Quán ven đườngTrà Đá Đường

Bên ly cà phê sáng | Ng. Toàn Đông

Thân tặng hai ông bà Lê Trí Dũng và bạn Phượng Huỳnh.

Gần cuối năm 2019, hai chúng tôi có dịp về thăm quê nhà nhân dịp Mùa Giáng Sinh. Tính ra, xa quê đã gần hai mươi năm nên chúng tôi mong có dịp nhìn lại không khí nhộn nhịp mùa lễ xứ mình. Bây giờ, mỗi lần có dịp trở về đều thấy những thay đổi mới lạ, lớn lao. Thi thoảng, thấy một cảnh cũ còn sót lại thì cảm thấy nhớ ngày xưa quá…  

Sáng hôm đầu tiên, tôi gặp lại các bạn mà không cho hay trước rỏ ràng. Có vẻ nhờ chút bất ngờ mà chúng tôi lại vui hơn. Thêm nữa, tôi không quên những ký ức vẫn còn lắng đọng. Đó là những ngày tới lui chơi với hai ông bà bạn cũ này hồi hai năm trước. Và dịp đó, tôi có thêm một người bạn mới. Hy hữu với bạn này là hay nhìn nhìn và cười cười chứ không nhiều lời. Sáng nay, bốn người chúng tôi lại gặp nhau.

Quán King Coffee là khoảng sân ngoài trời ngay trước cửa khách sạn Saigon Tourist. Trước mặt là con đường nhộn nhịp người người đi lại, dọc theo công viên Sông Tiền. Khách ngồi với nhau sẽ có tầm nhìn thoáng đãng về phía mặt sông Cổ Chiên. Phong cảnh đầy nắng buổi sáng đem lại không khí dễ chịu, nhẹ nhàng.

Hồi hai năm trước…

Đầu năm 2018 là mốc thời gian đặc biệt cho tôi: Nghỉ hưu. Được thư thả, tôi muốn đi chơi đâu đó một chuyến. Và tôi quyết định trở về Vĩnh Long mong gặp lại bạn bè.  

May mắn là tôi đã được một kỳ nghỉ vui. Mỗi ngày qua đi đã để lại nhiều kỷ niệm đậm đà. Có thời gian tụ họp với các bạn thân thiết. Nay đầu làng, mai cuối xóm. Vui được gặp lại nhau. Lưu luyến nhắc đủ thứ chuyện. Và cả nhìn nhau mà lòng… đượm buồn vì hầu như ai cũng mất đi dáng vẻ trẻ trung một thời.

Năm đó, cũng là lần đầu tiên từ khi định cư ở Mỹ, tôi mới có được một buổi sáng hẹn trước để tới thăm hai ông bà. Không ngờ lại là ngày vui khó quên. Ăn cơm với nhau. Kể lại những chuyện từ nhiều chục năm trước.

Những năm đầu thập niên 80 hồi xưa là thời kỳ khó khăn nhất mà thế hệ chúng tôi phải đương đầu. Mãi đến bây giờ, khi nhắc lại thời “ăn bo bo” thì ai đã trải qua đều ngán ngẩm. Thời đó, người ta hay nhái lời trong một bài hát: “Vui sao! Nước mắt lại trào!”

Giữa lúc đó, hai gia đình non trẻ chúng tôi cùng sống chung một nhà, một ngôi nhà cũ kỹ, thiếu thốn đủ thứ. Đó là ngôi nhà của gia đình tôi ở đường Lưu văn Liệt bây giờ. Cùng nhau lăn lóc, giật gấu vá vai, những ngày thời xa xưa đó vẫn còn chất chứa biết bao tình tự vui buồn lẩn lộn.

Vài hôm sau, ông bạn lại tới đón tôi đi ăn và uống cà phê lúc 6 giờ sáng ở quán Khởi Nguyên. Hôm đó, tôi đã nói với bạn:”Bảy năm qua, ngày thường trong tuần, tui chưa đi uống cà phê sáng vào giờ này bao giờ. Tôi làm ca đêm nên 6 giờ sáng còn đang ngủ.”

