Tiệc | NVT
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN C
(Lc.14,1.7-14)
***
TIỆC
1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.
7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: 8 “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, 9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. 10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. 11Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
12 Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. 13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. 14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”
_____________
SUY NIỆM
TIỆC
1. Những bữa tiệc trong cuộc đời.
Tiệc được định nghĩa là: “Bữa ăn có nhiều món ngon, đông người dự, nhân một dịp vui mừng” (Đại từ điển Tiếng Việt, Nguyễn Như Ý chủ biên 1998).
Có thể thấy rõ ba điều kiện để có được một bữa tiệc: “Miếng ăn. Người dự. Niềm vui”. Nên trước khi tổ chức tiệc, người ta phải có những bước chuẩn bị: “Ăn gì ? Mời ai ? Để niềm vui được trọn vẹn”
Vì thế, mục đích của bữa tiệc là niềm vui. Niềm vui của người đi dự tiệc và của chủ tiệc. Một trong hai phía không vui, thì bữa tiệc không vui. Bữa tiệc không đạt được mục đích.
Niềm vui ấy đến từ sự chia sẻ, nên, tất nhiên, nó đến từ tình thương. Chỉ có niềm vui khi có tình thương.
Bữa tiệc là nơi gặp gỡ của những người yêu thương nhau. Tình thương là tâm điểm của bữa tiệc. Miếng ăn chỉ đóng vai trò “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Miếng ăn thật sự chỉ ngon khi tình thương chan hòa trong bữa tiệc. Nếu miếng ăn là mục đích chánh của bữa tiệc, thì, vì “miếng ăn là miếng tồi tàn”, nên bữa tiệc cũng không thể đạt đến niềm vui cao cả được.
Thi sĩ Tản Đà đã nêu ra bốn tiêu chuẩn để có bữa ăn ngon miệng như sau: “Thức ăn ngon. Lúc ăn ngon. Chỗ ăn ngon. Người ăn cùng ăn ngon”.
Người cùng chung tiệc chính là phần quyết định cho bữa tiệc vui trọn vẹn hay không! Một bữa tiệc mà tất cả xem nhau như huynh đệ, như anh em một nhà, bữa tiệc đó mới no đầy niềm vui.
Vấn đề vị trí chỗ ngồi không phài là không có phân biệt. Cuộc sống luôn có thứ tự lễ nghĩa nề nếp của nó. Đó là vấn đề nhân bản tất nhiên. Nhưng vấn đề là tinh thần khiêm tốn trong quan hệ với nhau. Bữa tiệc không phải là nơi phô trương thanh thế, càng không phải là nơi cấu xé hay hạ nhục nhau.
Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người (Lc.14,1).
Bữa tiệc, thay vì là niềm vui gặp gỡ, niềm vui chia sẻ, niềm vui xum họp, lại chỉ lo cạnh tranh người lớn kẻ nhỏ, để tâm phân biệt kẻ sang người hèn, đo lường kẻ thấp người cao…Bữa tiệc ấy thiếu vắng tình thương, không thể là bữa tiệc vui được.
Có nhiều người đi tiệc về lòng tức giận, vì chủ nhà đã xem mình thấp kém hơn người kia, kẻ nọ…Ngược lại có nhiều người quay trở về nhà lòng hả hê, vì những tên kia toàn ở “chiếu dưới”… Nhưng điều đáng nói nhất, trong lòng những người ấy, không có lấy một chút vui mừng nào chia sẻ với niềm hạnh phúc của chủ nhà trong tiệc vui ấy, vì họ đi dự tiệc là tìm niềm vui cho riêng họ ! Lòng tìm sự tự tôn, thì làm sao chia sẻ cùng ai.
Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. (Lc.14,11).
1. Tiệc Ly
Ai không sống tinh thần Bữa Tiệc Ly của Chúa Giê-su, thì không thể dự Bữa Tiệc Nước Trời.
Tinh thần “Bữa Tiệc Ly” là quy luật cho “những bữa tiệc trong cuộc đời”, để những bữa tiệc ấy trở thành những bữa tiệc đem lại yêu thương, chia sẻ buồn vui với nhau trong cuộc sống.
Thiên Chúa ở trên trời giáng trần nay quỳ xuống rửa chân cho người trần thế, còn người trần thế thì nhân danh Đấng ở trên trời…hạ bệ, đè bẹp đồng loại. Có thể thấy rõ điều đó ở mấy ông Pha-ri-sêu ngày xưa và rất nhiều ông thầy tu chức cao quyền trọng ngày nay.
Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu ! Các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng… Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật ! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào. (Lc.3,43-45).
