‘Bức tường sống’ chặn sa mạc hóa
Người Đô Thị
Nếu đến châu Phi ngày nay, bạn sẽ gặp một bức tường khổng lồ chạy dọc theo hướng Đông – Tây, phân cách Nam và Bắc. Tuy nhiên, bức tường này không được dựng để chặn người di cư hay kiểm soát hàng nhập lậu. Nó cũng chẳng phải bằng sắt thép hay gạch đá vô hồn mà xanh ngắt, là vành đai cây cối dài 8.000km cản lối Sahara, nỗ lực ngăn chặn hiện tượng sa mạc hóa. ‘Bức tường’ này còn mang tới sinh kế cho hàng ngàn cư dân Lục địa Đen.
Sa mạc hóa là hiện tượng suy thoái đất đai ở những vùng khô cằn. Nó đang gia tăng trên toàn cầu vì biến đổi khí hậu, áp lực dân số và nhu cầu mở rộng đất canh tác.
Mỗi năm sa mạc chiếm thêm 120.000km2 đất đai trên trái đất.
120.000km² sa mạc hóa/năm
Sahara là sa mạc lớn nhất trái đất nằm ở phía Bắc châu Phi, có diện tích hơn 9 triệu km2. Từ Thế kỷ XX, khi tác động của công nghiệp hóa bắt đầu ảnh hưởng đến nền nhiệt trung bình của địa cầu, Sahara đã mở rộng diện tích với tốc độ 7.600km/năm. So với năm 1920, tốc độ sa mạc hóa hiện tại cao hơn 10%. Ở khu vực Sahel, diện tích đất nông nghiệp bị “sa mạc chiếm” lên tới 554.000km2.
Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, mỗi năm đều có khoảng 120.000km2 đất đai bị sa mạc hóa. “Sự lây lan của sa mạc giống bệnh ung thư”, Ibrahim Thiaw, thư ký ban điều hành Công ước Liên Hiệp Quốc về Chống Sa mạc Hóa (United Nations Convention to Combat Desertification-UNCCD) phân tích. “Ước tính, nó gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu vào khoảng 1,3 tỷ USD/ngày”. Bước vào Paga, thị trấn nhỏ nằm sát Sahel của Ghana, bạn sẽ thấy ngay tác động rõ ràng của sa mạc hóa.
Ở Paga, cư dân địa phương thoải mái chơi đùa với cá sấu như bạn bè.
Vốn dĩ, trong hầu hết các ao hồ ở Paga, cá sấu thi nhau sinh trưởng. Truyền thuyết nơi đây kể rằng tù trưởng đầu tiên đã được một con cá sấu cứu sống. Ghi nhớ công ơn, ông hạ lệnh cho muôn đời về sau không được phép gây hại cho loài bò sát hoang dã này.
Y lời tù trưởng dạy, người dân ở Paga tuyệt đối không giết cá sấu. Họ cẩn thận chăm sóc, bảo vệ, cho ăn, chơi đùa với chúng như bạn bè. Cá sấu ở Paga hết sức thân thiện. Chúng vô tư bơi lội, bắt mồi dưới nước, không đe dọa hay gây nguy hiểm gì cho các phụ nữ đang giặt giũ trên bờ.
Du khách đến Paga thoải mái chụp ảnh selfie với cá sấu. Chỉ cần chầm chậm tiếp cận từ đằng đuôi, chúng sẽ chẳng khó chịu gì.
Đáng tiếc là quần thể cá sấu ở Paga lại đang phải đối mặt với nguy cơ diệt vong. Do nằm ở rìa phía nam của Sahel, mảnh đất ẩm ướt này cũng bị sa mạc hóa. Diện tích ao đầm tự nhiên giảm mạnh. Dân số ngày càng gia tăng buộc mọi người phải phá rừng, lấy nguyên liệu xây dựng và đất đai làm nông nghiệp. Không còn cây cối, lớp phù sa vốn mỏng nhanh chóng bị mưa gió cuốn trôi. Chớp mắt một cái, đất đai màu mỡ đã trở thành sa mạc.
Bức tường Xanh vĩ đại
“Đã có quá nhiều sự xuống cấp sinh thái vì nạn phá rừng”, Julius Awaregya, nhà sáng lập nhóm bảo vệ môi trường ở Paga, lên tiếng. “Chúng gây tai hại nghiêm trọng cho tương lai của con em chúng ta. Hãy chung tay bảo vệ những gì còn sót lại”. Giải pháp Awaregya đưa ra là trồng một “bức tường cây xanh”, bao gồm các loại cây chịu hạn như keo, gụ, sầu đâu, đặc biệt là cây baobab.
Kỳ thực, Awaregya không phải là người đầu tiên đưa ra ý tưởng trồng cây chặn sa mạc hóa. Kể từ năm 2007, Liên minh châu Phi (African Union) đã lên và tiến hành dự án Bức tường Xanh Vĩ đại (Great Green Wall). Họ đặt mục tiêu trồng một vành đai cây cối trải dài 8.000km, kéo dài suốt từ đông sang tây Lục địa Đen.
