Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Vực thẳm giữa chúng ta | NVT

 SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN C
(Lc.16,19-31)
***

 VỰC THẲM GIỮA CHÚNG TA

19 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Pha-ri-sêu dụ ngôn sau đây: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. 20 Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, 21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. 22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

23 “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. 24 Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm! 25 Ông Áp-ra-ham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. 26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.

27 “Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, 28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này! 29 Ông Áp-ra-ham đáp: “Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó. 30 Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối. 31 Ông Áp-ra-ham đáp:  “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.”
_______________

SUY NIỆM

VỰC THẲM GIỮA CHÚNG TA

1. VỰC THẲM NGÀY NAY.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Pha-ri-sêu dụ ngôn sau đây: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu. (Lc.16,19-20).

+ Vực thẳm bắt đầu từ sự thiếu vắng tình thương.

Thiên Chúa là Tình Yêu, con người được sinh ra do Tình Yêu Thiên Chúa. Cội nguồn của con người là Tình Yêu. Con người không thể sống mà không có tình yêu. Những gì đi ngược lại tình yêu là xa lìa Thiên Chúa, là xa lìa cội nguồn sự sống của mình.

Thiên Chúa ban muôn ơn lành để con người có được một trái tim luôn bùng cháy ngọn lửa tình yêu. Như Giới Luật Yêu Thương Ngài truyền dạy. “Yêu Chúa và yêu anh em”.

Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt” (Ed 11, 19)

Nhưng con tim yêu thương nào lại không rỉ máu. Con tim yêu thương nào lại không mang thương tích. Con tim yêu thương nào lại không đớn đau.

Con tim Giê-su là Tình Yêu mẫu mực cho nhân loại. “Yêu như Thầy”.

Thế nhưng, con người không muốn nhận con tim tình yêu ấy. Con người muốn “giữ lại” cho mình “trái tim chai đá” vì muốn thụ hưởng thứ hạnh phúc riêng mình, thứ an toàn cho riêng bản thân mình.

+ Hậu quả là ích kỷ, lạnh lùng với tha nhân…

Trong tháp ngà thừa mứa những hoan lạc, ai còn có thể thấy được những nỗi thống khổ bên ngoài.

Chuyện xưa khi nói về những ông vua tốt, thường kể lại những chuyến vi hành mà nhà vua thực hiện để hiểu những gì xảy ra ngoài cái thế giới xa hoa sang trọng của cung đình.

Những Đấng Bậc cao trọng vị vọng quanh năm suốt tháng chỉ ngự ở ngai tòa ngập đầy lời tung hô chúc tụng cùng với lũ quần thần nịnh hót xông hương thì làm sao nghe được tiếng thở dài của dân đen cùng khổ.

Những kẻ tự thấy mình học cao hiểu rộng, đạo đức hơn người, tự thấy mình giàu có trí tuệ, phong phú tâm hồn, tự bắt chiếc ghế an vị trên đỉnh cao, làm sao có thể hạ mình xuống những kẻ thấp hèn để nâng đỡ và giúp họ thăng tiến. Lạnh lùng trước những người nghèo khổ về trí tuệ và tâm hồn nhiều khi còn tệ hại hơn cả sự dửng dưng đối với những kẻ nghèo khổ về vật chất.

Có một câu chuyện về Khổng Tử sau đây:

Khổng Tử một hôm ngồi rỗi, bổng thở dài mà than rằng: – “ Trước đây, nếu Đồng Đề Bá Hoa không chết đi, thì thiên hạ may ra yên định lại được !”

Tử Lộ liền hỏi ngay: – “Xin Thầy cho Do này được biết người ấy là bực thế nào ?” .

Khổng Tử đáp: – “Người ấy, lúc còn nhỏ, siêng năng mà thích học; khi lớn lên thì khỏe mạnh mà có dũng khí; tới lúc già thì có đức mà biết hạ mình đối với kẻ dưới. Có đủ ba đức đó, đem ra để yên định thiên hạ, thì có khó gì ?”.

Tử Lộ hỏi lại: – “Khi nhỏ siêng năng mà thích học, khi lớn lên thì mạnh khỏe và có dũng khí; là điều hay và có thể làm được; song có đạo đức mà biết hạ mình đối với kẻ dưới, điều đó làm sao mà làm được ?”.