Bên ly cà phê sáng, chúng tôi mới có dịp len lỏi vào những ngóc ngách cuộc đời. Đã gần bốn mươi năm trôi qua, bao nhiêu thuận lợi, khó khăn đều nếm trải từ cái thời gạo châu củi quế kia. Giờ đây, mọi chuyện đã dễ thở hơn thì chúng tôi đã sang tuổi ông nội, ông ngoại hết rồi.

Hơn ba mươi năm trước, không tài nào tưởng tượng được những nẻo đường đời sao lại quá quanh co như vậy. Quả thật không sai, cuộc sống là một câu chuyện mênh mông vô tận.

Có lẽ do ảnh hưởng của người Pháp, nhiều thế hệ trước đây thích viết nhật ký. Những kỷ niệm vui buồn được cẩn thận ghi chép lại. Ngày tiếp theo ngày, dù thật bình thường, cũng được lưu giữ trên những trang giấy để những gì đã xảy ra sẽ không phai nhạt theo thời gian. Những lớp người thời đó đều nằm lòng câu châm ngôn của người Pháp: “Cuộc đời thật đáng sống.” (La vie vaut la peine d’ être vécue.)

Bên Kytô giáo dạy rằng sự sống là một món quà quý Thượng Đế đã ưu ái trao tặng cho con người. Nhưng tức khắc, vấp phải vấn đề hóc búa nhất là cuộc sống lại ba chìm bảy nổi. Đâu đâu cũng đầy bất hạnh.

Bên ngoài tôn giáo, từ cổ chí kim, các bậc thầy trong thiên hạ đã cố gắng giải thích vấn nạn này. Nhưng vị này nói đàng này thì vị khác nói đàng khác. Có khi nghịch nhau. Vậy là nhiều người không thỏa mãn! Điều thú vị là người ta nói đó là sự phong phú của triết lý!!

Ông J.P. Sartre là một triết gia nổi tiếng của Pháp cách đây hơn năm mươi năm. Ông này đã để lại một câu bất hủ: “Địa ngục là tha nhân” (L’Enfer, c’est les autres.). Ông ta nói hồi đó cha mẹ ông sinh ra ông mà đã không hỏi xem ông có chịu sinh ra không? Bởi cuộc đời rất đáng chán. Ông ta gọi cái cảm giác ấy là “buồn nôn” (La Nausée). Ông ta lấy nguyên từ ấy đặt thành tựa cho một quyển sách của ông cũng rất nổi tiếng vì trào lưu Hiện sinh đang thịnh hành đầu thập niên 60 trước đây. Thời kỳ đó, giới sinh viên Việt-nam lúc nào cũng lăm le quyển Buồn Nôn (hoặc một vài tác giả khác) trên tay mới là trí thức thời đại!!

Cách hiểu và giải thích của Kytô giáo đi theo chiều hướng là chìm sâu phía dưới những bất hạnh, người có lòng thành mới tìm thấy những giá trị đích thực. Chẳng hạn, hy sinh không hề toan tính  cho người mình yêu mến là ươm mầm hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là không có đau khổ. Có điều, căn cơ của tôn giáo là thái độ khiêm tốn để lắng nghe trước khi nghĩ ngợi. Tôn giáo không phải là triết lý. Nếu không chịu lắng nghe, cũng sẽ không đi tới đâu…

Chỉ từ kinh nghiệm thông thường, người ta vẫn nói: Thành công dễ dãi là thành công tầm thường. Các bậc trượng phu, sau khi đã trải qua mọi vinh nhục, đều đón nhận cuộc đời của họ một cách trân trọng. Không than trời trách đất. Đó là một dấu hỏi rất lớn. Họ đã làm như vậy để nhắc nhở người đi sau hãy quý trọng cuộc đời của chính mình. Làm sao đó để cuộc sống của mình được hạnh phúc, đáng mơ ước.  

