Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Chỉ thiếu có một điều | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN B-15
(Mc.10,17-30)

CHỈ THIẾU CÓ MỘT ĐIỀU

17 Khi ấy Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” 18 Đức Giê-su đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. 19 Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” 20 Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” 21 Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” 22 Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

23 Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” 24 Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! 25 Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” 26 Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu? ” 27 Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”

28 Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” 29 Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, 30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau”.

____________

SUY NIỆM

CHỈ THIẾU CÓ MỘT ĐIỀU

Tiền

+ Chướng khí của tiền bạc

Trong bộ sách Điên Như Hiền Giả có câu chuyện Chướng khí của tiền bạc xảy ra vào khoảng năm 250 trước công nguyên, nội dung thế này:

Ông triết gia tên Ariston ở Athènes có lập trường riêng của mình và tự cho rằng mình rất dửng dưng trước mọi thứ lợi lộc, tiền của. Mọi thứ có thể tốt, mà cũng có thể xấu nên lòng bình thản chẳng có gì ham hố vội vui vội mừng.

Ông Persarios, một trí thức cùng thời cho rằng ông Ariston chỉ là người giả tạo, luận điệu ba phải, ông quyết chấm dứt trò đóng kịch của Ariston.

Nghĩ thế, một ngày nọ, khi cơ hội đến, ông quyết thực hiện ý định của mình.

Persarios để cẩn thận tất cả tiền tiết kiệm của mẹ ông trong một cái giỏ. Liếc qua ai cũng biết đó là một số tiền lớn. Ông còn  thêm vào đó tiền tiết kiệm của ông và nhờ một trong hai đứa bé con nuôi sinh đôi đem đến nhà ông Ariston. Persarios đứng cách vài căn nhà để canh, chú bé khệ nệ khiêng cái giỏ trên vai. Đến nhà Ariston, chú bé để cái giỏ trước cửa nhà. Chú gõ cửa, chú kêu cửa và cuối cùng Ariston đi ra.

  – Ông là ông Ariston? Chú bé hỏi.

  – Chính tôi

 – Cháu có một số tiền khá lớn phải đưa cho ông Ariston. Nhưng cháu muốn biết chắc để không đưa lầm người.

 – Nhưng ai gởi tiền cho tôi?

 – Có một người nhưng cháu không thể nói tên. Nhưng ông biết làm gì nếu số tiền này bây giờ là của ông?

 – Con có lý.

 – Ông hẳn hạnh phúc khi nhận món quà từ trên trời rơi xuống…

 – Tôi không biết. Cũng có thể tốt mà cũng có thể xấu. Ai biết được? Ngày mai tôi có thể có một cái nhà mới mà không chừng cái mái nhà này có thể rớt xuống trên đầu tôi. Chuyện gì thì chuyện cũng chẳng nên mừng vì mình không biết chuyện gì sẽ xảy ra, nên con thấy đó, tôi thật dửng dưng khi thấy cái giỏ này.

Ngay lúc đó, chú bé sinh đôi kia đi qua. Thấy em mình, chú tiến tới, cúi xuống và lấy cái giỏ rồi đi thẳng. Không nói một tiếng, Ariston nhìn theo chú bé, lòng nhói lên nỗi lo một chút nhưng ông vẫn giữ thái độ dửng dưng. Ông nhìn theo và không hiểu vì sao cái giỏ nan vô nghĩa này lại vừa đến đã vội đi:

 – Mới vừa rồi tôi tưởng cái giỏ đó của tôi, mà bây giờ…

 – Nhưng ông nói…

 – Tôi nói cái gì?

 – … là ông dửng dưng trước mọi chuyện.

 – Đúng vậy.

 – Vậy thì vì sao ông than mất tiền nếu vì đồng tiền này làm cho ông trượt đà?

 – Con có lý. Tiền bạc không làm cho con người dễ dàng đi trên con đường đức hạnh. Nhận số tiền này chắc chắn tôi sẽ gặp hiểm nguy. Nếu tiền này còn ở đây, tôi sẽ tiêu. Nếu nó không còn nữa, cũng tốt thôi”.

Ariston đưa tay lên sờ râu, thốt ra một tiếng thở dài. Cuối củng ông hỏi:

 – Con có biết thằng bé kia đi hướng nào không?…


[Chúng ta sống bề ngoài đây chăng?]

(Lược ghi và trích trong Điên Như Hiền Giả. NXB. Antôn – Đuốc sáng).

+ Sự chọn lựa cách sống

Trong câu chuyện người xưa “Chướng khí của tiền bạc” ta thấy ma lực của nó nằm trong chính lòng người.

Câu nói của Ariston với đứa bé xem ra thật đầy bản lĩnh đạo đức: Tiền bạc không làm cho con người dễ dàng đi trên con đường đức hạnh. Nhận số tiền này chắc chắn tôi sẽ gặp hiểm nguy. Nếu tiền này còn ở đây, tôi sẽ tiêu. Nếu nó không có nữa, cũng tốt thôi.”

Nhưng, cuối cùng, ông hỏi: Con có biết thằng bé đi hướng nào không?”. Câu nói được thốt lên rõ ràng từ một tâm hồn bất an.

Cả hai lời nói của cùng một con người Ariston, nhưng một, từ “kịch bản” để sống bề ngoài, và một, từ sâu thẳm thật sự trong tâm hồn.

“Tôi thật dửng dưng khi thấy cái giỏ này” – Không đúng !

+ Ơn gọi

Mức độ và cách sử dụng tiền của có khác nhau, tùy ơn gọi mỗi người. Nó cần tấm lòng trước đã.

