Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Hãy lắng nghe và hãy nói lên | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN B
(Mc.7,31-37)

HÃY LẮNG NGHE VÀ HÃY NÓI LÊN 

Đức Giê-su làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được. 31 Khi ấy, Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. 32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. 33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. 34 Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra! 35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. 36 Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. 37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”

____________

SUY NIỆM

HÃY LẮNG NGHE VÀ HÃY NÓI LÊN 

+ 1. Không thể và không muốn nghe…

Ai cũng biết lỗ tai là cơ quan thính giác của con người. Lỗ tai không còn nghe được thì gọi là điếc, đó là đôi tai thể chất bệnh hoạn. Điều đó rất rõ ràng và dễ hiểu!

Nhưng, thực tế, có những người còn đó lỗ tai lành mạnh nhưng vẫn không thể nghe được.

Không nghe được, có khi vì không muốn nghe. “Không ai điếc bằng người không muốn nghe” (Khổng Tử).

Không nghe được, có khi không có khả năng nghe. “Đàn gẩy tai trâu” (Tục ngữ VN).

Không nghe được, có khi không có khả năng gạn lọc đâu là điều đáng nghe, đâu là điều không nên nghe. Dễ tin vào “tin vịt”…

+ 2. Không thể và không muốn nói…

Lưỡi  là cơ quan vị giác của con người. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc nói. Trong ngôn ngữ thường ngày ta vẫn nói về vai trò của lưỡi trong việc “ăn nói”, kể cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. “Tên đó miệng lưỡi lắm”; “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, miệng không vành mó méo tứ tung”…

Những thứ bệnh hoạn thể chất về “lưỡi” nói theo cách hiểu thông thường là câm, cà lăm, ngọng nghệu

Hậu quả của nó là không thể nói, hay khó nói, ngại nói, sợ nói, làm biếng nói…

Nhưng, thực tế, có những người còn đó miệng lưỡi lành mạnh nhưng vẫn không thể nói được.

Không nói được vì không muốn nói. “Không ai câm bằng người không muốn nói” (Khổng Tử).

Không nói được vì không biết gì để nói. “Nó cứng họng khi người ta hỏi nó”.

Không nói được vì không biết nói được điều gì ích lợi. “Ăn nói lung tung; phát ngôn bừa bãi”.

+ 3. Hãy lắng nghe…

– Nghe gì ?

Trong hỗn độn âm thanh của cuộc đời, làm sao ta nghe được những tiếng nói thiêng liêng trong sáng, làm sao ta nghe được lời châu ý ngọc, làm sao ta nhận ra lời thiêng ý thánh, làm sao ta gạn lọc được lời hay ý đẹp

Ta cần có đôi tai tâm hồn. Ta cần có đôi tai lành mạnh, đôi tai biết tiếp nhận và gạn lọc để đưa vào tâm hồn ta những ý nghĩa cao đẹp của cuộc sống. Ta phải biết bỏ ngoài tai những thanh âm rác rưởi và đưa vào lòng ta những âm thanh mang hơi thở ngọt ngào của cuộc sống.

“Ai có tai để nghe thì hãy nghe” (Mc.4,23).

“Có tai để nghe” thì đã có, còn “hãy nghe” thì nghe gì?

Chính là “nghe Lời Chúa”.

Biết lắng nghe Lời Chúa, là điều “cần thiết” nhất trong cuộc đời ta.

“Macta! Macta, con băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một điều cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất”. (Lc 10, 38-42).

Vì, “nghe và giữ lời Thiên Chúa” là phúc thật cho đời ta.

“Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy” ( Lc 11, 27 ). “Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa còn có phúc hơn” ( Lc 11, 28 ).

+ 4. Hãy nói lên…

– Nói gì ?

Hãy Ca Tụng Thiên Chúa, và loan truyền Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô về Tình Yêu Thiên Chúa.

Điều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà. (Mt.10,24-33).

Hãy dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ. Cảm tạ là tiếng nói của người được yêu và biết đáp lại tình yêu.

“Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này? (Lc. 17,11-19).

Hãy lên tiếng bênh vực Chân lý. Đừng “rửa tay” lẫn tránh trách nhiệm.

Tổng trấn Philatô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!’” (Mt.27,24).

Hãy loan báo Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh dù thuận lợi hay đầy thử thách.

Phúc thay anh em khi v́ Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.
Anh em hăy vui mừng hớn hở, v́ phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5, 1-12). 

+ 5. Cách nghe và cách nói…

Trong thực tế đời thường, người ta cũng có những “cách nghe và cách nói” bằng cách tỏ thái độ.

Thái độ lạnh lùng, bất hợp tác… để nói lên rằng người muốn nghe, không muốn tin những lời ai đó nói. Ta cũng thường nghe nói “im lặng là đồng lõa”.

