Điện Panthéon: Nơi tôn vinh những con người vĩ đại của nước Pháp
Ở trung tâm khu phố Latinh, quận 5, Paris, có một công trình đứng sừng sững, uy nghi từ vài thế kỷ nay. Đó là điện Panthéon với mái vòm cao vút, nổi bật trên nền trời. Ở mặt tiền, phía trên cao tòa nhà có khắc dòng chữ trang trọng: «Tổ Quốc nhớ ơn những con người vĩ đại».
Nhà thờ thánh Geneviève
Sử sách truyền lại rằng, vào giữa thế kỷ V (năm 451), một nữ tu trẻ tên là Geneviève đã có công cứu Paris cuộc xâm lăng khỏi đội quân Huns. Bà được phong là vị thánh bảo trợ kinh thành Paris. Thánh Geneniève qua đời năm 502 và được mai táng trên đồi Lucotitius. Rồi tại đó, người ta cho xây một nhà thờ.
Vào năm 508, vua Clovis cho xây một nhà thờ mới to đẹp, đàng hoàng hơn để phụng thờ thánh Geneniève, tạo một sợi dây kết nối giữa nền quân chủ và Thiên Chúa Giáo. Sau khi nhà vua qua đời, thi hài của ngài cũng được mai táng tại nhà thờ Sainte Geneniève. Tới thế kỷ IX, nhà thờ một lần nữa được xây mới, ngoài nhà thờ còn có thêm tu viện Sainte Geneviève.
Vào thế kỷ XVIII, năm 1744, vua Louis XV lâm trọng bệnh tại Metz, ngài khẩn cầu thánh Geneviève bảo vệ ngài qua cơn hiểm nghèo và nguyện xây một nhà thờ mới để tạ ơn, do nhà thờ cũ khi đó quá chật hẹp và hư nát. Khi bình phục, vua Louis XV trở về kinh đô Paris và quyết định cho xây nhà thờ mới trên nền tu viện Sainte Geneviève. Nhưng phải đến 10 năm sau, vào năm 1754, dự án của vua Louis XV mới được thông qua kinh phí xây dựng.
Thực ra, việc xây nhà thờ cũng có một ý nghĩa chính trị lớn đối với nhà vua, khi đó đang bị công luận phản đối vì sau chiến tranh kế vị Áo, Louis XV đã ký hòa ước 1748 bất lợi cho Pháp. Để cải thiện hình ảnh và củng cố uy tín lãnh đạo đất nước, vua Louis XV chủ trương thực hiện « chính sách nghệ thuật » : làm đẹp các thành phố trong cả nước.
Dự án xây mới nhà thờ Sainte Geneviève tại Paris nằm trong chuỗi các dự án nói trên. Thêm vào đó, nhà thờ mới sẽ giúp củng cố vị thế của Thiên Chúa Giáo vốn đang bị chia rẽ do cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các phe nhóm.
Việc thiết kế nhà thờ được giao cho kiến trúc sư Jacques-Germain Soufflot (1713-1780), người có tư tưởng cởi mở, với hy vọng Soufflot sẽ thổi một làn gió cách tân kiến trúc tôn giáo. Quả thực, kiến trúc sư Soufflot khi đó đã thiết kế được nhiều công trình được đánh giá cao ở thành phố Lyon. Soufflot cũng có tham vọng thiết kế một nhà thờ được ngợi ca hơn cả nhà thờ Saint Pierre ở Roma và Saint Paul ở Luân Đôn.
Maximilien Brébion, thành viên Hội kiến trúc của Hoàng Gia Pháp, một cộng sự của kiến trúc sư Soufflot, tóm tắt tham vọng của nhà thiết kế : « Mục tiêu chính của Soufflot khi thiết kế nhà thờ là hội tụ, dưới một trong những hình thức đẹp nhất, nét nhẹ nhàng của kiến trúc gothic với sự thuần khiết và vẻ lộng lẫy, tráng lệ của kiến trúc Hy Lạp ». Trong vòng 20 năm, từ năm 1754 đến năm 1777, Soufflot đã thay đổi bản thiết kế 5 lần. Nhưng thứ tuyệt nhiên không thay đổi trong 5 bản vẽ của Soufflot là những hàng cột đá vô cùng lớn, cao vút ở cả bên trong và bên ngoài nhà thờ.
