Café To GoQuán ven đường

Du ký Australia 09.2019 [Phần 2] | Melbourne

Tuyến Vũ từ Minnesota

MELBOURNE

Từ Sydney chúng tôi đáp chuyến bay đi Melbourne, thành phố này cách Sydney hơn 400 miles về hướng tây nam nên máy bay chỉ bay hơn một giờ là đã đến nơi.

Ở đây có ba anh bạn ngày xưa cùng học ở chủng viện Vĩnh Long. Cha Thúy đã liên lạc với các anh và sắp xếp để anh em gặp nhau. Các anh đã tạo cho chúng tôi từ sự ngạc nhiên này tới sự ngạc nhiên khác vì sự hiếu khách của các anh chị.  Từ việc các anh chị thuê xe đón chúng tôi từ phi trường đưa về nhà trọ cho đến việc chuẩn bị sẵn bửa cơm tối thịnh soạn ở nhà trọ để tiếp đãi chúng tôi.

Cựu chúng sinh Vĩnh Long
(Từ trái: Cha Thúy, Anh Thi, Anh Cảnh, Anh Nhậm, Anh Tuyến, Anh Trung)

Ngày hôm sau, các anh thuê một chuyến xe bus 24 chỗ ngồi để đưa chúng tôi đi du ngoạn cả ngày.

Buổi sáng chúng tôi đến nhà anh Nhậm và chị Nhiệm dùng điểm tâm và cà phê sáng. Nhà của anh chị gọn gàng, sạch sẽ. Vườn trước vườn sau được chăm chút rất cẩn thận nhìn thật đẹp.

Thăm tư gia anh Nhậm và chị Nhiệm

Sau đó chúng tôi đến nhà thờ Đức mẹ La Vang của cộng đồng công giáo Việt Nam ở Melbourne. Hôm nay cộng đoàn mừng lễ bỗn mạng của giáo đoàn Hoan Thiện và mở cửa cho mọi người vào xem nhà thờ mới đang trong  quá trình xây dựng.

Nhà thờ mới được xây dựng trên một khuôn viên rất rộng rãi hứa hẹn sẽ là một ngôi thánh đường trang nghiêm lộng lẫy trong tương lai.

Chúng tôi ghé thăm tư gia anh Thi và chị Nhu.

Thăm tư gia anh Cảnh và chị Oanh.

Thăm Nhà thờ Chánh toà St. Patrick của Tổng Giáo phận Melbourne. Nhà thờ được xây dựng năm 1858 và vì thời gian đó vùng này đa số là di dân từ Ireland nên họ lấy tên thánh Patrick là thánh bổn mạng của Ireland để đặt tên cho nhà thờ.

Nhà thờ này đặc biệt vì có hai sự kiện liên quan đến hai vị thánh trong giáo hội Công Giáo.

Năm 1974 Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã trao ban tước hiệu Tiểu Vương Cung Thánh Đường St. Patrick (Minor Basilica of St. Patrik). Năm 1986, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã đến viếng thăm nhà thờ trong chuyến tông du Melbourne. Nhà thờ có ngọn tháp cao 105m, cao nhất trong các tháp nhà thờ ở Úc và cũng là nhà thờ rộng nhất.

Sau đó đi vòng quanh thành phố Melbourne,  dạo chơi trong khu phức hợp Crowne Tower, một toà nhà đồ sộ bao gồm các cửa hàng mua sắm, khách sạn, sòng bài, quán ăn. Toà nhà nằm cạnh bờ sông Yarra có lối đi bộ dọc bờ sông rất đẹp. Thời tiết ở Melbourne rất lạ, trong ngày hôm nay chúng tôi đã trải qua những biến đổi thời tiết bất thường, sáng thì lạnh, trưa thì nóng đến phải cởi áo khoác ra, chiều thì lại lạnh cóng.

Thời tiết thì bất thường như vậy nhưng tình cảm của các anh cựu chúng sinh Vĩnh Long ở Melbourne dành cho chúng tôi thì vẫn nồng nàn thắm thiết dù đã hơn 40 năm mới gặp lại nhau. Đúng là tha hương mà được ngộ cố tri thì có gì vui bằng. Sự ân cần của các anh chị làm cho chúng tôi rất cảm động. Mong rằng sẽ có ngày được tiếp đón các anh chị ở Minnesota.

Sáng thứ hai 23.09 cha Thúy thuê chiếc xe 12 chỗ và làm tài xế để chở chúng tôi đến Sovereign Hill, ngoại ô của Ballarat. Sovereign Hill xây dựng từ năm 1970 để miêu tả lại quang cảnh của Ballarat, khi mọi người đổ xô về đây trong sự kiện gọi là Gold Rush vào năm 1851. Cũng vì sự kiện này mà nhà thờ chánh tòa St. Patrick ở Melbourne đã dự đinh xây dựng năm 1851 phải kéo dài đến năm 1858 mới khởi sự vì nhân công trong vùng đa số đã đến vùng Ballarat tìm vàng.

Ballarat cách Melbourne khoảng hơn 110km về hướng Tây Bắc. Về mặt dân số, Ballarat là thành phố trong nội địa lớn thứ ba ở Úc với dân số là 101,588 người (số liệu 2016) có lẽ nhờ vào việc người dân các nơi đến tìm vàng thời ấy và ở lại chăng.

Hôm nay thời tiết không được thuận tiện lắm, nhìn dự báo thời tiết thì thấy báo trời nhiều mây và có 30 % cơ hội là trời mưa, nhưng cha Thúy quyết định cứ đi, biết đâu thời tiết lại thay đổi giống như hôm đi Blue Mountain Park ở Sydney thì sao.

Sau hơn 1 giờ lái xe thì chúng tôi đến nơi, bước ra khỏi xe đã thấy mưa nhẹ nhẹ, dấu hiệu là sẽ không được may mắn như hôm trước. Vừa bước qua cổng soát vé, mưa trở nên nặng hạt, chúng tôi bước vào căn lều vải ngay bên đường vừa tham quan vừa cũng để trú mưa.

Các vật dụng bên trong lều đều là những đồ vật cũ dùng thời dân chúng đi tìm vàng 1851. Trời vẫn mưa lúc nặng hạt, lúc lâm râm, chúng tôi đành phải đội mưa để đi. Giữa trung tâm là quang cảnh suối nước với các vật dụng ngày xưa dùng để đãi, lọc vàng. Các tiệm quán, nhà cửa, đường phố đều xây dựng theo kiến trúc thời xưa, nhân viên cũng mặc những y phục cổ xưa, trông ngộ nghĩnh lạ mắt.

Nhà thờ thời xưa ở Ballarat

Bên trong nhà thờ

Cảnh sát thời xưa

Ở đây cũng có nhà bảo tàng về vàng, (Gold Museum) trưng bày những mẩu vàng đã tìm được trong thiên nhiên ở vùng này cũng như ở các vùng khác trên thế giới. Vàng thì nhiều lắm mà tiếc là không phải của mình nên xem một lúc cũng chán, chúng tôi lên xe trở về Melbourne.

Ngày hôm nay, chúng tôi ăn sáng và tối ở nhà trọ để sử dụng cho hết những thức ăn mà các anh chị ở Melbourne đã đem đến cho chúng tôi. Sáng thứ Ba, chúng tôi trả nhà trọ. Cha Thúy lái xe đưa chúng tôi dạo quanh các bãi biển ở Melbourne. Sau đó trả xe và ra phi trường để đáp chuyến bay đi Perth. Không có dịp gặp lại để chia tay với các anh cựu chủng sinh Vĩnh Long, nhưng qua điện thoại vẫn gửi gắm được những lời chào, lời chúc của người đi và người ở lại.

Thành Phố Melbourne nhìn từ hướng tây nam.

Xem Du ký Australia [Phần 1] | Sydney

Bài liên quan

Back to top button