Thái độ vui tươi, gật đầu, quan tâm… hay thái độ đanh đá, hung hăng, bạo lực nói lên cách ứng xử của con người với nhau, từ người dân đến vua chúa quan lại…

a / – Cách nghe

Người xưa để lại câu chuyện này:

Khổng Tử khi sang nước Tề, đi qua núi Thái Sơn, thấy một người đàn bà khóc ở ngoài đồng, nghe thê thảm lắm. Ngài nói rằng:

Người đàn bà này xem như trong nhà có trúng tang. Rồi sai thầy Tử Cống đến hỏi.

Người đàn bà thưa rằng:         

Ở đây lắm hổ, bố chồng tôi đã chết về hổ, chồng tôi đã chết về hổ, bây giờ con tôi lại chết về hổ nữa. Thê thảm lắm ông ạ!

Thầy Tử Cống bảo:

Thế sao không bỏ chỗ này đi chỗ khác?

Người đàn bà nói:

Tuy vậy nhưng chính sách quan trên không đến nỗi hà khắc, tàn bạo như các nơi khác.

Thầy Tử Cống đem câu chuyện thưa lại với Đức Khổng Tử, Đức Khổng Tử nói:

Các ngươi nhớ đây: Chính sách hà khắc khốc hại hơn là cọp dữ.

Thái độ người dân bỏ đi chấp nhận cuộc sống hiểm nguy để xa lánh chính quyền là tiếng nói thầm lặng nhưng mãnh liệt, không biết hạng vua quan có nghe và hiểu được điều gì không? Hay nghe mà cũng như điếc vì không muốn nghe… Nhìn vào thế giới đó đây ai cũng thấy rõ chuyện đó ban ngày…

b / – Cách nói

“Ép-pha-tha”, xin mở tai miệng con…

Thế giới ngày nay không quyết tâm  loại trừ Thiên Chúa bằng cách nghiêm cấm những hình thức tôn thờ, mà cố gắng làm mờ nhạt hình ảnh Thiên Chúa bằng việc xóa dần những giá trị đạo đức nhân phẩm qua những thú vui dục vọng của con người,  hạ thấp nhân vị con người và đưa ra những hình ảnh về cuộc sống hưởng thụ “thiên đàng vật chất” lệch lạc và ích kỷ bóp chết cái thiện căn ở trong cái tâm của con người, để từng bước đưa con người đến con đường chối bỏ Thiên Chúa.

Rồi sau cùng khi đưa ngài lên đỉnh non cao, cho thấy tất cả vinh quang trần thế, hắn nói với ngài: “Nếu ông sấp mình thờ lạy ta, thì tất cả thuộc về ông” (Mt 4:9).

Dần dần con người sẽ khép kín tai- mắt- miệng, khép kín từ tâm, mất dần cảm thức tội lỗi, khô khan và lạnh lùng trước đồng loại.

Có câu chuyện của người xưa đáng cho ta suy nghĩ:

Mặc Tử ở nước Lỗ sang nước Tề thăm nhà bạn cũ.  Người bạn cũ trách Mặc Tử:

“Bây giờ thiên hạ còn ai biết đến việc nghĩa, quan lớn cũng như quan bé, mạnh ai nấy sống, lấy cái công làm cái tư, ông tự khổ thân một mình làm việc nghĩa chi cho nhọc xác?” 

Mặc Tử trả lời:

Tôi hỏi ông, nhà có mười đứa con, một đứa cày, chín đứa ngồi ăn, thì chẳng phải đứa cày phải cày chăm hơn sao?  Bởi vì đứa cày thì ít đứa ăn thì nhiều.  Thiên hạ bây giờ không ai chịu làm việc nghĩa, ông phải khuyên tôi cần làm việc nghĩa nhiều hơn mới phải chứ, sao lại ngăn tôi?”

Hãy mở ra ! – Lời truyền của Chúa Giêsu Kitô – Đấng đầy uy quyền và tình thương. Ngài là Đấng Cứu Chữa và ban ơn tái sinh cho con người. Ngài đem lại cho cuộc đời những gì là Chân Thiện Mỹ mà con người đã đánh mất.

“Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.” (Mc.7,27).

Ngài dạy con người biết lắng nghe và rao giảng Tin Mừng về Thiên Chúa là Người Cha Nhân Từ luôn yêu thương con người và mọi người là anh em với nhau. Ngài là “đường, là sự thật và là sự sống”(Ga.14,6), Ngài dẫn đưa con người về Nguồn Sống đích thực của nhân loại.

Lạy Chúa,

Xin cho con luôn biết lắng nghe,
và trung thành loan báo Lời Chúa

Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

 

Bài liên quan

Back to top button