Nhà Phật dạy hãy giữ cái Tâm cho tịnh thì mọi chuyện sẽ xuôi chèo mát mái. Lời khuyên thật đơn giản. Nhưng làm được thì khó vô vàn. Làm sao để xua được qua một bên những phiền toái mỗi ngày để lòng được tĩnh lặng? Nhưng, dù muốn dù không, không có cách nào khác.

Ông Vũ Thư Hiên (người có tác phẩm nổi tiếng “Đêm Giữa Ban Ngày”) viết trong quyển “Miền Thơ Ấu” rằng ông thích nhất câu nói này của Chúa Giêsu: “Các con hãy trở nên như trẻ nhỏ”. Tâm hồn trẻ thơ mới thật sự vô tư. Giữ được cái Tâm cho tịnh, lòng người sẽ được an bình như tâm hồn của trẻ thơ…

Thấm thoát, kỳ nghỉ năm đó cũng sắp hết. Đang sắp xếp mấy ngày cuối cùng, một buổi sáng, hai ông bà bạn lại rủ qua nhà ăn điểm tâm. Sau đó, còn đãi một chầu cà-phê tạm biệt. Qua Cầu Lầu một đoạn đường ngắn phía Phường 4, chúng tôi đến một quán cà phê bên bờ sông Thiềng Đức. Tôi không nhớ tên quán. Vị trí nơi đây yên ắng. Chúng tôi ngồi chơi rất riêng tư. Hai ông bà có mời thêm một người bạn thân cho có ‘tay’. Khi biết tôi đang chuẩn bị trở về gia đình thì bạn nói ngay có con gái mới có chồng về bên đó, ở tiểu bang Michigan. Chuyện một người mẹ trẻ mới có con sống xa nhà sẽ nghĩ gì gợi cho tôi nhiều ký ức thời gian chân ướt chân ráo nơi xứ người. Tôi lại có cơ hội để ‘chém gió’ nhiều chuyện trên trời dưới đất bên tây cũng như bên ta. Hy vọng có thêm lạc quan cho người bạn mới. Qua ánh mắt, nụ cười, những câu chuyện nhẹ nhàng, tôi cảm nhận niềm vui thân thiện giữa chúng tôi. Theo gợi ý, bạn đã thư thả ngồi vào chiếc ghế cạnh bên để chụp một tấm hình, kỷ niệm một dịp bất ngờ nhưng thân thiện. Chỉ là những phút ngắn ngũi, nhưng tôi cảm thấy có tình thân.

Sự tiếp đón và chia tay của các bạn cũ mới đã để lại cho tôi một cảm xúc đặc biệt. Đó là sự ưu ái của các bạn trong mấy tuần qua khi thăm lại nhau. Tôi thấy mình còn nợ các bạn một sự đáp trả mà chưa làm được. Lúc chào ra về, tôi nói cho tôi hẹn hai năm nữa sẽ gặp lại.

Lý do chúng tôi quây quần ở King Coffee lần này là một cuộc tái ngộ thân tình mà tôi còn nợ các bạn như câu chuyện vừa kể.

Trong thế giới nhỏ bé riêng tư, những người bạn chân thành là một gia bảo. Hình ảnh rất buồn của xã hội Mỹ là những ngôi nhà Dưỡng lão. Nơi mà các cụ già lụm cụm ngày đêm chờ có người đến thăm. Chuyện xảy ra thường ngày là cụ nào không ai tới thăm thì có thể ra đi dễ dàng, bất kể ngày tháng. Họ cảm thấy không còn ai nhớ tới mình nữa. Thật vậy, cô đơn là nỗi ám ảnh buồn bã nhất trong đời.

Trên đường trở về đầu năm 2020, tôi mang theo nhiều hình ảnh từ các bạn và từ tất cả các bạn khác. Cũng chỉ là những ngày như mọi ngày, nhưng đậm đà. Cũng chỉ là những câu chuyện dung dị không hoa hòe, nhưng khó quên…

Bách Tùng Cao Nguyên 18.3.2020.
Ng. Toàn Đông.

Bài liên quan

Back to top button