Tĩnh lặng Ô Thum
SL
Dường như vùng núi thường làm ta liên tưởng đến những nơi sỏi đá khô cằn, xa xôi, hẻo lánh. Thì phải rồi. Như chuyện về vùng đất tôi đang kể cho quý vị nghe nè: Ô Thum.
Hồ Ô Thum
Không gian tĩnh lặng
Nghe lạ hoắc luôn. Ở vùng Thất Sơn An Giang đó, mà thử hỏi dân tỉnh này thì cũng chẳng có bao nhiêu người biết được Ô Thum ra sao.
Nếu ai có dịp ngao du sơn thủy đến thưởng ngoạn ngọn đồi Tức Dụp nổi tiếng với hệ thống lò ảng, hãy cất thêm chút công ôm vòng chân núi Cô Tô về hướng đông, từ xã lộ rẽ trái rồi đi thêm độ ba cây số đường mòn sẽ đến hồ Ô Thum thuộc xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn.
Đường vào Ô Thum
Do cấu tạo địa hình cao thấp ở miền núi, nước mưa theo tự nhiên sẽ chảy về vùng trũng rồi tìm đường ra sông ra biển, bỏ mặc đất núi khô sạn, cỗi cằn. Núi Cô Tô, còn gọi là Phụng Hoàng Sơn do hình núi như chim đại bàng dang cánh tung bay, với khoảng 130 hecta đất nông nghiệp bao quanh chân núi. Thế nhưng ở đây việc canh tác, trồng trọt chỉ biết trông cậy vào ông trời vì thiếu nguồn nước tưới. Thu hoạch cây lúa, hoa màu thường rất thấp, nhiều khi người nông dân khốn khổ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cực khổ trồng tỉa rồi lại thất bát trắng tay do nắng hạn không mưa. Và đập trữ nước Ô Thum chính là cứu cánh đã giúp vùng núi đồi này giữ lại lượng nước mưa dùng tưới mát ruộng màu để giờ đây cả vùng chân núi trãi rộng một màu xanh mát quanh năm.
Con đê hình cánh cung
Ruộng đồng bên hồ Ô Thum nhìn từ trên cao đẹp như tranh thủy mặc
Ô Thum là tiếng Kh’mer đơn giản chỉ là “Hồ lớn” (ô: hồ, thum: lớn). Hồ nằm sâu trong chân núi nên ít người lui tới. Như một nơi thâm sơn cùng cốc, tĩnh lặng, với vẻ đẹp xuyến xao lòng người. Giữa lòng hồ mênh mông nổi lên một gò đất nhỏ, một ốc đảo đầy lau sậy, thiên đường của chim muông. Cây cầu gỗ nhỏ là độc đạo dẫn vào ốc đảo, dù không thấy bóng dáng người, nhưng theo tôi lại là chi tiết làm mất đi một phần nét hoang dã của nơi này.
Ốc đảo giữa hồ
Tôi đến Ô Thum vào giữa trưa lộng gió, trời giăng mây, mặt hồ lao xao sóng. Không gian cao, rộng, tĩnh lặng đến mức có thể nghe được tiếng chim vỗ cánh bay lên từ bụi cây xa xa. Không cường điệu chút nào khi gọi nơi này là chốn thâm sơn. Bốn bề núi đá, cây rừng, bờ cỏ lau lã ngọn đong đưa trước gió, thi thoảng vài cánh chim chao liệng. Nhắm mắt lại ta như nghe tiếng gió thì thầm, tiếng lá khe khẻ rơi, tiếng thời gian trôi chầm chậm.
Bên bờ lau sậy
Mặt hồ lung linh bóng núi
Nếu có lúc nào đó quý vị cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống tất bật, ồn ào nơi phố thị, hãy thử du ngoạn đến Ô Thum để đắm mình vào không gian tĩnh lặng chốn thâm sơn.
Chiều buông trên những mảnh ruộng mới cày.
SL