Vua Louis XV đặt viên đá chính thức khởi công công trình trong một buổi lễ long trọng vào ngày 06/09/1764, nhưng thực ra việc đào móng đã được tiến hành từ năm 1757. Những khó khăn về kỹ thuật đã khiến việc thi công bị chậm lại. Năm 1780, Soufflot qua đời, lại thêm những khó khăn về tài chính, nên mãi đến năm 1790, công trình mới được hoàn tất nhờ nỗ lực của hai nhà thiết kế cộng sự của Soufflot : Maximilien Brébion và Jean Baptiste Rondelet.
Theo thiết kế của Soufflot, bên trong nhà thờ được trang trí bằng nhiều tác phẩm điêu khắc, chạm trổ và bích họa mô tả cuộc đời của thánh Geneviève, thánh Pierre và thánh Paul. Ngoài ra, Soufflot còn cho khắc họa lại lịch sử Ki Tô Giáo từ buổi sơ khai cho tới thế kỷ XVIII.
Tôn giáo hay phi tôn giáo ?
Do công trình được hoàn tất trong thời kỳ Cách Mạng Tư Sản Pháp, nên không được sử dụng với mục đích tôn giáo là phụng thờ thánh như kế hoạch ban đầu mà được cải tạo thành Panthéon, một « điện thờ của Tổ quốc » – nơi lưu giữ tro cốt của những con người vĩ đại của dân tộc Pháp, nơi tưởng nhớ và tôn vinh họ theo truyền thống bắt nguồn từ thời Ai Cập cổ đại, Hy Lạp và La Mã.
Bắt đầu từ năm 1791, tro cốt một vài chính trị gia, anh hùng thời Cách Mạng Tư Sản, những triết gia nổi tiếng thời kỳ Khai Sáng như Voltaire, Jean-Jacques Rousseau được đưa về điện Panthéon.
Tháng 08/1792, nền quân chủ sụp đổ, thánh tích của thánh nữ Geneviève bị đưa ra khỏi Panthéon và bị phá hủy, chỉ còn lại một số di vật. Các tác phẩm trang trí mang tính tôn giáo đều bị phá bỏ, thay vào đó là các bức chạm trổ, bích họa mang tính chính trị, ngợi ca lòng trung thành, tận tụy với Tổ Quốc, lòng yêu nước, nhân quyền, pháp chế và đề cao triết học, khoa học, nghệ thuật … Panthéon trở thành một biểu tượng mang tính cách mạng.
Theo những biến chuyển lịch sử và đổi thay của thời cuộc, công trình của Soufflot đã trải qua nhiều lần thay đổi mục đích sử dụng, từ tôn giáo thành phi tôn giáo, chính trị hay là sự kết hợp của cả hai. Mỗi lần điện Panthéon bị thay đổi chức năng như vậy đều kéo theo những cải tạo về kiến trúc và trang trí bên trong. Có thể nói, điện Panthéon là một công trình hiếm hoi có lịch sử phức tạp như vậy.
Vào thời Đệ Nhất Đế Chế, theo sắc lệnh ngày 20/02/1806 của hoàng đế Napoléon Bonaparte (Napoléon I), Panthéon mang hai chức năng : chức năng tôn giáo và dân sự. Tầng trên của tòa nhà được cải tạo, trang trí lại thành nhà thờ, nơi phụng thờ các thánh. Còn hầm mộ vẫn là nơi chôn cất các vĩ nhân.
Vào năm 1815, Đệ Nhất Đế Chế sụp đổ, mở ra thời kỳ « Bourbon phục hoàng ». Vua Louis XVIII muốn khẳng định lại vị thế quan trọng của Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo. Năm 1816, vua Louis XVIII ký sắc lệnh đưa Panthéon trở lại hoàn toàn với chức năng thờ phụng tôn giáo. Những di vật còn lại của thánh Geneviève lại được đưa trở lại nhà thờ. Những ngôi mộ bên dưới tầng hầm được dồn về một phòng, khóa kín lại.
Tới Cách Mạng tháng 07/1830, vua Charles X bị truất ngôi, Louis Philippes d’Orléan lên ngôi vua, mở ra nền Quân Chủ Tháng Bảy. Một lần nữa, nhà thờ Sainte Geneviève lại bị biến đổi thành điện Panthéon. Nhưng sau đó, do sự thận trọng về chính trị, điện Panthéon – với ý nghĩa ban đầu là biểu tượng cách mạng – đã không được sử dụng trong những năm vua Louis Philippes trị vì đất nước. Khu hầm mộ các vĩ nhân vẫn bị đóng cửa.
