Giáo hoàng Học viện Phi-luật-Tân – Rôma Pontificio Collegio Filippino
Lm. Phêrô Trần Thế Tuyên | Những điều trông thấy
Tôi thường hay quan sát chung quanh, con người và hoàn cảnh sống, không ngoài mục đích tìm thấy cái tốt, cái đáng ngưỡng mộ và cái mình cần học hỏi. Hơn một tháng qua, sống ở học viện Giáo Hoàng dành cho ngườ Phi-luật-tân ở Rôma, tôi thấy có nhiều điều làm mình “mở mắt”và thêm chút ít hiểu biết xin được chia sẻ.
Pontificium (Latinh) Pontificio (Ý) Pontifical (Anh) Pontifical (Pháp) và Giáo hoàng (tiếng Việt) – nhằm gọi tên những nơi chốn như đại học hay học viện trực thuộc quyền giám sát của Giáo triều Roma gọi là Roman Curia – Giáo triều Roma được phân chia thành nhiều bộ, nhiều hội đồng, toà án, văn phòng các cấp… Tất cả học viện và đại học Giáo Hoàng trực thuộc Bộ Giáo Dục Công giáo…. Nên muốn xin vào học một Đại Học Giáo Hoàng hay muốn lưu trú trong một học viện Giáo Hoàng…. Phải có giấy giới thiệu của bề trên hay giám mục địa phận và phải được Bộ Giáo Dục Công giáo của giáo triều chấp nhận. Vì vậy những nơi chốn nầy gắn liền với chữ Giáo Hoàng – Pontificio. Nguyên tắc chung: Không một giáo sĩ hay tu sĩ nào được tùy tiện chọn nơi ăn chốn mà không có phép của bề trên hay không được chấp thuận của phòng bộ trong Roman Curia. Giám Mục, linh mục hay tu sĩ… đến thăm viếng hành hương Rôma ngắn ngày, có thể thuê khách sạn lưu ngụ… nhưng chỉ là tạm thời theo hệ du khách. Kiểu sống nghiêm túc của Rôma được qui vào ít là ba nguyên tắc:
1. Ở trong tu viện hay học viện.
2. Học hành: Nơi đại học; Làm việc nơi những văn phòng Công Giáo.
3. Ra ngoài sinh hoạt với tu phục của giáo sĩ hay tu sĩ.
Nên không lạ gì khi thấy những học viện hay đại học… tràn ngập những người mặc tu phục.
Tôi chọn sinh sống ở Giáo Hoàng Học Viện Phi-luật-Tân vì giá rẽ: Chỉ có 900 Euro (độ chừng 1,100 USD) một tháng tiền ăn ở thay vì 1500 Euro một tháng ở Giáo Hoàng học viện người Canada trước đây. Giáo Hoàng Học Viện của Mỹ còn cao giá hơn, tới 2000 Euro một tháng… Những linh mục sinh viên khác, 2000 Euro hay 900 Euro không thành vấn đề…. Nhưng đó là vấn đề lớn cho bản thân, vì tôi đi học tự túc, tôi trả bằng tiền túi của mình… những người khác được địa phận hay dòng tu đài thọ.
Tôi thấy gì nơi (1) Giáo Hội Công Giáo Phi-luật-tân tại Phi Luật Tân? Tôi thấy gì nơi (2) Giáo Hoàng Học viện Phi-luật-tân ở Rôma? và (3) tôi thấy gì nơi Đức Hồng Y Louis Antonio Tagle?
Giáo Hội Công Giáo Phi-luật-tân tại Phi Luật tân:
Phi-luật-tân chỉ cách xa Việt Nam 1800 km. Nên ngay sau 1975, trong số hàng triệu người Việt Nam đã dùng tàu hay thuyền để trốn thoát Việt Nam, có 750 ngàn người Việt Nam đã tìm được nơi tạm dung ở các trại tỵ nạn Palawan và Bataan. Có nhiều điều không tốt đã xảy ra nơi các trại tỵ nạn Đông Nam Á như Phi-luật-Tân, Campuchia, Singapore, Hồng Kong, Malaysia, Thai Lan và Indonesia… Tuy nhiên người Việt Nam tỵ nạn nên ghi nhớ nghĩa cử ân tình của những nước láng giềng cho chúng ta tạm dung khi trốn thoát.
Phi-luật-tân được cấu tạo bởi hơn 7000 hòn đảo lớn nhỏ, nằm ở vùng Đông Nam Á, phía tây Thái Bình Dương, vĩ độ hơi thấp hơn một chút so với Việt Nam. Đất nước chỉ rộng 300 ngàn km vuông nhưng có tất cả 108 triệu người sinh sống. Hết phân nữa dân số, ít nhiều có gốc Trung Hoa, hay những dân vùng phụ cận như Mã Lai, Nam Dương… Có đến 20 triệu người Phi-luật-tân sống ngoài Phi-luật-tân. Ngay cả ở Rôma, có đến 17 ngàn người Phi-luật-tân… Chưa nói đến các nước khác như Mỹ, Canada, Úc và rất nhiều những quốc gia khác… tập trung vô số người Phi-luật-tân di dân. Cách chung họ làm việc cần cù để mưu sinh cho bản than mình cũng như thường xuyên về lại quê hương thăm viếng và tiếp tế cho bà con quê nhà.