Kẻ đi dự tiệc không tìm danh vọng, người tổ chức tiệc cũng không nhắm tới cao sang. Kẻ đi dự tiệc không vênh mặt tự hào được ngồi ở chỗ cao. Người chủ tiệc cũng không phô trương “tiệc của tôi toàn là thượng khách”, nói theo ngôn ngữ ngày nay, toàn là những nhân vật VIP trong xã hội. (Very Important Person).
“Nhưng nếu Thầy là thầy, là Chúa, mà còn rửa chân cho các con thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con, để các con cũng làm như thầy đã làm cho các con” (Ga. 13:14-15).
Bầu khí chan hòa tình yêu trong Bữa Tiệc Ly làm cho tất cả mọi người trở nên một – trong một Tình Yêu Thiên Chúa.
Vì là anh em với nhau, nên không có kẻ sang người hèn, kẻ thấp người cao. Vì là tình huynh đệ, nên bữa tiệc không phải là chuyện trả vay – vay trả, ngấm ngầm mưu chuyện lợi lộc hay lợi dụng trong đó. Đơn giãn, đó là sự chia sẻ tận tình những vấn đề trong cuộc sống.
“Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. 13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. 14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.” (Lc.14,12-14).
Xuyên suốt những lời giảng dạy của Chúa Giê-su đều là những lời kêu gọi sự chia sẻ từ tấm lòng yêu thương đồng loại. Dù chuyện nhỏ hay lớn, buồn hay vui, đồng môn thân thích hay là kẻ xa lạ, người ngoại giáo…
“Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. (35) Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; (36) Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm”. (Mt.25,34-35).
Nếu cuộc đời được hiểu là một bữa tiệc lớn, là những bữa ăn nối tiếp, là nhu cầu để sống, tinh thần và vật chất…thì sự chia sẻ của con người với nhau – của đồng loại – là không thể thiếu từng phút giây, hình ảnh anh em, nhất là những người bất hạnh, những người cùng khổ, không thể mờ phai trong con tim của những người nhuần thấm Tình Yêu Giê-su, Tình Yêu Thiên Chúa.
Có một giai thoại thật thú vị về Gandhi, một vĩ nhân rất mến mộ Chúa Giê-su và quý trọng những lời giảng dạy của Ngài:
Có lần trong lúc vội bước lên xe lửa, Mahatma Gandhi đã đánh rơi một chiếc giầy xuống đường ray và không thể nào lấy lên được vì xe lửa đang lăn bánh. Ông bèn cởi ngay chiếc giày còn lại và ném ra xa xuống đường ray, gần chỗ chiếc giầy đã rớt, trước sự ngạc nhiên của những người trên xe.
Một hành khách không nén được thắc mắc đã lên tiếng hỏi ông tại sao lại làm như vậy. Gandhi mỉm cười và đáp:
– Khi một người nghèo nào đó thấy được chiếc giầy thứ nhất trên đường ray thì họ cũng sẽ tìm thấy được chiếc giầy thứ hai, và như vậy họ sẽ có đủ cả đôi để mang.
3. Tiệc Nước Trời
Có một câu chuyện vui được tưởng tượng và trở nên rất quen thuộc về Bữa Tiệc ở Thiên Đàng và Hỏa Ngục.
Ở Hỏa Ngục, trên bàn tiệc ê hề món ngon vật lạ, nhưng bầu khí buồn rũ rượi, vì trên tay mọi người đều buộc một đôi đũa rất dài, họ không thể gắp thức ăn đưa vào miệng của mình. Chính vì không ăn được nên họ buồn, tức bực, có khi đánh nhau.
Ở Thiên Đàng, cũng thế, trên bàn tiệc cũng đầy ắp những món ngon vật lạ và đôi tay mọi người cũng buộc một đôi đũa rất dài không khác gì dưới hỏa ngục. Tuy nhiên, bầu khí bữa tiệc thì khác hẳn: rất vui vẻ, rất thư thái bình an, tràn đầy yêu thương và hạnh phúc. Mỗi người không gắp thức ăn đưa vào miệng của mình, nhưng đưa vào miệng người đối diện hoặc người bên cạnh, nên ai nấy đều được ăn no, ăn thoải mái. Dường như họ rất hiểu ý nhau, gắp cho nhau những món ăn mà người ấy thích. Họ nói chuyện ca hát thật vui vẻ và hạnh phúc.
Bài học rút ra là: thiên đàng và hỏa ngục chỉ khác nhau một đều căn bản, đó là tình thương. Thiên đàng là bàn tiệc của những người quảng đại luôn yêu thương quan tâm đến người khác; còn hỏa ngục là bàn tiệc của những người ích kỷ chỉ biết lo lắng cho cái tôi của mình. (Internet).
Thiên Chúa là Đấng Tối Cao, nhưng Ngài đã cúi xuống để nâng con người lên. Còn con người khi ở đỉnh cao một chút, lại rất khó cúi xuống để nâng đỡ đồng loại.
