Một cuộc đời…
Quán Ven Đường: Mùng 2 Tết, thân gởi đến anh em bài viết với lời văn đơn sơ, mộc mạc của Tuyến Vũ (Minnesota, P. Minh 71) về Tường, một người bạn cùng trường xưa… Mong Tường và gia đình “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”.
Trời cao có thấu cúi xin người ban phước cho đời con
Một mái tranh yêu, một mối tình chung thủy không hề phai
Và một ngày mai mưa không nghe tiếng khóc trong đêm dài
Đây cả nỗi niềm biết ngày nào ai thấu cho lòng ai…
Tuyến Vũ
Những ngày cuối năm âm lịch Bính Thân 2016, tôi có dịp về thăm gia đình bên ngoại, tôi tranh thủ thời gian để đi thăm một số anh em cựu chủng sinh cùng chung lớp năm xưa.
Sáng 26.1.2017 nhằm ngày 29 tháng Chạp, từ Vĩnh Long tôi theo quốc lộ 53 theo hướng đông nam để đến thành phố Trà Vinh thuộc giáo phận Vĩnh Long. Phong cảnh trên đường đã thay đổi nhiều trong những năm gần đây, nhà phố đông đúc hơn, giao thông thì nhộn nhịp vì là những ngày cận Tết Nguyên Đán nên mọi người hối hả về quê xum họp với gia đình, thêm vào đó là dòng người đi sắm sửa cho 3 ngày Tết, khiến giao thông có lúc đi với vận tốc của rùa bò. Trên đường đi tôi ghé thăm Cha Don ở nhà thờ họ đạo Mai Phốp, đàn anh từ những ngày còn mài đũng quần trong mái trường Chủng Viện. Anh em tay bắt mặt mừng trò chuyện giây lát sau đó chúng tôi tiếp tục hành trình.
Tôi đã được nghe về một món ăn đặc biệt của Trà Vinh là món bún nước lèo vì thế mặc dù chưa ăn sáng chúng tôi đã quyết định là nhịn để vào đến Thành phố Trà Vinh mới ăn sáng để thưởng thức món ăn này cho trọn vẹn. Chúng tôi hẹn với Huỳnh Văn Tường là cựu chủng sinh Chủng Viện thánh Philipphê Phan Văn Minh Vĩnh Long dẫn đường. Tuy Tường vào Chủng viện niên khóa 1970 nhưng vì yêu thầy mến bạn nên không chịu lên lớp, vì thế niên khoá 1971 tôi vào lớp 6 lại học chung với Tường.
Thưởng thức xong món bún nước lèo mà theo tôi cũng không có gì thật đặc sắc, chúng tôi mời Tường tháp tùng đi thăm Nguyễn Văn Minh cũng bạn chung lớp hiện ở Họ Cái Đôi thuộc huyện Duyên Hải. Trên đoạn đường hơn 50 cây số, tôi và Tường có dịp hàn huyên về cuộc sống của Tường, tôi ghi lại để chia sẻ với anh em.
Trong cuộc sống của mọi người đều có những ngã rẽ, có những khúc quanh co, có những con đường thông thoáng, có những con đường chật hẹp đầy gian nan vất vả như của bạn Tường, điều tôi muốn viết lên đây chính là sự an bình, vui vẻ chấp nhận, phấn đấu không mệt mỏi với nghịch cảnh để vươn lên, để cố gắng chu toàn bổn phận của mình.
Huỳnh Văn Tường xuất thân từ họ đạo Trà Vinh. Ba của Tường là trẻ mồ côi được các Sơ dòng Phaolô ở Trà Vinh nuôi dạy từ nhỏ, đến tuổi trưởng thành ông được các Sơ tác thành nên duyên vợ chồng với một cô gái cũng là trẻ mồi côi trong trại. Năm 1959 Tường chào đời trong trại mồ côi và những năm sau đó có thêm hai em gái. Ba của Tường đi quân dịch đóng ở Huyện Càn Long, mẹ con của Tường vẫn được cho tá túc ở trại mồ côi. Năm 1967 mẹ của Tường qua đời, một tháng sau đó thì ba của Tường bị thương sau đó giải ngũ về sống trong trại mồ côi và giúp việc cho các Sơ. Năm 1970 Tường được Cha Hồng (anh của Cha Lựu) lúc đó đang làm Cha sở ở Trà Vinh giúp học phí năm đầu tiên để thi và theo học tại Tiểu Chủng Viện, những năm sau đó ba của Tường dùng tiền thương phế binh của mình để đóng học phí cho Tường. Sau năm 75 vì ba của Tường không còn được lãnh trợ cấp thương phế binh nữa nên Tường xin về để phụ giúp và nuôi ba của mình.
Ba của Tường dựng một túp lều bên đường để tá túc. Tường bắt đầu đi bán bong bóng để làm kế sinh nhai. Đến năm 1999 thì ba của Tường qua đời, hai em gái phải lưu lạc làm thuê kiếm sống, Tường buồn chán thất vọng nên trở nên rượu chè bê tha, bán được bao nhiêu bong bóng đều đi uống rượu. Hết vốn phải đi vay mượn để mua bong bóng bán tiếp nhưng ai cũng không cho mượn vì biết là bợm nhậu sẽ không có mà trả lại. Tường phải đi làm thuê sống qua ngày. Năm 2003 có một người bạn giới thiệu một cô gái cũng đã lỡ thì ở Tiểu Cần để tiếp xúc làm quen nhưng vì kém tự tin nên phải nhờ Hùng (Bãi Xan) làm người trung gian để se duyên cho hai bạn. Tường kết hôn với Huỳnh Thị Hương nhưng không được nhận bí tích hôn phối vì Hương đạo Cao Đài. Sau đám cưới Hương bắt đầu học giáo lý Công giáo do Cha Be hướng dẫn và sau đó được Cha Khương làm phép giao cho Tường và Hương.
Chiếc xe hiệp chủng quốc vì Tường nói nó có các bộ phận
của các hãng xe Honđa, Suzuki , Yamaha…
Từ đó Tường không còn nhậu nhẹt bê tha như trước và cố gắng làm việc để xây dựng mái ấm gia đình. Năm 2004 vợ chồng Tường có được một bé gái, Hương phải đem cháu theo mỗi khi đi bán đồ chơi trẻ em ở các vỉa hè trong thành phố Trà Vinh. Một người bạn đã giúp Hương một số tiền để Hương có thể gởi cháu ở nhà trẻ khi đi buôn bán. Năm 2006 chính quyền sở tại giải tỏa khu vực có túp lều của gia đình Tường và bán cho Tường một khoảnh đất 48 mét vuông với giá 24 triệu và cho nợ đến ngày nay.
Bận rộn với việc mưu sinh là thế nhưng Tường vẫn tham gia làm ca viên trong ca đoàn nhà thờ Trà Vinh và mỗi khi nhà thờ Hòa Lạc (Cha Xuân) cần người giúp trang trí hay tu sửa, Tường đến giúp từ sáng cho đến 6 giờ chiều sau đó đi bán bong bóng. Thời gian trước, Tường đã đi hầu khắp các họ đạo ở Bến Tre để phục chế các bức tường nhà thờ bị hư hại trong thời chiến tranh. Dù cuộc sống vất vả là vậy nhưng Tường vẫn luôn vui vẻ, lạc quan, tin tưởng và phó thác trong sự quan phòng của Thiên Chúa.
Vài dòng về cuộc sống của Tường vì bản thân tôi khi được nghe câu chuyện này đã cảm thấy rằng bấy lâu nay bản thân đã nhận được biết bao nhiêu hồng ân của Thiên Chúa nhưng không nhận ra, mỗi khi có việc không vừa ý đã vội than thân trách phận, gặp khó khăn đã vội sờn lòng không phấn đấu để vượt qua.
Cảm ơn bạn đã cho tôi một bài học.
Cầu chúc bạn luôn gìn giữ được những phẩm chất tốt đẹp đó.
Cầu chúc bạn được thêm nhiều hồng ân trong năm mới.
Vĩnh Long 30 Tết Đinh Dậu 2017
Tuyến Vũ