Khổng Tử đáp: – “Trò Do không biết; theo sự ta hiểu: Lấy số đông mà đánh số ít thì không khi nào không thắng; là kẻ quí mà hạ mình xuống với kẻ tiện, thì không bao giờ không được. Người trước, ông Châu Công làm đến Trủng Tế (tên một chức quan lớn nhất trong triều đại Nhà Chu), tay nắm cả quyền chính trong thiên hạ, mà hạ mình xuống với kẻ sĩ ở nơi bạch ốc (túp lều tranh), và mỗi ngày tiếp tới 170 người. Đó chẳng qua là muốn có được người tài giỏi để dùng vậy. Xưa nay bao giờ có hạng người đạo đức mà không biết hạ mình đối với những bậc quân tử trong thiên hạ ?” (Khổng Tử Gia Ngữ).

Ngày nay người ta phá bỏ được nhiều những thứ “vực thẳm”, “hố sâu”, “bức tường”, “dòng sông”, “vĩ tuyến”…ngăn cách, nhưng thứ “vực thẳm” vô hình ở trong con tim lạnh lùng ích kỷ của con người thì vẫn còn đó, nó vẫn tồn tại và ngày càng sạt lở rộng lớn khủng khiếp, những thứ vực thẳm vô phương bồi đắp…

Bom đạn vũ khí tinh vi, chúng là gì, nếu không phải là những “vực thẳm” ghê sợ, nó từ đâu ra, nếu không phải từ những con tim lạnh lùng vô cảm trước núi xương biển máu, trước những “La-da-rô thương tích bần cùng” ngồi chờ chút hạnh phúc trong vô vọng…

2. VỰC THẲM NGÀY MAI.

“Hơn nữa, giữa chúng ta có một vực thẳm, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó qua bên chúng ta đây cũng không được” (Lc.16,26).

Rõ ràng có một vực thẳm khủng khiếp “giữa chúng ta”, giữa “nhân loại” hôm nay. Vực thẳm ngay ở cuộc đời này, và hậu quả đến ngày sau.

Thế nhưng, nhiều người đã không thấy “vực thẳm” ấy. Không thấy thì không thể tin, nên, không muốn thấy, thì cũng chính là không muốn tin !

Không muốn thấy, không muốn tin”, đó là căn bệnh của thời đại.

“Không ai câm bằng người không muốn nói. Không ai điếc bằng người không muốn nghe. Không ai mù bằng người không muốn thấy”. (Khổng Tử).

Mọi người trên thế giới này đều thấy có một vực thẳm giữa chúng ta.

Giàu có tột cùng và nghèo đói. Dinh thự nguy nga và ổ chuột. Dư thừa phung phí và tìm nhặt của rơi. Thực phẩm thiếu thốn còn bom đạn dư thừa…

Mỗi người phải làm gì trước “vực thẳm giữa chúng ta” ?

Câu hỏi ấy chỉ có thể trả lời đối với những ai “muốn thấy” vực thẳm ấy.

Vực thẳm chỉ có thể lắp đầy bằng Tình Yêu. “Hố sâu ngăn cách” chỉ có thể lắp đầy bằng việc con người thực thi Giới Luật Yêu Thương để con người có thể đến với nhau.

“Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?” Khi ấy Người đáp lại: “Quả thật, Ta bảo cho các ngươi biết, những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta”. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu”. (Mt.25,31-46).

Nhưng, nhiều người chẳng chịu tin đâu, vì ở bên này vực thẳm, tiền của cùng với những cuộc vui vẫn là tất cả những gì con người mộng tưởng nơi  “thiên đàng tại thế”.

Ông Áp-ra-ham đáp:  “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.” (Lc.16,31).

Lạy Chúa

Chúa ban cho một thế giới an bình,
Với tình yêu và muôn điều kỳ diệu,
Đời nhỏ bé bao nhiêu sao vẫn thiếu !
Gom góp nhiều còn lại được bao nhiêu ?

Ôi, ánh bình minh ! Ôi, ánh bình minh !
Đang rực rỡ giữa hào quang cuộc sống…
Chợt ngậm ngùi cho “một thời vang bóng”…
Nơi vực sâu nhìn trời quá cao xa…

Vực thẳm nào rùng rợn cuộc đời ta ?
Đôi tay run lệ nhòa trong kinh nguyện.
Thương con Chúa ơi, cho con tỉnh mộng…
Tìm trở về Lẽ Sống của Tình Yêu !

Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

 

Bài liên quan

Back to top button