Nơi vinh danh các vĩ nhân Pháp
Tới nền Đệ Nhị Cộng Hòa 1848, Louis-Napoléon Bonaparte trở thành tổng thống đầu tiên của Pháp. Tư tưởng cách mạng lại được vinh danh. Điện Panthéon được gọi là Temple de l’Humanité – Đền thờ Nhân Loại. Năm 1851, Louis-Napoléon Bonaparte khôi phục Đế chế và trở thành hoàng đế Napololéon III. Hoàng đế ban hành chính sách củng cố vị thế của Nhà Thờ trong bộ máy nhà nước, ra sắc lệnh biến nhà thờ Thánh Geneviève thành Basilique Nationale – Nhà Thờ Lớn Quốc Gia.
Năm 1870, Đệ Nhị Đế Chế sụp đổ, dẫn tới sự hình thành Nền Đệ Tam Cộng Hòa. Cuộc tranh luận về việc sử dụng Panthéon như một nhà thờ hay điện thờ phi tôn giáo kéo dài cho tới năm 1885, khi đại thi hào Victor Hugo, một văn sĩ góp công đấu tranh bảo vệ nền Cộng Hòa, qua đời, chính phủ pháp ban hành sắc lệnh theo đó Panthéon sẽ được sử dụng vào « mục đích Cộng Hòa ». Thi hài Victor Hugo được rước về Panthéon. Panthéon cũng trở thành nơi tổ chức nhiều lễ nghi quốc gia, chẳng hạn lễ kỷ niệm 100 năm thành lập nền Cộng Hòa (1892).
Cũng để đảm bảo sự hòa giải dân tộc, chính quyền Đệ Tam Cộng Hòa quyết định không phá bỏ các tác phẩm trang trí như các chính quyền trước đó, nhưng có bổ sung bằng các bức bích họa, điêu khắc … khắc họa các giai đoạn lịch sử quốc gia và những con người vĩ đại của dân tộc Pháp trong mỗi giai đoạn.
Từ sau Đệ Nhị Thế Chiến tới nay, trong các nền Đệ Tứ và Đệ Ngũ Cộng Hòa, đã có thêm nhiều người con vĩ đại của nước Pháp được vinh danh tại điện Panthéon : các nhà vật lý Paul Langevin và Jean Perrin (1948), Louis Braille-người phát minh chữ nổi Braille (1952), hai nhà khoa học đoạt giải Nobel Pierre và Marie Curie (1995), nhà văn Alexandre Dumas cha (2002) … Cho tới nay, tổng cộng có hơn 70 người con ưu tú của nước Pháp đang an nghỉ trong điện Panthéon.
Nhưng ai là người quyết định những người có đủ tư cách được chôn cất tại Panthéon ? Vào thời Cách Mạng Tư Sản Pháp, Hội đồng lập hiến là cơ quan quyết định. Trong giai đoạn Đệ Nhất Đế Chế, hoàng đế Napoléon Bonaparte có toàn quyền. Còn vào thời Đệ Tam Cộng Hòa, quyền quyết định thuộc về các thượng nghị sĩ. Hiện nay, quyền quyết định thuộc về tổng thống.
Mới đây, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã quyết định vào ngày 05/07/2018, bà Simonne Veil, người đã từng là bộ trưởng Y Tế Pháp, chủ tịch Nghị Viện Châu Âu, thành viên Hội đồng Lập Hiến và Viện Hàn Lâm của Pháp sẽ được vinh danh tại điện Panthéon. Bà là người phụ nữ thứ 5 được an nghỉ tại đây.
Từ nhà thờ thánh Geneviève, trải qua các biến chuyển lịch sử, nơi đây trở thành điện Panthéon, nơi tôn vinh các anh hùng, tướng lĩnh đã ngã xuống để bảo vệ nước Pháp và là nơi vinh danh các vĩ nhân của đất nước. Với vẻ đẹp kiến trúc hoành tráng và là nơi chứng kiến nhiều sự kiện nổi trội trong lịch sử nước Pháp, điện Panthéon là một trong những công trình có ý nghĩa, giá trị, không chỉ của Paris, mà của cả nước Pháp cho dù đã trải qua biết bao thăng trầm.
Theo RFI
Tag : du lịch Pháp