Passages couverts – «không gian khác lạ» trong lòng Paris
Nói đến Paris, người ta thường nghĩ ngay đến những công trình hoành tráng như tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà, Khải Hoàn Môn… Nhưng nếu chịu khó “ngó nghiêng”, khám phá Paris thêm một chút nữa, không khó để thấy bên cạnh những công trình đó là nhiều không gian, tuy nhỏ và có thể là khuất nẻo, nhưng lại là “nét duyên thầm”, “nét chấm phá” tô điểm cho “kinh thành Paris”. Một trong những không gian đó là các “con hẻm có mái che”, người Pháp gọi là “passage couvert” hay “galerie”, được coi không gian “khác lạ” ở Paris.
“Hẻm có mái che” là một “sáng tạo kiến trúc” thịnh hành từ nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX. Trong suốt khoảng 60 năm, có tổng cộng khoảng 40 con hẻm có mái che được xây dựng, đặc biệt bùng nổ vào thời Bourbon Phục hoàng và dưới nền Quân chủ tháng Bảy. Chỉ tính riêng trong những năm 1820 có tới hai chục con hẻm ra đời, từ năm 1839 tới năm 1847 có thêm 10 hẻm mới.
“Hẻm có mái che” không đơn thuần phục vụ việc đi lại của người dân Paris, mà thực chất là kết quả của quy hoạch đô thị, hướng tới sự bùng nổ của các cửa hàng, cửa hiệu xa hoa phục vụ giới thượng lưu, cũng như đáp ứng nhu cầu đi dạo chơi và giao du ngày càng tăng của giới tư sản công nghiệp mới nổi thời đó.
Le Grand-Cerf nằm ngay ở trung tâm khu phố Les Halles, cao 12m và dài 135m,
là con hẻm có mái che cao nhất Paris
“Hẻm có mái che” – một phong cách kiến trúc sáng tạo
Cho tới thế kỷ XIX, Paris vẫn mang kiến trúc thời Trung Cổ. Phố xá nhỏ hẹp, bẩn thỉu, không có vỉa hè cho người đi bộ, nước thải sinh hoạt thường được đổ thẳng ra phố, tất cả những điều đó khiến việc đi bộ trên phố, nhất là đối với các quý bà mặc những chiếc váy có đuôi dài quét đất, không hề đơn giản, đặc biệt trong những ngày mưa.
Chính vì thế, người ta nghĩ tới việc phá dỡ, cải tạo một phần của các tòa nhà đã có sẵn để trổ các con hẻm, thường là hẹp và dài, bố cục cân xứng, có mái che mưa che nắng, bắt ngang từ phố này sang phố kia, để việc đi bộ được an toàn, sạch sẽ. Thêm vào đó, thú vui đi dạo chơi và nhu cầu gặp gỡ, giao du của tầng lớp tư sản công nghiệp mới tăng dần, khiến các con hẻm có mái che được quy hoạch để mang chức năng xã hội: Là nơi mua sắm của những người “có tiền, có của”, vốn coi “bán và mua là mục đích cuộc đời” và là nơi “mua vui” cho những giới nhà giầu.
Bắt đầu từ đây, theo quy hoạch của Paris, dọc các hẻm có mái che là các cửa hàng bán đồ cao cấp, xa xỉ, cửa hiệu thời trang, quán cà phê, nhà hàng, phòng đọc sách, thậm chí là cả nhà hát… đủ để các nhà tư sản, quý tộc thư giãn trong cả một ngày trời. Trong cuốn sách chỉ dẫn về Paris bằng hình ảnh minh họa “Guide illustré de Paris”, xuất bản năm 1852 dưới thời hoàng đế Napoléon III, các con hẻm có mái che ở Paris được ví như “một thành phố, một thế giới thu nhỏ, nơi các khách hàng quen thuộc có thể tìm thấy mọi thứ họ cần.”
Ở thời kỳ đầu, mái che của các con hẻm làm bằng khung gỗ, trần và tường bên trong lát thạch cao. Sau này, khi công nghiệp phát triển hơn, mái che của các hẻm Le Grand-Cerf, Jouffroy và Verdeau mới được làm bằng kim loại. Người ta trổ vài ô trên mái hẻm để lấy ánh sáng. Bước ngoặt trong kiến trúc của các con hẻm có mái che là vào năm 1808, hẻm Delorme, nối từ phố Rivoli sang phố Saint-Honoré, được lợp kính. Đây là con hẻm có mái che bằng kính đầu tiên tại Paris.
