Hình ảnh độc đáo về chim “vua khéo léo” ở Sài Gòn
Hình ảnh độc đáo về chim “vua khéo léo” ở Sài Gòn
Sau năm năm tự tìm hiểu về chim Rồng Rộc đầu vàng ở khu vực xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP Saigon, anh Trịnh Minh Nhựt (ngụ quận 12, Saigon) đã có trong tay rất nhiều thông tin và hình ảnh độc đáo về loài chim được xem là khéo léo và chăm chỉ bậc nhất trong các loài chim.
“Tổ chim Rồng Rộc rất dày và dài, hầu như không ai có thể thấy được cảnh sinh hoạt bên trong tổ chim này. Với những hình ảnh thật và sử dụng một chút kỹ thuật photoshop, mình muốn chia sẻ câu chuyện về cuộc sống bên trong chiếc tổ của loài chim này”, anh Nhựt bộc bạch.
Nói về bức ảnh chim mẹ đang đút mồi cho chim con bên trong tổ chim, anh Nhựt giải thích thêm: “Một lần gió lớn, có cái tổ không có chim rơi xuống đất, mình nhặt được cắt ra xem nên mới biết được kết cấu bên trong của nó. Sau đó mình nảy ra ý nghĩ, ghép những hình mình chụp được theo kết cấu bên trong của tổ chim để kể lại câu chuyện sinh hoạt của chim mẹ và chim con”.
Theo anh Nhựt, chim Rồng Rộc đầu vàng có tên khoa học là Ploceus philippinus. Đây là loài chim rất khéo léo và chăm chỉ. Tổ chim có hai loại, tổ chim mái (tổ đẻ) ngoài ra còn có tổ chim trống (tổ ngủ) đều được chim trống thiết kế thi công.
Thời gian làm xong một chiếc tổ từ 15 đến 20 ngày, với số cỏ tranh được xé sợi từ 1.700 đến hơn 2.000 cọng. Khi chiếc tổ thành hình nếu có nàng chim mái nào tỏ ý quan tâm lai vãng đến, thì lập tức được chàng chim trống “yêu” ngay. Vậy là ngôi nhà mới xong phần thô đã có chim mái vào ở và cùng chim trống hoàn thiện chiếc tổ công phu này.
“Khi chim mái bắt đầu đẻ và đẻ đủ 2 trứng, chúng mới ấp trứng. Thời gian ấp là 12 ngày. Đến khi nở, chim bố mẹ còn tha thêm một ít vật liệu êm nhất để lót cho chim non tránh không bị rách da, vì cỏ tranh khô rất bén. Thời gian này chim bố mẹ phải vất vả suốt 22 đến 25 ngày để chăm sóc chim con.
Ngoài kiếm mồi, chim bố mẹ cũng không quên gia cố thêm cho chiếc tổ thêm chắc chắn để tránh tác động của mưa gió và nhất là khi là lũ chim “hàng xóm” qua phá phách lúc chủ vắng nhà”, anh Nhựt, kể lại những gì mình quan sát được.
Anh Nhựt bỗng trầm tư: “Sau khi chim con rời tổ, chim bố mẹ còn phải dìu dắt chỉ dạy, mớm mồi thêm một tuần nữa rồi chim con mới tự theo bầy đi kiếm thức ăn trên những cánh đồng đã gặt xong”.
“Khi chúng chuyển đi nơi khác kiếm thức ăn, những chiếc tổ cứ lắc lư trong gió hè như những dấu hỏi mà mình vẫn còn chưa tường tận về loài này. Không ít, có đơn vị nào nghiên cứu và tìm cách bảo tồn loại chim độc đáo này hay không?”
Theo Trung Thanh