Đọc báo dùm bạnLướt web

Khi họ “bỏ phố về quê” | Mây Lang Thang

Khi họ “bỏ phố về quê”

+ 1. Trống rỗng giữa phố thị

Hu Siqin chỉ là một trong hàng triệu người trẻ ở Trung Quốc ngày càng cảm thấy mệt mỏi, chán nản với cuộc sống phố thị bởi nhiều lý do như suốt ngày cắm đầu làm việc, mức lương ít ỏi, tắc nghẽn đô thị, chi phí sinh hoạt cao và áp lực từ bố mẹ – những người luôn thúc giục họ mau chóng thành công, lập gia đình sinh con đẻ cái. 

Hu – người từng làm việc cho các công ty Pháp nổi tiếng như L’Oreal và nhà bán lẻ thể thao Decathlon chia sẻ, trong cuộc sống và công việc hàng ngày, cô luôn cố “tỏ ra vui vẻ ở bên ngoài nhưng bên trong lại cảm thấy trống rỗng”.

Cuối cùng, Hu quyết định dũng cảm rũ bỏ mọi thứ cô đã có – một sự nghiệp đầy hứa hẹn ở Thượng Hải với tiền bạc dư dả – để trở thành một phần của “phong trào trở về nông thôn” – trong đó, những người trẻ như Hu tìm kiếm những niềm vui đơn giản từ những công việc nhà nông như “nuôi cá, trồng rau” và tận hưởng cuộc sống đơn giản, lành mạnh và yên bình. 

+ 2. Mục đích sống là gì ? Sống để làm gì ?

Cuộc sống ở nông thôn giờ đây mang lại niềm vui giản đơn mỗi ngày cho Hu – cô gái bỏ phố về quê làm “nông dân mới”. Ảnh AFP.

 “Những người như tôi cảm thấy những tiện nghi vật chất không thỏa mãn chúng tôi, và trong sâu thẳm chúng tôi thấy không hài lòng với cuộc sống hiện tại, Hu nói.

“Vì vậy, chúng tôi đã bắt đầu suy nghĩ, mục đích sống của chúng tôi là gì? Tôi đang sống để làm gì?”, Hu chia sẻ thêm.

+ 3. Để tận hưởng một cuộc sống thoải mái và yên bình

Cũng từ bỏ tất cả để về quê, anh Liang Funa, 34 tuổi, cựu giám đốc điều hành quảng cáo  chia sẻ chán cảnh sống nơi phố thị vì cảm thấy kiệt sức do thời gian làm việc quá nhiều và lối sống không lành mạnh.

“Thế hệ của chúng tôi đang phải chịu áp lực rất lớn, và những người bám trụ lại thành phố không thể thấy nhiều sự lựa chọn khác. Những người xung quanh họ liên tục nói về việc mua nhà, mua xe hay kết hôn, giống như đó là những thước đo thành công duy nhất và không có con đường nào khác”.

Cựu giám đốc điều hành quảng cáo Liang Funa quyết định trở thành một nông dân sau khi cảm thấy kiệt sức vì công việc áp lực ở thành phố.

+ 4. Thế hệ “nông dân mới”

Theo số liệu của chính phủ, khoảng 20 triệu người đã tham gia phong trào “nông dân mới”, một số người trong số họ có hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội khi họ đăng bài về lối sống mới ở nông thôn của mình.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã nhận ra lợi thế tiềm tàng của làn sóng bỏ phố về quê, tạo ra một thế hệ “nông dân mới’ hiểu biết về công nghệ và kinh doanh để mang lại những dự án, những ý tưởng mới cho một lĩnh vực nông nghiệp lâu nay vẫn chủ yếu do những nông dân thế hệ trước đảm nhận. Chính vì thế, chính phủ đã cam kết hỗ trợ tài chính và chính sách.

Phong trào “bỏ phố về quê” cũng gắn liền với những nỗ lực của các công ty khởi nghiệp đang phát triển nhanh như Pinduoduo – công ty tạo ra nền tảng giúp những nông dân sản xuất nhỏ lẻ thâm nhập vào thị trường.

Bỏ phố thị, Hu giờ đây gieo hạt trồng đậu, trồng khoai tây và các loại cây trồng khác trên mảnh đất thuê cùng những người bạn có chung chí hướng ở Chongming, một hòn đảo lớn, chủ yếu làm nông nghiệp ở ngoại ô Thượng Hải.

Với một chiếc xẻng nhỏ, Hu không thể kiềm chế niềm vui sướng khi nhổ bật củ khoai tây khỏi đất và thu hoạch những hạt cao lương mọc cao quá đầu cô.

 “Thơm quá!”, cô kêu lên và cắn một hạt cao lương.

Những người trẻ Trung Quốc bỏ phố thị về sống ở nông thôn cho biết họ tìm được niềm vui, sự yên bình và sức khỏe.

Trong khi đó, “nông dân mới” Liang Funa, người chuyển đến Chongming cách đây 3 năm và từng phải lao vào học cách làm nông chia sẻ, cuộc sống gắn bó với nông nghiệp giúp anh khỏe mạnh hơn. Anh cũng đang tận hưởng một cuộc sống thoải mái, yên bình và bền vững hơn. 

Liang nhận ra, anh thực sự cần ít hàng tiêu dùng hơn bao giờ hết, khác hẳn với khi anh còn sống ở thành phố. Hiện Liang chỉ ăn rau hữu cơ do tự tay anh trồng, và nhờ vậy, cảm thấy khỏe mạnh hơn.  

Tuy nhiên, đối với những “nông dân mới” như Hu hay Liang, việc thuyết phục bố mẹ chấp nhận lựa chọn sống một cuộc đời mới này cũng rất khó khăn.

Bố mẹ của Hu đã giận dữ, cho rằng cô đang “bước lùi” trong cuộc sống. Nhưng Hu không quan tâm, và hiện đang tập trung thương lượng hợp đồng thuê dài hạn một trang trại ở vùng nông thôn tỉnh Chiết Giang gần Thượng Hải. Cô hy vọng có thể gieo hạt vụ đầu tiên trên mảnh đất này vào mùa xuân tới.

“Tôi đã nhảy ra khỏi vùng an toàn của mình để đến một nơi xa lạ và không chắc chắn, nhưng nó có ý nghĩa rất sâu sắc, Hu nói. 

MÂY LANG THANG (st)

Bài liên quan

Back to top button