Quán ven đườngTrà Đá Đường

Tiệc xót thương | Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật ngạc nhiên, phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay thoạt tiên giới thiệu cho chúng ta một bức nền của danh hoạ Isaia trong bài đọc thứ nhất; từ đó, đồ hoạ Matthêu thánh sử đã tài tình vẽ nên một bức tranh sống động, vui tươi, kết dệt bởi một câu chuyện chung quanh chủ đề ‘Tiệc Cưới’; một tuyệt phẩm ra đời có tên gọi, ‘Tiệc Xót Thương’. Chúng ta sẽ nhìn vào các nhân vật của hoạ phẩm. Trước hết, chủ tiệc, chính Thiên Chúa; tiếp đến, là các thực khách; và thú vị nhất, những gia nhân chạy long tong, những người được chủ sai đi mời khách, đây là những sứ giả Tin Mừng, sứ giả của lòng thương xót Chúa.

Nhìn ngắm bức tranh, chúng ta thấy nhân vật được cả hai hoạ sĩ đặt nổi bật vẫn là chủ tiệc, Thiên Chúa. Tiệc thời Cựu Ước, Isaia đã vẽ một bữa tiệc nền, được Thiên Chúa khoản đãi trên núi; ở đó, đã dọn sẵn tất cả những gì được góp nhặt từ bao tinh hoa của đất, “Thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế”. Tiệc thời Tân Ước của Thiên Chúa cũng được dọn trên núi, một ngọn núi có tên là núi Sọ; ở đó, những gì được dọn ra không còn là tinh hoa của đất nhưng là tinh tuý của trời, Thịt Máu của Chiên Thiên Chúa. Đó là tiệc Chúa Cha tổ chức cho Con Một, Hoàng Tử của trời; Đấng đến cưới lấy nương tử là nhân loại của đất, một nhân loại đáng xót thương. Vì thế, tiệc cưới này còn có tên là ‘Tiệc Xót Thương’; trong đó, nhân loại là tân nương và mỗi người cũng là tân nương, sẽ được ở với Thiên Chúa mãi mãi. Với tiệc cưới này, thực khách sẽ vinh hạnh được gia nhập gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi, được thông phần sự sống thần linh của Người, được cứu độ bằng máu châu báu của Tân Lang. Cảm nghiệm được tình yêu của chủ tiệc, tác giả Thánh Vịnh 22 hôm nay đã thốt lên trong câu đáp ca, “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa, ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời” vì, “Này tôi được ở đền Người, những ngày tháng, những năm dài triền miên”. Tuyệt vời hơn, không chỉ vào thời Cựu Ước, hay thời Tân Ước; ngay hôm nay, trên các bàn thờ, Thiên Chúa vẫn đang dọn ‘Tiệc Xót Thương’, hy tế của Chúa Giêsu, để mời gọi con người đến hưởng lấy sự sống đời đời của Người.

Tiếp tục nhìn vào hoạ phẩm, chúng ta thấy các thực khách tụm năm tụm ba; một số đứng xa xa; số khác bỏ đi; số còn lại, ngồi vào bàn. Đó là những con người được mời dự tiệc, họ thuộc mọi nước, mọi dân, không trừ ai. Buồn thay, ở đó, Matthêu còn cho những người thưởng lãm đọc thấy trong những ánh mắt các phản ứng của hai loại thực khách trước lời mời. Phản ứng thứ nhất, của những người phớt lờ lời mời; phản ứng thứ hai, của những người đáp lại lời mời với thái độ thù nghịch.

Sau cùng, những nhân vật khiêm tốn của bức ‘Tiệc Xót Thương’ là các gia nhân; khuôn mặt của họ vui mừng có, lo lắng có và thú vị nhất là, mỗi người chúng ta có thể gặp thấy chính mình nơi những nhân vật này. Là những gia nhân, những kẻ được sai đi của chủ tiệc hẳn là những người vinh hạnh nhất, vinh hạnh còn hơn cả khách được mời; vì lẽ, qua Bí tích Rửa tội, chúng ta được đặc ân trở nên người nhà của Thiên Chúa. Dấn thân cho việc loan báo Tin Mừng, được sai đi mời mọi người đến dự ‘Tiệc Xót Thương’, mỗi người chúng ta dành cả con người cho sứ mệnh này, Thánh Phaolô trong thư Philipphê hôm nay nói, “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”. Thế nhưng, trong thực tế, nhiều lúc thật đáng xót xa, chúng ta chưa làm được mọi sự; vì không ít lần, chúng ta gặp phải cả hai phản ứng trên: một số người phớt lờ, số khác thù nghịch với sứ điệp chúng ta mang đến.

Trước hai thái độ đó, các sứ giả của Thiên Chúa phải luôn luôn bình tĩnh với ý thức rằng, người ta có thể thuyết phục một con ngựa đến giếng nước, nhưng không thể ép nó uống; cũng thế, mọi người đều được mời nhưng không phải tất cả sẽ dự tiệc. Ở đây, các sứ giả sẽ gặp một cái gì đó vô tình, nếu không nói là vô tâm khi con người đánh mất khả năng yêu thương và khả năng cảm nhận mình được yêu thương; họ đánh mất Nước Trời, đánh mất sự sống đời đời. Đó là những con người quá ràng buộc, quá lệ thuộc vào lợi lộc trần gian đến nỗi đóng chặt cửa lòng trước Thần Khí; họ không hiểu được tính vô vị lợi của lời mời dự ‘Tiệc Xót Thương’ vốn là một quà tặng nhưng không của Thiên Chúa. Việc bác bỏ hay khước từ lòng thương xót của Thiên Chúa dù là thờ ơ hay tệ hơn, thù nghịch, luôn luôn là một hành động phi lý đáng kinh ngạc. Chúa sẽ phán xét lương tâm của họ; phần chúng ta, chúng ta hãy cố gắng hết sức để chu toàn bổn phận mình và cầu nguyện cho họ.

Ngày kia, một ông chủ tổ chức sinh nhật cho con trai mình. Vì phải làm thêm giờ, cô giúp việc xin phép chủ cho cô đón con mình về nhà chủ sau khi cháu tan trường. Giữa tiệc, ông chủ chợt nhớ đến đứa bé, ông xuống hỏi cô bếp; ngập ngừng, cô không trả lời và ông đi tìm. Đi hết tầng này đến tầng khác, cuối cùng, ông nghe tiếng ca hát của đứa trẻ trong nhà vệ sinh. Mở cửa bước vào, ông thấy một cậu bé đang rất sung sướng, vừa ca hát, vừa ăn một chiếc bánh trên nắp bồn cầu. Ông hỏi, “Tại sao con ở đây?”; cậu bé đáp, “Mẹ con bảo, ‘Đây là phòng tiệc sang trọng, chủ dành cho con’”. Nghẹn ngào, mắt ngấn lệ, ông bước ra nói với thực khách, “Xin lỗi, tôi bận tiếp một vị khách quý, cho tôi vắng mặt lúc này”. Thế là ông vào lại nhà vệ sinh, vừa ăn, vừa ca hát với đứa bé. Về sau, cậu bé lớn lên, rất thành công và giàu có; nhớ lại những gì chủ của mẹ đã làm, anh ta xây trường và bệnh viện cho quê nhà, anh cũng đã xây được tương lai cho bao mảnh đời bất hạnh.

Anh Chị em,

Hôm nay, nhìn ngắm toàn cảnh hoạ phẩm ‘Tiệc Xót Thương’, chúng ta tạ ơn lòng thương xót của Thiên Chúa đã dành cho chúng ta thật lớn lao; không chỉ được mời, chúng ta còn được trở nên người nhà; không chỉ trở nên người nhà, chúng ta còn trở nên sứ giả; không chỉ trở nên sứ giả, chúng ta còn được Thiên Chúa viếng thăm, cùng ăn, cùng uống, cùng ca hát như ông chủ đã đến với đứa bé khốn khổ. Tạ ơn Chúa vì muôn ngàn đời, Chúa vẫn là một Thiên Chúa xót thương.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì mỗi ngày Chúa đãi con ‘Tiệc Xót Thương’ của Chúa bằng chính thịt máu Ngài; xin cho con ngày càng bớt bất xứng để Chúa có thể biến con nên sứ giả đích thực của lòng thương xót Chúa cho anh em con”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button