Café đenQuán ven đường

Bánh mì sáng | 20.01.2024 | Thánh Fabianô, Giáo hoàng và Thánh Sebastianô

Tử đạo

Thánh Fabian (c.250) | Giáo hoàng tử đạo

Fabian là một giáo dân bình thường ở Rôma từ quê lên tỉnh vào một ngày khi giáo sĩ và dân chúng chuẩn bị chọn vị tân giáo hoàng. Có lẽ ngài đến Rôma cũng giống như nhiều người ngày nay đến Rôma trong thời gian tuyển chọn giáo hoàng: Lo lắng cho tương lai của đạo, tò mò muốn biết vị tân giáo hoàng, hoặc tỏ lòng luyến tiếc vị giáo hoàng vừa quá cố. Hơn nữa, được nhìn thấy tất cả các vị chức sắc trong Giáo Hội cùng quy tụ lại để có một quyết định quan trọng cũng là điều thích thú. Ai sẽ là tân giáo hoàng? Ðó là người nhiều quyền thế? Là người có tài hùng biện? Là người dũng cảm?

Theo sử gia Eusebius của Giáo Hội, bỗng dưng có một con chim bồ câu từ trần nhà bay xuống, nhưng không đậu trên “bất cứ ai nổi tiếng”. Theo Eusebius, bồ câu “đậu trên đầu Fabian giống hệt như Chúa Thánh Thần ngự trên Ðấng Cứu Thế dưới hình chim bồ câu.” Ðiều đó phải có một ý nghĩa gì liên quan đến sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, và mọi người đồng thanh tuyên bố Fabian “xứng đáng” là giáo hoàng.

Ðối với chúng ta, bồ câu tượng trưng cho sự hòa bình, và chim bồ câu ấy là điềm báo trước. Bắt đầu từ gần ngày Fabian được tuyển chọn, việc bách hại và đau khổ của Giáo Hội cũng chấm dứt. Hoàng đế Philip, thân thiện với Kitô hữu và không những ông ngừng bách hại mà còn chấp nhận các nghi lễ của Kitô giáo.

Trong thời gian hòa bình, Ðức Fabian đã có thể xây dựng cơ cấu Giáo Hội Rôma, ngài chỉ định 7 phó tế và giúp thu thập các chứng thư tử đạo.

Nhưng như ở bất cứ thời gian nào, những người có quyền thường không vui khi thấy các kẻ lạ mặt gia tăng và phát đạt. Có nhiều lần người ngoại giáo đã tấn công Kitô hữu, và khi hoàng đế Philip từ trần thì thời gian bình an cũng chấm dứt. Hoàng đế mới là Decius, ra lệnh cho mọi Kitô hữu phải khước từ Ðức Kitô bằng cách thờ cúng tà thần, hoặc tham dự các nghi thức ngoại giáo khác.

Sau một vài năm bình an, Giáo Hội vẫn chưa đủ mạnh. Nhiều người đã không đủ can đảm để tử đạo. Nhưng Ðức Fabian, một biểu tượng hoà bình nổi bật, đã đứng lên để can đảm làm gương cho mọi người trong đàn chiên. Ngài chịu tử đạo năm 250 và được chôn cất trong Nghĩa Trang Calixtus, là nơi chính ngài giúp tân trang.

Trong nghĩa trang Calixtus, ngày nay vẫn còn có một bia đá dùng để đậy mồ Thánh Fabian, bị vỡ làm bốn mảnh, có mang dòng chữ Hy Lạp, “Fabian, giám mục, tử đạo.”

https://hddmvn.net/19-thang-gieng-thanh-fabian-250/

Thánh Sebastian (256–287) | Người lính tử đạo

Về phương diện lịch sử, không có gì chắc chắn về Thánh Sebastian, ngoại trừ ngài là một vị tử đạo Rôma, được sùng kính ở Milan ngay trong thời của Thánh Ambrôsiô và được chôn cất ở Appian Way, có lẽ gần Ðền Thánh Sebastian ngày nay. Việc sùng kính ngài lan rộng nhanh chóng, và ngài được nhắc đến trong vài sổ tử đạo ngay từ năm 350.

