Quán ven đườngTrà Đá Đường

Năm người lính Việt Nam trong thế chiến 2

Five Hungarian soldiers of the First Army | Ảnh triích từ https://www.flickr.com/photos/cassowaryprods/34129662973

Tháng 11 là dịp để tưởng nhớ những người Đã Khuất. Đặc biệt bên Mỹ có ngay Veterans để nhắc nhơ đến những người đóng góp xương máu trong việc bảo vệ xứ sở. Khắp nơi, người ta trưng hình những cựu chiến binh cùng với người thân tìm về những nơi mà ngày xưa họ đã trải qua trong cuộc chiến. Có người, chân tay run run, chống gậy đến Normandie, chỉ cho con cháu nơi mà hơn 70 về trước họ đổ bộ. Có người đến Hiroshima, gạt nước mắt để chứng kiến hiện tượng hãi hùng của chiến tranh: Hố bom nguyên tử! Họ muốn gửi lại cho thế hệ sau một thông điệp: Cùng nhau chấm dứt chiến tranh!

Trong tinh thần đó, hôm nay tôi gởi đến quí độc giả một bài viết liên quan đến những người lính Việt Nam trong trận Thế Chiến 2. Tôi cũng muốn đưa ra vài chi tiết mà có lẽ nhiều người chưa từng biết đến, nó đã xẩy ra trong chiến tranh, lấy đi mạng sống của nhiều con người một cách phi lý, và rồi họ rơi vào quên lãng! Đành rằng chiến tranh thì chỉ là tang thương chết chóc, nhưng nhiều cựu chiến binh cũng đã có cơ hội quay về chốn cũ, nơi mà ngày xưa họ là kẻ thù giết nhau, và hôm nay có thể tay bắt mặt mừng sau khi hòa bình được lập lại, và dù sao tâm hồn của họ cũng được thanh thản. Đời vẫn có ý nghĩa!

NHƯNG!

Điều tôi muốn nêu ở đây là những người đã chết một cách phi lý, và bị lãng quên. Câu chuyện dài được thuật lại bởi một cựu chiến binh ngày ấy [1939-1945], được tuyển vào quân đội Pháp chiến đấu cho Đồng Minh [Allied Powers], trải qua bao kinh hoàng của lửa đạn chiến tranh, bị Đức bắt làm tù binh, và rồi được thả về khi Thế Chiến 2 kết thúc…

Năm 1938, có 5 người Việt Nam xuất thân từ Thái Bình, Phú Thọ, Bắc Việt được tuyển vào quân đội Pháp: Ông Nguyễn Khắc Liêm sinh năm 1912, ông Lê Văn Khang sinh năm 1913, ông Phong [Còn gọi là Kèn Phong], ông Thạnh, và ông Y [Nấu ăn rất giỏi]. Ba ông sau không rõ năm sinh, nhưng có lẽ các ông ngang ngang tuổi nhau.

Sau hơn tháng trời lênh đênh trên biển, trải qua những cơn sóng bạc đầu khi qua Ấn Độ dương, và bao nhiêu biến cố trong chuyến hải hành dài đăng đẳng [So với thời nay] ấy, chiếc tàu thủy cập bến Marseille. Các ông được tiếp đón khá tươm tất, với sự kiểm tra sức khỏe ban đầu, nghỉ dưỡng sức, tập luyện…trước khi ra chiến trường.

Mặt trận đầu tiên [Rất tiếc vì đã quá lâu nên tôi quên nơi chốn, và ngày tháng!] thất thủ năm 1943. Các ông cùng với đoàn quân Pháp bị Đức, phe trục [Axis] bắt làm tù binh. Người Đức cho tù binh lên những toa xe lửa, khóa chặt để họ không thể trốn dọc đường, và chở về Đức xuyên qua Thụy Sĩ. Khi qua lãnh thổ Thụy Sĩ, tình cờ máy bay Pháp phát hiện và lầm tưởng là Đức chuyển quân!!! Máy bay Pháp từng loạt thi nhau nhả đạn vào những toa xe lửa. Cảnh chết chóc hãi hùng diễn ra trong các toa tàu, vì nạn nhân vô phương tẩu thoát. Theo lời thuật lại của ông Nguyễn Khắc Liêm [Bố tôi], mỗi lần máy bay đảo qua, những loạt đạn đum đum rẹt rẹt qua các toa tàu, những thây người vùng vẫy, giãy giụa, rồi gục xuống! Máu me, óc…văng tứ toé trong những toa tàu bị khóa chặt ấy. Sau những đợt bắn, vài nơi trong toa tàu bị gãy. Ông Liêm và ông Khang ngồi sát nhau, hai ông cầu kinh và xin Ơn Trên cho họ được ra đi bình an, dù cảnh tưởng hãi hùng đang diễn ra xung quanh. Ông Khang bỗng đứng lên và nói với ông Liêm: “Bác chuẩn bị sẵn sàng nhé! Nếu em nhảy là bác nhảy theo ngay đấy!”. Một viên đạn xoẹt qua 4 lớp quần ông, ngay sau kheo chân mà không hề gây thương tích. Ông ngồi xuống ướm thử: Nếu ông đã không đứng lên thì viên đạn đã xuyên qua tim ông! Ông nói với ông Liêm “Em sẽ giữ cái quần này làm kỷ niệm kính Đức Mẹ suốt đời, Ngài đã cứu em”.

Một máy bay Pháp bị trục trặc rơi xuống. Viên phi công nhảy dù được ra ngoài, anh ta thoát chết nhưng bị gẫy 1 chân. Anh ta rơi xuống gần mấy toa tàu, tay lăm le khẩu súng lục sẵn sàng nhả đạn nếu quân Đức đến bắt anh. Trong đoàn tù binh có một linh mục tuyên úy người Pháp. Ông cùng chịu trận mưa đạn với những anh em tù binh khác, nhưng may mắn vẫn còn sống sót. Khi thấy người phi công rơi xuống gần, ông cố gắng len lỏi ra ngoài qua những nơi bị gẫy. Tay ông cầm lá cờ trắng dơ cao [Dấu hiệu đầu hàng], ông hô lớn bằng tiếng Pháp “Ne tirez pas! Je suis l’ Aumonier Francais!” (Đừng bắn! Tôi là linh mục tuyên úy Pháp đây!). Hai bên cùng là Pháp, cùng là Đồng Minh: Một cuộc tắm máu oan nghiệt!!!

Vì trên lãnh thổ Thụy Sĩ, và Pháp vừa thất trận nên vùng này nằm trong sự kiểm soát của quân Đức. Các tù binh, gồm cả vi linh mục tuyên úy và viên phi công tìm đường phân tán, hầu mong thoát tay lính Đức.

Riêng 5 người Việt Nam nêu trên, các ông luôn sát cánh bên nhau, và đã tìm được một nơi trong góc vườn của một gia đình Thụy Sĩ. Các ông đào một hầm mỗi bề cỡ 2 mét sâu dưới đất, với cành cây che lấp bên trên. Đây là giai đoạn khủng khiếp nhất trong đời của 5 người lính Việt Nam trong thế chiến 2 này. Thiếu thốn mọi thứ dĩ nhiên. Nguy hiểm rình rập chung quanh! May mà ông Thụy Sĩ tốt bụng sẵn sàng cung cấp cho các ông đồ ăn tối thiểu để có thể sống sót, gồm một con thỏ rừng nướng mỗi… tuần! Quả đáng khâm phục tấm lòng tốt vô bờ bến của ông Thụy Sĩ. Nhưng không lâu sau đó, ông đã bị quân Đức bắn chét! [Có lẽ liên quan đến các tù binh trốn!]. Cái chết của ông làm 5 người Việt Nam tuyệt vọng. Khi quân Đức đến gần, họ cùng nhau cầu kinh theo niềm tin của mình, và quyết định cùng bước ra để cùng nhau đi về bên kia thế giới. Nhưng lạ thay! Quân Đức đã không bắn, mà chỉ bắt các ông đem về Đức bỏ tù, cho đến khi…

… Hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagazaki khiến Nhật đầu hang vô điều kiện, dẫn đến thất bại của Phe Trục [Đức, Nhật, Ý]. Thế chiến 2 kết thúc với chiến thắng của Phe Đồng Minh. Đức đã trao trả các ông, cùng với những tù binh Pháp khác ngay sau đó về cho Pháp, khoảng tháng 8-1945. Các ông hồi hương năm 1946.

Cuộc chiến kết thúc giống như lời tiên đoán, khi Pháp thua trận đầu, của viên thống tướng nổi danh De Gaulle “Nous Avons Perdu un Combat, Mais Nous Ne Perdons Pas La Guerre” (Chúng ta thua một trận đánh, nhưng chúng ta không thua cuộc chiến tranh này!). Sau này ông trở thành tổng thống Pháp.

Tôi viết xuống những dòng này nhân dịp Veterans Day, để chúng ta cùng tưởng nhớ đến những người đã hy sinh mạng sống mình trong cuộc chiến, bất kể là bên nào. Nhất là những người phải hy sinh mạng sống vì một cái gì phi lý [Như những người mất mạng trong những toa tàu hỏa nêu trên], và rồi họ bị cuộc đời quên lãng! Chúng ta nhắc đến họ không phải để cho họ được an ủi hơn nơi thế giới bên kia, nhưng để cho chúng ta – Những người còn sống, những người mang ơn họ – được nhẹ lòng!

Khi viết xuống những dòng này, chia sẻ trên một diễn đàn lớn như thế này, tôi cũng mong ước tìm gặp lại con cháu của những Cựu Chiến Binh nêu trên. Nếu được gặp gỡ thì đây hẳn là một cuộc gặp gỡ li kỳ như những câu chuyện kỳ ngộ khác đã từng diễn ra trên đời này, nơi những người có lòng tin vào Tình Người. Mong lắm! Và nếu tìm được dấu tích con cháu của ông Thụy Sĩ tốt bụng nêu trên, thì quả là vạn phúc cho tôi. Tôi sẽ nói với họ “Tôi thay mặt cho 5 người Việt Nam nêu trên, bày tỏ lòng biết ơn đến họ, vì sự hy sinh quá lớn của cha ông họ đối với những bậc Cha, Chú của tôi trong cơn khốn cùng. Nguyện Ơn Trên trả công bội hậu cho họ.”

Xin Chúa đưa ông về thiên đàng, bên cạnh những người lính Việt Nam được ông cứu giúp năm xưa.

Michael Nguyen
Laiknguyen@hotmail.com
Tham Vấn Viên Y Tế Xã Hội
Bộ Y Tế Texas

Veterans Day
Houston 2022

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button