Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

CẦN MỘT CON TIM MỚI | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN B
(Mc.7,1-8a.14-15.21-23)

CẦN MỘT CON TIM MỚI 

1 Khi ấy, những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. 2 Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. 3 Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do Thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; 4 thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. 5 Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” 6 Người trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. 7 Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. 8 Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.” 14 Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: 15 Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.21 Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, 22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.  23 Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”

_____________

SUY NIỆM

CẦN MỘT CON TIM MỚI

Khúc nhạc buồn muôn thuở…

Ta vẫn thường nói về lương tâm – lòng tốt, và ai là người có nhân phẩm đều quí trọng điều đó. Trái tim biểu tưởng cho tấm lòng. Cái “Tâm” biểu tượng cho sự chân chính. “Con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối…” (Đêm Nguyện Cầu – Lê Minh Bằng). Ta thường hiểu người tốt, việc tốt, luôn có cái tâm tốt. Đạo đức nghề nghiệp ta hiểu là “lương tâm nghề nghiệp”. Một thầy thuốc, bác sĩ, thầy giáo, thương nhân…làm việc chân chính đều cần có “cái tâm” nghề nghiệp. Người có cái tâm, là người có đạo đức. Thí dụ: Một thầy thuốc có cái tâm là sống với “Y Đức” của nghề mình. Đó là người có lương tâm, nhân tâm, đạo làm người, người đúng thật là người. Nói theo cách nói của Tú Xương: “Người cho ra người”, “Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước. Sao được cho ra cái giống người. (Chúc Tết).

Nhưng, lòng người cứ nhạt dần, chai đá dần… Lòng người như lá úa trong cơn mưa chiều, nhiều cơn gió cuốn, xoay xoay  trong hồn, và cơn đau này vẫn còn đây…”(Bài không tên số 2 – Vũ Thành An).

Lòng người như lá úa…”, đó là khúc nhạc buồn muôn thuở cứ “xoay xoay” trong tâm hồn con người  và “cơn đau này vẫn còn đây…”.

“Sự ‘xuống cấp’ trong tình người, suy cho cùng là điều tất yếu khi xã hội càng ngày càng coi trọng vật chất, lợi lộc bất chính, không có cách nào khác là phải chấp nhận, miễn mình đừng làm hại ai là tốt rồi! – Thái độ thỏa hiệp bất đắc dĩ để sống ấy phải chăng dẫn đến sự lãnh cảm, vô cảm, và một ngày nào đó đến lượt ta nhận chịu”. ( Đôi điều suy gẫm thời “ném đá”- Trần Huyền Ân- Tuổi Trẻ Cuối Tuần 21-6-2015).

Khi lòng người coi trọng vật chất, lợi lộc bất chính… thì cái tâm con người sao còn có thể là “con tim chân chính” được… Con tim không còn chân chính thì cũng có nghĩa là lòng gian dối, và sự giả hình, không còn trung thực, không còn lẽ phải nó sẽ trào ra đủ thứ xấu xa “từ bên trong”.

“Có thể chúng ta bi thảm hóa cuộc sống chăng? Chắc là không. Cuộc sống hiện tại, nhìn bằng con mắt thường, nghe bằng lỗ tai thường, suy nghĩ bằng khối óc thường… đáng buồn lắm! Có quyền, có thế, có tiền, liên kết với nhau thành có lợi. Thường dân bị ức hiếp, hàm oan, kêu đến công lý thì công lý làm ngơ! Dần dà thành quen, việc xấu coi là “chuyện nhỏ”. Sao lại nhỏ? – Phải nhìn thẳng vào thực tế, đừng lạc quan tếu, cũng đừng làm con đà điểu chúi đầu trốn lánh!” (Sđd)

“Đáng buồn lắm” – vì con tim đã ra chai đá, lạnh lùng. Người ta “lãnh cảm, vô cảm”, vì những cái xấu, cái xúc phạm lẽ phải, công lý… đã trở nên quá thông thường đến mức đồng hóa thành “chuyện nhỏ”. Những cái xấu được coi là chuyện nhỏ ấy chất đầy lòng người và làm cho cái tâm của con người ra đen tối.

“Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.  Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (Mc.7,21-23).

Cần một con tim mới

Trong tác phẩm “Anh em nhà Karamarov” của Văn hào Dostoevski có câu chuyện sau đây:  “Vào thời đại của toà phán quan ở Tây Ban Nha, người ta đã dựng những hỏa đài để thiêu sống những kẻ tà giáo.  Đức Kitô dịu hiền đột nhiên đến thăm con cái của Người ở Seville, Người về giữa loài người như một dân thường.  Đức Giêsu bước xuống những con đường sôi bỏng của thành phố phương Nam.  Nơi đây, mới hôm trước, vị phán quan vĩ đại đã cho thiêu sống hàng trăm tên tà giáo “Ad majorem gloriam Dei.”      

Hỏa đài ngay trước khán đài danh dự có đông đủ vô số triều đình, các hiệp sĩ, các mệnh phụ xinh đẹp và cả Đức Hồng Y giáo chủ, Đức Giêsu nhẹ nhàng bước trên đường bằng dáng điệu trầm tĩnh, nhưng lạ lùng tất cả đã nhận ra Người.  Dân chúng xô đẩy nhau quấn quít bước chân Người.  Người lặng lẽ  vào giữa đám đông với nụ cười và ánh mắt từ bi.  Một cụ già mù van xin: “Lạy Chúa, xin cho con được sáng để con nhìn thấy Người.”  Một cái vảy rơi xuống và cụ nhìn thấy được.  Dân chúng vui mừng chảy nước mắt, và hôn lên mảnh đất chỗ Người đi qua.  Những em bé tung hoa trên lối Người đi.

Đức Kitô dừng lại trước giáo đường Seville ngay lúc có đám tang một cô bé bảy tuổi.  Cạnh cỗ áo quan màu trắng phủ đầy hoa, người mẹ đang nức nở.  Trong đám đông có người hô lớn: “Con bà sẽ hồi sinh.”  Người mẹ tha thiết: “Nếu đúng là Người xin hãy hồi sinh đứa con của con.”  Đức Giêsu nhắc lại lời thuở trước: “Talitha Kum” và em bé ngồi lên.

Đúng lúc đó, Hồng Y Giáo chủ và phán quan vĩ đại đi ngang qua.  Từ xa ông đã thấy hết.  Ông thấy chiếc áo quan đặt xuống, đứa bé hồi sinh.  Mặt ông xịu xuống, mắt ông chớp tia sáng ghê hồn.  Ông lấy ngón tay chỉ vào Đức Giêsu và ra lệnh cho bọn lính bắt Người.  Thế lực ông quá lớn nên ông khuất phục cả quần chúng.  Phán quan ra lệnh tống giam Giêsu.  Ông vào ngục một mình gặp Người.  Ông thương cảm nhưng “Luật là luật, trật tự của Giáo hội phải được bảo tồn bằng mọi giá.”  Ông tuyên bố: “Tôi chẳng rõ Người là ai.  Hình như Người là Đức Giêsu, nhân danh Giáo hội, Ad majorem gloriam Dei, ngày mai Ngài cũng lên giàn hỏa.”

Trái tim của các Biệt phái và Ký lục Do Thái vẫn còn đó… Nó ở trong lồng ngực của con người hôm nay, không khác biệt gì… Vô tâm và vô cảm trước đồng loại trở thành thứ thành lũy an toàn bao bọc bảo vệ bản thân riêng mình. “Kêu đến công lý thì công lý làm ngơ”, có lẽ vì công lý đã bị đóng đinh, công lý đã chết!

Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. (Ed.36,26).

Một quả tim mới mang tình yêu Giêsu – Một quả tim bằng thịt để biết rung động chạnh lòng thương như Thánh Tâm Giêsu.

Để được như vậy, con người không phải chỉ lo rửa tay, rửa những thứ bên ngoài, mà phải rửa chính tâm hồn.   Một tâm hồn biết lắng nghe và thực hành  Lời Chúa, tâm hồn đó mới có thể “tẩy sạch” mọi thứ ô uế xấu xa làm băng hoại cả đời người.

Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành. (Ed.36,27).

Lạy Chúa,

Xin đổi mới tâm hồn con
Cho con luôn sống trung thực và trung thành với Chúa
Để con luôn biết tin, biết yêu, biết trông cậy Chúa
Biết đến với tha nhân với tình yêu Chúa.

Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
____________

Nếu các bạn muốn đọc thêm bài suy niệm khác, xin mời vào địa chỉ:
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/703-chua-nhat-22-thuong-nien-b-tu-ben-trong

 

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button