng Phanxicô sắp thực hiện chuyến công du thứ 33 ra bên ngoài nước Ý. Gần đây, các hoạt động của ngài bị hạn chế bởi cơn đau thần kinh tọa tái phát, đức giáo hoàng sẽ phải lên và xuống máy bay hoặc trực thăng tới 9 lần. Ngoài 1.900 dặm (hơn 3.057km) mà ngài sẽ phải đi từ Roma đến Baghdad (cả đi về là 3.800 dặm), Đức Giáo hoàng người Argentina sẽ di chuyển gần 950 dặm (hơn 1258km) trong Iraq, đều đi bằng đường hàng không.

Ngài sẽ hai lần di chuyển trên trực thăng quân sự — đến Mosul và Qaraqosh. Ở Iraq, chuyến bay dài nhất sẽ mất hơn một giờ (Baghdad — Erbil); nhanh nhất là giữa Mosul và Qaraqosh, sẽ chỉ mất 20 phút. Chỉ trong 4 ngày nữa, vị Giám mục Roma sẽ trải qua khoảng 15 giờ trên bầu trời.

4. Những điều kiện sức khỏe và an toàn (rất) bấp bênh

Một đợt bùng phát COVID-19 đang tăng trở lại và các sự cố an ninh nghiêm trọng… Chuyến thăm Iraq của Đức Giáo hoàng diễn ra trong những hoàn cảnh tế nhị, đó là cách nói giảm thiểu. “Chúng tôi còn xa mới có được những kịch bản tốt nhất,” một người thạo tin đất nước nói. Trước hết, về mặt sức khỏe, khi số ca mắc mới đã xuống mức rất thấp vào giữa tháng Một, thì đường cong rõ ràng đã đảo ngược và gây lo lắng cho các nhà chức trách, những người đã thực hiện các biện pháp hạn chế (giới nghiêm và ở tại nhà vào các ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật cho đến khi kết thúc chuyến thăm của Giáo hoàng vào ngày 8 tháng Ba).

Về mặt an ninh, vụ đánh bom cảm tử ở trung tâm Baghdad vào ngày 21 tháng Một và các cuộc tấn công bằng tên lửa vào giữa tháng Hai ở khu vực Erbil — nơi Đức Giáo hoàng sẽ cử hành thánh lễ trong một sân vận động — minh họa cho sự bất ổn của một quốc gia đã nghe âm thanh của vũ khí trong rất nhiều năm.

“Dĩ nhiên, bối cảnh là đặc biệt, nhưng chúng ta hãy nhớ rằng nếu Đức Giáo hoàng đến Iraq, đó là vì đất nước đang đau khổ,” Tu huynh Olivier Poquillon Dòng Đa Minh đến từ Mosul nói. “Bạn biết đấy, ở phương Đông, khi bạn muốn tôn vinh người khác, bạn không mời họ đến nhà của mình, mà bạn đến gặp họ. Đây chính là điều mà Đức Giáo hoàng muốn làm: đến thăm các thành viên đau khổ trong gia đình của ngài,” vị tu sĩ nói tiếp và xác định chuyến đi này là “một chuyến thăm của lòng trắc ẩn”.

5. Một cuộc gặp gỡ lịch sử trong chương trình

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo hoàng Phanxicô và một trong những nhà lãnh đạo cao nhất của người Hồi giáo dòng Shiite trên thế giới chắc chắn sẽ là một trong những điểm nhấn trong chuyến thăm của Giáo hoàng. Vào ngày 6 tháng Ba, một ngày sau khi đến Iraq, Đức Giáo hoàng người Argentina sẽ gặp ngài Đại Ayatollah al-Sistani, 90 tuổi, tại nơi ở khiêm tốn của ngài ở Najaf, một thành thiêng liêng của người Hồi giáo Shiite, nơi có lăng mộ của Đức Imam Ali.

Trong khi dự kiến sẽ không có tuyên ngôn chung vào cuối cuộc họp — như trường hợp giữa Đức Giáo hoàng và nhà lãnh đạo Sunni al-Tayyeb vào năm 2019 — cuộc họp này có ý nghĩa rất quan trọng.

Cha Christopher Clohessy, giáo sư tại Học viện Giáo hoàng Nghiên cứu về Ả Rập và Hồi giáo học (PISAI) cho biết: “Đối với Hồi giáo Shia, ngày nay đã trở thành thiểu số, cuộc gặp gỡ này với Đức Giáo hoàng Phanxicô là quan trọng vì nó có nghĩa là toàn thể gia đình Hồi giáo đều được xét đến.” Vị học giả lỗi lạc về Hồi giáo Shia nói rằng bằng cử chỉ này, Đức Giáo hoàng “đang gửi một thông điệp đến người Shia rằng họ không bị lãng quên và đảm bảo với họ rằng họ là một phần không thể thiếu của tiến trình đối thoại và hòa bình trên thế giới.”

Quý vị xem thêm thông tin về chuyến đi ở đây.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/3/2021]

Bài liên quan

Back to top button