Thiên Chúa là Đấng Toàn Thiện. Đấng “thánh, thánh, thánh”, Ngài đã cúi xuống để đỡ con người dậy thoát vũng bùn nhơ. Còn con người, một số thấy mình quá thánh thiện, tự phong thánh cho mình, thì nhìn thấy ai cũng là dòng họ ma quỷ !
Nhiều vị tự thấy mình là bậc “chân tu”, nên “bữa tiệc trong lòng”, không thể có tên những người mà dưới mắt các vị này là nhơ nhớp. Họ – những người nghèo nàn của cải vật chất, nghèo nàn của cải tinh thần – làm gì có vé được mời từ những vị giàu có vật chất và tự thấy mình giàu có cả điều chân thiện ! Đơn giản, vì những người nghèo ấy không có gì đáp lễ.
“Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”(Lc.14,14).
Ta có thể suy ngẫm thêm câu chuyện này.
Vào một mùa đông lạnh giá hết sức khắc nghiệt của nước Anh, một phụ nữ quý tộc nổi tiếng thường được gọi một cách trân trọng là Lây-đi Grây ( Lady Grey ), đã nghĩ ra một sáng kiến, quyết định bí mật cải trang thành một người hành khất đi ăn xin từng nhà trong thủ đô Luân-đôn.
Đến một số nhà, bà bị xua đuổi một cách tàn nhẫn. Ở một số nơi khác, bà chỉ được bố thí cho những thứ đáng vứt vào thùng rác. Hầu như tất cả những nơi ấy lại đều là những gia đình quý tộc giàu có. Thế rồi, bà lại tìm đến những khu nhà lụp xụp nghèo nàn nhất. Tại một túp lều xiêu vẹo, bà đã được một ông lão tàn tật ân cần mời vào sưởi ấm bên bếp lò, cùng chia nhau một miếng bánh mình đen…
Hôm sau, người phụ nữ quý tộc ấy đã nói các người hầu đến mời tận nhà những nơi mà đã đến xin ăn vào buổi tối hôm trước. Tất cả được mời vào căn phòng chiêu đãi trong dinh thự của bà, mỗi người có chỗ ngồi riêng được dọn sẵn. Họ trông thấy trước mặt mình là những món ăn y như cái họ đã đem bố thí cho bà già hành khất: người thì là một miếng bánh mốc đen không thể ăn nổi, người thì củ khoai thối, người thì một cốc nước lã bẩn thỉu, lại có một số đĩa ăn trống không chẳng có gì… Ngược lại, khá nhiều mâm lại được dọn thật trang trọng gồm những cốc sữa tươi, những mẩu bánh mì nóng giòn, những miếng bơ be bé nhưng ngon lành. Mọi người đang còn ngẩn ngơ chưa hiểu là thế nào, thì bà chủ nhà xuất hiện và giải thích:
“Ngày hôm qua, tôi đã đích thân thử đi ăn xin từng nhà ở mảnh đất Luân-đôn này, ý tôi chỉ muốn biết rõ hơn về tấm lòng nhân ái của chúng ta. Hôm nay, tôi xin được đáp lễ quý vị bằng cách mời quý vị dùng bữa ăn là chính những thứ quý vị đã bố thí cho tôi. Tôi tin rằng chúng ta cũng sẽ được tiếp đãi như vậy trong bữa tiệc mai sau, trước mặt Thiên Chúa là Đấng mà bây giờ có lẽ Người đang đứng trước cửa ngôi nhà của chúng ta để trông đợi tấm lòng nhân ái của chúng ta…”
Đến lúc này, bà mới cho mời những thực khách đặc biệt của bà bước vào, đó chính là những con người nghèo hèn nhưng lại giàu sự chia sẻ chân thành. Trong số ấy có cả ông lão tàn tật đêm hôm trước. Tất cả đã được mời dùng bữa khá thịnh soạn, khi ra về lại được tặng thêm nhiều lương thực thực phẩm, một số tiền và quần áo ấm có thể giúp họ và gia đình vượt qua mùa đông năm ấy… (Internet)
Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. “Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.” (Lc.13,29-30).
Lạy Chúa,
Biết bao lần con dự những tiệc vui…
Tiệc tàn rồi tâm hồn nghe trống trải…
Rượu nồng đâu ấm được lòng tê tái…
Tiếng cười vui không xóa được giọt sầu.
Trăm nỗi lo đời thay đổi bể dâu…
Vẫn còn đó khi tiệc đời khép lại…
Con mong đợi tiệc tình thương ngày mới,
Nỗi vui buồn không còn của riêng ai.
Là vòng tay đan kết lại vòng tay…
Tiệc Nước Trời – Tiệc Tình Thương ấm áp.
Đời vụn dại biết lấy gì bù đắp…
Tiệc vui nào bằng lòng Chúa yêu thương? Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG