Sự sống đời đời | NVT
SUY NIỆM TIN MỪNG
LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ
(Mt.5,1-12a)
***
SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
Khi ấy, thấy đám đông, Ðức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng:
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn Thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại,và vu khống đủ điều xấu xa.
Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao
(Mát-thêu 5:1-11)
______________
SUY NIỆM
1. “Sự sống đời đời” là khát vọng của mọi người
Đời người ngắn ngủi, lại ngập đầy những khổ đau, khát vọng con người không chỉ là sống lâu, mà còn sống trong hạnh phúc trọn đầy. Đó là khát vọng muôn thuở của con người.
Đối với người Ki-tô hữu, Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế, Đấng duy nhất có thể giải đáp về số phận con người và đưa con người đến bến bờ khát vọng.
Một hôm, có người thông luật kia đứng lên hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Lc.10,25).
2. Con đường đến bến bờ khát vọng “Sự sống đời đời”
Con đường đến bến bờ khát vọng là “con đường Giê-su”, con đường thực thi Giới Luật Yêu Thương của Thiên Chúa theo mẫu mực của Thầy chí thánh Giê-su, con Thiên Chúa. Yêu Thiên Chúa và Tha Nhân như Giê-su.
Chúa Giê-su đáp: “Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào ?”. Ông ấy thưa: “Ngươi hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi và người thân cận như chính mình”. 28 Ðức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”. (Lc.10,26-28).
3. Thực thi Giới Luật Yêu Thương
Thực thi Giới Luật Yêu Thương có hai việc, một đối với Thiên Chúa, và một đối với Tha Nhân. Cả hai không thể nào tách rời được.
Có vẻ như việc “yêu mến Đức Chúa” thì dễ – “không có vấn đề” – nên không thấy người thông luật kia hỏi gì đến vấn đề “yêu mến Đức Chúa”, mà chỉ hỏi một điều liên quan đến yêu mến tha nhân – “yêu mến người thân cận”.
Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Ðức Giêsu rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” (Lc.10,29)
Khi ông hỏi ai là người thân cận, thì tự trong câu hỏi, đã ngầm hiểu có sự giới hạn của nó.
Sự giới hạn đó không đến từ sự đóng khung tình yêu đối với tha nhân, mà đến từ sự đóng khung tình yêu đối với Thiên Chúa. Chính cách thể hiện tình yêu Thiên Chúa từ tấm lòng hẹp hòi, đã dẫn đến tình yêu hẹp hòi đối với tha nhân. Nói một cách khác, khi con người hài lòng vì những cách thế thờ phượng Chúa được đóng khung theo luật lệ gò bó khô cứng hạn hẹp của con người, thì con người không thể mở rộng lòng ra đến mức yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn được !
Một con tim mang một tình yêu chân chính, đích thực, không bao giờ tự cảm thấy hài lòng. Yêu bao nhiêu là đủ? – sự chăm sóc, sự quan tâm, lòng nhiệt thành, không bao nhiêu là đủ ! Tình yêu không có thước đo. Chính vì thế, tình yêu là sự cao cả khôn cùng. Thiên Chúa là Tình Yêu, Tình Yêu Thiên Chúa bao la, và Thiên Chúa cũng muốn con người đáp lại bằng một tình yêu không có giới hạn – “hết lòng, hết sức lực, và hết trí khôn”. Không có ngôn ngữ trần gian nào có thể diễn tả hơn được nữa.
Thế nhưng, những người thông luật, “giới trí thức”, giới cầm cân nẩy mực của thời Chúa Giê-su, và tất nhiên là trước đó và cho đến bây giờ, và còn nữa trong tương lai… Ở Do Thái và mọi nơi, trong dòng đời và cả trong Giáo Hội, vẫn còn đó sự giới hạn của con tim dành cho Thiên Chúa, của tấm lòng dành cho Thiên Chúa.
Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. (Lc.18,1-8).
Sự hài lòng đó là nguyên nhân dẫn đến một tình yêu “đầu môi chót lưỡi”, một tình yêu giả tạo… vì đối với Thiên Chúa còn như thế, thì đối với tha nhân không thể tốt hơn được !
“Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. (Lc.18,1-8)
Vì thế, để trả lời câu hỏi của người thông luật – “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” (Lc.10,29) – Chúa Giê-su đưa ra hình ảnh người Samari tốt bụng.
Ở đây, trước tiên, Chúa Giê-su đã cho thấy tình yêu đối với Thiên Chúa bị đóng khung trong những người tự nhận mình “thông luật” như thế nào, qua sự lạnh lùng của “thầy tư tế, thầy lê-vi” trước một người gặp nạn.
“Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. 32 Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. (Lc.10,30-32).
Tiếp theo, Chúa Giê-su đưa ra hình ảnh người Samari tốt bụng. Ở đây, rõ ràng, tình yêu vượt qua mọi biên giới, biên giới của quốc gia, của tôn giáo, của ý thức hệ…Nó chính là vượt qua mọi biên giới của con tim.
Nhưng một người Samaria kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. 34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiều, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”.(Lc.10,33-35).
Tiếp nối trong cuộc đời, Lời Chúa vẫn mãi mãi cháy bỏng trong một thế giới mà nhiều khi, chúng ta thấy dường như nó đã trở thành vùng đất chết, ở đó, sự giá băng bao trùm vạn vật và đông lạnh mọi con tim.
Chúng ta thử suy ngẫm bản tin này:
Vinh danh một tấm gương Samaria, Đức Thánh Cha an ủi gia đình BS Eleonora Cantamessa.
Đáng lẽ ngày 14 tháng 9 năm 2013 phải là một ngày vui cua ông Mino Cantamessa và bà Mariella ở Bergamo bên Ý, được đứng trước bàn thờ cuả giáo xứ Sant’Anna di Brescia mà 46 năm về trước họ đã thề hưá sống trọn đời trung thủy với nhau.
Đồng thời sẽ là một dịp tạ ơn vì đứa con trai út Louis 35 tuổi vừa mới được thăng chức giám đốc sở xe hoả, thì thay vaò đó là một đám tang cho cô con gái đầu lòng, cô Eleonora Cantamessa, vừa bị giết oan uổng trong một cuộc thanh trừng đẫm máu cuả một băng đảng người Ấn Độ di dân.
Đêm Chuá Nhật ngày 8 tháng 9 trước đó, vào lúc 11g đêm, cô Eleonora Cantamessa 44 tuổi vừa mới đi chơi với một người bạn và đang trên đường trở về nhà, đã gặp một tai nạn đụng xe trên xa lộ có người bị thương, một số xe đã dừng lại quanh đó, và vì là một bác sĩ cho nên cô cũng lập tức dừng xe để giúp đỡ kẻ bị nạn.
Nạn nhân là một thanh niên di dân Ấn Độ tên là Baldev Kumar đang nằm uằn oại trên vũng máu vì bị đánh vào đầu bằng nhiều cây gậy sắt. Điều mà bác sĩ Eleonora không ngờ thì đây là một cuộc thanh trừng nội bộ cuả một băng đảng vì sự tranh giành lợi lộc hoặc chức vụ, mà kẻ hành hung lại không ai khác hơn chính là đứa em trai cuả nạn nhân có tên là Vicky.
Trước đó tên Vicky đã chặn xe cuả người anh trai trên xa lộ, và cùng với 4 đồng bọn dùng gậy sắt, lôi anh mình ra và đánh cho đến khi ngã gục.
Trong khi bác sĩ Eleonora còn đang lúi húi tìm cách cầm máu cho Baldev thì tên Vicky, có lẽ nghĩ rằng cô cũng là đồng bọn cuả người anh, nên đã phóng xe tới với tốc độ thật nhanh và ủi vào cả hai người. Chiếc xe cuả hắn cũng đụng vào và gây thương tích cho 6 người khác.
Bác sĩ Eleonora đã chết ngay lập tức, thanh niên Baldev chết khi xe cấp cứu đến sau đó.
Bác sĩ Eleonora Cantamessa là một bác sĩ sản khoa làm việc tại bệnh viện Sant’Anna di Brescia và đồng thời cũng có một văn phòng tư ở phố Trescore Balneario, tại đó cô rất nổi tiếng là thương người, điều trị miễn phí cho người nghèo, trong đó có cả những người di dân Ấn Độ.
Cái chết cuả cô làm rúng động xã hội Ý, Thị Trưởng Alberto Finazzi đã tuyên bố một ngày để tang cho cô, Tổng Thống Giorgio Napolitano vả Thủ Tướng Enrico Letta cũng đã gửi vòng hoa phúng điếu.
Người ta đi dự đám tang cuả cô rất nhiều, đứng chật các đường phố chung quanh nhà thờ vì trong nhà thờ không còn chỗ chứa. Cộng đoàn người Ấn Độ cũng mặc quốc phục đến phúng điếu, họ giương cao biểu ngữ: “Cộng đoàn Ấn Độ chúng tôi cùng xin chia xẻ nỗi đau cuả quí vị”.