Chúng ta ai cũng hiểu mỗi người điều có ơn đặc sủng để sống ơn gọi riêng của mình.

Các tông đồ được Chúa tuyển chọn, có sứ mệnh riêng và cách dùng tiền của phù hợp với lối sống của mình.

Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. (Mc.6,8-9). 

Những tín hữu,  biết sử dụng đồng tiền theo hoàn cảnh sống của riêng mình, với tất cả tấm lòng yêu mến Chúa.

“Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.” (Mc 12:41-44)

Nói chung, rõ ràng, đồng tiền được sử dụng để phụng sự Chúa và phục vụ anh em từ cái tâm chân thật vả biết yêu thương.

Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.(Mt.25,34-36).

 + Chỉ thiếu một điều thôi.

“Chỉ thiếu cómột điều”. Thiếu điều gì ? – Thiếu sự Phó Thác Tin Tưởng hoàn toàn vào Chúa.

Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.(Mc.10,22).       

Chàng trai không thể bán hết của cải đi vì “tiếc của” chỉ là một phần của vấn đề, còn khía cạnh khác nữa: – bán sạch hết rồi, theo Chúa có được gì không? – Cuộc sống rồi ra sao? Đang sống ấm cúng với cuộc sống đầy dư, bây giờ theo Chúa biết đâu chỉ là cuộc sống trôi nổi, trắng tay. “Con chồn có hang, chim trời có tổ, con người không chỗ tựa đầu” (Lc 9, 57-62). Chính các môn đệ cũng đã băn khoăn điều đó – và có vẻ như các môn đệ đọc được điều băn khoăn trong lòng của chàng trai giàu có, từ nỗi băn khoăn của chính mình.

Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy! (Mc.10,28).

Đây không chỉ là lòng tham tiền của, mà là khát vọng sống, và sống sung túc, mà tiền của là điều đáp ứng có thể thấy ngay trước mắt, thế nên, chàng trai kia – hay có thể cả chúng ta nữa – đều dừng lại ở sự bảo đảm của tiền của. Điều đó, cho chúng ta thấy hạt giống lời Chúa chưa đủ mạnh để nẩy mầm trong lòng chúng ta. Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”. (Ga.10, 10).

Vì thế, có mấy ai  lại dửng dưng thật sự với tiền của? Điềm đạm đến như nhà hiền triết Ariston mà vẫn để lộ lòng bận bịu với tiền không sao dấu được.

+ Thế thì ai có thể được cứu?

Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”(Mc.10,27).

Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có  thể vì Thiên Chúa biết con người yếu đuối và Thiên Chúa luôn hằng yêu thương con người.

Không phải con người dám hy sinh tất cả vì Thiên Chúa, mà Thiên Chúa dám hy sinh tất cả vì con người.

Nên, không phải là chuyện con người buông tiền ra để  “mua lấy công đức”, “mua lấy sự cứu rỗi”, mà chỉ  vì con người được Chúa yêu thương. Tất cả là Hồng Ân, không phải là cuộc trao đổi.

Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.(Lc.18,9-14).

Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể, vì Ngài thực hiện cả việc mà trong tầm mắt phàm nhân là chuyện điên rồ.

“Thập giá là một sự điên rồ đối với dân ngoại, và là một điều ô nhục đối với người Do thái” (1 Cr 1, 23).

Chỉ thiếu một điều thôi: – Ta thiếu Đức Tin lớn mạnh vào Thiên Chúa.

Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: “rời khỏi đây, qua bên kia!” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.(Mt.17,20).

Lớn mạnh như … hạt cải thôi – Chúa không đòi hỏi những gì vượt quá sức chúng ta. Với tâm tình đơn sơ phó thác của chúng ta nhỏ bé thôi, như em bé hồn nhiên tin tưởng và phó thác  tựa nương hoàn toàn vào cha mẹ nó. Điều đó, cũng có nghĩa là không tin vào điều gì, không còn tin ai, ngoài Chúa.

“Chúa Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy nói thật với anh em:- Nếu anh em không trở nên như trẻ nhỏ này, thì sẽ chẳng được vào nước Trời” (Mat 18:2-3).

Ai cũng hiểu rằng:

Tiền bạc không đem lại sự bình an trong cuộc đời này.

Chúa Giê-su đứng dậy, ra lệnh cho gió và biển, tức thì sóng gió yên lặng. (Mt 8,23-27)

Tiền bạc cũng không đem lại cho con người sự sống.

Đức Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.(Ga.14,6).

Cuối cùng, chúng ta kết luận, chỉ có Chúa, là sự sống là hạnh phúc vĩnh hằng cho nhân thế, cho đời ta.

Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”. (Ga.10, 10).

Nên ta phải đặt niềm tin trọn vẹn vào Chúa .

Có thề ta có tất cả, làm được tất cả, chỉ thiếu có một điều , thiếu Đức Tin vững vàng vào Chúa, tất cả đều sụp đổ.

Lạy Chúa,        

Xin cho lòng con an bình
Tất cả tùy Tình Thương Chúa.

Cho con luôn trung thành đi theo Chúa
Trên mọi nẻo đường…
Đừng vì lợi lộc thế gian mà chùn bước.

Ngay khi con ngoảnh mặt
Xin đừng bỏ rơi con…
Đời con phó thác nơi Chúa…
Xin thương yêu đón nhận đời con. Amen

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
___________
Nếu bạn muốn xem thêm bài suy niệm khác, xin mời vào địa chỉ :
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/726-cn-28-tn-b-khi-niem-vui-vut-tat

 

Bài liên quan

Back to top button