Giáo Hội Công Giáo Phi-luật-tân rất mạnh. Dân số Công Giáo chiếm 83% tức có khoảng gần 90 triệu người Công Giáo trong nước và nhiều triệu người Công Giáo ngoài nước. Có 70 địa phận Công Giáo theo cách thức bình thường, tức có Giám Mục chánh toà… Ngoài ra còn có một địa phận quân đội, có 7 địa phận còn theo qui chế đại diện tông toà (Apostolicus Vicariatus) hay Apostolica Praelaturae (Phủ doãn tông toà), tức những phần lãnh thổ chưa ngang hàng với địa phận và được tông toà điều hành trực tiếp bằng các đại diện của mình. Hiện tại, Phi-luật-tân có 4 hồng y còn sống và có hai vị còn trong tuổi được bầu giáo hoàng. Có tất cả 90 Tổng Giám Mục và Giám Mục đang trong tuổi còn hoạt động với 8000 linh mục làm việc rải rác trong 80 địa phận.
Nhiều người Việt Nam trong chúng ta thường chỉ biết Phi-luật-tân là một quốc gia đông người Công Giáo hay chúng ta hay nói: Công Giáo toàn tòng. Thật sự, như thống kê cho thấy, không toàn tòng Công Giáo, nhưng có gần 90 triệu người, tức gấp 10 lần Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam và con số Giám Mục đang còn làm việc tới 90. Việt Nam có 26 giáo phận, với 40 Giám Mục đang tại vị và gần 3000 linh mục đang làm việc.
Trong quá khứ, Giáo Hội Phi-luật-tân đã tiếp đón một số Giáo Hoàng: Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đến Phi-luật-tân năm 1970. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thăm viếng Phi-luật-tân hai lần: Một lần năm 1981 và một lần năm 1995. Cho đến mới gần đây từ ngày 15-19 tháng Giêng năm 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thăm viếng Phi-luật-tân và có đến 7 triệu người tham dự những buổi xuất hiện trước công chúng của Đức Giáo Hoàng. Phi-luật-tân đã tổ chức thành công tiếp đón các Đức Giáo Hoàng và họ rất hảnh diện trong những biến cố lớn lao nầy.
Giáo Hoàng Học viện Phi-luật-tân ở Rôma
Một toà nhà khá rộng lớn, khang trang, cao ba tầng, mỗi tầng có 24 phòng ngủ với đầy đủ những tiện nghi căn bản như giường ngủ, bàn làm việc, kệ sách, tủ quần áo và nhà tắm, nhà vệ sinh… Sinh viên linh mục chiếm hết những phòng tầng một và hai. Tầng cao dành cho quí soeur làm việc ở đây cũng như dành cho khách hành hương lưu ngụ ngắn ngày. Theo như Đức Ông Willey quản lý cho biết thì khách hành hương lưu ngụ là nguồn thu nhập đáng kể để nuôi sống học viện.
Ngoài toà nhà rộng lớn nầy, học viện còn chiếm cả một khu đất rộng có sân bóng rổ, sân tennis và đất trống. Được biết học viện có từ năm 1961 do Hội Đồng Giám Mục Phi-luật-tân quyết định và được toà thánh Vatican giúp đỡ. Hàng năm, không dưới 40 linh mục sinh viên người Phi-luật-tân đến lưu ngụ và đi học ở các Đại Học Giáo Hoàng. Tôi là một trong ba linh mục sinh viên không phải người Phi-luật-tân. Một Cha từ Srilanka. Cũng như đa số những linh mục sinh viên khác, linh mục sinh viên người Phi-luật-tân được Giám Mục gửi đến đây để theo các môn như Giáo Luật, luân lý, Thánh Kinh… ở các Đại Học Giáo Hoàng. Thường họ còn rất trẻ, chung quanh tuổi 30.
Ngoài chuyện giá rẽ, tôi còn nhận ra một sự gần gũi rất chân tình của Cha Giám Đốc và của quí sinh viên linh mục ở đây. Họ rất khác với sinh viên linh mục Canada mà tôi từng sống chung: Khá thoải mái và ồn ào vui nhộn dường như cả ngày. Bên cạnh đó, thức ăn Phi-luật-tân cũng được xếp loại thức ăn Á Châu: Có nhiều mùi thơm ngon của thức ăn, nhiều ngày buổi ăn sáng đã có cơm và thịt kho rồi… Có một điều khá bất tiện là quí Cha sinh viên Phi-luật-tân ít dùng tiếng Ý trong nhà, phần nhiều là tiếng Phi-luật-tân hay tiếng Anh. Điều nầy không mang lợi cho sinh viên đi học ở Ý, vô lớp học bằng tiếng Ý như tôi.
Tôi tự an ủi mình: Bao lâu còn ở trần gian, không có thể tìm được nơi nào hoàn hảo hay vừa ý mình… thôi thì cứ bằng lòng với những gì mình hiện có… coi như là món quà Chúa ban và như là cơ hội để mở mắt thấy người chung quanh và hoàn cảnh sống.
Tôi thấy gì nơi Đức Hồng Y Luis Antonio Gokim Taggle?
Một hồng y trẻ trung: Ngài sinh ngày 21.6.1957, năm nay chưa đầy 60 tuổi. Tuy nhiên Ngài đã là Giám Mục của địa phận Imus từ năm 2001 – 2011, lúc Ngài 44 tuổi. Được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Manila năm 20112 và vinh thăng hồng y ngày 24.11.2012. Ngoài vai trò TGM Manila, Ngài còn là chủ tịch HĐGM Phi-lưật-Tân và là thành viên của Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia đình, về di dân và bác ái. Đức Hồng y Tagle có thể nói thông thạo tiếng Anh, tiếng Ý, cũng như đọc và hiểu dễ dàng tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và Latin. Tôi tò mò hỏi Ngài: Sao Đức Hồng Y học ở Mỹ mà lại có thể nói và hiểu tiếng Ý – Ngài cho biết: “Tôi tự học!”
Một hồng y vui vẻ: Dường như không bao giờ tắt nụ cười trên môi.
Một hồng y rất mực khiêm tốn: Cử chỉ đầu tiên khi gặp là ngài bắt tay và lấy tay người khác để trên trán mình như tập tục Công Gíao Phi-luật-tân. Ngài thích nói chuyện vui cười chứ không tạo bầu khí căng thẳng hay bàn thảo chuyện cao siêu nhức đầu bao giờ. Chúng ta biết một hồng y chủ tịch và kiêm nhiều chức vụ trong giáo triều bận như thế nào. Vậy mà bao giờ cũng có giờ để nói vài câu thăm hỏi người chung quanh. Ngài có chỗ nơi tốt, nhưng luôn hoà nhập với mọi người: ăn cơm chung… dâng lễ đồng tế như những linh mục khác.
Một hồng y nổi tiếng: Dường như cả thế giới biết tên tuổi và tài danh của Đức Hồng Y Taggle. Nhiều người đoán định về tương lai làm Giáo Hoàng cho ngài. Tôi có hỏi ngài về điều nầy… Ngài cười lớn và bảo “Don’t think about it!”
Tìm hiểu về Giáo Hội Phi-luật-tân, về Học viện Giáo Hoàng Phi-luật-tân ở Rôma cũng như có dịp tiếp xúc với đức Hồng Y Luis Antonio Taggle, tôi cám ơn Chúa vì được thấy sự lớn mạnh của một Giáo Hội ở Á Châu. Tôi nghĩ đến sự hy sinh và công khó của HĐGM Phi-luật-Tân, từ 50 năm trước đã nghĩ đến tương lai Giáo Hội, tạo được Học Viện Giáo Hoàng ngay tại Rôma cho linh mục sinh viên Phi-luật-Tân… đến đây học hành và về phục vụ Giáo Hội Mẹ. Tôi cám ơn Chúa vì không chỉ biết mà còn có dịp tiếp xúc với một hồng y nổi tiếng, thánh thiện, khiêm tốn và gần gũi với hết mọi người.
Giáo Hội Việt Nam chúng ta thì sao? Tôi tự hỏi và cũng thấy rằng:
Giáo Hội Việt Nam mình ít người và cũng ít có cái nhìn xa và thiết thực. Người ta thấy ở Sàigòn có rất nhiều những trụ sở sang trọng của những địa phận ngoài Bắc… Nhưng đó chỉ là những giáo phận riêng lẻ, có được gì là tuỳ tài xoay trở của Giám Mục… còn về một tổ chức qui mô, một căn nhà chung của Giáo Hội Việt Nam chưa ai dám nghĩ tới chăng?
Tôi mơ một hồng y trẻ trung, vui vẻ, tài giỏi và nhất là khiêm tốn, hoà mình với dân chúng như một Taggle ở Việt Nam mình… Không cần cao xa, cầu kỳ hay nhiều quyền hành… nhưng là một người biết can đảm lấy tay người khác để trên trán mình. Tôi muốn nói đến một đi xuống, một hạ mình và một tôn trọng… dành cho người giáo dân thấp hèn. Kinh nghiệm sống dạy tôi rằng: Phải rất mực khiêm tốn và hạ mình thì mới làm được chuyện lớn và hữu ích. Bao lâu chưa làm được gì nhiều… không có nghĩa là bất tài… nhưng là chưa khiêm tốn đủ.
Lm. Phêrô Trần Thế Tuyên