Mái che kính của hẻm Vivienne, Paris
Sau này, người ta thắp đèn trong các con hẻm, để tăng thêm ánh sáng. Đã có thời các hẻm có mái che trở thành nơi công cộng duy nhất ở Paris có đèn chiếu sáng. Các con hẻm thường có nền lát đá hoa theo kiểu ô bàn cờ. Vivienne là con hẻm đặc biệt có nền lát theo kiểu một bức tranh ghép từ những mảnh gốm nhỏ (mosaïque).
Cho tới nửa đầu thế kỷ XIX, cũng giống như nhiều công trình khác ở Paris, các con hẻm do tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác thu lời. Để thu nhiều lợi nhuận hơn, các nhà đầu tư thường tạo các hẻm có độ cao của hai tầng nhà, tầng dưới thường dành làm cửa hàng, cửa hiệu, còn tầng trên là nhà ở dành cho chủ các cửa hàng.
Cũng để thu hút được nhiều khách hàng, các nhà đầu tư thường chọn xây các con hẻm mới ở những khu vực sầm uất, nhiều công trình văn hóa, giải trí như gần nhà hát opéra, và sau này quanh các ga tàu lửa : hẻm Feydeau gần nhà hát Feydeau, hẻm Opéra (1822-1823) và Laffitte (1824) gần nhà hát Opéra Le Peletier, hẻm Cherbourg (1838-1839) và Havre (1845) gần ga tầu lửa Saint-Lazare.
Sau này, nhiều hẻm có mái che được kết nối với nhau thành hệ thống, chẳng hạn hẻm Ponceau (1826) được nối sang con hẻm Caire (1789), hẻm Grand-Cerf (1825-1835) kết nối với hẻm Bourg-Abbé (1827-1828), tiêu biểu nhất là sự kết nối của ba con hẻm Jouffroy, Verdeau và Paronama. Đi hết con hẻm có mái che này, ra tới phố lớn, người ta lại bắt gặp một con hẻm có mái che khác trải dài trước mắt.
Thời lụi tàn của các con hẻm có mái che
Sau 60 năm phát triển, tới nửa sau thế kỷ XIX, đặc biệt với quy hoạch đô thị mới của nam tước Haussman trong khoảng 17 năm, kể từ năm 1853, bộ mặt của Paris đã thay đổi hoàn toàn với nhiều đại lộ mới dài rộng, thông thoáng, có vỉa hè, có hệ thống cống thoát nước ngầm khiến đường phố trở nên sạch sẽ hơn… Công cuộc hiện đại hóa Paris của nam tước Haussmann khiến suy nghĩ của người dân Paris về các con hẻm có mái che cũng dần thay đổi theo.
Từ một không gian sạch đẹp, sáng sủa so với các con phố cũ kỹ, bẩn thỉu của Paris, hẻm có mái che lại trở thành không gian tù túng, chật chội, tối tăm, thậm chí là bẩn thỉu so với các đại lộ mới rộng thênh thang. Các con hẻm không còn là nơi dạo chơi lý tưởng, mà chỉ còn là lối đi tắt từ phố này sang phố kia. Các cửa hàng rộng rãi trên các đại lộ mới cũng khiến các con hẻm không còn là nơi mua sắm lý tưởng.
Nhiều người dân Paris bắt đầu “quay lưng”, bỏ rơi các con hẻm có mái che một thời họ từng khiến họ say đắm. Vào cuối thế kỷ XIX, các hẻm không mang lại nhiều lợi nhuận bị chủ đầu tư phá bỏ. Thêm vào đó, quy hoạch của nam tước Haussmann cũng khiến nhiều tòa nhà, nhiều khu phố cũ bị giải tỏa lấy mặt bằng cho các công trình mới. Chỉ còn rất ít hẻm có mái che được giữ lại.
Mái che kính khiến hẻm Le Grand-Cerf lúc nào cũng chan hòa ánh sáng
Sự hồi sinh của các con hẻm có mái che
Trong số khoảng 60 hẻm có mái che được xây dựng từ nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX, hiện giờ chỉ còn 17 hẻm còn giữ nguyên chức năng như ban đầu, tất cả đều nằm ở tả ngạn sông Seine : hẻm Vivienne, Le Grand-Cerf, Panorama, Caire…
Ý thức được rằng các con hẻm có mái che có ý nghĩa quan trọng về quy hoạch đô thị, thương mại và kiến trúc, năm 1999, hiệp hội “Các con hẻm có mái che” ra đời nhằm bảo vệ, giới thiệu và làm tăng giá trị của các không gian này. Thành phố Paris cũng phối hợp với nhiều hướng dẫn viên du lịch để đưa du khách tới những nơi độc đáo này, với hy vọng hồi sinh các không gian một thời thu hút biết bao người dân Paris.
Nằm ngay ở trung tâm khu phố Les Halles, cao 12m và dài 135m, Le Grand-Cerf là con hẻm có mái che cao nhất ở Paris. Một họa sĩ cao tuổi ngồi vẽ tranh dọc galery Le Grand-Cerf chia sẻ : “Tôi thích mái che bằng kính, ánh sáng và sự phản chiếu, ánh phản chiếu trong quầy hàng bằng kính. Hãy nhìn ánh phản chiếu, có thể thấy ở khắp mọi nơi, thật tuyệt vời, vào cả buổi sáng cũng như buổi tối.”
Một cửa hàng bán đồ trang trí nội thất xinh xắn trong hẻm Le Grand-Cerf
Bên cạnh các cửa hàng, cửa hiệu nối nhau dọc hẻm, Le Grand-Cerf cũng là nơi sinh sống của nhiều chủ cửa hàng. Họ duy trì quan hệ gần gũi, thân mật như người dân ở các làng quê. Một không khí hiếm thấy ở “chốn phồn hoa đô thị” như Paris ! Chủ một của hàng bán đồ trang trí nội thất giải thích : “Ở nơi này, tất cả chúng tôi biết nhau và hòa hợp với nhau, nhưng quan trọng nhất là vì nơi này tuyệt đẹp”. Chủ một cửa hiệu khác thì nói rằng : “Nơi đây rất đẹp, rất kín đáo, dễ chịu và cũng rất sáng sủa”.
Quả thật, người dân sống ở đây, ngay tại khu phố trung tâm của Paris nhưng lại tránh xa được những ồn ào tấp nập của thành phố vốn đông dân và nườm nượp du khách cả ngày lẫn đêm. Một phụ nữ chia sẻ : “Đây là một nơi nằm ngay trung tâm thành phố nhưng lại rất tách biệt. Mọi người đều biết nhau. Ở đây không đông người sống. Chúng tôi có cửa sổ nhìn ra sân. Đứng bên cửa sổ, chúng tôi có thể chào nhau. Điều này thật đặc biệt. Tôi rất thích.”
Một điều đặc biệt khác là Le Grand-Cerf không phải là nơi công cộng. Ban ngày, galery mở cửa cho tất cả mọi người, nhưng khi chiều xuống, cánh cổng ở hai đầu hẻm được khóa lại, Le Grand-Cerf trở thành một nơi khép kín, chỉ dành cho những hộ gia đình sinh sống ở đây.
Cho dù hẻm Le Grand-Cerf không được trang trí rực rỡ, bắt mắt như nhiều galery khác, các cửa hàng, cửa hiệu cũng không sang trọng bằng, đa phần là hàng xén, cửa hàng bán đồ trang sức và đồ gỗ, nhưng ở Le Grand-Cerf lại có rất nhiều thợ thủ công, nghệ nhân. Ông Ivan Lulli là nghệ nhân chuyên về nội thất bằng gỗ, chủ xưởng A.Lulli et fils (A.Lulli và con trai). Ông thừa hưởng cửa hàng từ cha. Cửa hàng của cha ông có từ năm 1965. Ông tâm sự :
“Tôi biết xưởng được 53 năm nay. Cha tôi mở cửa hàng từ những năm 1960. Tôi lớn lên ở đây. Tôi sống ở đây. Nơi đây là một phần cuộc sống của tôi. Nếu quý vị có cho tôi 100m2, 200m2 ở bên kia phố, tôi cũng chả thiết. Cuộc sống của tôi không phải ở đó. Mọi câu chuyện của tôi diễn ra ở đây. Cuộc sống của tôi đã “ăn sâu bám rễ” ở đây. Tôi có một cậu con trai. Cháu nhìn thấy tôi làm việc. Thi thoảng, cháu chơi đùa dọc con hẻm này. Cháu có bạn thân trong khu này. Nhưng tôi không biết cháu có muốn theo nghiệp của tôi không. Vì thực ra phải hơn gàn gàn, dở dở một chút cơ. Mà tôi thì không muốn ép cháu sống một cuộc sống như tôi.”
Một cửa hàng bán đồ trang trí nội thất xinh xắn trong hẻm Le Grand-Cerf
Với nhiều người như ông Ivan Lulli, hẻm Le Grand-Cerf không chỉ là nơi buôn bán kiếm sống mà còn là nơi họ gắn bó cả tuổi thơ, tuổi thanh xuân và có lẽ là cả những tháng ngày an nhàn tuổi già. Cùng với thời gian, Paris đã có nhiều đổi thay, nhưng những con hẻm có mái che như Le Grand-Cerf, kín đáo, khiêm nhường, giản dị, vẫn mang trong lòng biết bao câu chuyện về lịch sử và người dân Paris.
Theo RFI