Café đenQuán ven đường

10 năm tháng đã khắc ghi Thánh Cả Giuse trong trái tim các tín hữu

James & Joseph Lập chuyển ngữ

Lòng sùng kính Thánh Cả Giuse được các tín hữu yêu mến chỉ tương đối gần đây thôi. Dưới đây là 10 sự kiện chính chắc chắn đã khắc ghi vị thánh được cầu nguyện nhiều nhất này sau Đức Trinh Nữ Maria trong trái tim các tín hữu.

Nhìn vào lịch sử Giáo hội, không khó để nhận thấy lòng sùng kính Thánh Cả Giuse có lịch sử khác thường. Trong nhiều thế kỷ, phu quân của Đức Trinh Nữ Maria không phải là một trong những người được khẩn cầu quan trọng nhất.

Tất nhiên, các nhà thần học không phải không biết về Ngài. Các phẩm chất và đức tính của Ngài được nhấn mạnh trong các bài bình luận về Kinh thánh. Tuy nhiên, phải đến thế kỷ XV mới có tài liệu thực sự dành cho Ngài và nhất là việc sùng kính Ngài mới được phát triển. Làm thế nào để giải thích sự chậm trễ này? Đối với Tu sĩ Dòng Tên Phaolô đệ Barry, một trong những người đầu tiên cổ võ lòng sùng kính Thánh Cả Giuse thế kỷ XVII nói: “Trong suốt 16 thế kỷ qua Chúa muốn để tất cả lòng sung kính của các tôi tớ Người dành cho các thánh khác nhau trôi qua. Tất cả những vinh dự này chúng ta đã kính dâng riêng cho các ngài. Họ chạy đến các ngài bằng nhiều cách khác nhau để giải thoát nhiều tệ nạn, và để chứng thực tất cả những ước ao thánh đức. Nhưng tất cả những điều này là để hình thành cho chúng ta lòng sùng kính dành cho vị Thánh vĩ đại này (Thánh Cả Giuse*). Nó chỉ bùng phát trong thời đại chúng ta đang sống.”

Trong 10 năm tháng quan trọng này, đây là niên đại của việc sùng kính Thánh Cả Giuse, vị Thánh được cầu nguyện nhiều nhất ngày nay sau Đức Trinh Nữ Maria:

1. Năm 1030
Chính tại Tu viện Bênêđictô ở Winchester, người ta cho rằng lễ Thánh Cả Giuse đã được cử hành lần đầu tiên.

2. Năm 1476
ĐGH Sixtô IV (1471-1484) ban hành lễ Thánh Cả Giuse vào ngày 19-3 trong sách kinh nguyện và sách lễ Rôma. Theo yêu cầu của các Tu sĩ Dòng Tiểu đệ, ngài đã chấp thuận một thánh lễ theo nghi thức đơn giản cho Thánh Giuse.

3. Ngày 8-5-1621
ĐGH Grêgôriô XV (1621-1623) mở rộng lễ kính Thánh Cả Giuse cho toàn thế giới bằng cách đưa lễ này vào lịch Giáo hội. Ngày 19-3 sau đó trở thành ngày lễ nghỉ. Tuy nhiên, quyết định này của ĐGH cần có sự chấp thuận của các hoàng tử các vương quốc. Điều này cần thiết để có hiệu lực pháp lý ở mỗi vương quốc.

4. Ngày 12-3-1661
Ở Pháp, 3 ngày sau khi lên nắm quyền, Vua Louis XIV (1638-1715) quyết định tổ chức trọng thể việc tôn kính Thánh Giuse bằng cách biến thành ngày lễ nghỉ trên toàn vương quốc Pháp. Gần một năm trước đó, tại Cotignac, ngày 7-6-1660, Thánh Cả Giuse đã hiện ra cho người chăn cừu trẻ Gaspard Ricard d´Estienne. Nếu hàng chục lần hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria đã được loan truyền trên khắp thế giới, thì những lần hiện ra của Thánh Cả Giuse không nhiều lắm. Lần hiện ra ở Cotignac là một trong 4 sự kiện được Giáo hội công nhận và chứng thực.

5. Ngày 8-12-1870
ĐGH Piô IX (1846-1878) công bố Thánh Cả Giuse là Đấng bảo trợ Giáo hội Hoàn vũ với sắc lệnh “Cũng như Chúa” và ngài nâng ngày lễ 19-3 lên thành nghi thức kép hạng nhất (tức lễ trọng sau 1962*) bằng sắc lệnh Urbi et orbi (cho toàn TP Rôma và thế giới).

6. Ngày 25-7-1920
ĐGH Bênêđíctô XV (1914-1922) tuyên bố Thánh Cả Giuse là bổn mạng những người hấp hối và khuyến khích các gia đình lấy Thánh Gia làm mẫu gương. Trong bài viết Quyết định riêng “Khóa học tốt” của mình, ngài cổ vũ việc tôn kính Thánh Cả Giuse.

7. Ngày 13-11-1962
ĐGH Gioan XXIII (1958-1963) đưa tên Thánh Cả Giuse vào Thánh lễ Rôma (KNTT-I*). Văn bản có hiệu lực ngày 8-12-1962. Trước đó, ngài đã đặt hội đồng vừa triệu tập dưới sự bảo trợ của Thánh Cả Giuse.

8. Ngày 15-8-1989
100 năm sau thông điệp của ĐGH Lêô XIII (1878-1903) “Bao nhiêu lần” về sự bảo trợ của Thánh Cả Giuse, ĐGH Gioan Phaolô II (1978-2005) đã ra thông tư “Người giám hộ Chúa Cứu Thế” dành riêng cho sứ mệnh của người cha trần thế Chúa Giêsu. Ngài mời gọi canh tân việc tôn kính vị Thánh Cả này.

9. Ngày 19-6-2013
Để đáp lại mong muốn của người tiền nhiệm là ĐGH Benedictô XVI (2005-2013), ĐGH Phanxicô (2013-__) đã đem Thánh Cả Giuse vào các Kinh Nguyện Thánh Thể theo ấn bản điển hình sách lễ Rôma (KNTT-I*). Từ nay Thánh Cả Giuse sẽ được cầu khẩn trong mỗi thánh lễ (KNTT II, III & IV).

10. Ngày 8-12-2020
ĐGH Phanxicô (2013-__) công bố tông thư Tấm Lòng Hiền Phụ, tuyên bố năm 20211 là năm Thánh Giuse: khai mạc ngày 08.12.2020 và bế mạc ngày 08.12.2021.

James & Joseph Lập
23.09.2021
_________

* Lại chuyện khó tin nhưng có thật 100% cần biết: Việt Nam mang nặng ân tình với Thánh Cả Giuse đã 4 thế kỷ qua.

  1. Cũng chuyện Cố Đắc Lộ do chính ngài tự thuật: Sau 3 năm (1624-1627) học tiếng Việt và truyền giáo ở Đàng Trong (Nam), Cố được gởi ra Đàng Ngoài (Bắc) tiếp sức. Lên thuyền 12.03.1627 từ Macau, nửa đường bị bão gần chìm. Nhưng sáng 19.03.1627 được sóng êm gió lặng nên cặp vào cửa Bạng Thanh Hóa yên bình. Lên liền, Cố dâng Thánh lễ tạ ơn Thánh Giuse và gọi đây là ‘cửa khẩu Thánh Giuse.’
  2. Ngày 17.08.1678, chấp thuận lời thỉnh nguyện của các GM de la Motte (Đàng Trong, Nam), GM Pallu (Đàng Ngoài, Bắc) và GM Cotolendi (Nam Kinh, TQ), ĐGH Innôcentê XI (1676-1689) ban hành Tông Hiến Sacrosancti Apostolatus (Thánh vụ Tông đồ) đề tôn nhận Thánh Giuse là Quan thầy các GP truyền giáo Trung Hoa, GP Đàng Trong & GP Đàng Ngoài của Việt Nam, Lào, Đại Hàn, Hung Nô.
  3. Những giáo phận nhận Thánh Giuse làm bổn mạng:
    TGP Hà Nội, GP Xuân Lộc, GP Đà Lạt, GP Thanh Hóa, GP Qui Nhơn, GP Ban Mê Thuột.
  4. Những hội dòng, nhà thờ, ĐCV mang tên Thánh Giuse hoặc nhận Ngài làm bổn mạng.
    3 ĐCV lớn Việt Nam mang tên Thánh Giuse: ĐCV Thánh Giuse Hà Nội, ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, ĐCV Thánh Giuse Xuân Lộc.
    Dòng Mến Thánh Giá: Năm 1670 ĐC Lambert sáng lập & chọn Thánh Giuse làm Bổn mạng
    Dòng Thánh Giuse: thầy P. Xavie Kim là bạn cùng lớp ở GHHV, sau làm LM và bề trên dòng
    Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse Hà Nội.
    Các giáo phận đều có nhà thờ Thánh Giuse.
    Nhiều nhà thờ có tượng Thánh Giuse.
  5. Các Kitô hữu:
    • Thánh Giuse là Quan thầy Rửa tội nhiều người.

    • Thánh Giuse cũng là Quan thầy Thêm sức nhiều người (có tôi). Trong năm thánh này, Ngài đã truyền cảm hứng để tôi chuyển ngữ nhiều bài và cũng chính Ngài gây cảm hứng cho anh em đọc để hiểu biết và yêu mến Ngài hơn.

Tham khảo phần song ngữ

Download File PDF tại đây

James & Joseph Lập chuyển ngữ

Bài liên quan

Back to top button