Lướt webThường thức gia đình

Ở dơ sống lâu?

Bác sĩ Hồ Ngọc Minh

Từ xưa đến nay luôn luôn có sự tranh cãi về việc giữ gìn vệ sinh cho cơ thể, từ rửa tay cẩn thận cho đến vấn đề tắm bao nhiêu lần trong tuần thì đủ.
Trước hết nói đến chuyện rửa tay. Nhiều chuyên gia về bệnh dị ứng và hen suyễn cho rằng để cho cơ thể có thể chống lại bệnh tật bằng sức đề kháng tự nhiên, con nít nên bớt rửa tay và nên… ở dơ thêm một tí. Một số còn dẫn chứng, ở những nước “chậm tiến” người ta còn cho con nít ăn… đất, cát cho mạnh thêm. Ngược lại các bác sĩ chuyên trị về bệnh nhiễm trùng, phản bác những lập luận nầy, cho rằng, vô căn cứ, vô trách nhiệm.

source: nguoi-viet.com
source: nguoi-viet.com

Thế thì, ai đúng ai sai?

Khoảng 25 năm về trước, ở Mỹ, một bài nghiên cứu nhận xét rằng con trẻ trong gia đình đông con, tầng lớp nghèo, sống ở những nông trại, lẫn lộn với gia súc, lại ít bị các bệnh dị ứng, và các bệnh lặt vặt. Quan sát nầy cũng được nhìn nhận ở nhiều nơi khác trên thế giới. Trẻ con của tầng lớp giàu, thượng lưu, thường hay bị bệnh dị ứng và các bệnh lặt vặt.

Thoạt đầu, lý luận cho rằng, ở dơ, khiến cơ thể đáp ứng bằng cách tạo ra những kháng thể miễn nhiễm. Tuy nhiên điều nầy chưa bao giờ được chứng minh một cách minh bạch.

Hệ thống miễn nhiễm của cơ thể được sự giúp đỡ rất nhiều bởi hàng trăm ngàn tỉ con vi khuẩn sống trong ruột già. Chính những con vi khuẩn tốt nầy giúp chúng ta tiêu hoá thức ăn, và giúp hệ thống miễn nhiễm được tốt. Khi lượng vi khuẩn giảm hay sự đa dạng của các loại vi khuẩn ít đi, chúng ta sẽ không đối phó hữu hiệu với bệnh tật nhất là các bệnh dị ứng.

So với dân chúng ở những nước được xem là… chậm tiến, dân Mỹ có số lượng vi khuẩn cũng như sự đa dạng của các loại vi khuẩn giảm đi 40%. Một phần do sự lạm dụng và sử dụng thuốc trụ sinh bừa bãi, một phần do ăn đồ ăn biến chế, thức ăn đóng hộp, và ăn thiếu chất xơ. Phần khác trẻ sơ sinh được sanh mổ nhiều hơn, ít được bú sữa mẹ hơn, nên không có nhiều vi khuẩn tốt trong đường ruột.

Thật ra, thức ăn từ thịt động vật nuôi theo lối công nghiệp mới mang nhiều mầm mống bệnh. Hầu hết những thú vật nầy đều được cho… ăn thuốc kháng sinh, khiến cho vi trùng bị lờn thuốc. Những con vi trùng này sẽ lây lan qua người, và những thuốc trụ sinh không ít thì nhiều cũng tràn vào cơ thể của chúng ta, giết hại bớt những con vi khuẩn tốt.

Việc rửa tay cẩn thận rất quan trọng cho các môi trường như bệnh viện, nhà hàng, những nơi vệ sinh công cộng, và càng quan trọng hơn cho những người yếu về hệ thống miễn nhiễm như người già, người bị bệnh ung thư, hay có bệnh liệt kháng…

Gần đây, cơ quan FDA của Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng các loại xà phòng rửa tay có nhãn hiệu chống vi khuẩn (anti-bacterial soap) chẳng có hiệu nghiệm gì cả. Chính nước lạnh mới là động lực chính để giảm nguy cơ bị nhiễm trùng, chứ không phải là xà phòng! Trong phòng mổ, sinh viên y khoa được dạy cho câu châm ngôn là “the solution to pollution is dilution”, có nghĩa là đáp án cho sự ô nhiễm là việc giảm ô nhiễm với… nước lạnh.

Như thế, rửa tay là vệ sinh tối thiểu để ngăn ngừa bệnh tật, thí dụ như trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, hay làm việc cần sử dụng đôi tay… Tuy nhiên cũng không nên ám ảnh quá độ về chuyện dơ hay sạch của đôi bàn tay đến độ phải rửa tay vài chục lần mỗi ngày.

Nói về chuyện tắm rửa, một nghiên cứu cho rằng, trung bình chỉ cần tắm hai lần mỗi tuần là đủ. Lý do là càng tắm nhiều, càng sử dụng xà phòng nhiều, da và tóc sẽ dễ bị cằn cỗi. Một lý do khác cho dân Cali là… để bớt tốn nước. Tôi đã từng nghe đồn, các chiến sĩ người nhái (Navy Seals) được huấn luyện ở San Diego, tập tắm với với một gáo nước lạnh. Riêng cá nhân tôi thì ngày nào không tắm thì chịu không nỗi, có khi ngày tắm hai lần. Tuy không hà tiện nước như lính Navy Seals, nói nhỏ đừng cười nhé, tôi luôn luôn tắt nước khi thoa xà phòng giống như hồi còn tắm nước giếng ở Việt Nam, và cứ cách ngày mới thoa xà phòng thật kỹ, còn ngày kia chỉ chú trọng vào những chỗ quan trọng mà thôi.

Liên hệ đến chuyện ở dơ sống lâu, một chuyện khác, tôi vẫn thường làm, là nếu đồ ăn rớt xuống sàn nhà, tôi vẫn lượm lên và ăn tỉnh bơ, tùy theo trường hợp. Tôi vẫn làm như thế từ nhỏ trong thời kỳ chiến tranh khốn khó, và vẫn còn sống nhăn răng!

Có một luật đưa ra sau nhiều nghiên cứu là, nếu thức ăn rớt xuống sàn nhà trong vòng 5 giây thì vẫn có thể lượm lên ăn được. Ngược lại, rất nhiều nghiên cứu khác phản bác điều này, cho rằng thức ăn đã đụng sàn nhà thì sẽ có vi trùng dính vào đó ngay.

Nghiên cứu cho thấy, ở Mỹ, sàn nhà bếp sạch hơn cả bàn ghế, tay nắm cửa tủ lạnh và cả bên ngoài lò microwave, oven, cũng như mặt bàn ăn nhà bếp. Nghiên cứu cũng cho thấy, bình thường, tay của chúng ta có nhiều vi khuẩn hơn cả sàn nhà bếp. Tương tự, trong phòng tắm, ghế ngồi bàn cầu lại là nơi sạnh nhất trong phòng tắm. Ở phòng vệ sinh công cộng, tay năm cửa ra vào dơ hơn là bàn cầu. Vì thế các phòng vệ sinh ở các phi trường không có cửa ra vào. Nhìn rộng ra, có những vật dụng trong nhà của chúng ta còn dơ hơn là sàn nhà, thí dụ như tiền giấy, điện thoại cầm tay, computer… Lý do về sự khác biệt, là những chỗ mà dân Mỹ sợ dơ nhiều nhất lại là những nơi được chùi rửa cẩn thận nhất!

Thật ra, mệnh đề chính ở đây là tùy theo trường hợp.

Thí dụ chúng ta biết sàn nhà mới chùi rửa, và không phải là thảm. Nếu thức ăn khô thì ít bị dính vi khuẩn hơn thức ăn ướt. Hoặc nếu mẫu thức ăn nhỏ và không ngon lắm thì đừng tiếc. Ngoài ra, ta vẫn có thể rửa thức ăn sau khi lượm lên với chút nước lạnh, hoặc hâm nóng với lò microwave trước khi ăn.
Ở đây, tôi không chủ ý xúi bạn đọc luôn luôn đi lượm thức ăn rới xuống sàn để ăn lại, mà chỉ đưa ra một nhận xét là, không có gì hoàn toàn sạch, và có lỡ dơ một tí cũng chẳng sao. Có khi cơ thể cần thêm những vi khuẩn tốt. Người Mỹ có câu, cái gì không giết được ta thì sẽ làm cho ta mạnh thêm. Chúng ta không nhất thiết phải ở dơ mới sống lâu, mà cũng không phải tuyệt đối sạch sẽ thái quá để khỏi chết.

Bài liên quan

Back to top button