Café To GoQuán ven đường

Du ký Australia 09.2019 [Phần 1] | Sydney

Tuyến Vũ từ Minnesota

SYDNEY

07 giờ 30 sáng thứ Năm 19.9, chiếc Boeing 787 của hãng hàng không American Airline nhẹ nhàng đáp xuống phi trường quốc tế Sydney. Trong những hành khách hôm nay là nhóm 10 anh em chúng tôi từ Minnesota. Sau chặng đường dài 14 giờ từ Los Angeles chúng tôi ai cũng phấn khởi khi được bước ra khỏi máy bay. Sau khi qua cửa hải quan nghiêm ngặt của Úc chúng tôi được cha Thúy và bạn của cha Thúy là anh Hùng đón tại lối ra phi trường. Nói thêm về hải quan Úc, họ kiểm tra rất kỷ lưởng tất cả các loại rau trái, thịt động vật và cây gỗ mang vào Úc. Họ dùng những chú chó tinh khôn để đánh hơi kiểm soát hành lý.

Phi trường Sydney

Sau đó, trên hai chiếc xe, cha Thúy và anh Hùng chở chúng tôi đến tiệm phở An để ăn trưa. Đây là bữa ăn đầu tiên của những người đến từ hơn nửa vòng trái đất. Tiệm phở này khá nổi tiếng ở Sydney tuy nhiên tùy khẩu vị mỗi người mà thang điểm có khác nhau. Trong nhóm chúng tôi có người khen, có người chỉ cho điểm trung bình mà thôi.

Tiệm phở An

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là đường phố Sydney nhỏ hẹp hơn đường phố ở Minnesota, giao thông thì đối nghịch với Hoa Kỳ, các phương tiện giao thông ở Úc đi bên lề trái. Phần kiến trúc thì  cũng khác hoàn toàn với tiểu bang nơi chúng tôi ở. Mái nhà đa số lợp bằng ngói, một số rất ít lợp tôn. Vách nhà làm bằng gạch hoặc xi măng.

Khí hậu cũng trái ngược với Hoa Kỳ. Tháng 9 là mùa thu ở Hoa Kỳ thì ở Úc châu đang là mùa xuân.

Buổi chiều chúng tôi đến khu kinh doanh của người Á châu ở Banks Town, ở đây có rất nhiều tiệm của người Việt Nam, có nhiều loại rau quả, hải sản mà nơi tiểu bang chúng tôi ở không thấy bán. Rời Banks Town chúng tôi đến Cabramatta một khu buôn bán khác của người Á châu, có cả một khu phố tàu gọi là China town. Sau một lúc loanh quanh kiếm chỗ đậu xe nhưng không được, chúng tôi trở về nhà trọ và hẹn thăm viếng Cabramatta vào dịp khác.

Buổi tối chúng tôi dùng cơm tại nhà trọ, cảm ơn sơ Linh và nhất là chị Liễu, phu nhân của anh Hùng đã chuẩn bị bữa cơm tối thật ngon cho chúng tôi.

Cụ Nguyễn Khuyến có viết câu thơ:

Rượu ngon không có bạn hiền.
Không mua không phải không tiền không mua.

Cụ ơi, xin phép Cụ để đổi lại lời thơ là:

Cơm ngon mà có bạn hiền,
Vui sao vui quá vui hoài vui ghê.

Sáng thứ Sáu 20 tháng 9 chúng tôi đi thăm Darling Harbour, Nhà thờ Chánh tòa St. Mary, công viên Hyde gần Nhà thờ Chánh tòa.

Nhà thờ Chánh tòa tọa lạc trên một khoảng đất rộng lại bao quanh bởi các công viên như: Hyde Park một công viên rộng 40 mẫu, Fragrance Garden … nên rất khoáng đãng. Năm 1788 những người đi dân dựng ngôi nhà nguyện nhỏ, đến năm 1835 trở thành Nhà thờ Chánh tòa. Năm 1865 nhà thờ bị hỏa hoạn thiêu rụi, năm 1868 đặt viên đá đầu tiên để xây dựng lại và đến năm 1900 thì chính thức mở cửa. Tuy nhiên nhà thờ chỉ hoàn tất toàn bộ thiết kế của kiến trúc sư William Wardell vào năm 2000.

St. Mary Cathedral (nhà thờ Chánh tòa St. Mary, Tổng Giáo phận Sydney)
St. Mary Cathedral (nhà thờ Chánh tòa St. Mary, Tổng Giáo phận Sydney)

Khu vực Darling Habour rất rộng rãi, sạch đẹp, những lối đi bộ dọc bờ vịnh đẹp mắt, mát mẽ. Những quán ăn uống đủ mọi loại dọc bên đường cho du khách chọn lựa khi muốn dừng chân.

Darling Habour vốn có tên nguyên thủy là Long Cove hay còn gọi là Cockle Bay. Năm 1826 Thống Đốc tiểu bang là tướng Ralph Darling đặt lại tên vùng đất này theo tên ông.

Darling Habour
Darling Habour
Darling Habour
Darling Habour
Darling Habour

Rời Darling Habour, chúng tôi dự định đến thăm Opera House, người VN thường gọi là nhà hát con sò, một nơi không thể thiếu khi thăm viếng Sydney. Tuy nhiên lúc đó có cuộc biểu tình của giới trẻ về biến đổi khí hậu (Youth Climate Strike) trong khu vực nên giao thông bị chặn.

Youth Climate Strike được khởi đầu vào tháng 08.2018 từ một cô gái 15 tuổi người Thụy Điển tên là Greta Thunberg. Cô gái trẻ chỉ đơn độc biểu tình trước toà nhà quốc hội Thụy Điển với tấm bảng mang dòng chử: School Strike for Climate. Thế mà ngày hôm nay 20.09.2019 đã có 4 triệu người đa số là học sinh trên 150 quốc gia đồng loạt nghỉ học để tham dự ngày biểu tình do cô gái ấy khởi xướng.

Thế là chúng tôi thay đổi lộ trình, hướng về xa lộ M4 để đến khu du lịch Three Sister Rocks ở công viên quốc gia Blue Mountain cách Sydney khoảng 100 km về hướng Tây. Trên đường đi, bầu trời mây đen vần vũ, đe dọa giáng xuống những cơn mưa bất chợt. May mắn cho chúng tôi là khi đến nơi thì mây đen đã theo gió bay đi nơi nào đó nhường chỗ cho bầu trời xanh với ánh nắng buổi xế chiều đẹp rực rở.

Three Sister Rocks
Khu du lịch Three Sister Rocks

Từ trên cao nhìn xuống, ba hòn đá đứng chơi vơi bên vách núi, nổi bật trong màu xanh của cây rừng. Màu xanh của cây cối ở đây cũng khác với màu xanh cây cối ở tiểu bang Minnesota của tôi. Ở Minnesota, mùa đông cây rụng hết lá nên mùa xuân cây cối mang một màu xanh sáng của lớp lá mới. Ở Úc, màu xanh của cây cối không sáng, không tươi, thậm chí nhìn hơi già nua mặc dù đang vào mùa xuân.

Chúng tôi dự định khám phá đến chân ba hòn đá, nghe nói vài trăm nấc thang gì đó nhưng chỉ đi một đoạn thì chúng tôi quay trở lên vì mới mưa xong nên các nấc thang vẫn còn ướt át và trơn trượt.

Từ giã Blue Mountain lúc xế chiều, chúng tôi quay về Sydney để trở lại thăm Opera House vào buổi tối, lúc này Opera House mang một vẻ đẹp riêng. Dọc bờ biển những quán rượu, quán ăn vẫn tấp nập khách hàng mặc dù tối nay thời tiết hơi lạnh. Từ phía xa những mái vòm hình vỏ sò sáng long lanh trong màn đêm, thêm vào những ánh đèn từ thành phố xa xa phía bên kia bờ Vịnh như những ánh sao tô điểm trên bầu trời đêm. Đâu đó trên những chiếc bàn, chiếc ghế vắng khách, những chú chim hải âu vẫn còn cần mẫn tìm những mẩu thức ăn rơi rớt từ thực khách.

Opera House
Opera House
Sydney Harbour Bridge

Opera House được thiết kế bởi kiến trúc sư người Đan Mạch Jorn Utzon.

Được khởi công xây dựng từ ngày 01.03.1959 đến năm 1973 mới hoàn thành với phí tổn là 102 triệu thời ấy. Được khánh thành và mở cửa từ ngày 20.10.1973.

Opera House là một trong những công trình xây dựng nổi tiếng và đặc biệt của thế giới trong thế kỷ XX và năm 2007 đã được tổ chức UNESCO bình chọn là di sản văn hóa thế giới.

Sáng hôm sau, một số trong chúng tôi do chị Liễu dẫn đường, đã dùng hệ thống xe điện để đi tham quan thêm một số nơi ở Sydney. Xe điện ở Sydney không đông khách nên rất thoải mái. Chúng tôi trở lại khu vực cảng Sydney để sử dụng ferry một loại phà hành khách đưa đón khách qua lại hai bên bờ vịnh của cảng. Từ trên chiếc phà này có thể nhìn toàn cảnh Opera House, Sydney Habour Bridge… Sáng nay trời nắng đẹp nên có thể nhìn rỏ mọi cảnh đẹp từ xa.

Sydney Harbour Bridge
Opera House

Rời phà chúng tôi lên chiếc cầu quay Pyrmont Bridge đúng dịp cầu đang hoạt động nên có cơ hội quan sát. Sau đó chúng tôi dạo quanh phố, ghé vào Queen Victoria Building, tòa nhà này được xây dựng từ năm 1893 đến năm 1898. Bên trong là những cửa tiệm, cửa hàng bán đủ loại hàng hoá, bên ngoài ngay trước tòa nhà là bức tượng Nữ Hoàng Victoria ngồi oai vệ trên ngai vàng.

Pyrmont Bridge
Pyrmont Bridge
Queen Victoria Building

Chúng tôi đón xe điện trở về điểm hẹn với cha Thúy và anh Hùng để đến phi trường bay đi Melbourne. Cám ơn cha Thúy và anh chị Hùng Liễu đã dành nhiều thời gian và công sức để hướng dẩn chúng tôi thăm thành phố Sydney.

Tạm biệt thành phố biễn xinh đẹp Sydney và chia tay với những người bạn luôn ân cần, vui vẽ. Mong rằng có ngày sẽ được gặp lại các bạn.

Đón xem phần 2: MELBOURNE

Bài liên quan

Back to top button