Great Green Wall đặt mục tiêu lập một vành đai rừng dài 8.000 km cắt ngang châu Phi.
Hơn 20 quốc gia châu Phi đã chung tay hợp tác. Khoảng 8 tỷ USD được huy động cho chương trình cải tạo đất đai trồng rừng. Mọi sáng kiến quản lý, cải thiện chất lượng đất đều được xem xét và đưa vào thực hiện nếu hiệu quả.
Ở Burkina Faso, Mali và Senegal, người ta tận dụng phương pháp truyền thống có tên là Zai để giữ nước trong thời kỳ khô hạn. Tại Ghana, các dân làng tiến hành trồng cỏ voi. Loại cỏ này vừa có tác dụng giữ đất, lại vừa tiện làm nguyên liệu đan lát.
Chỉ sau 10 năm, Senegal tự hào đã trồng thêm được 12 triệu cây chịu hạn. Trong mục tiêu khôi phục 100 triệu hecta đất đai bị sa mạc hóa của UNDCC (tới năm 2030), 30 triệu hecta đã hoàn thành.
Baobab: Cây sinh kế
Trong các loại cây chịu hạn của Bức tường Xanh Vĩ đại, baobab là thực vật được yêu thích hơn cả. Tại châu Phi, loài cây này là biểu tượng của sức sống bền bỉ. Chúng thuộc nhà mọng nước nhưng lại phát triển cành nhánh cao to, tỏa rộng, sống lâu tới 2000 năm.
Phải đến 200 tuổi, cây baobab mới “thành niên”, trổ bông và đậu quả. Sau nhiều tháng uống nắng gió sa mạc, vỏ trái baobap dần chuyển sang màu nâu. Bên trong lớp vỏ, ruột quả khô lại như lõi giấy, có vị chua chua tương tự cam quýt. Nó chứa hàm lượng vitamin C, canxi, magiê, kali và sắt cực cao, được các công ty nước ngọt nổi tiếng toàn cầu (như Coca-Cola, Costco, Smoothies Smoothies, Suja Juice và Yeo Valley) tin dùng.
Thu hoạch quả baobab ở châu Phi.
Từ tháng 12 đến tháng 4 mỗi năm, cánh chị em nhà nông châu Phi rủ nhau vác sào dài vào rừng, thu hoạch quả baobab. Trước đây, họ chỉ lấy lõi nấu làm nước sốt, cháo hoặc kẹo để ăn. Bây giờ, đa phần đều xay hoặc giã thành bột, đóng bao đem bán.
Tại Ghana, các nhà thu mua trả 45 cendi/1 bao 38kg (khoảng 200.000 VNĐ). Thu nhập trung bình của nông dân Ghana là dưới 48 USD/tháng (1,1 triệu VNĐ). Nhờ có baobab, cuộc sống của họ trở nên dễ chịu hơn. Với phụ nữ châu Phi, baobab còn góp phần vào thay đổi cuộc đời. Nó giúp các chị em có tiếng nói và vị thế hơn trong các cộng đồng phụ hệ.
Năm 2018, Ghana đang mạnh tay tài trợ trồng thêm 5.000 cây baobab mới. Năm 2019, đất nước này đặt mục tiêu “xuống giống” tiếp 10.000 cây. Lượng baobab trồng thêm này không vì cái lợi trước mắt, mà dành cho con cháu Ghana 200 năm nữa.
Lạm dụng trồng rừng cũng có thể thúc đẩy sa mạc hóa mạnh hơn.
Lo ngại tác dụng ngược
Ước tính, thị trường bột baobab thu lợi nhuận 3,5 tỷ USD/năm. Dự kiến trong 5 năm tới, nó còn vượt ra ngoài mức 5 tỷ USD. Bên cạnh việc khuyến khích nông dân châu Phi trồng thêm baobab, UNDCC nỗ lực thu hút đầu tư từ các công ty thực phẩm đa quốc gia, hình thành chuỗi cung ứng bền vững. Ngoại trừ baobab, họ còn cố gắng phát triển các loại cây thực phẩm khác như chùm ngây (lấy lá), hạt mỡ (lấy hạt), cỏ fonio (lấy hạt).
Có điều, trong cái lợi bao giờ cũng tiềm ẩn cái hại. Mặc dù cần nguồn thu mua lớn và ổn định, UNDCC vẫn lo ngại “cầu” quá “khủng” sẽ kích động “cung” mở rộng diện tích quá mức, cuối cùng hình thành các đồn điền độc canh, thúc đẩy sa mạc hóa lan mạnh hơn thay vì ngăn chặn tiến độ của nó như mục tiêu ban đầu.
Vũ Thị Huế
Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/buc-tuong-song-chan-sa-mac-hoa-25010.html