Truyền thuyết về Thánh Sebastian góp phần quan trọng cho nghệ thuật, có rất nhiều tranh ảnh về thánh nhân. Chỉ có một truyền thuyết mà các học giả ngày nay đồng ý là việc thánh nhân gia nhập quân đội La Mã và được hoàng đế Diocletian giao cho việc chỉ huy đội vệ binh, sau này khi Diocletian đi sang miền Ðông thì hoàng đế Maximian kế vị cũng giao công việc này cho thánh nhân. Không một hoàng đế nào biết Thánh Sebastian là một Kitô hữu và ngài đã bí mật giúp đỡ các vị tử đạo. Sau cùng, ngài bị bắt gặp, bị đánh đập trước mặt hoàng đế Maximian và được giao cho các cung thủ của Mauritanian để hành hình. Thân thể ngài ghim đầy những mũi tên và bị bỏ mặc cho chết dần mòn. Nhưng khi bà quả phụ Castulus đến tìm xác ngài để đem chôn thì thấy ngài còn sống và bà đã săn sóc, giúp ngài bình phục. Sau khi khoẻ mạnh, thay vì hèn nhát trốn tránh, ngài đã đứng chờ ở chỗ hoàng đế hay đi qua và lớn tiếng lăng mạ ông vì sự tàn nhẫn đối với Kitô hữu. Lần này thánh nhân bị kết án tử hình, và bị đánh đập bằng gậy cho đến chết.

https://hddmvn.net/20-thang-gieng-thanh-sebastian-256-287/

Mời nghe các bài đọc trong thánh lễ hôm nay:
(Martha đọc)
Nghe hoặc Download Bài đọc MP3 Tại đây
Bài đọc: 2 Sm 1,1-4,11-12.19.23-27
Các anh hùng đã ngã gục giữa lúc giao tranh!

Khởi đầu sách Samuel quyển thứ hai.
Hôm đó, ông Đa-vít đánh thắng người A-ma-lếch trở về, và ở lại Xích-lắc hai ngày. Sang ngày thứ ba, có một người từ trại, từ bên vua Sa-un đến, áo quần xé rách, đầu thì rắc đất. Khi đến gần ông Đa-vít, anh ta sấp mình xuống đất và sụp lạy. Ông Đa-vít hỏi anh: “Anh từ đâu đến?” Anh trả lời ông: “Tôi đã chạy thoát từ trại Ít-ra-en.” Ông Đa-vít nói với anh: “Chuyện gì đã xảy ra? Kể lại cho tôi đi!” Anh nói: “Dân đã bỏ chiến trường mà chạy trốn; nhiều người trong dân tử trận, cả vua Sa-un và con vua là ông Giô-na-than cũng đã chết.” Ông Đa-vít nắm lấy áo mình mà xé ra, tất cả những người ở với ông cũng vậy. Họ cử hành tang lễ, khóc lóc và ăn chay cho đến chiều để tỏ lòng thương tiếc vua Sa-un và ông Giô-na-than, con vua, thương tiếc dân Đức Chúa và nhà Ít-ra-en, vì những người này đã ngã gục dưới lưỡi gươm. Bấy giờ ông Đa-vít nói: Hỡi Ít-ra-en, trên các đồi của ngươi, những người con ưu tú đã bỏ mình. Than ôi! Anh hùng nay ngã gục! Sa-un và Giô-na-than, ôi những con người dễ thương, dễ mến, sống chẳng xa nhau, chết cũng chẳng rời, nhanh hơn chim bằng, mạnh hơn sư tử! Thiếu nữ Ít-ra-en hỡi, hãy khóc Sa-un, người đã mặc cho các cô vải điều lộng lẫy, đính trên áo các cô đồ trang sức bằng vàng. Than ôi! Các anh hùng đã ngã gục giữa lúc giao tranh! Trên các đồi của ngươi, Giô-na-than đã bỏ mình! Giô-na-than, anh hỡi, lòng tôi se lại vì anh! Tôi thương anh biết mấy! Tình anh đối với tôi thật diệu kỳ hơn cả tình nhi nữ. Than ôi! Anh hùng nay ngã gục, vũ khí đã tan tành!” Đó là lời Chúa.

Nghe hoặc Download Bài Tin Mừng MP3 Tại đây

Tin Mừng: Mc 3,20-21
Thân nhân của Người nói rằng Người đã mất trí.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Máccô.
Một hôm, Đức Giê-su cùng với các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí. Đó là lời Chúa.

Les gens de chez lui, l’apprenant, vinrent pour se saisir de lui, car ils affirmaient: «Il a perdu la tête.» (Mc 3,20-21)

 

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button