Gia đình của cô cũng chứng tỏ là những Kitô hữu đầy phẩm giá trong nỗi đau, không thịnh nộ và oán giận, ông Mino (bố) tuyên bố: “Tất cả mọi sự đều nằm ở trong kế hoạch của Thiên Chúa và cộng đồng Ấn Độ cũng đã chia xẻ niềm tin vững chắc của chúng tôi là kế hoạch của Thiên Chúa bây giờ chính là xin ơn cứu chuộc và tái sinh cho các thủ phạm trong lúc và sau khi thụ án”.
Để tiếp nối những nghiã cử cuả cô Eleonora đối với trẻ em nghèo, gia đình đã yêu cầu mọi người không mua hoa phúng điếu mà hãy dùng tiền đó để làm việc từ thiện.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong một bức thư gửi cho Giám Mục Luciano Monari, địa phận Brescia, được đọc trong đám tang, đã viết: “Cô ấy đã kết thúc cuộc sống nơi trần thế trong lúc thực hiện nghiã cử cuả một người Samaria nhân lành”.
Ngày thứ Tư vừa qua tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã dừng lại thật lâu để an ủi gia đình cuả cô Eleonora Cantamessa. Ngài không ngớt vỗ về lên má cuả bà mẹ đầy nước mắt.
Sự ân cần cuả Đức Thánh Cha đã gây tác động mạnh mẽ cho gia đình bà và bà Mariella Cantamessa đã tâm sự với tờ báo Osservatore Romano:
“Chúng tôi có cảm tưởng khi được Đức Thánh Cha vỗ về là chính lúc khuôn mặt của Eleonora, tuy đã mất nhưng đang được Ngài vuốt ve vậy. Chúng tôi tuy mang một nỗi buồn lớn lao nhưng cũng tự hào đã chứng kiến một hành động hào hiệp của người Kitô giáo. Chúng tôi không oán trách bất cứ ai về cái chết của Eleonora, Thiên Chuá có kế hoạch riêng cuả Ngài mà Eleonora đã chấp nhận và thực hiện nó, thậm chí hy sinh cả mạng sống cuả mình. Bây giờ, việc quan trọng là truyền đạt thông điệp cuả sự vị tha đó, ngay cả việc phải giúp đỡ các gia đình Ấn Độ đang bị rơi vào trong thảm kịch này.”
4. Sự sống đời đời…
“Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” (Lc.10,25).
Có thể tìm thấy câu trả lời rất rõ ràng trong Tin Mừng của Chúa Giê-su Ki-tô. Cụ thể, như là “Bài giảng trên núi”, ta thường gọi là “Hiến Chương Nước Trời”, hay Tám Mối Phúc Thật”. (Mt.5,1-11)…
Trong một lần đang ở trong vùng sâu vùng xa, tôi nghe một chú bé chừng 11 – 12 tuổi hỏi một cụ già đang ngồi ở trong nhà:
– Ông ơi, cháu nghe nói nhà ông có cây cà-na phải không ? (một loại cây mọc hoang, thân to, trái có vị chua chua ngọt ngọt, chỉ có trái vào mùa nước nổi).
– Ừa, đúng rồi cháu.
– Ông ơi, cháu thích ăn cà-na lắm, chị của cháu cũng vậy, ông có bán trái không ?
– Không đâu, cháu ạ. Ai muốn ăn, cứ tự do…
– Ông ơi, vậy bây giờ làm sao cháu có được những trái cà-na ?
– Ồ, cháu thấy đấy. Ông già rồi, không giúp cháu được đâu ! Cây cà-na đầy trái đang có sẵn, còn làm sao cháu hái được trái, đó là phần việc của cháu đấy, cháu trai ạ !
Ðức Giêsu bảo người thông luật: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”. (Lc.10,26-28).
Các thánh đã trải qua cuộc đời gian khổ, giữ vững Đức Tin trước mọi sóng gió cuộc đời. Các Ngài đã thực thi “Giới Luật Yêu Thương”, với một tình yêu dành cho Thiên Chúa và Tha Nhân bằng tất cả tâm trí.
Khoảng cách giữa sự hiểu biết và thực hành là rất xa, nhiều thách đố. Các thánh đã trải qua cuộc sống trần gian, để lại cho đời nhiều tấm gương để ta suy ngẫm và tiến bước.
Trong dòng đời đầy sóng gió, ta không thể vượt qua nếu không có Ơn Phù Trợ của Chúa, lời cầu bàu của Maria và Các Thánh Nam Nữ.
Với sự yếu đuối kiếp người, ta băn khoăn lo lắng. Trong Tình Yêu Thiên Chúa, ta vững tin tiến bước.
“Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh.4,14).
Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG