Đọc báo dùm bạnLướt web

Phương tiện di chuyển của người Việt xưa | Phần 2

Sau biến cố 30/4/1975 xe lam vẫn tiếp tục tồn tại trong khi taxi phải mất nhiều năm mới khôi phục vào thời kỳ Đổi Mới với những chiếc taxi sơn màu vàng mang thương hiệu Vinataxi, một liên doanh với Hồng Kông. Xe lam trong thời kỳ này được dùng làm phương tiện đi lại phổ biến, rẻ tiền và dĩ nhiên vẫn giữ được “thời vàng son” của nó.

Lúc đó, chỉ riêng thị xã Biên Hòa, có 6 hợp tác xã xe lam với khoảng 1.000 đầu xe đăng ký chở khách chính thức, với hàng triệu lượt khách mỗi năm. Cũng vì thế mà có thời Biên Hòa được ví như là “thủ phủ xe lam”. Sau này, những chiếc xe lam đã “có tuổi” nhưng vẫn được đem ra miền Bắc để giải bài toán giao thông ngày càng phức tạp tại các đô thị lớn.

image013Xe Lam đậu cạnh “người anh em” Lambretta sau năm 1975

Xe lam là loại xe có một cabin phía trước dành cho tài xế và một thùng xe có thể chở hành khách và hàng hóa. Khách ngồi trên băng ghế dài, dọc theo hai bên thùng xe với sức chứa trên 10 người, đó là chưa kể trường hợp đặc biệt, 2 người khách nữa có thể ngồi 2 bên tài xế trong khoang lái!

Động cơ xe nằm ngay dưới yên dành cho tài xế. Khi xe chết máy, bác tài phải nhảy xuống đường, giở yên xe lên, chùi lại bu-gi, dùng một sợi dây thừng kéo cho máy nổ hoặc dùng bàn đạp khởi động lại máy xe.

Gặp khi đông khách, bác tài cũng sẵn sàng ngồi thu gọn lại ngay giữa yên để có thêm chỗ cho hai khách ngồi ké vào hai bên. Chuyện kể một chuyến xe đang chạy ngon trớn bỗng động cơ xe ngừng hoạt động. Bác tài nói với 2 bà ngồi hai bên: “Hai bà làm ơn xuống xe cho tôi đạp máy”.

Vốn là người miền Nam nên bác tài phát âm “đạp máy” nghe như “đạp mái” khiến một bà lên tiếng: “Cái ông này ‘dê đạo lộ’. Xe chết máy không lo sửa mà lại còn đòi… đạp mái. Vô duyên!”

image014Chuyến xe… bão táp

Bên trong xe lam là cả một kho truyện tình cảm “lâm li bi đát” nhưng cũng có khi là những chuyện “trời ơi đất hỡi” đáng ghi nhớ. Những chuyến xe đông người có thể trà trộn khách thuộc loại có “bàn tay nhám” hay “diệu thủ thơ sinh” chuyên nghề móc túi. Lại còn có những “bóng hồng” hành nghề “bỏ bùa mê” để trộm cắp tài sản của khách trên xe.

Hành khách ngồi “chen vai thích cánh” trên xe cũng dễ nảy sinh tình cảm bất ngờ nhưng lại cũng dễ xảy ra.. tai họa. Có trường hợp chàng trai bị cô gái “hớp hồn” trên xe lam nhưng khi xuống xe cái bóp đã… “không cánh mà bay”.

Cũng có thể là một chuyện tình lãng mạn của đôi trai gái đi chung một chuyến xe lam như nhà thơ Trần Thanh kể lại trong bài Trên chuyến xe lam:

“Tôi vẫn nhớ mùa thu năm ấy
Tôi quen nàng trên chuyến xe lam
Nàng nhìn tôi đôi mắt mơ màng
Tôi bẽn lẽn nhìn sang không nói…

“Ông vua nhạc sến” Vinh Sử có bài Chuyến xe lam chiều (*) với những ca từ rất bình dân kể lại một mối tình của đôi trai gái quen nhau trên một chuyến xe lam. Mối tình sau này tan vỡ không phải vì nàng bỏ đi lấy chồng mà là chàng “tham phú phụ bần” lấy con gái nhà giàu:

“Trên chuyến xe lam đông người chiều nao
Xui mình không quen mà ngồi bên nhau
Trời mang nhiều trớ trêu chi
Người chưa hề biết quen gì
Sao ngồi gần như tình nhân si…
….
Ngờ đâu yêu đương như đám lục bình
Trôi theo con nước vô tình
Anh lấy vợ người ta giàu có
Tình em như cát dã tràng biển đông
Em muốn tìm chồng cho xong
Nhưng ngại thêm gặp kẻ bạc lòng…

image015Xe lam chở nữ sinh

Một thời đã qua kéo theo nhiều kỷ niệm từ các phương tiện di chuyển công cộng tại Sài Gòn xưa. Loạt bài viết này chỉ mới ghi lại một phần nhỏ trong những sinh hoạt hàng ngày khi đi lại. Có lẽ những thế hệ trẻ ngày nay không ngờ lớp cha, ông đã trải qua nhiều thời kỳ lý thú đến như vậy. Biết đâu chừng con cháu lại thấy cha ông mình sao… khổ quá!

Từ internet

Trang trước 1 2

Bài liên quan

Back to top button